Làm sao để sống cùng sang chấn
Bản chất của những vết thương tâm lý là chúng sẽ không bao giờ hoàn toàn biến mất.
Bản chất của những vết thương tâm lý là chúng sẽ không bao giờ hoàn toàn biến mất. Chúng lẩn khuất như bóng ma, chờ đợi những lúc ta mệt mỏi, lo âu hay bị tình yêu chối từ để quay lại siết chặt tâm trí, gieo rắc những câu chuyện đen tối trong ta.
Nhưng điều đó không có nghĩa là ta phải để chúng phá hỏng đời mình mãi mãi. Những triệu chứng ấy có thể được kiểm soát, và ta có thể học cách né tránh những tác động tồi tệ nhất. Từ đó, từng ngày trôi qua sẽ lại được thắp sáng bởi sự tự do và sáng tạo.
Tuy nhiên, hành trình này đòi hỏi sự kỷ luật. Có những điều ta cần nhắm đến, và có những điều cần thẳng thừng né tránh. Một cuộc sống bình yên có thể cần đến những gợi ý sau:
NHỮNG ĐIỀU NÊN TRÁNH
1. Quá nhiều cam kết
Nỗi buồn sâu thẳm nhất thường nảy nở trong sự hỗn loạn. Chúng ta không thể để bản thân mãi là con tin của sự bận rộn, nhắm mắt làm ngơ trước cách nó bào mòn tâm hồn ta. Bình yên nên trở thành kim chỉ nam – thậm chí có thể nói là ý nghĩa cốt lõi của cuộc đời. Ta cần nhận ra mình khao khát sự tĩnh lặng đến nhường nào và nó đáng giá hơn danh vọng, tiền bạc, thành công hay sự yêu thích của người khác ra sao.
Vì điều đó, ta cần học cách cắt giảm. Ta cần mạnh dạn nói “không” nhiều hơn gấp bội lần so với “có” và cực kỳ cẩn trọng trước khi nhận lời tham gia bất kỳ việc gì mới. Hãy giảm bớt mọi việc đang làm, dành ra những khoảng thời gian rộng lớn để... không làm gì cả. Đôi khi chỉ cần ngồi lặng im ngắm nhìn khung cửa sổ – một hành động đơn giản nhưng đầy ý nghĩa và mang tính chữa lành.
Hãy đối xử với bản thân như một phụ huynh chăm chút cho đứa trẻ dễ tổn thương mà ta từng là. Can đảm sống một cuộc đời mà người ngoài có thể xem là “nhàm chán” thực ra lại là biểu hiện của sự khôn ngoan và tử tế với chính mình.
2. Những người không phù hợp
Ta có thể đang ở cạnh những người quá rối loạn và kích động để có thể thấu hiểu, suy tư hay dịu dàng. Hãy bình thản nói lời tạm biệt họ. Chia tay bạn bè cũng là một nghệ thuật, không kém gì việc kết giao. Ngay cả khi ai đó thú vị hay cuốn hút, ta cần đặt sự bình yên của mình lên trên hết. Một vòng tròn xã hội lý tưởng cho tâm hồn đầy vết thương của ta có thể nhỏ hơn nhiều so với những gì ta từng tưởng tượng.
Hãy dành năng lượng để xây dựng mối quan hệ sâu sắc với chỉ ba hoặc bốn người bạn thực sự sẽ ở bên ta khi những bóng ma trở lại. Và hãy cảm thấy thật hạnh phúc khi có thể yên bình lên giường ngủ từ lúc chín giờ tối.
3. Địa vị
Địa vị có sức hút mạnh mẽ. Nó khiến ta trở thành tâm điểm, giúp hẹn hò dễ dàng hơn, khiến người lạ sẵn lòng tử tế với ta. Nhưng với những ai mang vết thương tâm lý, ta dần nhận ra cái giá khổng lồ mà địa vị đòi hỏi.
Có thể ta phải rời khỏi những chốn ồn ào, tìm đến nơi yên tĩnh hơn, xây dựng một cộng đồng nhỏ gồm những người từng trải qua đau thương. Những người ấy, vì đã thấm đẫm những bất trắc của kiếp người, mang trong mình sự điềm đạm và sâu sắc. Số người yêu thích ta có thể giảm đi, nhưng sẽ có vài người yêu thương ta thực sự – và sự đánh đổi này sẽ cứu rỗi cuộc đời ta.
4. Điện thoại
Những chiếc máy nhỏ gọn này chẳng khác gì công cụ tra tấn tâm hồn. Tất nhiên, ta không thể vứt bỏ chúng, điều đó là hiển nhiên. Nhưng ta cần nhận thức rõ ràng về sự hủy hoại mà chúng gây ra cho sự cân bằng tinh thần của mình. Chúng làm tan nát khả năng suy nghĩ, hồi tưởng quá khứ và diễn đạt chiều sâu của bản thân. Mỗi khi bỏ điện thoại vào túi, ta nên tự nhủ rằng nếu có thể, tốt nhất ta nên ném nó xuống một cái giếng sâu thật sâu.
5. Tin tức
Ta liên tục bị yêu cầu phải lo lắng về những chuyện mình không thể thay đổi: chiến tranh, tội ác, hỗn loạn, những bi kịch lớn lao hay nhỏ bé. Hãy học cách rũ bỏ gánh nặng này – một cách âm thầm và khôn ngoan. Đừng để hy vọng của ta bị gắn chặt vào số phận của những người xa lạ, những người mà truyền thông bày ra để khơi gợi sự ghen tị, phẫn nộ hay đam mê.
Hãy sống như tổ tiên ta đã từng: chỉ quan tâm đến những người ngay bên cạnh, và mù tịt trước mọi thứ vượt ra ngoài dãy núi hay bờ biển quê hương. Hãy tự hào về tất cả những điều kinh khủng mà ta chưa từng nghe đến, và tất cả những người nổi tiếng mà ta không hề biết mặt. Biết ít đi một chút, và trong sự tĩnh lặng của buổi sớm mai, hãy nhìn nhiều hơn một chút.
NHỮNG ĐIỀU CẦN ÔM LẤY
1. Thiên nhiên
Hãy yêu cây cối, mây trời, đàn cừu hay những buổi chiều êm dịu không phải vì bản thân chúng, mà vì những gì chúng có thể làm cho tâm hồn đã rách nát của ta. Thiên nhiên là bằng chứng sống động cho những thế giới không liên quan gì đến con người – và quan trọng hơn cả, không liên quan gì đến chính ta.
Cừu không quan tâm ai bị sa thải. Cây – đã đứng đó 400 năm qua – chẳng bận tâm đến danh tiếng hay tham vọng của ta. Mây trời thong dong trôi qua mà không chút ý thức về nỗi xấu hổ của ta. Gắn bó thường xuyên với một thế giới không phải "cái tôi" sẽ giúp ta thu nhỏ hình ảnh bản thân trong tâm trí và hòa tan những lo âu vào sự mênh mông thản nhiên của vũ trụ.
2. Các mối quan hệ
Thứ ta cần nhất chính là sự tử tế và thấu hiểu. Một người bạn đặc biệt sẵn sàng cảm thông, không phán xét quá khắt khe và luôn bên cạnh mỗi khi nỗi đau đe dọa nhấn chìm ta.
Điều này không mang màu sắc lãng mạn – và may mắn thay, nó không cần như vậy. Trong một mối quan hệ, hãy trở thành y tá và phụ huynh cho nhau, đôi khi cũng là bệnh nhân và những đứa trẻ. Hãy chăm sóc nhau bằng sự quan tâm dịu dàng bất kể ngày đêm. Hãy biến việc giảm bớt khó khăn của đời sống trở thành mục tiêu trung tâm của bất kỳ mối quan hệ nào.
3. Liệu pháp tâm lý
Không phải nhà trị liệu nào cũng giỏi. Có lẽ ta sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm được một người thực sự hiểu được những rối loạn của mình. Nhưng khi gặp được họ, ta sẽ nhận ra một điều kỳ diệu: ở đó, ta không cần cảm thấy xấu hổ về những ám ảnh hay hành vi kỳ lạ của mình.
Nhà trị liệu sẽ giúp ta phân biệt rõ ràng giữa nỗi sợ và sự thật, đồng thời ngăn cản ta chìm đắm quá mức vào ký ức, để có thể nhìn tương lai bằng cái nhìn ngây thơ và hy vọng hơn.
4. Những kỳ nghỉ chữa lành
Thỉnh thoảng, ta nên cân nhắc rời xa cuộc sống thường nhật để tham gia vào các chương trình trị liệu và chữa lành. Tại đó, ta sẽ gặp những người từng trải qua câu chuyện tương tự. Ta có thể khóc cùng nhau, nâng đỡ nhau và khẳng định một điều rằng: ta không cô đơn.
Những mối quan hệ hình thành từ nơi này sẽ là lời biện hộ mạnh mẽ nhất để ta kiên định bước tiếp.
5. Sự khiêm nhường
Ta đã từng rất yếu đuối – có lẽ vẫn sẽ còn như vậy. Hãy chậm rãi trong quá trình hồi phục. Đừng kỳ vọng mọi thứ sẽ ổn ngay ngày mai, hay thậm chí trong vài năm tới. Hãy trân trọng từng tuần yên bình, từng ngày nhẹ nhàng.
Khủng hoảng sẽ đến, nhưng điều đó cũng không sao. Sự khiêm tốn về những gì có thể đạt được sẽ giúp ta rèn luyện sự bền bỉ. Và giữa bối cảnh ấy, những điều nhỏ bé sẽ trở nên thật đáng giá. Một buổi tối yên ả, một loại bánh ngon, một cuốn sách hay, hay một người bạn tinh tế – tất cả đều có thể làm sáng bừng thế giới của ta.
Với những điều này, ta sẽ hiểu rõ hơn về những gì đã xảy ra trong quá khứ và dần dẫn lối mình đến một tương lai yên bình, dịu dàng và hạnh phúc hơn – nơi ta xứng đáng thuộc về.
Nguồn: HOW TO LIVE LONG-TERM WITH TRAUMA