Làm Sao Để Vượt Qua Những Sai Lầm Và Kí Ức Đáng Xấu Hổ? 

lam-sao-de-vuot-qua-nhung-sai-lam-va-ki-uc-dang-xau-ho- 

Ai mà chẳng từng mắc một sai lầm gì đó - đấy đã là lẽ dĩ nhiên của cuộc đời rồi. Tuy nhiên, mỗi con người chỉ khác nhau về quãng thời gian họ bấu víu vào sai lầm, cách họ quy xét sai lầm và ảnh hưởng của sai lầm lên họ, vậy thôi. Trong khi nhiều người nhất mực tin vào câu châm ngôn “thất bại là mẹ thành công", thì cũng có những kẻ tảng lờ đi sự thật nhằm né tránh nỗi đau phát sinh ra từ nó, và thậm chí còn tồn tại cả những trường hợp nằm thao thức hằng đêm chỉ để dằn vặt bản thân về mấy thứ kỉ niệm đáng xấu hổ từ mười năm trước - “vì mình mắc nhiều sai lầm quá, làm sao tập trung vào điều gì khác được đây”. 

Vậy bạn, liệu bạn có phải là một phần tử nằm trong nhóm cuối ấy không? Nếu thực vậy thì chúc mừng nhé, bạn sẽ có thể cho qua những sai lầm nhỏ nhặt trong quá khứ, từ đó tha thứ cho bản thân nếu thực hiện theo các bước sau đây:

Tập Trung Vào Nhịp Thở Giúp Bạn Trở Nên Bình Tĩnh Hơn

Khi sực nhớ ra một mảnh kí ức đầy thách thức nào đó, như cái lần bị gọi đứng lên phát biểu nhưng vì chưa học bài nên không trả lời được chẳng hạn, thì con người thường sẽ phản ứng theo các cách sau: hoặc đứng lên chống trả, bắt bản thân ngừng hồi tưởng ngay lập tức; hoặc bị cuốn luôn vào với dòng suy nghĩ, đến nỗi đi rà soát lại từng chi tiết một của sự kiện; hoặc cả hai. Nói thật nhé, chẳng có phương pháp nào trong số đó có thể thực sự cải thiện được tâm trạng của ta đâu, nên thay vào đó hãy thử tập trung điều chỉnh lại nhịp thở xem - các nghiên cứu khoa học đã chứng minh được tác dụng của kỹ thuật hít thở sâu trong việc giảm thiểu lo âu. 

Gợi ý cho bạn một phương pháp này: từ từ hít vào bằng đường mũi trong khi đếm từ 1 đến 4, cảm nhận không khí đang dần dần lấp đầy khoang bụng, giữ lại một chốc, sau đó cũng đếm từ 1 đến 4 và từ từ thở ra. Cách làm trên còn được biết đến là bước cơ bản trong quá trình thực hành chánh niệm (mindfulness practice). Hãy cứ làm vậy bất cứ lúc nào nhớ đến điều gì không hay, chứ đừng cố gắng đương đầu hay buông xuôi luôn theo ý nghĩ, bạn nhé.

Chú Ý Đến Cảm Nhận Của Cơ Thể

Bạn đã thấy thoải mái hơn nhiều sau khi tập hít thở rồi, vậy làm gì tiếp theo? Hãy rà soát lại cơ thể thật chậm rãi, từ bàn chân lên đến các bộ phận khác - có thể cho chạy một đoạn audio hướng dẫn để dễ tập trung hơn cũng được. Xuyên suốt quá trình này, bạn có khả năng sẽ nhận thấy một số vùng cơ thể bị căng cứng: tim đập nhanh hơn và hai tay nắm chặt, chẳng hạn; hoặc, bạn có thể tự dưng lại nghĩ đến một màu sắc hay hình dạng nào đó bất kì. Nhưng cũng chớ có đánh giá các hiện tượng ấy, hãy cứ để chúng tự nhiên qua lại vậy thôi. 

Nhận Diện Cảm Xúc Cá Nhân

Khi nghĩ về quá khứ, ta thường sẽ bị cuốn luôn vào các sự kiện với những ý nghĩ kiểu “Đáng lẽ mình đã phải hành xử kiểu khác", “Sao mình ngu quá vậy?", “Chắc đối với cổ mình là một đứa tồi tệ lắm”, “Chẳng trách mình cứ yêu đương là y như rằng chẳng ra đâu vào với đâu.” Cứ như vậy, ta bỏ quên hết thảy những xúc cảm cá nhân. Vì thế, trong công đoạn tiếp theo, bạn cần phải nghĩ ra một cái tên cho từng thứ cảm xúc bản thân có được khi nhớ lại một sự kiện bất kì. Bất kể cho dù có là bực dọc, bối rối, tủi hổ, tội lỗi, buồn bã, hoảng hốt, tự ti hay ghê tởm đi chăng nữa, thì tất cả bọn chúng, cùng với mọi cảm xúc khác của bạn, đều là hết sức bình thường. 

Tuy nhiên, bạn cũng nên nhớ rằng các cụm từ kiểu như “ngu ngốc" và “sai trái" không thể được dùng để miêu tả cảm xúc đâu nhé, chúng chỉ là những lời phán xét não bộ đã đưa ra về các sự kiện thôi. Mặc dù chúng cũng có khả năng sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều trong công cuộc tìm hiểu thêm về bản thân và xã hội, nhưng vì là “phán xét” nên chúng thực sự không khách quan một chút nào luôn. 

Xác Định Nhân Tố Khiến Mọi Thứ Trở Nên Tồi Tệ

Sau khi đã dành thời gian quan tâm đến cảm xúc, thì tâm trạng bạn cũng đã trở nên bình tĩnh hơn để có thể suy xét lại sự việc. Nhưng đừng có chỉ dằn vặt bản thân mình không - hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân khiến cơ sự thành ra như vậy bằng cách đặt những câu hỏi kiểu “Là ai đã nói ra những lời lẽ đó?” hoặc “Xung quanh mình lúc ấy đang xảy ra chuyện gì nhỉ?”. Bạn cũng nên để ý đến cả cảm xúc và suy nghĩ của mình vào thời điểm đó nữa. Cứ từ từ điền vào từng ô trống một, rồi dần dần lời giải thích thoả đáng sẽ hiện ra trước mắt bạn, rằng “À, tại lúc đó cậu ấy đang thật sự gặp khó khăn mà mình thì lại cứ tưởng rằng cậu ấy chỉ đùa thôi", hoặc “À, tại lúc đó mình vừa đói, vừa mệt, lại còn nửa tỉnh nửa mơ nữa chứ.” Bạn cũng có thể đã hiểu lầm ý nghĩa của những tín hiệu xã hội (social cues) xung quanh mình. Nhưng nói chung, việc phân tích lại tình huống với tâm thế không phán xét sẽ giúp bạn học hỏi thêm được rất nhiều điều.

Nếu Được, Bạn Sẽ Thay Đổi Điều Gì?

Tiếp theo, bạn có thể thử tưởng tượng lại ra tình huống cũ, sau đó hành xử khác đi, giống như một cách luyện tập để về sau này không mắc phải những sai lầm tương tự. Cùng với đó, bộ não bạn cũng sẽ tự động đánh dấu “hoàn thành" cho mỗi lần thử thách thành công, từ đó không bắt bạn phải nhớ về sự kiện này thêm nữa. Mà ngay cả khi kỉ niệm ấy có lại bất chợt ùa về, thì bạn vẫn có thể tự nhủ với bản thân rằng “Chuyện ấy đã trôi về dĩ vãng rồi và mình cũng đã học được bài học", thế là xong.

Tự Nhủ, “Mình Đã Cố Gắng Hết Sức Rồi"

Thay vì cứ hành hạ mình hoài như thế, hãy đối xử tốt hơn với bản thân một chút.

Khi nhớ lại những sai lầm trong quá khứ, ta thường sẽ xét nét bản thân gắt gao vô cùng, kiểu “đáng lẽ mình phải biết chứ", “mình thật chẳng làm được gì ra hồn" hay “lúc nào mình cũng chỉ sai đúng lỗi đó". Nhưng ngược lại, nếu bạn tự nhủ với bản thân những điều dưới đây thì sao:

Mình cũng đâu biết đâu.

Vào thời điểm ấy thì vậy đã là cố gắng hết sức rồi.

Chỉ là một lỗi bé tí ti thôi mà.

Ít ra mình cũng đã học được rất nhiều thứ.

Những câu nói ở trên không phải là cái cớ để bạn bê trễ chuyện cải thiện bản thân đâu nhé. Nhưng ít ra chúng vẫn tốt hơn nhiều cái phương pháp tự chỉ trích chính mình, bởi vừa có khả năng giúp bạn thay đổi dễ dàng hơn, lại còn không để lại di chứng gì xấu lên nguồn động lực nội tại của bạn nữa chứ. 

Nhớ Lại Những Thành Công Trong Quá Khứ

Đâu chỉ suốt ngày mắc sai lầm không, bạn còn có rất nhiều điểm mạnh khác nữa mà, và thỉnh thoảng “tự sướng" một chút thì cũng chẳng có gì là xấu. Việc này sẽ dễ dàng hơn một chút nếu bạn tạo lập một danh sách những ưu điểm và thành tích của bản thân, để rồi cứ khi nào thực hiện được điều gì khiến mình tự hào thì viết luôn vào trong ấy, có thể chỉ đơn giản là đạt được số điểm cao nhất từ trước đến giờ trong một bài thi, là được một người đồng nghiệp khen ngợi, là đi chợ hộ hàng xóm lúc họ ốm đau. Thứ gì cũng được, dù lớn hay nhỏ. Cứ như vậy, mỗi lần nhớ lại điều gì đáng xấu hổ, bạn sẽ có thể lật giở lại danh sách này, sau đó từ từ tha thứ cho bản thân và xoá bỏ đi mọi mặc cảm.

Lập Kế Hoạch Và Bắt Đầu Thay Đổi

Thử nghĩ xem, có cách nào có thể giúp cho bản thân bạn không còn mắc phải những sai lầm tương tự nữa trong tương lai không? Ví dụ nhé, nếu bạn bị mất tập trung khi vừa nói vừa nhắn tin, thì đừng có đụng đến cái điện thoại lúc đang trò chuyện với ai đó nữa. Hoặc, nếu giọng nói và ngôn ngữ cơ thể của bạn dễ khiến người ta nghĩ rằng “ôi sao tên kia bất lịch sự quá", hãy thử tìm hiểu và luyện tập cách nhìn vào mắt người khác trong khi nói chuyện, cùng với các phương pháp giúp bạn trông dễ gần hơn xem sao. 

Còn nếu bạn mắc chứng lo âu hay trầm cảm, và những căn bệnh này đang khiến bạn gặp khó khăn trong việc giao tiếp xã hội, thì đừng ngại ngần mà hãy tìm đến một hội nhóm hay chuyên viên tâm lý, nhé.

Xin Lỗi Nếu Cần Thiết

Gợi lại về những sai lầm cũ quả thật là rất khó khăn - ta lúc nào cũng chỉ muốn mọi người quên luôn về cái sai lầm ấy của ta đi kia mà. Tuy nhiên, trực tiếp đối diện với các sự kiện đáng xấu hổ trong quá khứ sẽ giúp giảm bớt tần suất xuất hiện của chứng đấy. Bạn chỉ cần bày tỏ thật chân thành thôi, như sau, “Tớ cứ nghĩ mãi về cái lần cậu kể với tớ rằng cậu sợ độ cao, rồi lại chợt nhận ra rằng chà, hồi ấy sao mà mình vô ý quá. Tớ xin lỗi nhé, chắc cậu đã thấy lạc lõng lắm.” Người bạn ấy có thể sẽ rất trân trọng hành động cảm thông của bạn đấy, hoặc họ thậm chí còn không nhớ ra bạn đang nói về điều gì cơ. Nhưng dù sao, lời xin lỗi ấy đâu phải chỉ để dành cho họ, cho cả bạn nữa mà. 

Tuy nhiên, chúng ta không cần khơi gợi lại mọi kí ức xấu hổ, nên cũng chớ có xin lỗi về tất cả mọi sai lầm có thể nhớ ra, ví như chuyện 20 năm về trước bạn lỡ giành giật đồ chơi với đứa bạn trong trường mẫu giáo chẳng hạn, không cần phải chi li xét nét đến vậy đâu.

Những Câu Hỏi Thường Gặp

Làm sao để ngừng không lo lắng về chuyện mắc sai lầm nữa?

Bạn chỉ cần không ngừng nhủ thầm với bản thân mình rằng “À, không sớm thì muộn, rồi mình sẽ phải sơ sẩy ở một chỗ nào đó thôi. Nhiều người mắc sai lầm mà mình vẫn quý họ, thì hà cớ gì giá trị của mình lại giảm chỉ vì một vài cái lỗi vặt kia chứ.” Hãy rút kinh nghiệm từ sai lầm chứ đừng đánh đập hành hạ bản thân, bạn nhé. 

----

Dịch giả: Nguyễn Hà Anh – Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Link bài gốc: How to Let Go of Past Mistakes and Embarrassing Memories

menu
menu