Làm sao để yêu bản thân trước   

lam-sao-de-yeu-ban-than-truoc   

Con đường ít được tôn vinh—nhưng lại quyền năng nhất—để yêu bản thân

Mọi người đều đã nghe lời khuyên vô vị này: Chúng ta cần yêu bản thân mình trước khi có thể yêu người khác. Điều này nghe thì khôn ngoan nhưng lại bỏ qua một sự thật quan trọng. Nếu muốn cảm nhận được mối quan hệ thân mật thực sự thì chúng ta cần được những người xung quanh dạy (nhiều lần) cách yêu thương các khía cạnh của bản thân.

Dù chúng ta muốn kiểm soát vận mệnh của chính mình đến mấy, sự thật đơn giản là đôi khi cách duy nhất để học cách yêu bản thân là được yêu thương—chính xác là ở những khía cạnh mà ta cảm thấy bất an và dễ tổn thương nhất. Khi điều đó xảy ra, chúng ta cảm thấy tự do, nhẹ nhõm và được phép yêu thương một cách sâu sắc hơn. Dù trò chuyện tích cực với bản thân đến mấy cũng không thể nào tái tạo được trải nghiệm này. Đó là món quà của sự thân mật, không phải của sức mạnh ý chí.

Nhưng nếu tính dễ bị tổn thương của chúng ta bị đem ra làm trò cười hoặc thờ ơ thì nó sẽ khô héo và rút lại trong chúng ta, và chúng ta có thể phải cân nhắc kỹ về việc bộc lộ phần đó một lần nữa. Trong tập phim Sóc siêu quậy Chipmunks yêu thích của tôi, Simon yêu say đắm nhưng không biết làm cách nào để chiếm được trái tim của nàng sóc. Dave khuyên cậu ấy, "Hãy là chính mình." Simon rên rỉ đáp "Tôi đã thử rồi!" Khi cái tôi chân thực của chúng ta không hoạt động, chúng ta tạo ra một cái tôi giả tạo khiến chúng ta cảm thấy an toàn và được chấp nhận nhưng phải trả giá đắt. Nhà phân tâm học vĩ đại Donald Winnicott đã nói: “Chỉ có cái tôi chân thực mới có thể sáng tạo và chỉ có cái tôi chân thực mới có cảm giác sống động”. Tôi muốn nói thêm rằng chỉ có cái tôi chân thực mới có thể chịu được rủi ro của tình yêu thân mật.

Mỗi lần chúng ta đối mặt với lựa chọn bộc lộ cái tôi sâu kín của mình thì chúng ta có cảm giác như đang đứng trên bờ vực. Thường thì việc tiến lên phía trước quá là đáng sợ.

Hãy tưởng tượng mang theo một con thú cưng của bạn và thả nó vào một khoảng sân có hàng rào điện vô hình. Khi nó di chuyển ra ngoài không gian cho phép, nó sẽ bị choáng váng bởi một cú giật điện bất ngờ. Chỉ cần vài cú giật điện để thú cưng của bạn hiểu được thông điệp: Nếu nó đi quá xa thì sẽ bị trừng phạt ngay lập tức. Trong một khoảng thời gian ngắn, thú cưng của bạn không hành động như thể cái hàng rào điện đang tồn tại; nó chỉ đơn giản là tránh chúng. Nếu bị đẩy đến gần vùng nguy hiểm, nó sẽ bộc lộ dấu hiệu lo lắng ngày càng tăng. Thế giới bên ngoài hàng rào không đáng để nó phải chịu đựng đau đớn.

Bây giờ hãy tưởng tượng tắt nguồn điện từ hàng rào vô hình và sau đó đặt một bát thức ăn bên ngoài chu vi của nó. Thú cưng của bạn có thể đang đói, nhưng nó vẫn sợ hãi không dám bước vào không gian mới đó. Và cuối cùng khi đến giới hạn của sự chịu đựng, nó run rẩy, chờ đợi cơn đau từ cú giật điện mới. Chúng ta cũng giống như vậy; dù cái tôi chân thực của chúng ta khao khát tự do thì một bản năng phản xạ sâu kín nào đó vẫn cố gắng bảo vệ chúng ta khỏi bị tổn thương lần nữa.

Mỗi người chúng ta có thể tìm hiểu thêm về cái tôi thật và giả của mình bằng cách trả lời hai câu hỏi sau:

  • Bạn đã phải che giấu hoặc ngụy trang những phần nào của con người thật của mình trong thời thơ ấu?
  • Trong các mối quan hệ hiện tại của bạn, bạn đang bị giới hạn ở đâu? Những phần nào của bản thân bạn không được thể hiện?

Với tư cách là một nhà trị liệu tâm lý, tôi nhận thấy chúng ta có xu hướng xấu hổ về những phần độc đáo, đầy đam mê và mang tính biểu tượng nhất của mình. Những khía cạnh này của bản thân chúng ta đe dọa sự an toàn của chúng ta, nhưng như tôi đã giải thích trong cuốn sách của tôi Deeper Dating, chúng là con đường trực tiếp dẫn đến tình yêu và không phải ngẫu nhiên mà đưa đến sự vĩ đại của cá nhân. Khi kìm nén những món quà đầy thách thức này, chúng ta sẽ cảm thấy trống rỗng và cô đơn.

Sự xấu hổ trước những đặc điểm dễ bị tổn thương nhất của chúng ta gần như rất phổ biến. Và ngay cả lối suy nghĩ tích cực của chúng ta cũng khó mà lay chuyển được nó.

Vậy, làm thế nào để chúng ta giải phóng bản thân khỏi nỗi xấu hổ và sợ hãi đã học được về những năng khiếu của mình? Cách tốt nhất—đôi khi là duy nhất—là thông qua các mối quan hệ, những mối quan hệ dạy chúng ta về giá trị của cái tôi dễ bị tổn thương nhất của chúng ta.

Ai trong số những người bạn biết nhận ra và yêu thích con người thật của bạn? Ai không quá sợ hãi trước đam mê của bạn hoặc quá ghen tị với tài năng của bạn? Ai có sự rộng lượng để khuyến khích bạn thể hiện bản thân nhiều hơn? Những người này quý như vàng. Hãy tập dựa cậy vào họ và trả ơn họ nhiều hơn. Nói đơn giản thì họ chính là lối thoát của bạn. Tôi gọi chúng là những mối quan hệ truyền cảm hứng, và chúng ta cần thường xuyên tạo dựng những mối quan hệ này trong cuộc sống trước khi tìm thấy nó trong tình yêu. Khi bạn hẹn hò với một người như thế này, hãy ghi nhận những tiến bộ mà bạn đã đạt được khi cho phép họ bước vào cuộc đời bạn và ăn mừng điều đó.

Ảnh: tinybuddha

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/finding-love/201105/how-love-yourself-first

menu
menu