Làm sao khiến một người yêu bạn

Có điều gì đó thật kỳ lạ và rờn rợn trong ý nghĩ rằng có thể tồn tại một lộ trình cụ thể khiến người này đem lòng yêu người kia.
Có điều gì đó thật kỳ lạ và rờn rợn trong ý nghĩ rằng có thể tồn tại một lộ trình cụ thể khiến người này đem lòng yêu người kia. Nó như một lời đe dọa biến điều lẽ ra phải là một bí ẩn vô thức thành một thao tác khuôn mẫu, nhàm chán. Nó như muốn tước đi ý chí tự do và biến chúng ta thành những con rối bị giật dây.
Thế nhưng, câu hỏi "làm sao để ai đó yêu mình" không nhất thiết phải mang sắc thái thực dụng hay cưỡng ép. Chúng ta hoàn toàn có thể bàn tới điều ấy một cách chân thành mà không làm tổn thương nhân cách hay lòng tự trọng. Bởi lẽ, khi con người bị thu hút bởi nhau, có một số yếu tố, thật đáng ngạc nhiên, gần như luôn hiện diện. Nếu ta quan sát kỹ những buổi hẹn đầu thành công: bữa tối ấm cúng, những bước dạo chơi trong công viên, buổi xem phim chung, hay những cuộc gọi dài lê thê, ta gần như chắc chắn rằng có một vài kiểu tương tác cụ thể luôn âm thầm diễn ra.
Ludwig Wilhelm Wichmann, Nike Assists the Wounded Warrior, 1853. Photo by Robert Schwarz on Unsplash.
Ba yếu tố, đặc biệt, dường như đóng vai trò cốt lõi trong sự khởi đầu của tình yêu:
1. Sự tò mò
Dấu hiệu rõ ràng nhất và cũng là điềm báo sớm nhất của tình yêu, chính là sự tò mò. Khi bị cuốn hút bởi một ai đó, điều đầu tiên ta cảm thấy chính là khát khao muốn biết thêm về người ấy. Là một cơn đói liên tục được làm mới bởi những câu hỏi. Và không phải là bất kỳ câu hỏi nào: đó là những câu chất chứa ý định khám phá vì sao một người lại trở thành như họ đang là; điều họ đang hướng tới, ai đã ảnh hưởng đến họ, và tương lai của họ sẽ đi về đâu.
Chúng ta cảm nhận được mình đang ở cạnh một người thật lòng quan tâm khi nghe thấy những câu như: "Vì sao bạn nghĩ rằng mình không ở lại với họ sau chuyện đó?" hay "Vì sao cuối cùng công việc ấy lại không phù hợp?" Hoặc: "Bạn nghĩ điều gì khiến bạn không thể nói điều đó khi…?" và "Bạn mong mình sẽ đi tới đâu tiếp theo?"
Tất nhiên, những câu hỏi ấy phải được thốt ra một cách nhẹ nhàng. Không ai muốn bị tra hỏi dồn dập. Sự tò mò khiến ta xiêu lòng là sự tò mò kín đáo, vừa đủ, không gây áp lực. Phần lớn thời gian, ta thậm chí không nhận ra mình đang được hỏi gì, ta chỉ đơn giản cảm thấy mình có rất nhiều điều muốn nói. Người đối thoại lý tưởng sẽ lơ lửng trên những lời ta vừa chia sẻ, và đưa ra những nhận xét khẽ khàng khuyến khích ta đào sâu thêm suy nghĩ của chính mình. "Chắc hẳn thật khó để tìm đủ dũng khí rời đi khi..." hoặc "Tôi đoán hẳn điều đó mang theo chút nỗi buồn, khi biết rằng giờ họ đã ở bên một người…"
Không có gì bị hỏi trực diện cả, nhưng một không gian được mở ra, nơi ta có thể để suy nghĩ mình trôi xa.
Ta cũng có thể nói thêm: dạng tò mò quan trọng nhất chính là dạng tò mò biết lắng nghe nỗi đau, dạng nhạy cảm với cảm giác như thế nào khi không có nhiều bạn bè ở đại học, hay mắc một căn bệnh nào đó từ khi còn quá trẻ. Ta sẵn sàng yêu một người thật sự quan tâm tới những phần cuộc đời ta không suôn sẻ. Người ấy hỏi về người yêu cũ từng rời đi không một lời giã biệt; về người cha tuy yêu thương nhưng luôn xa cách, bận rộn; về người mẹ với tình thương luôn lẫn lộn giữa sự ghen tỵ và khát khao kiểm soát.
Điều gắn kết chúng ta với người khác, trong một thế giới luôn đòi hỏi ta phải mỉm cười, phải chiến thắng, và phải đón nhận thất bại với một tinh thần lạc quan, không gì khác hơn là những lần ta cùng nhau lặng lẽ chia sẻ nỗi buồn và sự cô đơn. Ta có thể thấy mình hợp với một ai đó vì cùng sở thích, cùng đam mê, nhưng ta chỉ thật sự cảm thấy gắn bó thân mật với người có thể hiểu và chấp nhận được nỗi khổ đau của mình.
Việc sự tò mò đóng vai trò trung tâm trong tình yêu cho ta thấy một điều rất chạm đến trái tim về phần còn lại của cuộc sống: đó là cảm giác ta liên tục bị phớt lờ trong nỗi buồn sâu kín của chính mình, là sự quên lãng những mảnh ghép quan trọng tạo nên con người ta, là minh chứng rằng ta gần như chẳng tồn tại trong trí tưởng tượng của hầu hết những người ta từng gặp, và vì thế, ta có thể chết đi, bị bỏ lại như một mặt trời nhỏ bé lặng lẽ tắt trong một thiên hà xa xăm.
Rất nhiều năng lượng đã được dùng để phân tích vì sao thân chủ thường đem lòng yêu các nhà trị liệu tâm lý. Có phải vì họ gợi nhớ đến hình ảnh cha mẹ? Hay chính sự điềm tĩnh của họ khiến ta muốn thử thách và quyến rũ? Liệu họ có sở hữu một sức hút đặc biệt nào đó? Nhưng câu trả lời, rốt cuộc, lại khá hiển nhiên: các nhà trị liệu được đào tạo để luôn duy trì một sự tò mò sâu sắc. Họ không ngừng đặt câu hỏi và lắng nghe một cách chân thành. Và vì thế, ta, không hề có ý định điều khiển hay tính toán, hoàn toàn có thể học theo họ ở vài điểm: ghi nhớ kỹ câu chuyện của người đối diện, chú ý đến những ngập ngừng, quanh co, và lặp lại điều người ấy vừa nói với chút thay đổi trong cách diễn đạt để thể hiện sự lắng nghe của mình: “Tôi hiểu ý bạn là, bạn chưa bao giờ thật sự…”
Văn hóa của ta thường gắn sự khởi đầu của tình yêu với những cử chỉ thể xác: một nụ hôn hay một cái ôm. Nhưng tình yêu đích thực lại bắt đầu từ một nơi khác – ít kịch tính hơn, nhưng sâu sắc và nuôi dưỡng hơn rất nhiều: từ cảm giác được thấu hiểu.
2. Rộng lòng
Điều đáng sợ nhất khi được người khác hiểu mình, chính là nỗi sợ bị phán xét. Vì thế, những người khiến ta rung động thật sự là những người, một cách kín đáo, cho ta thấy rằng họ có đủ không gian trong lòng để chứa đựng cái sự “lạ lùng” của ta (mà, dĩ nhiên, họ cũng chẳng thiếu phần).
Họ không cần diễn thuyết. Không cần nói ra kiểu như: “Tôi chấp nhận những điều khác biệt, và không lên án những điều chưa hoàn hảo…” bởi nếu đến mức phải nói rõ, thì mọi thứ đã hỏng mất rồi.
Thay vào đó, họ truyền đi thông điệp qua những chia sẻ hết sức tự nhiên: kể cho ta nghe những đoạn đời không mấy rạng rỡ của chính họ (“Tôi từng ăn liền năm gói bánh quy và khóc suốt cả cuối tuần…”) hay bình luận về cuộc sống người khác theo cách cho thấy họ chẳng mấy bận tâm tới những chuẩn mực thông thường về điều gì là đúng, là tốt (“Miễn là không ai bị tổn thương, thì ai quan tâm chuyện anh ấy đã làm gì…”)
Kết quả là, khi ở bên người ấy, ta có thể thoải mái bộc lộ chính mình mà không sợ bị chê bai hay đánh giá. Ta có thể sụp đổ, có thể thú nhận mình đang sợ hãi, có thể nói rằng mình thấy mọi thứ thật vô nghĩa, rằng ta ghét cái này cái kia, và mọi chuyện vẫn ổn.
Và thế là, ở bên người ấy, ta được thả lỏng, giống như khi ta còn nhỏ, được ngồi bên một người lớn vẫn còn nhớ cảm giác làm một đứa trẻ là như thế nào: người cho ta ăn những món lạ, và kiên nhẫn lắng nghe ta nói hết mọi điều ta nghĩ về thầy cô, về ba mẹ.
3. Lòng tốt
Yếu tố thứ ba nghe thì có vẻ đơn giản tầm thường, nhưng lại là điều thiết yếu nhất. Ta cần cảm thấy mình đang ở cạnh một người có lòng tốt, bởi ta thừa hiểu, sâu trong tâm khảm, rằng mình cần lắm một cái nhìn bao dung.
Vì sao ta thất bại? Vì sao ta chậm chạp? Vì sao ta yếu đuối? Vì sao ta không biết chăm lo cho mình nhiều hơn? Có vô số câu trả lời sẵn sàng xuất hiện, lúc nào cũng nằm ở rìa ý thức: vì ta tệ hại, vì ta không đủ tốt, vì ta xấu xí, hư hỏng, nhạt nhẽo và lẽ ra không nên hiện diện trên đời này.
Ta quá giỏi trong việc tự hành hạ bản thân. Việc ta không làm được, là nghĩ ra những câu trả lời tử tế hơn, dễ thở hơn, những câu trả lời chỉ có thể nảy sinh từ tình yêu: rằng ta đã có một khởi đầu quá khó khăn, rằng ta thiếu những cơ hội may mắn, rằng lẽ ra ta đã cần được cổ vũ nhiều hơn.
Ta dành rất nhiều thời gian để mơ ước người yêu tương lai của mình sẽ thật xinh đẹp, cao ráo hay giàu có. Những điều đó chẳng sai, nhưng nếu ta đang kiếm tìm một mái nhà, nơi có thể che chắn ta khỏi những cơn giông bão bên ngoài lẫn bên trong, thì nó chỉ có thể được xây dựng từ sự tò mò, lòng rộng lượng và một trái tim ấm áp. Thế nên, đâu có gì lạ khi ta rung động trước những dấu hiệu đầu tiên của ba điều ấy.
Nguồn: HOW TO MAKE SOMEONE FALL IN LOVE WITH YOU | The School Of Life