Làm thế nào để xem tranh như một liệu pháp tâm lý

lam-the-nao-de-xem-tranh-nhu-mot-lieu-phap-tam-ly

Alain de Botton chọn ra một vài tác phẩm có khả năng làm người ta đỡ cô đơn...

Alain de Botton – Hồ Như Mai st và dịch

Alain de Botton chọn ra một vài tác phẩm có khả năng làm người ta đỡ cô đơn


Một khách tham quan ngắm tác phẩm có tên ‘Grass IV’ (Cỏ IV) của họa sĩ Thụy Sĩ Franz Gertsch. Ảnh: Uli Deck

Hầu như ai cũng nghĩ rằng âm nhạc có tác dụng xoa dịu. Gần như ai trong chúng ta, không cần ai chỉ dạy, vẫn có thể là DJ của chính mình, vẫn có thể chọn ra những bản nhạc để cải thiện tâm trạng bất kỳ khi nào. Nhưng ít ai nghĩ đến chuyện tìm đến các tác phẩm nghệ thuật với mục đích tương tự. Rất ít người thường xuyên xem tranh hay tượng để giải sầu. Trên điện thoại thường ta chỉ lưu playlist các bài hát, chứ không có bộ sưu tập tranh. Chúng ta cũng không có thói quen chọn ra những bức tranh yêu thích rồi lưu vào máy tính như một gallery riêng. Tranh tượng nghe qua vừa đắt đỏ, vừa… xa vời cao siêu, khiến ta không nghĩ đến những việc đó. Cách trưng bày nghệ thuật thị giác truyền thống cũng không làm cho ta thấy gần gũi với tác phẩm.

Những gallery, các bảo tàng nghiêm nghị, vốn là nơi ta học cách hành xử với nghệ thuật, lại thường khiến người ta cảm thấy lạc lõng (quầy bán đồ lưu niệm có lẽ là có ích hơn- nhiều khi xem tranh trên postcard thích thú hơn xem tác phẩm gốc). Chúng ta đọc ghi chú, cẩn thận ghi nhớ vài ngày tháng quan trọng, nguồn gốc, mấy lời giải thích ý nghĩa. Nhưng rồi để làm gì? Suy cho cùng tác phẩm nghệ thuật có tác dụng gì chứ?

Từ lâu người ta vẫn cho rằng câu hỏi thứ hai nghe vừa thô thiển, vừa thiếu kiên nhẫn, hay chỉ đơn giản là không thể trả lời. Nguy hiểm ở chỗ đó. Nếu nghệ thuật được khoác vào bao nhiêu thứ danh giá (mà tôi nghĩ là hoàn toàn xứng đáng) thì tác dụng của nghệ thuật cũng nên được nêu ra một cách dễ hiểu. Tôi tin rằng nghệ thuật cũng là một phương cách cứu rỗi, như âm nhạc vậy. Nghệ thuật cũng là phương tiện để ta có thể làm những việc như hồi phục hi vọng, trân trọng sự khổ đau, học cách cảm thông, biết cười, biết hoang mang và nuôi dưỡng một ý thức sẻ chia với người khác, cũng như tìm lại niềm tin vào sự công bằng và lý tưởng chính trị.

Nhưng để nghệ thuật có thể làm được những điều nêu trên, ta cần biết cách tiếp cận tác phẩm. Tác phẩm phải được “lên khung” không phải theo những tiêu chuẩn của lịch sử nghệ thuật (mặc dù những tiêu chuẩn đó có thú vị đến đâu chăng nữa) mà theo một phương pháp tâm lý, sao cho khi xem tranh ngắm tượng người ta có thể thấy được những cảm xúc tận đáy lòng. Vậy thì làm thế nào để xem tranh như một liệu pháp tâm lý? Sau đây là một vài ví dụ

Hi vọng

Cây cầu bắc qua ao hoa súng (1899) Claude Monet


Bức Monet ở trên là một trong những tác phẩm được xem nhiều nhất ở bảo tàng MoMA New York. Nhiều người – đặc biệt là những người có thị hiếu cao siêu, thấy chuyện này rất đáng lo. Họ cho rằng việc yêu thích những thứ “đèm đẹp xinh xinh” kiểu này đúng là triệu chứng của bệnh sến, hoặc tệ hơn là dốt nát.

Họ còn lo lắng rằng nếu cứ thích thể loại nghệ thuật như thế này người ta dễ bị ảo tưởng: mải yêu những khu vườn đẹp người ta sẽ dễ quên đi thực tế cuộc sống trần trụi, toàn là chiến tranh, bệnh tật, chính trị chính em và thói vô luân. Họ sẽ tiếp tục cãi rằng nghệ thuật phải nhắc nhở ta về thực tế cuộc sống, chứ không thì cuối cùng ta ảo tưởng mà quên rằng đời chẳng đẹp như mơ.

Nhưng nói vậy là xác định sai vấn đề. Với phần lớn chúng ta, nguy cơ lớn nhất không phải là sự tự mãn; dễ gì mà quên được những thứ dở hơi ở đời. Nguy cơ thực sự là ta sẽ trở nên giận dữ, trầm cảm, tuyệt vọng, rằng ta sẽ không còn chút hi vọng nào cho cái dự án cuộc sống dang dở kia.

Chính nỗi tuyệt vọng này mới là thứ cần được nghệ thuật cứu chữa, mới là nguyên nhân sâu xa vì sao nhiều người thích những thứ “đèm đẹp xinh xinh”. Hoa mùa xuân, bầu trời xanh, trẻ con chạy đùa trên bãi biển… toàn là những biểu tượng của hi vọng. Sự hoan hỉ cũng là một thành tựu còn hi vọng là thứ đáng được trân trọng.

Đồng cảm

Buổi chạng vạng của đời người (1894) Sydney Tully


Quan tâm đến người khác vốn là chuyện khó khăn, đặc biệt quan tâm đến người già. Bức chân dung của Tully vẽ một bà lão ngồi gù lưng, trầm tư suy nghĩ trên nền màu tối. Người xem được khuyến khích dừng mắt lâu hơn bình thường. Bà lão ngày trước ắt hẳn là người mạnh mẽ và quyết đoán. Bà từng có người yêu, tối nay bà ngồi đó, im lặng đuổi theo những suy nghĩ dữ dội.

Có lẽ giờ đây bà rất khó tính, muốn thương bà cũng chẳng dễ gì. Có lẽ bà cũng biết điều đó. Bà bực bội, bà khó gần. Nhưng bà vẫn cần người khác quan tâm. Ai rồi cũng đến lúc như bà. Và ở bất kỳ giai đoạn nào trong đời, thì cũng có những khi người ta trở nên khó ưa, khó ngưỡng mộ. Tình yêu gắn liền với sự ngưỡng mộ: chúng ta yêu ai đó vì người ta thú vị, dễ mến. Nhưng tình yêu còn có một khía cạnh khác: chút rung động trước nhu cầu của người khác – ở đây tình yêu còn là sự rộng lượng.

Hoạ sĩ Tully đã rất rộng lượng với người mẫu. Hoạ sĩ cẩn trọng quan sát gương mặt bà lão, rồi tự hỏi thực ra bà là ai.

Nâng niu

Thủy tinh Venice thế kỷ 14


Các xưởng thủy tinh ở Venice trở nên nổi tiếng vào thời Trung cổ, với những sản phẩm tinh vi, thanh thoát mà trước đó chưa từng có. Trong cuộc sống, gần như mọi lúc ta đều phải mạnh mẽ. Ta không được để lộ sự yếu đuối của bản thân. Ta được dạy điều này từ hồi còn ở vườn trẻ. Ai trong chúng ta cũng có phần yếu đuối, nhưng phải biết che đậy kỹ càng. Vậy mà các sản phẩm thủy tinh Venice không hề lên tiếng xin lỗi cho sự yếu đuối của chính mình. Chúng thừa nhận tính mong manh, như muốn cả thế giới hiểu rằng chúng dễ tổn thương ra sao.

Những món đồ thủy tinh đó rất dễ vỡ không phải vì lỗi chế tác, hay một sơ suất nào cả. Ở đây không hề có chuyện nghệ nhân muốn làm một thứ cứng rắn, bền chắc rồi nhỡ tay lại làm ra một thứ đến trẻ con bẻ cũng gãy. Sản phẩm mong manh, dễ vỡ vì người nghệ sĩ muốn đạt được sự thanh thoát, muốn mời gọi được ánh nắng và ánh nến chiếu rọi vào chiều sâu của sản phẩm. Thủy tinh có thể đạt được những hiệu ứng tuyệt vời, nhưng cái giá phải trả ở đây chính là sự mong manh dễ vỡ. Nền văn minh của chúng ta có nghĩa vụ nâng đỡ sự tồn tại của những thứ mong manh, tạo ra những môi trường mà nơi đó sự yếu đuối cũng được chấp nhận. Rõ là chiếc cốc thủy tinh là thứ dễ vỡ, nhưng nó làm cho ngón tay của ta tự dưng biết cách nâng niu. Một bài học đạo đức về cách nâng niu những thứ yếu đuối, được kể bằng ly tách.

Đứng trước đám ly tách đó, ta như được rèn luyện cho những lúc quan trọng trong đời, khi ta cần tiết chế bản thân trong đối nhân xử thế. Trưởng thành có nghĩa là ý thức được sức mạnh của mình có tác dụng như thế nào với kẻ khác. Bài học này cực kỳ hữu ích với các vị CEO.

Nỗi buồn

Fernando Pessoa (2007-08) của Richard Serra


Thường ta rất cô đơn khi buồn. Trong một thế giới nhộn nhịp nơi người ta tôn thờ sự thành công, nỗi buồn thường đi kèm với chút xấu hổ. Ta không chỉ buồn thôi mà còn buồn vì chung quanh chẳng ai buồn cả. Không thể loại bỏ đau khổ khỏi cuộc đời, nhưng ta hoàn toàn có thể học cách buồn hiệu quả hơn – tức là (vẫn buồn nhưng) làm sao để ta không cảm thấy mình bị trừng phạt, hay thấy rằng đời sao mà bất công. Fernando Pesso là một tác phẩm điêu khắc tối màu cực kỳ đẹp của Richard Serra. Tác phẩm được đặt theo tên của một nhà thơ người Bồ Đào Nha, người hay làm những bài thơ buồn (“Ơi biển mặn/ Bao nhiêu muối của biển có từ những giọt nước mắt xứ Bồ Đào Nha”)

Tác phẩm không phủ nhận nỗi buồn, cũng không bảo ta phải vui lên, mà cũng chẳng chỉ ra một hướng tươi sáng hơn. Tác phẩm điêu khắc to lớn, u sầu này như muốn tuyên bố rằng nỗi buồn thực ra cũng hết sức bình thường, ở đâu cũng có. Nó như muốn nói rằng rồi chúng ta sẽ nhận ra và biết cách cư xử với những xúc cảm ảm đạm trong cuộc sống hàng ngày.

Thay vì để ta ngồi đó một mình với cõi lòng u tối, tác phẩm lại tuyên bố rằng nỗi buồn cũng là một phần của cuộc sống. Với tầm vóc đồ sộ nặng nề, như nhiều tác phẩm tuyệt vời khác, Fernando Pesso tạo ra một cư ngụ đường hoàng cho nỗi buồn.

Lao động

Bên tủ đựng chăn màn (1663) Pieter de Hooch

Họa sĩ người Hà Lan thế kỷ 17 Pieter de Hooch vẽ lại một khung cảnh đơn giản trong gia đình: một vài người phụ nữ đang làm việc nhà. Trong tranh không có binh lính, vua chúa, thánh tử vì đạo hay thần linh gì cả; chỉ là cuộc sống thường nhật mà thôi.

Những việc ta phải làm hằng ngày thường chẳng có gì đẹp đẽ hay thú vị. Công ăn việc làm, hóa đơn phải trả, nhà cửa phải dọn dẹp, dần dần ta phát ngán lên được. Chiếc tủ đựng vỏ chăn cũng dễ làm người ta thấy ghét, vì nó làm ta nghĩ đến một công việc chán nản, tầm thường chẳng có gì hấp dẫn.

Nhưng bức tranh khiến ta cảm động khi nhận ra sự thật trong thông điệp ẩn chứa. Phải chi, cũng như De Hooch, ta biết cách nhận giá trị của những công việc thường ngày, thì bao gánh nặng cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng. Tác phẩm nói lên tầm quan trọng của một thái độ đúng đắn: những thứ to tát trong đời – việc tìm kiếm tiền của, hạnh phúc, những mối quan hệ đều hiển hiện trong cách ta tiếp cận những thứ nhỏ nhặt. Bức tượng trên cánh cửa là một manh mối. Bức tượng xa xỉ, tượng trưng cho tiền bạc, tình yêu, địa vị, sức mạnh, sự phiêu lưu. Gấp chăn màn không hề đối lập với những kỳ vọng cao xa đó. Thực tế nó liên quan mật thiết. Tác phẩm khiến ta nhận ra vẻ đẹp của những người làm những công việc tầm thường, trong đó có cả chúng ta.

Thật đáng mừng vì tác phẩm nói trên được nhiều người ngưỡng mộ; nó cho thấy rằng thẳm sâu bên trong ta đều hiểu được De Hooch đang nói đến một điều vô cùng quan trọng

Sự đắm đuối

Một bản tình ca: Daphnis and Chloe (1500-01) của Nicola Pisano

Trong tác phẩm Daphnis và Chloe, Pisano khiến ta nghĩ đến những khởi đầu của tình yêu, một khoảnh khắc khi sự ngọt ngào quyến rũ của người yêu choáng ngợp trước mắt ta. Với Daphnis, Chloe như vật báu – chàng hầu như không dám chạm vào nàng. Sự say đắm, danh dự và những kỳ vọng cho tương lai như hiện ra sống động trước mắt chàng. Chàng muốn xứng với nàng; chàng không biết nàng có yêu mình không. Chính sự ngờ vực đó làm chàng thấy mong manh vô chừng. Chàng không bao giờ cho phép mình coi sự hiện diện của nàng là hiển nhiên. Một người có vợ/chồng/người yêu lâu năm, tới độ mọi thứ đã trở nên quá quen thuộc khi xem bức tranh này sẽ thấy vô cùng bổ ích, vì nó nhắc ta rằng đã có lúc ta thấy choáng ngợp trước người yêu, đến độ hàm ơn.

Các mối quan hệ

Trận cãi vã trong bếp (2012) của Jessica Todd Harper

Ta nhìn đâu cũng thấy nhan nhản hình chụp các cặp tươi cười bên nhau – đa số những hình ảnh đó lừa phỉnh một cách sâu sắc, làm ta cũng dễ ảo tưởng theo, từ đó rất khó hài lòng với bạn đời. Thường người ta rất ít khi nói thật về các mối quan hệ riêng tư, kiểu chuyện trong nhà thì phải đóng cửa dạy nhau.

Đằng sau sự im lặng thường thấy là nhu cầu giữ thể diện khi người ta phải đối mặt với một trong những thử thách quan trọng nhất trong quá trình trưởng thành: làm sao để sống hạnh phúc với một người khác.

Chúng ta cần các tác phẩm nghệ thuật có thể chỉ ra được rằng những trục trặc trong cuộc sống gia đình vừa buồn vừa hoàn toàn bình thường. Chúng ta không cần đến những thứ đối chan chát với mấy hình ảnh ngọt như đường hóa học trong phim Hollywood. Bạo lực gia đình ở mức khủng khiếp khá là hiếm có. Nhưng những va vấp thường nhật thì đâu cũng có, nhưng rất ít khi được nói đến hay để lộ ra ngoài.

Trong tác phẩm của Jessica Todd Harper, một cặp chồng dường như đã lên kế hoạch về một buổi tối thi vị, vậy mà mọi thứ hỏng bét. Một người đang vô cùng giận dữ, người kia hình như đang khóc.

Hai người đó hoàn toàn có thể là những người tử tế. Chúng ta không có quyền lên án họ. Họ cũng có thể là những người dễ mến, nhưng họ đang gặp một khó khăn hết sức đời thường. Mà ta cũng từng kinh qua.

Ở đây, nghệ thuật có thể là nơi chứa đựng những sự thật riêng tư, những chuyện không thể chia sẻ với những người quen biết.

Chủ nghĩa tiêu thụ

Cô hầu bếp với tĩnh vật rau củ và hoa quả (162005) của Nathaniel Bacon

Người ta thường lên án chủ nghĩa tiêu thụ như một thứ ung nhọt của thế giới hiện đại. Nhưng suy cho cùng nền tảng của chủ nghĩa tiêu thụ chính là tình yêu dành cho sản vật của mặt đất, sự hân hoan trước tài năng của con người và sự ngưỡng mộ thích đáng trước những thành tựu to lớn của công sức sản xuất và buôn bán. Tác phẩm nói trên đưa ta về một thời điểm khi sự thừa mứa vật chất vẫn còn khá mới mẻ, chưa bị “lờn mặt” như bây giờ.

Chúng ta sợ lòng tham mà quên mất rằng tình yêu của cải vật chất cũng có thể cao quý. Năm 1620, người ta đã bày tỏ lòng kính trọng trước việc làm ra của cải vật chất và công việc buôn bán. Ngày nay sự chán chường và chút cảm giác tội lỗi khiến chúng ta không nhận ra điều đó. Có lẽ ta học được điều gì đó từ tác phẩm này. Đối mặt với chủ nghĩa tiêu thụ, ta có lẽ không cần phải chối bỏ hoa trái, mà nên trân quý công sức đi kèm với chúng.

Nguồn: http://soi.com.vn/?p=148179&cat=4

menu
menu