Làm thế nào dẹp bỏ sự đố kỵ trong công sở
Một nghiên cứu mới của tổ chức Skynova, Mỹ cho thấy 42% nhân viên được hỏi nói họ cảm thấy ghen tị với các đồng nghiệp, ít nhất một lần một tuần.
Một nghiên cứu mới của tổ chức Skynova, Mỹ cho thấy 42% nhân viên được hỏi nói họ cảm thấy ghen tị với các đồng nghiệp, ít nhất một lần một tuần.
Bri Godwin Huyke, người phát ngôn của Skynova, tổ chức nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ ở Pennsylvania (Mỹ) nhận định: "Ghen tị với đồng nghiệp là một cảm xúc phức tạp mà nhiều người phải đối mặt".
Điều gì gây ra sự đố kị ở nơi làm việc? Tiền là nguyên nhân hàng đầu, với 32% số người được hỏi cho rằng tiền lương là lý do lớn nhất khiến họ rơi vào cảm giác khó chịu với những người làm cùng.
Godwin Huyke chỉ ra, các nguyên nhân chính khác dẫn đến sự kèn cựa nhau ở công sở, đó là việc thăng chức và các thành tích nghề nghiệp. Nhìn chung, những người được hỏi nói rằng cảm giác ghen tị được thổi bùng lên sau các buổi tuyên dương, trao giải, cộng với các đồng nghiệp thích khoe khoang.
Vì vậy, nếu bạn phát hiện ra mình ghen tị với đồng nghiệp cũng đừng lo lắng, điều đó hoàn toàn là bình thường. Điều quan trọng là phải nhận thức được cảm xúc này và tránh để nó bùng nổ, bởi nó có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sự nghiệp của bạn nếu không được kiểm soát.
Kết quả nghiên cứu, khảo sát của Skynova về tỷ lệ và nguyên nhân gây ra cảm giác đố kị trong môi trường công sở. Ảnh chụp màn hình.
Bạn cần phải làm gì để đối phó với sự đố kỵ tại nơi làm?
Nhận thức rằng ghen tị có thể ảnh hưởng đến động lực của bản thân
Trải qua cảm giác ghen tị có thể ảnh hưởng đến động lực và sự gắn bó của bạn với công việc. Do đó, bước đầu tiên để đối phó với tình huống này một cách tích cực là nhận ra rằng mình đang bị tác động thế nào bởi cảm xúc đó.
Godwin Huyke cho biết, trong khi một số người nói rằng ghen tị làm họ giảm động lực và khó có thể chăm chỉ hơn vì tin rằng bản thân sẽ không đạt được sự ghi nhận giống như đồng nghiệp, một số khác nói sự ghen tị giúp họ có động lực để làm việc chăm chỉ hơn.
Luôn tự nhận thức
Duy trì nhận thức về bản thân là chìa khóa quan trọng, bởi điều đó không chỉ giúp bạn đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc, đồng thời cho phép bạn hành động để cảm thấy tốt hơn.
"Điều quan trọng là bạn nên đánh giá xem mình ghen tị với đồng nghiệp vì điều gì?. Hãy tự hỏi bản thân, đó có phải là điều bạn cũng có thể đạt được hay không? Nếu sự đố kỵ khiến bạn cảm thấy khó chịu thì tốt nhất là bạn nên tách mình ra khỏi đồng nghiệp đó, nhằm tránh cảm giác thù địch tại nơi làm việc", chuyên gia khuyên.
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh đồng nghiệp hay khoe khoang về việc tăng lương, thăng chức của họ, điều này tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn. Các bước tiếp theo có thể bao gồm đầu tư vào phát triển chuyên môn, trao đổi với sếp hoặc bộ phận nhân sự để tìm kiếm cơ hội cho riêng mình.
Ngoài ra, chuyên gia khuyên rằng bạn nên lấy sự ghen tị làm cơ sở để tìm hiểu thông tin vì sao đồng nghiệp của bạn được tăng lương, được thăng chức? Những gì họ đã làm có thể là giúp bạn nhìn thấy hướng đi cụ thể và hành động theo đó, nếu nó phù hợp với nhu cầu và khả năng của bạn.
Chúc mừng thay vì cạnh tranh
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chuyển tất cả sự ghen tị của mình thành những hành động tích cực dành cho đồng nghiệp, ví dụ chúc mừng họ?
"Một số người cho rằng sự đố kỵ tại nơi làm việc là không thể tránh khỏi. Nhìn chung, nên cố gắng duy trì sự tích cực. Hãy vui vẻ chúc mừng những thành quả của đồng nghiệp và khen ngợi họ", Godwin Huyke nói.
Có thể bạn thấy buồn vì mình đã không ở vị trí đó, nhưng nếu bạn tán dương người khác, bạn càng có thêm năng lượng tích cực để biến mục tiêu thành hành động.
Thùy Linh (Theo Ladders) /VNE