Lắng nghe như một chú chó

lang-nghe-nhu-mot-chu-cho

Chó lắng nghe toàn tâm toàn ý, hoàn toàn thoải mái với sự im lặng, biến ta thành trung tâm trong thế giới của chúng, không phán xét, không ngắt lời, không tranh luận, quở trách hay chỉnh sửa, vô cùng kiên nhẫn,

"Không chuyên gia tâm lý nào trên đời bằng chú cún con đang liếm láp khuôn mặt bạn."-Ben Williams

Tất cả chúng ta đều nói, nhưng không ai nghe. Và con người, ở mọi nơi, muốn được lắng nghe. Vì thế con người bị thu hút mạnh bởi những người lắng nghe họ. Cho nên, nếu muốn tạo ra tác động trong thế giới ồn ào ngày nay, thì món quà lớn nhất mà chúng ta có thể tặng cho bất cứ ai là lắng nghe họ.

Chó lắng nghe giỏi như thế nào?

Lần cuối bạn nghe thấy một trong những câu sau đây là khi nào?

  • Con chó của tôi luôn nhắn tin trong khi tôi đang cố nói chuyện với nó; nó thật thô lỗ!
  • Mỗi lần tôi tìm cách nói chuyện, con chó của tôi cứ ngắt lời. Nó không chịu dừng.
  • Tôi cố gắng kể chuyện của mình nhưng con chó của tôi luôn phải “trên cơ” tôi bằng một câu chuyện nó cho là hay hơn rất nhiều
  • Con chó của tôi là đồ giả tạo; thảo mai; nó cười tươi với bạn nhưng bạn có thể thấy nó chỉ đang tìm cách điều khiển bạn.
  • Tôi không thể nói cho hết câu, con chó của tôi luôn kết thúc hộ tôi.

Phải nói với bạn rằng, tôi hiếm khi nghe thấy những lời nhận xét như vậy về chó.

Chó lắng nghe toàn tâm toàn ý, hoàn toàn thoải mái với sự im lặng, biến ta thành trung tâm trong thế giới của chúng, không phán xét, không ngắt lời, không tranh luận, quở trách hay chỉnh sửa, vô cùng kiên nhẫn, tha thứ và quên đi, không bị phân tâm bởi hội thoại diễn ra trong đầu chúng.

Chó tạo dấu ấn trên đời không phải bằng cách gây chú ý hơn mọi người, không phải bằng việc nghĩ ra những cách bắt chuyện thông minh hay hấp dẫn hơn. Mà bằng sự lắng nghe và sự hiện diện. Sự hiện diện của chó rất đỗi chân thật trong thế giới của email và tin nhắn. Mọi người đều sẽ nhớ đã trò chuyện với bạn, không phải vì những gì bạn nói, mà vì cách bạn khiến họ cảm nhận. 

  1. Một trong những lý do khiến chúng ta thích trò chuyện với chó là chó rất khiêm tốn.

Con người có thôi thúc muốn trội hơn người đang nói. Chúng ta thường cảm thấy có bổn phận chứng minh mình thông minh hơn, hài hước hơn, từng trải hơn hoặc thành công hơn người đang nói, hoặc chúng ta đau khổ hơn. Đó luôn là thú vui. Trái lại, chó là chân dung của sự khiêm tốn. Khi bạn nói, chúng ngước nhìn bạn như thể bạn là hùng biện vĩ đại nhất lịch sử, và chúng không hề có ham muốn vượt trội bạn. Chó không quá đề cao bản thân. Thực chất thì người khác tôn trọng bạn hơn khi bạn từ bỏ thói tự phụ và sự biết tuốt của mình.

  1. Chó là bậc thầy chú ý

Khi một chú chó chú ý, lắng nghe con người, nó làm hết mình. Chó sử dụng mắt, tai , xúc giác để chú ý (ngồi dậy chăm chú, nghiêng đầu, vẫy tai, nhìn vào mắt bạn, tới gần ta hơn, đụng chạm, liếm láp, ngoắc đuôi, hướng mũi về phía ta, và ngậm miệng không sủa). Đó là sự chú ý lắng nghe tột bậc, không lẫn đi đâu được. Để đạt được sự lắng nghe toàn tâm toàn ý này thì bạn phải biết cách dánh thức "chú chó" bên trong bạn.

Chó có thể đang say sưa 100% với khúc xương, nhưng khi nhận thấy bạn đang nói chuyện với chúng, và chúng quyết tâm lắng nghe, đầu chúng sẽ ngóc lên và bỏ lại khúc xương. Chúng chuyển 100% sự chú ý sang bạn. Sau khi bạn nói xong, chúng lại dành 100% sự chú ý cho khúc xương.

  1. Chó thể hiện sự chân thật qua đôi mắt và cách vẫy đuôi

Ánh mắt của chó là huyền thoại về sự thuần khiết và tập trung. Bạn chỉ cần nhìn vào mắt một chú chó là thấy sự tử tế và chân thật của chúng. Chó nhìn chăm chú một cách sâu lắng, chân thành và vô tư, nhưng chúng cũng biết đừng nhìn quá lâu khiến cho tới một lúc nào đó, ánh mắt có thể trở thành sự đe doạ hoặc thách thức. Bạn đã thử thi nhìn lâu với chó chưa? Ai thắng? Nếu câu trả lời là bạn, tôi sẽ hỏi xem bạn có gian lận không.

Một chú chó xuất hiện với cái đuôi vẫy tít vì nó chân thật, không phải vì nó học theo cuốn sách "Cách lấy lòng con người trong hai giây." Chó thành thật về cảm xúc. Chúng không vờ vịt. Chúng không vòng vo.

  1. Chó có thể cho bạn năng lượng thuần khiết, không phán xét và "đón nhận".

    Kết quả là bạn không chỉ cảm thấy nhẹ nhõm khi có thể trút hết nỗi lòng, bạn còn cảm thấy thành thật và thoải mái là chính mình.

Con người yêu những mối quan hệ trong đó họ cảm thấy có thể bộc lộ bản thân một cách trọn vẹn, với sự chấp nhận hoàn toàn. Nghĩa là có được đối tác không phán xét bạn hoặc lảng tránh khi bạn nói về một số chủ đề nhất định. Thay vào đó, đối tác lắng nghe bất cứ điều gì bạn định nói và chấp nhận nó là sự thật về bạn. Đối tác của bạn không cố chỉnh sửa bạn và không tức giận hoặc tổn thương khi bạn nói đến các chủ đề có vẻ kỳ cục hoặc khi bạn bày tỏ một quan điểm hai bên không nhất trí. Bạn cảm thấy hoàn toàn tự do và không bị phán xét khi ở bên họ

  1. Sức mạnh của sự im lặng

Chó là bậc thầy của im lặng và hoàn toàn thoải mái với việc này. Chúng không có nhu cầu bắt buộc lấp đầy không khí bằng âm thanh. Chúng sủa, rên rỉ, gầm gừ khi có lý do nhất định, nhưng sau đó chúng nhanh chóng quay về trạng thái im lặng của thầy tu chó. Tất nhiên cũng có những chú chó sủa cả ngày do sống trong thế giới quay cuồng của loài người, nhưng chúng là ngoại lệ ồn ào, không phải điển hình. Trái lại, con người chúng ta có thôi thúc không ngừng là vừa phát ra âm thanh vừa tắm mình trong đó. Theo tôi, một trong những lý do chính khiến chúng ta thích ở bên chó là vì chúng im lặng. 

Nếu bạn muốn trở thành người giỏi lắng nghe thì bạn phải trở thành nhà vô địch im lặng. Chúng ta không bao giờ để ý mình "sủa" nhiều thế nào. Nếu dành một phần mười nỗ lực đó khiến mình im lặng, chúng ta sẽ trở thành những thiền sư thực thụ. Chó tặng chúng ta món quà im lặng. Đó là món quà chúng ta có thể tặng lẫn nhau.

Bạn càng ít nói, lời nói của bạn càng có sức nặng.

Nếu nhà bạn có nuôi chó, thì hôm nay chú chó của bạn có sủa không? Khả năng là bạn sẽ nhớ nếu nó có sủa. "Có chứ, nó sủa trong 20 giây khi nhân viên ghi số điện xuất hiện." Tại sao bạn lại nhớ chú chó đã sủa? Bởi vì điều đó dễ nhận ra so với hàng giờ im lặng.

  1. Chó không ngắt lời.

Con người chúng ta có thôi thúc ngắt lời lẫn nhau một cách gần như tự nhiên. Chó thì không. Con người ngắt lời vì có cơn ngứa ngáy muốn làm vậy trong tâm lý. Vd như lo âu, sợ không tới lượt mình nói, cảm thấy nhàm chán, hay ham muốn khoe kiến thức , trí tuệ, kinh nghiệm...

  1. Chó đánh hơi lẫn nhau.

Hai chú chó gặp nhau. Chúng lập tức “đánh hơi lẫn nhau.” Chúng cũng không đánh hơi qua loa. Chúng không hỏi nhau từ một khoảng cách lịch sự “Hôm nay cậu có mùi gì?” và sau đó trả lời “tốt, tốt” bằng tiếng sủa kém hăng hái. Không đâu, chúng sấn vào đúng những chỗ kín đáo nhất trên cơ thể nhau và bắt đầu hít hà. Một vài ví dụ nhỏ về những điều chú chó biết được nhờ đánh hơi một con chó khác là: con chó đó vừa mới ăn gì, nó lui tới nơi nào trong vài ngày gần đây, nó dễ chịu và thân thiện đến đâu…

Trái lại, hãy nghĩ về kịch bản quen thuộc khi hai người dắt chó đi dạo gặp nhau trên phố. Trong khi hai con chó của họ bận rộn tìm hiểu những chi tiết thân mật về cuộc sống của nhau, thì hai con người bận rộn mỉm cười giả tạo và nói “Có vẻ sắp mưa nhỉ?”. “Ừ chắc rồi.” Tuy vậy, hai người tạm biệt nhau, tự tin vào danh hiệu nhà giao tiếp vĩ đại của mình.

  1. Chó rất giỏi đọc vị chúng ta

Chó vốn dĩ không hiểu ngôn ngữ của chúng ta. Do đó chúng học được cách chú ý hết sức kỹ càng đến những tín hiệu không lời của chúng ta, nơi tâm trạng, cảm xúc và ý định thực sự của con người bộc lộ. Chó nhạy cảm một cách kỳ lạ trong việc đọc tâm trạng và ý định của chúng ta.

Trái lại, con người chúng ta bị mắc kẹt trong ngôn từ, vì vậy chúng ta thường không thừa nhận giá trị của những thứ phi lời nói. Khả năng sử dụng ngôn ngữ khiến chúng ta lười biếng. Lời nói có ý nghĩa rõ rang, vì thế rất dễ mặc nhiên chấp nhận chúng “Nói sao hiểu vậy”. Vấn đề là chỉ một phần nhỏ trong giao tiếp của chúng ta được diễn đạt qua lời nói, phần còn lại được thể hiện qua nét mặt, giọng nói, ngôn ngữ cơ thể

  1. Khả năng ở yên tại chỗ và không làm gì ngoài chú ý.

Chó có thể rút lại sự chú ý từ thế giới đầy xao nhãng và đặt toàn bộ vào "chủ nhân" và chăm chú quan sát tín hiệu tiếp theo. Chú chó không chỉ làm vậy trong vài giây cho tới khi nó bị thu hút bởi mục tiêu hấp dẫn mới xuất hiện-giống như con người - mà sẽ LÀM ĐẾN CÙNG. Nó phớt lờ hàng trăm cảnh vật, mùi hương và âm thanh đang cố gắng lôi kéo sự chú ý của nó ở mọi nơi. Nó biến chủ nhân thành trung tâm trong thế giới của nó, đóng cửa với bất kỳ và tất cả mọi sự xao nhãng. Lắng nghe là công việc đòi hỏi 100% sự tập trung. Nhưng chúng ta không có được sự kỷ luật tập trung như chú chó. Tâm trí ta luôn bồn chồn và bứt rứt. Chúng ta dễ bị kích động bởi các mối xao nhãng cả bên trong lẫn bên ngoài.

Kết 

Ở bên chó, chúng ta cảm thấy mình quan trọng. Mỗi khi ta nói chuyện với chúng hoặc ở bên chúng, chúng biến ta thành trung tâm trong thế giới của chúng. Chúng không cố ngắt lời, lấn át hay khiến ta xao nhãng, hoặc tranh cãi với ta. Chúng chỉ truyền sự chú ý phi thường tới chúng ta và khiến ta cảm thấy rằng ở bên ta là điều tuyệt nhất trên đời.

Phần lớn chúng ta không bao giờ có thể lắng nghe tốt gần bằng chó. Con người không có sự tập trung, hiện diện, vô ngã, và rộng lượng như chó. Nhưng nếu chúng ta bằng được 50 hay thậm chí 25 phần trăm hiệu quả của một chú chó, chúng ta sẽ là những siêu sao lắng nghe.

Bạn có sức mạnh khiến những người xung quanh cảm nhận giống như cách một chú chó khiến bạn cảm nhận. Bạn có thể làm cho người khác cảm thấy được tôn trọng, yêu quý và quan trọng chỉ nhờ lắng nghe. Tận sâu thẳm, bạn biết tập trung chú ý là món quà lớn nhất bạn có thể tặng cho người khác. Khi lắng nghe một người, bạn đang nói với họ rằng "Ngay lúc này, bạn là điều quan trọng nhất trên đời đối với tôi. Bạn quan trọng hơn kiếm tiền, làm việc nhà, giải trí, và thậm chí cả việc nói." Loài chó đã lặng lẽ cố dạy ta hang thế kỷ nay bài học về cách lắng nghe – lặng lẽ, trắc ẩn, không phán xét, khích lệ - như một chú chó.

 ------

Ảnh: Rubi

Tham khảo sách “Lắng nghe như một chú chó” của tác giả Jeff Lazarus

menu
menu