Lịch sử của những cuộc cãi vã

Một cặp đôi trung bình sẽ trải qua từ 30 đến 50 cuộc cãi vã “đáng kể” mỗi năm
Một cặp đôi trung bình sẽ trải qua từ 30 đến 50 cuộc cãi vã “đáng kể” mỗi năm – “đáng kể” ở đây nghĩa là những cuộc chạm trán vượt xa khỏi khuôn khổ của một cuộc đối thoại văn minh, những tình huống mà nếu được quay lại rồi chiếu cho bạn bè xem thì hẳn sẽ khiến ai nấy đều ngượng chín mặt. Những lần lớn tiếng, đảo mắt, gào thét đầy kịch tính, đóng sầm cửa, và không tiếc lời thóa mạ với những từ ngữ như “đồ tồi” hay “đồ đầu đất” – tất cả góp phần tạo nên cái gọi là "cãi vã".
Với mức độ căng thẳng mà những cuộc cãi vã gây ra, ta có thể kỳ vọng rằng xã hội hiện đại sẽ đầu tư rất nhiều thời gian và nguồn lực để tìm hiểu vì sao chúng xảy ra, làm sao để xoa dịu hoặc tháo gỡ một cách an toàn, và làm thế nào để đối diện hiệu quả với những bất đồng vẫn thường châm ngòi cho những cuộc đối đầu ấy.
Lý tưởng mà nói, hẳn nên có những khóa học ở trường học, đại học về nghệ thuật xử lý xung đột. Hẳn nên có cả chỉ tiêu quốc gia nhằm giảm thiểu tần suất các cuộc cãi vã (với các bản tin thời sự lo lắng đưa tin chỉ số cãi vã tăng 1.7% trong quý vừa qua và phe đối lập thì yêu cầu Bộ trưởng Bộ Cãi Vã từ chức).
Nhưng có những lý do sâu xa khiến chúng ta – như một tập thể – né tránh chủ đề này.
Lý do đầu tiên, là bởi văn hóa Lãng mạn đã gieo vào lòng người niềm tin cảm tính rằng: sự giận dữ bùng cháy có thể là dấu hiệu của đam mê đích thực. Việc cãi cọ, quăng ném những lời xúc phạm không phải là biểu hiện của sự thiếu trưởng thành hay mất kiểm soát, mà ngược lại, còn được coi là biểu lộ của khát khao yêu thương mãnh liệt, là bằng chứng cho thấy tình yêu ấy sâu đậm và đầy cuồng nhiệt.
Chủ nghĩa Lãng mạn cũng âm thầm khiến người ta tin rằng: cãi vã là phần tất yếu, như mưa nắng thất thường trong đời sống lứa đôi – điều không thể phân tích bằng lý trí hay tháo gỡ bằng logic. Chỉ có kẻ khô khan mới đi phân tích cuộc cãi vã – thay vì cứ để nó trôi qua theo cách nó cần trôi.
Ở một tầng sâu hơn, chúng ta né tránh vì không dám đối diện với những gì cuộc cãi vã phơi bày về chính bản thân mình.
Sự hung hăng, ủy mị, nhỏ nhen của chính ta, một khi cuộc chiến lặng xuống, thường khiến ta ghê sợ chính mình. Ta khéo léo giả vờ – với cả bản thân lẫn bạn đời – rằng những điều vừa xảy ra tối qua chỉ là phút mất kiểm soát lạ lùng, và tốt nhất nên lặng lẽ cho qua khi bình minh lên.
Chúng ta càng thêm lạc lối vì xung quanh hiếm có ai công khai cho thấy mối quan hệ của họ cũng trải qua những điều tương tự. Vì xấu hổ và khao khát giữ vẻ bình thường, ta cùng nhau che giấu thực tế của đời sống tình cảm – để rồi lại tự tưởng rằng hành vi của mình là đặc biệt tồi tệ, là không thể cứu vãn hay giải thích. Và thế là, ta bỏ lỡ cơ hội để trưởng thành, bởi ta tưởng mình là kẻ điên rồ duy nhất.
Nhưng thực tế không nhất thiết phải như vậy. Chúng ta thường cãi vã một cách vụng về và lặp lại – đơn giản vì chưa từng được dạy cách bày tỏ bản thân cho người khác hiểu. Ẩn sâu dưới mỗi cuộc tranh luận, là một nỗ lực đầy tuyệt vọng của hai con người – cố gắng để người kia thấu hiểu, công nhận và đáp lại những cảm xúc chân thực, những khát vọng về công bằng đang âm ỉ cháy trong lòng. Phía sau những lời nặng nề là một khát khao cháy bỏng: rằng người mình yêu sẽ lắng nghe, thấu cảm, và chạm tới phần cốt lõi nhất trong trải nghiệm làm người của ta.
Bi kịch của những cuộc cãi vã buồn thảm ấy nằm ở chỗ: nó được xây dựng từ một khoảng cách quá lớn giữa thông điệp ta tha thiết muốn gửi gắm (“Em cần anh yêu em, hiểu em, đồng tình với em”) và cách mà ta lại thể hiện nó ra ngoài (“Sao anh ngu thế hả?”, “Cút đi!”, “Anh thật sự là một thằng tệ hại!”).
Một cuộc cãi vã tồi tệ chính là một nỗ lực truyền đạt thất bại – nơi mà thông điệp cốt lõi ngày càng mờ nhạt và bị bóp méo. Chính sự tuyệt vọng của ta đã làm ta tự đánh mất khả năng nói ra những điều đúng đắn. Ta cãi một cách thô lỗ vì trong cơn hoang mang, ta không còn chạm tới được những cách diễn đạt tử tế hơn cho những nỗi sợ, hy vọng dang dở, những nhu cầu, băn khoăn, niềm vui và niềm tin đang chất chứa trong lòng.
Và ta thường như vậy vì ta đang sợ đến phát hoảng – sợ rằng có thể mình đã chọn nhầm người, đã trói buộc đời mình với một ai đó không tài nào chạm tới được những chuyển động tinh vi trong tâm hồn ta. Giá như ta thờ ơ hơn một chút, có lẽ mọi thứ đã dễ dàng hơn biết bao.
Thế nên, những cuộc cãi vã cay đắng không hẳn xuất phát từ việc ta là những kẻ thô lỗ hay rối loạn – mà vì ta vừa thiết tha yêu, vừa quá bất lực. Chính khao khát mãnh liệt được thấu hiểu – khi thiếu kỹ năng – lại khiến ta đánh mất khả năng làm cho người kia thực sự hiểu mình.
Dù cãi vã có thể rất hủy hoại, thì việc né tránh xung đột cũng không phải là giải pháp đơn giản. Một cuộc cãi vã thường không xảy ra vô cớ – nó chứa đựng điều gì đó quan trọng, và điều đó cần được nhìn thẳng nếu một mối quan hệ muốn tồn tại.
Vấn đề không nằm ở việc phải tránh bất đồng, mà là học cách đối diện với chúng một cách ít tổn thương hơn, nhẹ nhàng và khôn ngoan hơn. Có lẽ, chúng ta cần rất nhiều sự giúp đỡ – để có thể học được nghệ thuật tinh tế: chuyển hóa những cuộc cãi vã độc hại thành những cuộc đối thoại đầy thấu hiểu và từ bi.
**
NHỮNG CUỘC CÃI VÃ QUA DÒNG LỊCH SỬ
Cãi vã trong tình yêu đôi lứa, trên thực tế, quen thuộc đến mức khiến ta có cảm giác như đó là một điều vĩnh hằng của kiếp nhân sinh. Nhưng đằng sau thói quen ấy là cả một chiều sâu lịch sử – từ nguyên do khiến ta dễ nổi nóng, cho tới cách mà ta thể hiện sự giận dữ. Đã đến lúc ta nên nhìn lại lịch sử – và tương lai – của những cuộc cãi vã.
– Cairo, Ai Cập, năm 1550 trước Công nguyên
Các cặp đôi ở Ai Cập cổ đại không xa lạ gì với những nỗi bực bội thường ngày, nhưng cách họ ứng xử với sự bất đồng lại phản ánh những chuẩn mực từng phổ biến khắp nơi trên thế giới – cho đến khi thời hiện đại khởi sinh (và kéo theo đó là cái mà ta gọi là “kỷ nguyên của cãi vã” vào thế kỷ 19).
Thay vì những cuộc trò chuyện dài dòng hay đầy cảm xúc, người chồng thời ấy được khuyến khích chấm dứt tranh cãi bằng mệnh lệnh độc đoán, thậm chí bằng vũ lực nếu cần. Một văn bản pháp lý ghi chép lại rằng: nếu người vợ không đồng tình với chồng, thì nên bị nhốt vào một cái hố hoặc chiếc chum sành lớn một thời gian – để khôi phục sự hài hòa trong gia đình.
– Athens, Hy Lạp, năm 380 trước Công nguyên
Triết gia Socrates nổi tiếng là một con người khác thường – không chỉ vì tư tưởng mà còn bởi đời sống hôn nhân của ông. Ai cũng biết ông thường có những cuộc trò chuyện dài và đầy tranh cãi với người vợ Xanthippe.
Khi được hỏi vì sao một người đàn ông khôn ngoan không dùng quyền lực để bắt vợ phục tùng, Socrates trả lời: những cuộc đối thoại đầy mâu thuẫn với người bạn đời chính là cơ hội học hỏi quý báu – giúp một triết gia rèn luyện nghệ thuật thuyết phục và đàm thoại.
Với thính giả thời ấy, câu trả lời quả là kỳ quặc.
– Luân Đôn, Anh Quốc, tháng Hai năm 1542
Vua Henry VIII và người vợ thứ năm – Catherine Howard – đang gặp sóng gió hôn nhân. Catherine bị phát hiện có quan hệ vụng trộm với một cận thần và cả thư ký riêng của mình. Nhà vua giận dữ tột độ.
Thế nhưng, thay vì tranh cãi, ông ban hành lệnh xử trảm Catherine trước Tháp Luân Đôn.
Từ đoạn đầu đài, Catherine chỉ nói vỏn vẹn đôi lời – thừa nhận rằng bản án mình nhận là “xứng đáng và công bằng”.
– Paris, Pháp, tháng Mười năm 1833
Triết gia người Anh John Stuart Mill gặp nữ văn sĩ – nhà hoạt động nữ quyền Harriet Taylor trong một khách sạn nhỏ bên bờ tả ngạn sông Seine. Từ đó, họ bắt đầu một mối tình dẫn dắt bởi những ý tưởng cách mạng về cách mà quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ nên vận hành.
Cả hai cùng theo đuổi lý tưởng về một tình yêu đồng hành – nơi tình bạn và sự tôn trọng lẫn nhau là cốt lõi, nơi mọi bất đồng được giải quyết bằng những cuộc trò chuyện bình tĩnh và công bằng.
Về sau, Harriet từng khen Mill là một trong số rất ít người đàn ông mà bà từng gặp – biết cách nói chuyện với phụ nữ như thể họ cũng thông minh ngang mình.
Thế nhưng, dù những tư tưởng ấy thật cao đẹp, phần lớn các cặp đôi lại không thể noi theo kiểu yêu đương chừng mực và đầy phẩm giá như Mill và Taylor. Thực tế trớ trêu thay – chính những nguyên tắc của hôn nhân hiện đại lại khiến mâu thuẫn và bất đồng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Bởi giờ đây, hai con người buộc phải cùng nhau chia sẻ vô số trách nhiệm – từng việc một – và mọi điều đều cần được thỏa thuận rõ ràng.
Từ chuyện chọn thảm cho phòng khách, kế hoạch chiều Chủ nhật, ăn Giáng Sinh với gia đình ai, cho con học trường nào, cách bày biện bàn ăn, cho đến cả việc ai nên giảm cân bao nhiêu…
Tình yêu thời hiện đại được dẫn dắt bởi một lý tưởng Lãng mạn: hai tâm hồn hòa làm một.
Người ta không còn muốn người kia chỉ miễn cưỡng đồng ý – họ khao khát bạn đời phải thấy mọi thứ y hệt như mình: cùng gu hài hước, cùng thích một cuốn tiểu thuyết vì cùng một lý do, cùng say mê trong thế giới tưởng tượng gợi cảm của nhau, cùng quan điểm về tiền bạc, cùng đồng thuận trong thẩm mỹ nội thất – và cả việc nên đi ngủ lúc mấy giờ.
Không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ ly hôn tăng vọt.
– New York, Hoa Kỳ, năm 1935
Hai bác sĩ – vợ chồng Hannah và Abraham Stone – bắt đầu tư vấn tâm lý cho các cặp đôi khốn khổ vì không thể giao tiếp hiệu quả. Những điều họ chiêm nghiệm được được đúc kết lại trong cuốn sách bán chạy Cẩm Nang Hôn Nhân.
Trong đó, họ khuyên các cặp đôi: đừng buông ra những lời quy chụp mang tính phủ định tuyệt đối về bản chất của người bạn đời. Thay vào đó, hãy chỉ đơn thuần diễn đạt cảm xúc của chính mình khi ở bên họ.
Ta sẽ tiến xa hơn nhiều nếu biết nói: “Em cảm thấy như mình chẳng có chút giá trị nào trong mắt anh” – thay vì gắt gỏng rằng: “Anh thật ích kỷ và tệ bạc.”
– Messenia, Hy Lạp, tháng Tám năm 2012
Hai diễn viên Ethan Hawke và Julie Delpy cùng góp mặt trong bộ phim Before Midnight của đạo diễn Richard Linklater – một tác phẩm khắc họa sâu sắc chân dung một cặp đôi đang khủng hoảng.
Bộ phim nhanh chóng trở nên nổi tiếng nhờ một phân đoạn tranh cãi kéo dài suốt hai mươi phút – diễn ra trong căn phòng khách sạn nhỏ ở Hy Lạp – một trong những cảnh cãi vã mãnh liệt và kéo dài nhất trong lịch sử điện ảnh hiện đại.
Hawke và Delpy liên tục ném về phía nhau những lời sỉ nhục sắc bén, họ hét lên, đóng sập cửa, ánh mắt chan chứa cơn giận lạnh lẽo đến rợn người.
Sự rạn nứt ấy, hiện lên trên màn ảnh một cách chân thật đến đau lòng – như thể đang cầm gương soi thẳng vào bao trái tim đang sống trong những mối quan hệ phức tạp khắp thế giới.
Người ta có thể trân quý ý tưởng về một cuộc hôn nhân đồng hành, một tình yêu tử tế và cuộc đối thoại văn minh. Nhưng phần lớn chúng ta vẫn loay hoay, chưa biết làm sao để hiện thực hóa những điều ấy một cách sống động trong đời thường.
– Trạm Không Gian Liên Hành Tinh, gần sao Mộc, năm 2200
Các cặp đôi tương lai vẫn phải đối diện với những thử thách xưa cũ – chẳng khác bao nhiêu so với “kỷ nguyên cãi vã” khởi nguồn từ thế kỷ 19.
Họ vẫn phải cùng nhau đưa ra những quyết định không hề dễ dàng – như khi nào thì gọi tàu con thoi, hoặc có nên tải toàn bộ ký ức vào đĩa não dự phòng. Họ vẫn cần diễn đạt những sự thật mong manh của lòng mình: những cảm xúc chưa gọi được tên, những khao khát âm thầm, những nỗi sợ lặng thinh, những nhu cầu chẳng dễ thổ lộ.
Nhưng họ không còn nổi giận, không đay nghiến nhau, không quát tháo, cũng chẳng đập mạnh cánh cửa thép trên trạm không gian.
Họ vẫn xao động, vẫn có những lúc lòng không yên, nhưng nay đã biết cách đối mặt bằng những phương pháp “ngoại giao cảm xúc” – thứ được dạy cẩn thận suốt nhiều năm học và được cập nhật thường xuyên qua chip cấy trong não bộ.
Họ hiểu điều gì làm nên một cuộc tranh cãi, cách xoa dịu nó trước khi nó bùng phát, cách truyền tải những sự thật quan trọng một cách tinh tế, và đặc biệt – cách nhìn thế giới qua lăng kính của người bên cạnh.
Trong căn nhà không trọng lực, sạch bong như được lau bởi máy hút bụi thông minh, đã vắng đi rất nhiều nỗi tuyệt vọng – và cũng nhẹ bớt rất nhiều tiếng chửi thề.
***
Trong phần lớn chiều dài lịch sử loài người, các cặp đôi không cãi nhau – bởi một người đơn giản chỉ cần áp đặt ý chí và người còn lại phải im lặng chịu đựng. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên đáng hy vọng hơn nhiều – nơi lòng tin được đặt vào sự bình đẳng và đối thoại. Thế nhưng, ta mới chỉ đi được những bước đầu tiên trên hành trình học cách xử lý bất đồng và mâu thuẫn một cách chín chắn, thấu đáo. Chúng ta đã biết mơ về tình yêu trong các mối quan hệ. Việc còn lại – là học cách đối mặt với những lúc nỗi ghét nhen nhóm, một cách khôn ngoan và dịu dàng hơn.
Nguồn: A HISTORY OF ARGUMENTS | The School Of Life