Liệu pháp tâm lý có thể giúp chúng ta như thế nào?
Có rất nhiều nhầm lẫn về việc vì sao chúng ta nên tìm đến một nhà trị liệu tâm lý.
Có rất nhiều nhầm lẫn về việc vì sao chúng ta nên tìm đến một nhà trị liệu tâm lý. Thông thường, ta nghĩ rằng lợi ích của liệu pháp nằm ở việc được trò chuyện với một người thân thiện, có ai đó để dựa vào khi khóc, hay được lắng nghe với sự đồng cảm.
Dù những yếu tố này có thể rất hữu ích (và đôi khi thực sự là cứu cánh), nhưng lợi ích cốt lõi – thứ khiến liệu pháp tâm lý có sức mạnh chuyển hóa thay vì chỉ đơn thuần xoa dịu – lại nằm ở một điều hoàn toàn khác: liệu pháp cho ta cơ hội phơi bày những “điên rồ” của mình dưới sự quan sát cẩn trọng và tận tâm.
Ai trong chúng ta cũng – vì tuổi thơ phức tạp – mang theo mình những định kiến méo mó sâu sắc về bản thân và về người khác. Chẳng hạn, ta có thể tin rằng bất kỳ ai biết rõ về mình đều sẽ ghê tởm ta; rằng thành công đồng nghĩa với việc mất đi tình yêu của những người ta cần; rằng ta có trách nhiệm phải chăm sóc bạn đời cho dù họ chẳng mấy quan tâm đến mình; hoặc rằng ta cần phải luôn hài hước và thú vị để giành được sự yêu mến của người khác.
Trong nhịp sống thường ngày, mọi thứ trôi qua quá nhanh để những suy nghĩ sai lệch này có cơ hội bộc lộ rõ ràng. Không ai thật sự để ý hay sẵn sàng nói cho ta biết một cách tử tế và cụ thể về những lệch lạc ấy – một phần bởi ta thường biểu lộ chúng trong những hoàn cảnh khác nhau, giữa những con người cũng đang quay cuồng với nỗi niềm riêng. Đời sống thường nhật giống như một làn sóng tạp âm, khiến ta không thể nào tự mình nhận diện những “trò lố” của bản thân.
Liệu pháp tâm lý mang đến một điều đẹp đẽ: ta sẽ vô tình tái hiện những lệch lạc ấy trước mặt nhà trị liệu, giống như cách ta đã thể hiện trong đời sống bên ngoài. Nhưng lần này, có một khác biệt lớn: đã có người quan sát ta với sự trưởng thành, thấu hiểu và khách quan tuyệt đối.
Người ấy không nuôi dạy con với ta, không điều hành công việc với ta, không thuyết phục ta đi ăn tối với mẹ họ. Họ không oán giận ta vì chuyện gì đó đã xảy ra từ năm ngoái, và (vốn dĩ) cũng không mang theo những kỳ vọng chưa trưởng thành mà họ đang có trong đời tư của mình. Tất cả những gì họ làm là lắng nghe một cách điềm tĩnh, nhẹ nhàng và sâu sắc những chuyển động bên trong tâm hồn ta. Họ tạo nên một môi trường “thí nghiệm” hoàn hảo, nơi những thói quen tâm lý thường bị che mờ bởi sự ồn ào của thế giới bên ngoài nay được tách ra để nhìn nhận và phân tích.
Trong một căn phòng yên tĩnh, với một người gần như không nói gì về bản thân, cư xử nhẹ nhàng, từ tốn, nơi không có bất kỳ việc thực tế hay áp lực nào đang đè nặng, nơi không bị gián đoạn bởi công việc hay đời sống hàng ngày, những khúc mắc trong hành vi của ta dần hiện rõ: có thể là sự khẳng định rằng tất cả mọi người đều ghét mình; hoặc nhu cầu quyến rũ người lạ chỉ để được chú ý; hay nỗi sợ mình trở nên phiền phức mỗi khi yếu đuối; hoặc việc luôn giúp đỡ người khác bất chấp tổn hại bản thân.
Nhà trị liệu có thể nhẹ nhàng đặt câu hỏi:
- Có thật không khi bạn nghĩ tôi chỉ quan tâm đến ngoại hình của bạn?
- Liệu mọi thất bại đều dẫn đến thảm họa?
- Phải chăng đàn ông và phụ nữ mãi mãi không thể hiểu nhau?
- Hay rằng tôi sẽ rời bỏ bạn nếu bạn không làm tôi ấn tượng?
Qua những cuộc đối thoại này, ta dần có cơ hội nhận diện những suy nghĩ méo mó của mình, hiểu rằng chúng bắt nguồn từ những thách thức cụ thể trong quá khứ, và thấy rõ cách chúng đang khiến mối quan hệ của ta với bản thân và với những người xung quanh trở nên khó khăn hơn mức cần thiết.
Trải nghiệm liệu pháp tâm lý có thể giúp ta bước ra với một cảm giác hoàn toàn mới – ban đầu có thể hơi lạ lẫm – về việc sống mà không còn nỗi sợ hãi hay sự ghét bỏ bản thân chi phối quá nhiều. Ta bắt đầu hình dung một thế giới trong trẻo hơn, ít ma quái hơn, nơi những bóng đen của quá khứ không còn ám ảnh từng bước chân.
Nguồn: HOW PSYCHOTHERAPY MIGHT TRULY HELP US