Liệu ý thức có phải đến từ trường điện não hay không?

lieu-y-thuc-co-phai-den-tu-truong-dien-nao-hay-khong

Thay vì là một đoạn mã được mã hóa trong mạng lưới thần kinh của chúng ta, ý thức có khi nào đang trú ngụ trong trường điện não hay không?

Vào khoảng 2,700 năm trước, trong thành phố cổ đại Sam’al, hiện nay là nước Thổ Nhĩ Kỳ, một người hầu già của nhà vua đã ngồi lặng im một góc và suy xét bản chất của linh hồn ông ta. Tên ông ta là Katumuwa. Ông ta nhìn chằm chằm vào một bức phù điêu chân dung ông ta cùng với dòng chứ khắc lên bằng tiếng Ả Rập cổ. Tấm phù điêu là để căn dặn gia đình ông, khi ông chết, họ phải ‘tổ chức một bữa tiệc tại đây’: một con bò cho thần Hadad haratalli và một con dê cho thần Nik-arai, thần bảo hộ của những thợ săn và một con dê cho thần Shamash, và một con dê cho thần Hadad cai quản các vườn nho, và một con dê cho thần Kubaba,và một con dê cho linh hồn tôi ẩn trong tấm bia này. Katumuwa tin rằng ông đã xây cho mình một vật chứa bằng đá bền vững cho linh hồn của mình sau khi chết. Đây có thể là một trong những ghi chép đầu tiên về thuyết nhị nguyên (vật chất-tinh thần). Niềm tin rằng ý thức của chúng ta nằm ở một linh hồn phi vật chất hay một dạng tinh thần, khác xa với vật chất cấu thành nên cơ thể.

Bản đúc của tấm phù điêu Chiếc hộp đá của Katamuwa, được đúc bằng kĩ thuật số bởi Travis Saul khoa Đông phương học trường đại học Chicago.

Hơn 2 thiên niên kỷ sau, tôi cũng đang suy ngẫm về bản chất linh hồn của mình, khi con trai tôi nằm trên tấm băng ca của bệnh viện. Nó đang thực hiện một cuộc quét điện não đồ (EEG), một xét nghiệm phát hiện hoạt động điện xảy ra trong não, vì một chứng bệnh may mắn hóa ra là lành tính. Khi tôi quan sát những đường lượn sóng bất thường di chuyển trên màn hình, với những cột cao được kích thích bởi nhận thức của thằng bé về các sự kiện như tiếng đập cửa, tôi tự hỏi về bản chất của thứ ý thức tạo ra những tín hiệu đó.


Làm thế nào để các nguyên tử và phân tử cấu tạo nên tế bào thần kinh trong não của chúng ta – không quá khác biệt so với những thứ vật chất trong tấm bia bất động của Katumuwa hay những tấm chắn thép trên giường bệnh của con trai tôi – có thể hoạt động để tạo ra nhận thức của con người và sức mạnh của suy nghĩ? Để trả lời câu hỏi bấy lâu nay, hầu hết các nhà sinh học thần kinh ngày nay sẽ chỉ ra quá trình xử lý thông tin được thực hiện bởi các tế bào thần kinh não. Đối với cả Katumuwa và con trai tôi, điều này sẽ bắt đầu ngay khi ánh sáng và âm thanh lọt vào mắt và tai của họ, kích thích các tế bào thần kinh của họ hoạt động để phản ứng với các tác nhân khác nhau của môi trường. trai tôi là tiếng bíp từ máy hoặc chuyển động của đồng hồ trên tường.

Mỗi sự kiện 'kích bắn’ liên quan đến chuyển động của các nguyên tử tích điện được gọi là ion vào và ra khỏi tế bào thần kinh. Chuyển động đó kích hoạt một loại phản ứng dây chuyền đi từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh khác thông qua các quy tắc logic, gần giống với các phép toán AND, OR và NOT của biểu thức Boolean được thực hiện bởi các cổng máy tính ngày nay, để tạo ra các sản phẩm đầu ra như những lời phát thanh. Vì vậy, trong vòng một phần nghìn giây kể từ khi ông ta liếc nhìn tấm bia của mình, tốc độ bắn của hàng triệu tế bào thần kinh trong não của Katumuwa tương quan với hàng nghìn đặc điểm hình ảnh của tấm phù điêu và bối cảnh của nó trong phòng. Theo nghĩa tương quan này, những tế bào thần kinh não đó có lẽ biết được một số đặc điểm của tấm phù điêu của Katumuwa.

Tuy nhiên, việc xử lý thông tin rõ ràng là không đủ cho sự hiểu biết có ý thức. Dù máy tính xử lý rất nhiều thông tin vẫn chưa thể lóe lên một tia ý thức dù là nhỏ nhất. Cách đây vài thập kỷ, trong một bài luận khám phá hiện tượng học của ý thức, nhà triết học Thomas Nagel đã yêu cầu chúng ta tưởng tượng làm một con dơi sẽ như thế nào. Tính năng đặt mình vào một thứ gì đó, việc có một góc nhìn khác về thế giới, phần nào cho ta thấy được ý nghĩa thực sự của việc là một 'người có cái biết' có ý thức là như thế nào. Khi ở trong phòng bệnh theo dõi điện não đồ của con trai tôi, tôi tự hỏi việc làm một trong những tế bào thần kinh của nó sẽ như thế nào khi phải xử lý thông tin để ghi nhận tiếng sập cửa. Theo như những gì chúng ta có thể nói, một tế bào thần kinh riêng lẻ chỉ biết một điều - tốc độ bắn của nó. Nó bắn hoặc không bắn dựa theo thông tin đầu vào của nó, vì vậy thông tin mà nó mang theo tương đương với 0 hoặc 1 của ngôn ngữ máy tính nhị phân. Do đó, nó chỉ mã hóa một phần của thông tin. Giá trị của phần đó, cho dù là số 0 hay số 1, có thể tương quan với tiếng đóng sầm của cánh cửa, nhưng nó không nói lên điều gì về hình dạng, màu sắc của cánh cửa, việc sử dụng nó như một cổng thông tin giữa các phòng hoặc tiếng ồn của cánh cửa - tất cả các tính năng mà tôi chắc chắn là một phần trong trải nghiệm có ý thức của con trai tôi. Tôi kết luận rằng một tế bào thần kinh đơn độc trong bộ não của con trai sẽ không cảm thấy giống bất cứ thứ gì.

Tất nhiên, bạn có thể tranh luận, như các nhà sinh học thần kinh thường làm, rằng mặc dù một tế bào thần kinh đơn lẻ có thể không biết gì, nhưng tập hợp 100 tỷ tế bào thần kinh trong não của con trai tôi biết mọi thứ trong tâm trí của nó và do đó sẽ cảm nhận được gì đó. Nhưng lời giải thích này vướng phải thứ được gọi là vấn đề liên kết, vấn đề đặt ra câu hỏi làm thế nào để tất cả thông tin trong hàng triệu tế bào thần kinh phân bố rộng rãi trong não kết hợp lại với nhau để tạo ra một sự nhận thức có ý thức phức tạp nhưng thống nhất về một căn phòng hay một tấm phù điêu. Một vấn đề khác đó là vấn đề loại trừ thông tin. Tại sao bạn không biết gì về mạng lưới thông tin đầu vào phức tạp và các quá trình xử lý diễn ra giữa các tế bào miễn dịch quyết định loại phản ứng miễn dịch mà cơ thể bạn sẽ triển khai để bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm trùng? Tại sao Katumuwa không nhận thức được những tính toán vô cùng phức tạp cần thiết để giữ cơ thể đứng thẳng khi đi lại trong phòng của mình? Tại sao bộ não điện tử của Deep Blue không phát sinh hứng thú với cờ vua? Điểm mấu chốt đó là tìm ra được điều gì là đặc biệt ở một số, nhưng không phải tất cả, hoạt động của bộ não để mang lại nhận thức và suy nghĩ nhưng không có trong não nhân tạo.

Nhìn những đường nhún nhảy đó qua màn hình điện não đồ đã cho tôi mầm mống của một ý tưởng khác, thứ gì đó không quy về sự tính toán thuần túy của tế bào thần kinh hoặc quá trình xử lý thông tin. Mỗi khi một tế bào thần kinh kích hoạt, cùng với tín hiệu là vật chất truyền xuống dây thần kinh dạng lưới của nó, nó cũng chiếu một xung điện từ (EM) cực nhỏ vào không gian xung quanh, giống như tín hiệu từ điện thoại của bạn khi bạn gửi tin nhắn văn bản. Vì vậy, khi con trai tôi nghe thấy tiếng cửa đóng lại, cũng như kích hoạt việc bắn ra hàng tỷ dây thần kinh, tiếng sập của nó sẽ chiếu hàng tỷ xung năng lượng điện từ cực nhỏ vào não nó. Các xung này truyền vào nhau để tạo ra một loại năng lượng EM được gọi là trường điện từ - điều mà các nhà sinh học thần kinh đã bỏ qua khi khảo sát bản chất của ý thức.

Các nhà khoa học thần kinh đã biết về trường EM của não trong hơn một thế kỷ nhưng gần như luôn bỏ qua nó vì không tìm thấy sự hữu ích từ đó, giống như bô xe thì không ảnh hưởng gì đến tay lái của xe. Tuy nhiên, vì thông tin xét cho cùng chỉ là sự tương quan, tôi biết rằng những chấn của động trường EM bên dưới não, thứ tạo ra các đỉnh trên màn hình điện não đồ, biết được tiếng đóng sầm của cửa phòng bệnh, cũng bằng với ‘cái biết’ của các tế bào thần kinh tạo ra những chấn động đó bằng cách bắn tín hiệu. Tuy nhiên, tôi cũng có đủ kiến thức vật lý để biết rằng có một sự khác biệt quan trọng giữa một triệu neuron rời rạc bắn tín hiệu và trường EM được tạo ra bởi quá trình bắn của chúng. Thông tin được mã hóa bởi hàng triệu thông tin rời rạc trong một triệu tế bào thần kinh phân tán được thống nhất về mặt vật lý trong một trường EM não duy nhất.

Chủ nghĩa nhị nguyên khoa học dựa vào cặp đối lập giữa vật chất và năng lượng thay vì vật chất và tinh thần.

Sự thống nhất của các trường EM trở nên rõ ràng bất cứ khi nào bạn sử dụng wifi. Có lẽ bạn đang nghe radio nói về tấm bia của Katumuwa trên điện thoại của mình trong khi một thành viên khác trong gia đình đang xem phim và một người khác đang nghe nhạc trực tuyến. Đáng chú ý, tất cả thông tin này, cho dù phim, ảnh, tin nhắn hay nhạc, đều có sẵn ngay lập tức để tải xuống từ bất kỳ điểm nào trong vùng lân cận của thiết bị phát wifi của bạn. Điều này là do - không giống như thông tin được mã hóa trong các đơn vị vật chất rời rạc như cổng máy tính hoặc tế bào thần kinh - thông tin của trường EM được mã hóa dưới dạng sóng phi vật chất truyền với tốc độ ánh sáng từ nguồn đến bộ phận thu của chúng. Giữa nguồn và bộ phận thu, tất cả các sóng mã hóa các thông điệp khác nhau chồng chéo lên nhau và trộn lẫn với nhau để trở thành một trường EM duy nhất chứa thông tin liên kết vật lý với sự thống nhất như một photon hoặc electron, và có thể tải xuống từ bất kỳ điểm nào trong trường. Trường và mọi thứ được mã hóa trong đó ở khắp mọi nơi. Trong khi xem điện não đồ của con trai tôi qua màn hình, tôi tự hỏi cảm giác như thế nào khi trở thành xung của trường EM của não nó với thông tin liên kết vật lý tương quan với tất cả nhận thức giác quan của nó. Tôi đoán tôi sẽ cảm thấy rất giống con trai tôi vậy.

Xác định vị trí của ý thức trong trường EM của não nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng liệu có kỳ lạ hơn việc tin rằng nhận thức tồn tại trong vật chất không? Hãy nhớ lại phương trình của Albert Einstein, E = mc2. Ta thấy vế bên phải gồm phần tử vật chất chuyển thành vế trái là phần tử năng lượng. Cả hai đều là vật chất, nhưng trong khi vật chất mã hóa thông tin như những phân tử phân tán trong không gian, thông tin năng lượng được mã hóa thành các trường chồng chéo lên nhau mà trong đó thông tin gói gọn lại thành những khối thống nhất. Việc biết được vị trí của ý thức trong trường EM của não sẽ giải quyết vấn đề của để hiểu ra được làm thế nào mà thông tin được mã hóa trong hàng tỷ tế bào thần kinh phân tán được thống nhất trong phần ý thức của chúng ta. Đó là một dạng của thuyết nhị nguyên, nhưng là thuyết nhị nguyên mang tính khoa học dựa trên sự khác biệt giữa vật chất và năng lượng thay vì vật chất và tinh thần. Vậy nhận thức chính thứ thông tin trường EM thống nhất cảm nhận được từ bên trong. Thí dụ như, trải nghiệm nghe một tiếng đập cánh cửa thứ mà một sự dấy động của trường EM ở não liên hệ với tiếng đóng sầm của cánh cửa, và tất cả các phần trí nhớ liên quan được mã hóa trong neuron, cảm thấy từ bên trong.

Chỉ vài tuần trước khi tôi phải ở trong phòng bệnh của con trai tôi, tôi đã đọc cuốn sách The Astonishing Hypothesis (1994) của Francis Crick (1994). Trong đó, người đồng khám phá ra chuỗi xoắn kép đã đề xuất rằng ý thức là một vấn đề có thể giải quyết được bằng cách xác định hoạt động của não tương quan với những suy nghĩ hoặc nhận thức có ý thức. Ví dụ, mọi người đều biết kinh nghiệm quen thuộc của việc không nhìn thấy những gì nhan nhãn trước mắt. Đối với tôi, đó thường là cặp kính của tôi. Tôi có thể nhìn chằm chằm vào chiếc bàn làm việc bừa bộn của mình trong một phút hoặc hơn mới phát hiện ra cặp kính. Phút trước đó, hình ảnh của cặp kính sẽ được ghi lại trên võng mạc của tôi và các đặc điểm như màu sắc, hình dạng của một đường thẳng, góc giữa các đường, hình dạng, kết cấu, v.v. sẽ được trích xuất và xử lý cùng với những điểm của con đường thần kinh song song trong cả phút mà tôi không nhìn thấy kính của mình. Sau đó, đột nhiên tôi lại thấy nó.

Crick đề xuất rằng chúng ta nên xác định điều khác biệt giữa quá trình xử lý thần kinh diễn ra trước và theo sau là nhận thức có ý thức. Nhiều thập kỷ nghiên cứu của nhiều nhà sinh học thần kinh trên khắp thế giới đã xác định việc bắn tín hiệu đồng bộ của tế bào thần kinh có liên hệ đến ý thức nhiều nhất. Vì vậy, khi nhiều tế bào thần kinh phân tán đang xử lý các đặc điểm khác nhau của kính của tôi thế mà tôi không nhìn thấy cặp kính, những tế bào thần kinh đó sẽ hoạt động không đồng bộ, lệch nhịp với nhau. Trong đó giây phút 'A đây rồi!' cuối cùng khi tôi phát hiện ra chúng, tất cả các tế bào thần kinh phân tán đó xếp hàng để bắn một cách đồng bộ.

Nhưng tại sao? Cho dù các tế bào thần kinh có hoạt động đồng bộ hay không cũng không tạo ra sự khác biệt nào đối với các hoạt động xử lý thông tin của chúng. Tính đồng bộ không có nghĩa là ý thức nằm trong tế bào thần kinh - nhưng nếu chúng ta đặt ý thức trong trường EM của não, thì sự liên hệ của nó với tính đồng bộ trở nên không thể tránh khỏi. Ném một số viên sỏi vào một cái ao tĩnh lặng và khi đỉnh của một con sóng này gặp đáy của một con sóng khác, chúng triệt tiêu lẫn nhau để gây ra hiện tượng giao thoa triệt tiêu. Tuy nhiên, khi các đỉnh và đáy thẳng hàng, chúng củng cố lẫn nhau để tạo ra một làn sóng lớn hơn: giao thoa mang tính xây dựng. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra trong não. Khi hàng triệu tế bào thần kinh khác nhau ghi hoặc xử lý các đặc điểm của cặp kính của tôi hoạt động không đồng bộ, thì sóng của chúng sẽ triệt tiêu lẫn nhau để tạo ra trường EM bằng không. Tuy nhiên, khi những tế bào thần kinh tương tự kích hoạt đồng bộ, sau đó sóng của chúng sẽ xếp thành hàng để gây ra nhiễu có tính xây dựng để chiếu tín hiệu EM mạnh vào trường EM của não tôi, cái mà bây giờ tôi gọi là trường thông tin điện từ có ý thức (cemi). Tôi sẽ nhìn thấy kính của mình.

Tôi đã xuất bản về lý thuyết trường cemi từ năm 2000 và gần đây tái bản vào năm 2020. Một phần quan trọng của lý thuyết là cái nhìn sâu sắc và mới mẻ về bản chất của cái mà chúng ta gọi là 'ý chí tự do'. Để trở về với người hầu cận của nhà vua Thời kỳ đồ sắt của chúng ta, giống như hầu hết những người không sống trong thời hiện đại, Katumuwa có lẽ tin rằng linh hồn siêu nhiên của anh ta là nguyên nhân dẫn đến những hành động theo ý muốn của anh ta. Gần 3.000 năm sau, khi các nhà triết học và khoa học thế tục trục xuất linh hồn khỏi cơ thể, các hành động chủ động trở thành sản phẩm vận động của những sự tính toán của tế bào thần kinh - không khác gì những hành động thúc đẩy các hành động không có ý thức như đi bộ, chớp mắt, nhai hoặc nói ra những câu đúng ngữ pháp.

Bộ não vô thức của chúng ta dường như là một bộ vi xử lý song song, còn bộ não ý thức của chúng ta là hàng loạt bộ vi xử lý chỉ có thể vận hành một tác vụ cùng một lúc.

Vậy tại sao những hành động cố ý lại làm ta cảm thấy khác? Trong một bài nghiên cứu năm 2002, tôi đề xuất rằng ý chí tự do chính là trải nghiệm của chúng ta về trường cemi khi nó đang kích hoạt các hành động cố ý. Lúc đó không có rất nhiều bằng chứng về việc trường EM ảnh hưởng tới việc kích hoạt thần kinh – nhưng các thí nghiệm của David McCormick tại trường Y Đại học Yale ở 2001 và Christoph Koch ở Caltech ở 2011 đã chứng minh rằng các neuron có thể bị xáo trộn bởi những trường EM yếu. Ít nhất, những thí nghiệm của họ cũng cho thấy có khả năng hợp lý của yếu tố giống như wifi trong việc xử lý thông tin thần kinh, thứ mà tôi cho rằng được con người trải nghiệm như ‘ý chí tự do’. Vậy, Katumuwa đã đúng: linh hồn ông ta, bây giờ được hiểu như EM đã được mã hóa thông tin trong não, chính là người điều khiển ý chí của ông ta.
Nguyên lý về trường cemi cũng cho thấy lý do tại sao vô thức và ý thức hoạt động khác nhau. Một trong những khác biệt nổi nhất giữa hai thứ đó là bộ não vô thức của chúng ta có thể làm nhiều việc cùng một lúc, nhưng chúng ta chỉ có thể thực hiện một công việc có ý thức trong một lúc. Thí dụ như, Katumuwa sẽ không gặp vấn đề gì khi vừa trò chuyện với một người bạn vừa ăn một con vịt quay, nhưng ông ta sẽ không thể thực hiện một phép toán như lấy 1,357 chia cho 7 khi đang tập trung vào một ván cờ. Bộ não vô thức của chúng ta dường như là một bộ vi xử lý song song, còn bộ não ý thức của chúng ta là hàng loạt bộ vi xử lý chỉ có thể vận hành một tác vụ cùng một lúc.

Lý thuyết trường cemi giải thích cho hai chế độ này bằng cách chấp nhận rằng hầu hết quá trình xử lý thông tin của não - loại không có ý thức - chỉ đi qua các 'dây' thần kinh của nó mà không tương tác qua các trường EM. Điều này cho phép các tác vụ khác nhau được phân bổ cho các mạch khác nhau. Trong quá khứ xa xôi của chúng ta, tất cả các sự tính toán thần kinh đều có khả năng sử dụng tuyến neuron xử lý song song này. Tương tự, hệ thống miễn dịch xử lý song song của chúng ta cũng thiếu các tương tác trường EM nên cũng không có ý thức. Tuy nhiên, tại một số thời điểm trong lịch sử tiến hóa của chúng ta, hộp sọ của tổ tiên chúng ta ngày càng chứa nhiều neuron hơn để các neuron lân cận nhau bắt đầu giao thoa với nhau thông qua các tương tác trường EM của chúng. Hầu hết, sự can thiệp sẽ làm suy giảm chức năng. Chọn lọc tự nhiên sau đó sẽ khởi động để làm biệt lập các tế bào thần kinh liên quan đến các chức năng quan trọng này.


Tuy nhiên, đôi khi, can thiệp điện từ có thể có lợi. Ví dụ, các tương tác trường EM có thể mang lại khả năng tính toán với các gói thông tin trường EM phức tạp, thay vì chỉ là các mảnh thông tin rời rạc. Khi điều này xảy ra, chọn lọc tự nhiên sẽ kéo theo hướng khác, để tăng độ nhạy trường EM. Tuy nhiên, cũng có một mặt trái của cách xử lý thông tin này. Hãy nhớ những viên sỏi ném xuống ao: chúng gây trở ngại cho nhau. Các ý tưởng khác nhau rơi vào trường cemi của não cũng gây nhiễu loạn lẫn nhau. Bộ não trường cemi có ý thức của chúng ta chắc chắn đã trở thành một chiếc máy tính chỉ có thể thực hiện một tác vụ tại một thời điểm.

Lý thuyết này cũng đem lại những manh mối về những lợi ích mà chọn lọc tự nhiên khai thác từ các tương tác của trường EM trong bộ não ý thức. Tất nhiên, chúng là những hoạt động cần đến ý thức - chẳng hạn như lập kế hoạch, tưởng tượng, giải quyết vấn đề hoặc sáng tạo. Những hoạt động này tính toán với các ý tưởng phức tạp được mã hóa trong trường toàn diện thay vì các chữ số nhị phân. Tôi cho rằng, những ý tưởng là đơn vị tính toán của ý thức – những 'bit' hay 'cbit' có ý thức.


Katumuwa đã tưởng tượng tâm trí tương lai của mình trong đá bazan, một dạng của silica, một oxit của silicon. Người hầu lớn tuổi có thể cảm thấy thích thú khi biết rằng kế hoạch của mình rốt cuộc không quá phi lý, vì silicon là nguyên tố quan trọng tạo nên khả năng tính toán của máy tính. Nhà tiên phong về AI học sâu (deep learning), Gary Marcus gần đây đã than thở rằng, mặc dù có khả năng xử lý một khối lượng ấn tượng, nhưng các máy tính thông thường cho đến nay đã hoàn toàn thất bại trong việc phát triển thứ được gọi là 'trí thông minh tổng quát', khả năng khái quát hóa kiến ​​thức để giải quyết các vấn đề mới. Marcus đưa ra ví dụ về việc tìm ra 'cách tốt nhất để sửa một chiếc xe đạp bị dây mắc vào căm xe’. Đây là loại câu đố mà một đứa trẻ năm tuổi có thể dễ dàng giải quyết trong vài giây trong lần đầu tiên tiếp xúc với tác vụ, tuy nhiên, Marcus chỉ ra rằng không có máy tính nào trên thế giới hiện nay biết được cách để thực hiện.

Biến những manh mối đó thành một dạng tính toán mới có thể biến giấc mơ về một AI có ý thức và trí tuệ tổng quát thành hiện thực.

Lý thuyết trường cemi dự đoán rằng máy tính thông thường sẽ không bao giờ có trí thông minh tổng quát, bởi vì đó là kĩ năng được hiện thực hóa bởi khả năng tính toán của trường cemi với những cbits, những ý tưởng, thay vì những con số nhị phân. AI thông thường thiếu khả năng này bởi vì các kỹ sư máy tính đã rất cố gắng để ngăn chặn trường EM can thiệp vào tính toán của họ. Nếu không có các tương tác từ trường EM, Al sẽ mãi mãi ngu xuẩn và không có ý thức.


Tuy nhiên, nguyên lý trường cemi cũng mang lại triển vọng và tiềm năng thay đổi thế giới trong việc xây dựng trí tuệ nhân tạo có ý thức. Điều đó sẽ cần một kiểu kiến trúc máy tính hoàn toàn khác, giống như bộ não của chúng ta, để tính toán với các trường cũng như các cổng logic thông thường chỉ mã hóa các phần nhỏ. Kiến trúc của những bộ não nhạy cảm với trường EM của chúng ta cung cấp rất nhiều manh mối về cách xây dựng bộ não nhân tạo này trong tương lai. Biến những manh mối đó thành một dạng tính toán mới có thể biến giấc mơ về một AI có ý thức và trí tuệ tổng quát thành hiện thực.

Nhìn xa hơn về phía trước, liệu một Katumuwa của tương lai có thể hiện thực hóa giấc mơ về sự bất tử của tinh thần của người Sam'alan? Tất nhiên sẽ vô cùng khó khăn khi đảo ngược lại nội dung thông tin của não người và sau đó tải nó lên một chất nền điện toán silicon bền vững hơn để xử lý thông tin qua mạng lưới dây dẫn và thông qua các trường. Khó khăn, nhưng không phải là không thể. Chúng sẽ không được làm bằng đá bazan, nhưng có thể một ngày nào đó người ta sẽ chế tạo được các ổ chứa bất hoại cho các linh hồn điện tử. Ước mơ của Katumuwa có thể là tương lai của nhân loại.

 

Phạm Thành dịch

Nguồn: https://aeon.co/essays/does-consciousness-come-from-the-brains-electromagnetic-field

menu
menu