Lo âu bị xa lánh (OSTRACISM ANXIETY)

lo-au-bi-xa-lanh-ostracism-anxiety

Đôi khi phải mất một thời gian dài chúng ta mới nhận ra một điều căn bản về bản thân: rằng mình là người cực kỳ lo âu.

Đôi khi phải mất một thời gian dài chúng ta mới nhận ra một điều căn bản về bản thân: rằng mình là người cực kỳ lo âu. Lý do khiến điều hiển nhiên này dễ bị bỏ qua là bởi mỗi ngày đều có hàng tá thứ để lo lắng, che khuất trạng thái lo âu ngấm ngầm, cố hữu trong ta. Về mặt tâm lý, việc chú tâm vào những nỗi lo rõ ràng, cụ thể thường dễ chịu hơn là đối diện với một cảm giác bất an mơ hồ luôn lởn vởn trong ta.

Ta có thể phân biệt “lo lắng” và “lo âu” như sau: Lo lắng là khi ta sợ một điều gì đó cụ thể, rõ ràng và đang diễn ra — như sợ trễ chuyến bay, sợ làm hỏng bài thuyết trình hoặc không kịp thanh toán hoá đơn. Còn lo âu là một cảm giác lan tỏa, không cụ thể, mơ hồ, như một nỗi sợ hãi hiện sinh không dễ định hình hay gọi tên. Lo âu cứ trôi dạt, vô định, như một căn bệnh trốn tránh khỏi nguồn cơn thực sự của nó.

Automat, Edward Hopper, 1927, Wikimedia

Và có thể thêm một luận điểm nữa: người lo âu thường bám víu vào những nỗi lo cụ thể để khỏi phải nhận ra mình đang sống trong một trạng thái lo âu kéo dài — hay để khỏi phải suy ngẫm lý do vì sao họ lại như vậy. Đó là vì họ sợ. Người lo âu vô thức tin rằng chính sự lo âu đang giúp họ an toàn. Họ ngầm cho rằng lo âu và sự sống còn luôn đi đôi với nhau. Không có gì ngạc nhiên khi họ tránh nhìn thẳng vào nỗi lo âu của mình; điều đó chẳng khác nào buông bỏ thứ cuối cùng ngăn cách họ với vực thẳm.

Nhưng dần dần — và vì vậy quá trình này thường rất lâu — người lo lắng triền miên mới bắt đầu nhận ra một điều: rằng bất kể cuộc sống có đưa đẩy họ vào bao nhiêu nỗi lo hợp lý, vẫn luôn tồn tại một cảm giác bất an sâu xa hơn, bao trùm hơn mọi nỗi lo trước mắt. Một sự lo âu căn cốt vẫn sẽ hiện diện, ngay cả khi bầu trời hoàn toàn trong xanh, ngay cả khi hiện tại chẳng có gì đáng lo, ngay cả khi mọi thứ đều thuận lợi. Rồi một ngày nào đó, họ sẽ nhận ra: Ta không chỉ đơn thuần là lo lắng nhất thời; ta là người luôn luôn lo âu, là người bị ám ảnh bởi nỗi lo âu kéo dài, triền miên.

Tuy nhiên, đây chỉ là khởi đầu, bởi có rất nhiều loại lo âu khác nhau có thể đeo bám chúng ta. Chúng ta có thể bị ám ảnh bởi Lo Âu Về Cái Chết, Lo Âu Về Tiền Bạc, Lo Âu Về Ngoại Hình hay Lo Âu Về Địa Vị. Ở đây, loại lo âu đáng quan tâm là Lo Âu Bị Xa Lánh. Nỗi sợ này thường diễn ra như sau:

  • Vào một ngày trời trong xanh, đột nhiên chúng ta có cảm giác rằng một ai đó nắm quyền sinh sát trong tay sẽ xuất hiện và phán rằng chúng ta đã làm một điều gì đó sai khủng khiếp. Tình thương không những có điều kiện, mà còn đầy bất ngờ và thất thường.
  • Chúng ta sẽ không biết trước rằng mình đã phạm lỗi gì. Đây không phải kiểu lo sợ vì đã lỡ làm điều mà ta biết rõ là sai trái. Ta luôn cố gắng trở thành người tốt, nhưng bỗng mọi người xung quanh đều tức giận và chực chờ trả thù không thương tiếc.
  • Hậu quả của lỗi lầm sẽ vô cùng to lớn, không giới hạn. Không phải chỉ là bị nhắc nhở hay phê bình nhẹ nhàng, mà ta sẽ bị loại bỏ hoàn toàn: bị đẩy ra ngoài, bị xa lánh, trở thành trò cười và bị khinh bỉ mãi mãi. Không hề quá lời khi nói: đây là điểm kết thúc.

Tóm lại, đây chính là gánh nặng vô hình mà người mang Lo Âu Bị Loại Bỏ phải gánh chịu mỗi ngày. Đằng sau những nỗi lo lắng cụ thể về cuộc sống hàng ngày — như cuộc điện thoại không được trả lời, tin nhắn có chút gì đó kỳ lạ, công việc có thể thất bại hay lời trao đổi căng thẳng với đồng nghiệp — luôn ẩn chứa nỗi sợ rằng mình sẽ bị đẩy ra khỏi cộng đồng, bị xa lánh mãi mãi.

Như mọi nỗi lo âu khác, Lo Âu Bị Xa Lánh là kết quả của một quá khứ nhất định. Điều ta lo sợ hôm nay thực chất là phản ánh sâu sắc một điều gì đó đau đớn, đầy khắc nghiệt mà ta đã từng trải qua, có lẽ từ thời thơ ấu. Dựa trên cơ sở này, ta có thể đoán rằng người bị Lo Âu Bị Xa Lánh có thể đã từng trải qua tình thương đầy điều kiện từ người thân, những người chưa bao giờ thực sự trung thành hay ổn định, mà ngược lại, luôn có thể phớt lờ hay thay đổi cảm xúc một cách vô cớ. Người mang Lo Âu Bị Xa Lánh không chỉ lo lắng về việc bị loại trừ; họ thực sự đã từng bị loại trừ, có lẽ nhiều lần, nhưng đã quên mất, như mọi đứa trẻ sẽ làm. Nỗi lo hiện tại chỉ là tàn dư của một thảm họa quá khứ, đang được phản chiếu vào tương lai.

Khi nhận ra mình mang Lo Âu Bị Xa Lánh, có một bước đơn giản nhưng vô cùng hữu ích: tìm kiếm những người cũng mang nỗi sợ tương tự. Ta có thể thành lập một nhóm những người cùng lo âu về việc bị loại trừ; kết bạn với những người cũng sợ hãi việc mình sẽ không còn ai bên cạnh sau một “thảm họa” nào đó. Cảm giác rằng mình có thể dựa vào nhau, họ có ta và ta có họ, chính là một chiến thắng lớn trước nỗi lo ngầm bao năm âm thầm dày vò ta dưới hình thức của những nỗi lo nhỏ hàng ngày.

Ta có thể tìm được nơi trú ẩn. Ta không điên. Ta không cần phải chịu đựng mãi mãi. Chúng ta từng có những thử thách trong quá khứ khiến ta mắc phải Lo Âu Bị Xa Lánh. Giờ đây khi đã có tên gọi cho nó, ta có thể chia sẻ với những người đồng cảm và hợp tác cùng nhau chữa lành qua tình bạn và những lời thổ lộ chân thành. Chúng ta không cần gánh vác điều này một mình. Chìa khóa đối diện lo âu chính là tình bạn và tình thương. Chính sự thiếu vắng những điều ấy đã tạo ra vấn đề của chúng ta ngay từ đầu; giờ đây, chúng cũng là giải pháp để giúp ta vượt qua nỗi lo âu này.

Nguồn: OSTRACISM ANXIETY

menu
menu