Lợi ích của sự bất an trong tình yêu
Chúng ta thường tin rằng nền tảng vững chắc nhất cho một mối quan hệ bền lâu nằm ở việc cam kết rõ ràng (có lẽ trước sự chứng kiến của 200 khách mời và một chiếc bánh kem lớn) rằng cả hai sẽ gắn bó với nhau mãi mãi.
Chúng ta thường tin rằng nền tảng vững chắc nhất cho một mối quan hệ bền lâu nằm ở việc cam kết rõ ràng (có lẽ trước sự chứng kiến của 200 khách mời và một chiếc bánh kem lớn) rằng cả hai sẽ gắn bó với nhau mãi mãi. Sự bảo đảm rằng ai đó sẽ ở bên ta vô thời hạn dường như là điều kiện lý tưởng để ta phát huy những mặt tốt đẹp nhất của bản thân và xây dựng một tình yêu viên mãn.
Thế nhưng, đôi khi, có lẽ ta nên cân nhắc một sự thật nghịch lý khác: một liều vừa đủ cảm giác bất an – chút hoài nghi liệu người ấy có thực sự “bắt buộc” ở bên ta mãi mãi hay không, và ngược lại – có thể lại chính là gia vị giúp cả hai trở thành những phiên bản tốt hơn của chính mình. Nó kiềm chế những thói quen ích kỷ, và giúp ta vun đắp một mối quan hệ đẹp đẽ hơn. Thay vì sợ hãi sự bất an, liệu chúng ta có thể học cách nhấn mạnh và chấp nhận sự mong manh của mối quan hệ này không? Thay vì lời hứa hẹn nghiêm trọng “sẽ mãi mãi bên nhau”, có khi nào hành động lãng mạn nhất (theo nghĩa hành động đó có thể nuôi dưỡng tình yêu lâu dài) lại chính là lời nhắc nhẹ nhàng rằng: “Tháng sau biết đâu chúng ta chẳng còn là gì của nhau nữa”?
Nghe thì bất an có vẻ không lãng mạn chút nào, nhưng chính cảm giác này lại mở ra cơ hội để ta trân trọng lý do vì sao cả hai vẫn còn ở bên nhau. Khi tin rằng mình đã gắn bó không thể tách rời, ta chẳng còn thấy cần biết ơn trước những điều tốt đẹp ở đối phương, chẳng màng để ý đến những gì họ làm cho mình. Những điều ấy bỗng trở thành mặc định, như thể chúng đã được viết sẵn vào kịch bản cảm xúc của cuộc đời.
Từ lâu, người ta đã hiểu tầm quan trọng của việc nhớ đến sự kết thúc. Trong hàng thế kỷ, món đồ trang trí thích hợp nhất trên bàn làm việc của những thương nhân hay chính trị gia thành công chính là một chiếc đầu lâu – thật sự là một chiếc đầu lâu, với hốc mắt sâu hoắm và hàm răng mục rữa gớm ghiếc. Nó nhắc họ rằng từng giây trôi qua đều quý giá.
Trong tình yêu, chúng ta cũng cần những “chiếc đầu lâu” như vậy. Dù lý trí hiểu rằng tình yêu có thể chấm dứt, nhưng thực tế, suy nghĩ ấy chỉ thoáng qua như một cái bóng mờ. Nó không phải là một niềm tin mạnh mẽ, rõ ràng, chạy xuyên suốt trong ta từng giờ. Và chính điều này mang lại cảm giác an toàn dễ chịu, nhưng đồng thời cũng là mảnh đất màu mỡ cho sự hời hợt và thờ ơ trong cảm xúc. Ta có thể không nhận ra mình đang trở nên vô tâm với người kia, nhưng trong cách cư xử thiếu để ý, ta ngầm hành động như thể việc mỗi sáng thức dậy bên cạnh họ là điều đã được một vị thần thông thái đảm bảo – thay vì là món quà mà mỗi ngày một người phàm trần có vô số lựa chọn đã tự nguyện trao tặng ta.
Một nghịch lý thú vị khác của sự bất an đúng mực chính là nó làm giảm nguy cơ hình thành cảm giác cay đắng và những ấm ức âm thầm. Khi ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại, những bất mãn thường bị đè nén, bởi lẽ ta chẳng biết phàn nàn với ai hay đi đâu để giải tỏa. Ta dần mất đi quyền được lắng nghe và được tôn trọng những nhu cầu của mình, bởi cả hai đều ngầm hiểu rằng: “Còn lựa chọn nào khác nữa đâu?” Ta chỉ có thể giậm chân một cách bất lực, như những vị hoàng đế mất quyền lực.
Ngược lại, trong một mối quan hệ đầy “bất an tích cực”, ta có thể thoải mái bày tỏ vấn đề của mình, vì cả hai đều biết rằng những lời nói ấy thực sự có trọng lượng. Và dĩ nhiên, người kia cũng có quyền làm điều tương tự, nói thẳng những gì họ không hài lòng. Sự bất an này đưa ta quay trở lại những phẩm chất tuyệt vời của giai đoạn đầu yêu nhau – sự đồng cảm, quan tâm và nỗ lực để trở nên đáng yêu trong mắt nhau. Nó khiến mỗi ngày quyết định ở lại bên nhau trở thành một lựa chọn yêu thương và chân thật, chứ không phải một cái án tù mà cả hai chẳng ai giữ chìa khóa để thoát ra.
Nghe có vẻ tử tế, nhưng khi ta hứa rằng “Anh/em sẽ không bao giờ rời xa anh/em”, thật ra, ta đang tự làm hại bản thân và cả người kia. Không có gì giết chết tình yêu nhanh hơn lời thì thầm: “Anh/em sẽ mãi mãi ở đây với anh/em”. Dẫu ta hiểu ý nghĩa cảm động phía sau câu nói ấy, nhưng không thể phủ nhận nó như một chiếc dây thòng lọng dần siết chặt, bóp nghẹt sự sống của tình yêu.
Thú vị hơn, sự bất an còn là liều thuốc kỳ diệu kích thích cảm giác gợi tình. Không gì làm mất tự tin về mặt tình dục hơn ý nghĩ rằng: “Mình không còn hấp dẫn với bất kỳ ai ngoài đối phương” – hay rằng chính họ cũng trở nên vô hình trong mắt thế giới bên ngoài. Ta thường khao khát những gì người khác muốn – điều này có thể bao gồm việc lén lút luồn tay vào áo của người bạn đời bỗng dưng trở nên xa cách một cách đầy cuốn hút. Chính lúc thấy họ cười đùa với ai đó lạ mặt ở bữa tiệc, hoặc khi nhận ra họ đang thu hút ánh mắt từ những người xung quanh, cảm giác khao khát bị đánh thức, và chuyện gối chăn bỗng trở nên thú vị hơn rất nhiều. Không phải vô cớ mà những cặp đôi lâu năm thường trải qua cảm giác mãnh liệt nhất ngay sau một trận cãi vã kịch liệt – đó là khi họ chạm trán với sự độc lập và khí chất rực lửa của người mà bấy lâu nay họ lầm tưởng chỉ là “đồ nội thất trong nhà”. Sự ghen tuông – dù khó chịu đến mấy – thực ra chính là mồi lửa cần thiết để đánh thức đời sống yêu đương đã lụi tàn.
Tuy nhiên, để tận hưởng lợi ích của sự bất an, việc chia tay phải là một khả năng thực sự, chứ không phải là lời đe dọa rỗng tuếch mỗi khi tức giận. Cả hai phải hiểu rằng, nếu cần, ta hoàn toàn có thể tự sống một mình, tự lo tài chính, kết nối xã hội và đi siêu thị mua đồ mà không phụ thuộc vào ai.
Với những cặp đôi có con cái, người ta thường nói rằng trẻ con cần sự đảm bảo rằng cha mẹ sẽ không bao giờ rời nhau để chúng lớn lên trong sự an tâm. Nhưng một lần nữa, điều này là sự hiểu lầm về lợi ích của những lời hứa “mãi mãi”. Sự bất an trong tình yêu không phải là cố ý tạo khoảng cách, mà là để hiểu rõ điều kiện lý tưởng nhất để duy trì mối quan hệ bền vững.
Vậy nên, một trong những việc thực tế và xây dựng nhất ta có thể làm để nuôi dưỡng tình yêu chính là… đứng trước cửa một văn phòng môi giới bất động sản và nghĩ xem liệu mình có thể tìm được một căn hộ nào phù hợp để sống một mình hay không. Khi ta có cảm giác an toàn và tích cực về khả năng tự lập của mình, ta sẽ nhìn mối quan hệ không còn là sự ràng buộc giữa hai con người bất lực, không đủ dũng khí đối mặt với cuộc sống một mình, mà là sự hòa hợp giữa hai cá nhân độc lập, sáng tạo, cuốn hút, và hoàn toàn có thể sống vui vẻ khi xa nhau – nhưng vẫn chọn ở bên nhau để cùng làm phong phú cuộc sống và trưởng thành hơn. Ít nhất là, ở thời điểm này…
Nguồn: THE BENEFITS OF INSECURITY IN LOVE – The School Of Life