Lý do để quyết định có nên kết hôn không

ly-do-de-quyet-dinh-co-nen-ket-hon-khong

Hôn nhân là trải nghiệm tuyệt vời với nhiều người nhưng không phải ai cũng phù hợp.

Hôn nhân trải qua những thay đổi đáng kể theo thời gian. Trong quá khứ, hôn nhân được coi là cần thiết để thiết lập một gia đình và đảm bảo an ninh tài chính của cả chồng và vợ. Ở một số nền văn hóa, hôn nhân là cách để đạt địa vị xã hội, thực hiện các nghĩa vụ tôn giáo hoặc văn hóa.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ kết hôn đã giảm ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi các lý do như thay đổi trong thái độ xã hội, tăng khả năng tiếp cận giáo dục và cơ hội cho phụ nữ và các yếu tố kinh tế.

Ví dụ, tỷ lệ người chưa kết hôn trong độ tuổi 25-34 ở Mỹ hiện cao hơn nhóm đã kết hôn, một sự đảo ngược hoàn toàn so với 10 năm trước, theo phân tích dữ liệu điều tra dân số mới của Cục Dân số.

Ngày nay, dù hôn nhân vẫn là một phần quan trọng của nhiều nền văn hóa và tôn giáo, nhưng nó không còn được coi là cách duy nhất hoặc tốt nhất để các cá nhân hình thành các mối quan hệ gắn bó lâu dài. Đã xuất hiện các cặp đôi chung sống hoặc có con mà không kết hôn. Vai trò và kỳ vọng truyền thống liên quan đến hôn nhân đã thay đổi.

Ảnh: Steve Watts/Pixabay

Theo các nhà xã hội học Mỹ, rất khó để trả lời câu hỏi có nên kết hôn hay không bởi điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, một người có thể lựa chọn quyết định cho chính mình sau khi cân nhắc những "được-mất" của việc kết hôn sau đây.

Tại sao các đôi kết hôn?

Có nhiều lý do khác nhau khiến mọi người chọn kết hôn. Một số lý do phổ biến bao gồm:

Tình yêu: Với nhiều người, lý do chính để kết hôn là tình yêu. Họ đã yêu một ai đó và muốn dành phần còn lại của cuộc đời mình với người đó.

Sự an toàn: Hôn nhân có thể mang lại cảm giác đồng hành và hỗ trợ. Khi hai người kết hôn, họ trở thành một đội và có thể hỗ trợ nhau vượt qua những thăng trầm của cuộc sống. Vì vậy, hôn nhân có thể mang lại cảm giác an toàn, cả về tình cảm lẫn tài chính. Nó có thể mang lại sự ổn định và cảm giác thân thuộc.

Con cái: Nhiều người chọn kết hôn vì họ muốn có con và nuôi nấng gia đình. Hôn nhân có thể cung cấp một môi trường ổn định để nuôi dạy con cái.

Chuẩn mực xã hội: Trong nhiều nền văn hóa, hôn nhân được coi là chuẩn mực xã hội, là cách để khẳng định một cá nhân đã trưởng thành. Một số người có thể kết hôn vì lý do này, ngay cả khi họ không yêu bạn đời.

Tôn giáo: Đối với một số người, hôn nhân là một nghi thức tôn giáo quan trọng và là cách để thực hiện niềm tin tâm linh.

Tại sao không kết hôn?

Có một số lý do tại sao hôn nhân không phải là một ý tưởng tốt cho một số cá nhân:

Tự do cá nhân: Hôn nhân đòi hỏi sự cam kết đáng kể về thời gian, năng lượng và nguồn lực. Nó cũng liên quan đến việc từ bỏ một số quyền tự do và quyền tự chủ cá nhân. Đối với một số người, những hy sinh mà hôn nhân đòi hỏi có thể lớn hơn lợi ích.

Khả năng tương thích: Để hôn nhân thành công, điều quan trọng là hai cá nhân phải tương thích với nhau. Nếu hai người có những giá trị, mục tiêu hoặc sở thích rất khác nhau, họ có thể khó xây dựng một mối quan hệ bền chặt và lâu dài.

Các vấn đề về mối quan hệ: Mọi mối quan hệ đều có những thách thức và hôn nhân cũng không ngoại lệ. Nếu một cặp vợ chồng đang gặp vấn đề trong mối quan hệ, chẳng hạn như vấn đề giao tiếp hoặc lòng tin, thì việc kết hôn có thể không giải quyết được những vấn đề đó, thậm chí khiến chúng trở nên tồi tệ hơn.

Kỳ vọng của xã hội: Trong một số trường hợp, các cá nhân có thể cảm thấy áp lực kết hôn từ gia đình, bạn bè hoặc xã hội nói chung. Nếu họ chưa sẵn sàng cho hôn nhân hoặc không muốn kết hôn, áp lực này có thể gây căng thẳng và khó giải quyết.

Cân nhắc về tài chính: Hôn nhân có thể tốn kém, đặc biệt nếu một cặp đôi quyết định tổ chức một đám cưới trọng đại hoặc cùng nhau chuyển đến một ngôi nhà mới. Đối với một số cá nhân, chi phí kết hôn là lãng phí, đặc biệt nếu họ hài lòng với tình hình tài chính hiện tại.

 

Nhật Minh (Theo Psychology Today)

menu
menu