Mặc cảm hèn kém - Hại người vì thành công hơn mình

mac-cam-hen-kem-hai-nguoi-vi-thanh-cong-hon-minh

Khi đi tìm động cơ g.i.ết người của nghi phạm trong vụ án sát hại nghiên cứu sinh người Mỹ gốc Việt Annie Lê, các nhà tội phạm học đã phát hiện nghi phạm này mắc phải hội chứng “mặc cảm hèn kém tương đối”.

Khi đi tìm động cơ giết người của nghi phạm trong vụ án sát hại nghiên cứu sinh người Mỹ gốc Việt Annie Lê, các nhà tội phạm học đã phát hiện nghi phạm này mắc phải hội chứng “mặc cảm hèn kém tương đối”.

Ngày 20/10 tới đây, Raymond Clark III, nghi phạm trong vụ sát hại nghiên cứu sinh người Mỹ gốc Việt Annie Lê sẽ tiếp tục ra tòa để đối chất với những cáo buộc liên quan đến hành vi phạm tội của mình. Đây là vụ án từng làm chấn động dư luận ở nhiều nước bởi những tình tiết có thể đẩy sự thương cảm và căm phẫn lên tột cùng.

Annie Lê, nghiên cứu sinh chuyên ngành dược lý của đại học Yale, được phát hiện mất tích vào ngày 8/9/2009. Sau đó, cảnh sát đã tìm thấy thi thể nạn nhân bị nhét vào hốc tường dưới tầng hầm phòng thí nghiệm của trường đại học vào ngày 13/9/2009, ngày mà lẽ ra là ngày cưới của cô gái trẻ gốc Việt xinh đẹp này. Cô đã bị bóp cổ nghẹt thở cho đến chết. Nghi phạm sát hại Annie Lê sau đó đã khu trú đúng vào Raymond Clark III, 27 tuổi, là nhân viên chăm sóc động vật thí nghiệm tại phòng thí nghiệm Annie Lê làm việc.

Hại người vì thành công hơn mình

Ngày 6/10 vừa qua, Clark đã ra toà và không nói một tiếng nào. Đây có vẻ là sự tiếp diễn cách phản ứng mà Clark bộc lộ trước đó khi không chịu khai về động cơ giết người và không biện hộ bản thân kể từ khi bị bắt.

Trong phiên toà tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 20/10 nếu Clark vẫn không khai thì theo lời một điều tra viên Mỹ: “Không thể xác định được nguyên nhân vụ án cho đến khi nào Clark chịu khai trước toà. Mọi chuyện hiện chỉ là đoán mò”. Mặc dù vậy, mới đây một số chuyên gia về tội phạm học cũng đã hé mở được phần nào cánh cửa bí ẩn của vụ án để lý giải vì sao Clark nhẫn tâm sát hại Annie Lê, trong khi giữa hai người không hề có thù oán riêng tư và cũng không có liên hệ tình cảm và tiền bạc.  

Dựa vào hình thức nạn nhân bị bóp cổ và chết do nghẹt thở có thể vì “sự ganh tỵ” và “tức giận cực độ”, TS.BS Levin của đại học Northern University cho rằng đây là một tội phạm nảy sinh từ một rối loạn có tên “Relative deprivation” (tạm dịch “Mặc cảm hèn kém tương đối”). Theo lý giải của ông Levin, yếu tố tương lai cách biệt quá xa có thể từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của Clark. Annie Lê là một người Việt Nam da màu nhưng lại là một nghiên cứu sinh tại Yale trên đường thành công xán lạn còn Raymond là một người Mỹ da trắng nhưng tương lai mù mịt với công việc bị cho là thấp kém, chăm sóc những con vật được dùng làm thí nghiệm. Clark luôn bị giày vò bởi suy nghĩ: “Trong khi cô ta đang tham gia vào những cuộc khảo cứu y học vô cùng quan trọng và có thể sau này sẽ trở nên danh tiếng, còn mình thì sẽ suốt đời lau chùi tại căn phòng thí nghiệm với sự u tối, vô vọng”. Từ trạng thái bị bất an thường xuyên vì sự so sánh giá trị bản thân với người khác và nghĩ rằng mình chẳng bằng ai, thế là trong một cuộc tiếp xúc với Annie Lê, có thể Annie Lê đã có cử chỉ hoặc lời nói nào đó khiến Clark mất kiểm soát bản thân, dẫn đến bóp cổ cô cho tới chết. 

Trong một số vụ án đã xảy ra ở Việt Nam, các nhà tội phạm học cũng đã nhìn thấy sự hiện diện của hội chứng “mặc cảm hèn kém tương đối” ở người phạm tội. Tuy nhiên do đánh giá chưa đúng mức nên chứng cứ hội chứng này không được ghi nhận đầy đủ. Vì là một dạng bệnh tâm thần nên việc điều trị có thể thực hiện được. Tuỳ mức độ, các bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc trị trầm cảm và các liệu pháp tâm lý trị liệu phù hợp. Khi thấy thường xuyên có cảm giác ganh tỵ, luôn mặc cảm thua kém… mọi người nên tìm các bác sĩ tâm lý để được tham vấn.

Ganh tỵ quá mức cũng là bệnh

Với người bình thường, để tránh những hậu quả xấu, cần có ý thức đề phòng. Khiêm nhường và thận trọng trong khi làm việc bởi rất khó biết những người làm việc bên cạnh hằng ngày có thể vẫn cư xử bình thường nhưng trong một lúc nào đó, họ có thể phát rồ vì những suy nghĩ ganh tỵ.

Hội chứng “mặc cảm hèn kém tương đối” được nghiên cứu kỹ vào năm 1966 bởi bác sĩ Runciman và mãi đến năm 1980 mới được công nhận đưa vào danh mục các bệnh tâm thần. Việc đưa một rối loạn vào danh mục các bệnh tâm thần hoặc rút ra khỏi danh mục không phải dễ dàng, luôn đòi hỏi có sự thẩm tra kỹ lưỡng, như “đồng tính luyến ái” trước đây được xem là một rối loạn tâm thần thì nay đã được đưa ra khỏi danh mục. Còn mặc cảm hèn kém tương đối phải sau 14 năm mới được công nhận là bệnh tâm thần nhờ công trình của tiến sĩ Braithwaite.

Công trình này giải thích tại sao tội ác gia tăng tại Mỹ sau thế chiến thứ hai, khi mà đời sống mọi người được cải thiện. Khi đó, cuộc sống không còn đồng lao cộng khổ nữa mà đã khá lên, một số người có cơ hội tiến thân có tiền đồ xán lạn còn một số khác thì số phận không đẹp, bị cuộc sống bỏ lại đằng sau trên nhiều phương diện. Thế là hội chứng mặc cảm hèn kém tương đối xảy ra. Những người mắc phải hội chứng này luôn cảm giác có sự bất công, luôn trong tư thế sẵn sàng bùng nổ tức giận và trút sự tức giận ấy vào mạng sống của kẻ có cuộc sống tốt hơn. 

Ngoài ra, theo TS.BS Levin, hội chứng mặc cảm hèn kém tương đối có lúc còn đi cùng với một rối loạn tâm lý có tên “Thái độ muốn kiểm soát sự việc theo ý mình” (Controlling behavior). Người có thói quen muốn kiểm soát mọi việc thường hay dễ nóng giận và bạo hành. Có thể Clark là người đã bị rối loạn này. Là người chăm sóc và vệ sinh chuồng thú phòng thí nghiệm nhưng theo lời kể của một số người cận kề, Clark xem phòng thí nghiệm là lãnh địa riêng và muốn mọi người tuân theo sự mong muốn của mình.

Có một sự cách biệt khá xa nghề nghiệp giữa những người làm khảo cứu y học và những người giữ trách nhiệm cung cấp và bảo trì các phương tiện khảo cứu (tức chăm sóc súc vật thí nghiệm, công việc Clark làm tại nơi Annie Lê đang nghiên cứu học vị tiến sĩ về bệnh ung thư, đái tháo đường) nhưng đối với người bình thường thì không có lý do gì để thù hận nhau. Tuy những điều trình bày ở trên mới chỉ là giả thuyết, sự thật của nguyên nhân vụ sát hại Annie Lê còn tuỳ thuộc vào khai nhận trước tòa của Clark sắp tới, nhưng đứng ở góc độ tội phạm học, có thể khẳng định rằng có những tội ác đang chực chờ bùng lên từ những người mang trong mình mặc cảm hèn kém.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức

SGTT

menu
menu