Mất kết nối: Những điều cần biết về căng thẳng, trầm cảm

mat-ket-noi-nhung-dieu-can-biet-ve-cang-thang-tram-cam

Phần đầu cuốn sách thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia trong ngành khi mà tác giả đưa ra những câu chuyện và chi tiết chứng mình thuốc chống trầm cảm không có tác dụng như quảng cáo.

Nếu mình có trao giải Sách Hay thì vị trí số một năm nay (2019) thuộc về cuốn Lost Connections của Johann Hari. Cuốn sách mang lại cho một người không biết gì về lĩnh vực này như mình những kiến thức về căng thẳng và trầm cảm. Dù có nhiều nhận xét trái chiều về tác giả lẫn sách, mình vẫn thích những câu chuyện được kể trong đó.  

Bài viết này chia sẻ với những người đã, đang gặp căng thẳng và trầm cảm những điều mình tâm đắc trong sách. Không nhằm mục đích “chẩn đoán, khám chữa bệnh”.

“Nó” trông như thế nào? Căng thẳng ấy.

Qua lời kể của Johann và những người được anh phỏng vấn, “căng thẳng, trầm cảm” hiện ra trong rất nhiều hình dạng. “Luôn có một cuộc độc thoại căng thẳng”, khó chịu dài lê thê xuất hiện hoài ở trong đầu. Những suy nghĩ như một dòng nước lớn, càng muốn chặn đứng thì nó lại càng mạnh mẽ hơn. Dần dần, “họ bắt đầu hoài nghi về chính những suy nghĩ của mình”. Người duy nhất để đổ lỗi lên là chính bản thân họ. Rằng “tất cả chỉ diễn ra ở trong đầu mày thôi. Đứng có yếu đuối nữa. Vượt qua nó đi.”

Đầy cố gắng, họ tiếp tục nghĩ về những việc từng mang lại niềm vui. Biết đâu làm những việc đó chắc sẽ khiến tâm trạng khá hơn. Thế rồi họ điểm qua từng thứ một trong đầu, nhưng niềm vui cũng không còn ở đó nữa. Tuy muốn chia sẻ với người khác nhưng tự hỏi: liệu có nên nói ra không, người ta có hiểu không, có nghĩ khác về mình không? “Họ cảm thấy xấu hổ vì ý nghĩ “phải nói ra” đó nên càng ẩn mình hơn và không muốn phải chịu đựng thứ cảm xúc này” thêm nữa.

Về tác giả Johann Hari

Từng là một phóng viên của nhiều tờ báo lớn và giờ, một tác giả sách về chứng nghiện và trầm cảm. Johann đã mang những suy nghĩ tương tự như trên từ khi còn là một đứa trẻ. Năm 18 tuổi, lần đầu đi khám, bác sĩ giải thích với Johann rằng do mất cân bằng serotonin trong não khiến nó bị rối loạn chức năng. Xong, chứng bệnh đã có cách chữa trị. Hạnh phúc vô cùng, trong vòng 10 phút, Johann ra về với một toa thuốc trong tay nhắc anh phải uống mỗi khi cảm thấy căng thẳng.

13 năm sau đó, khi không thể tăng liều hơn được nữa, anh mới dừng uống thuốc. Thuốc chống trầm cảm dưới những tên gọi khác nhau, do các bác sĩ khác nhau kê toa, hình như không có nhiều tác dụng với anh. Cuốn sách kể lại câu chuyện của những con người mà Jo gặp trong hành trình đi tìm câu trả lời cho chính mình.

https://www.theguardian.com/books/2018/jan/17/lost-connections-johann-hari-review

Điều gây tranh cãi nhất

Phần đầu cuốn sách thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia trong ngành khi mà tác giả đưa ra những câu chuyện và chi tiết chứng mình thuốc chống trầm cảm không có tác dụng như quảng cáo. Rằng các công ty thuốc lớn tài trợ tiền trong những nghiên cứu về tác dụng của thuốc để bóp méo sự thật. Dù trong thực tế, chúng không hơn gì giả dược (placebo) và ngủ nghỉ điều độ.

Trong khi mô hình Bio-Psycho-Social (tạm dịch: sinh học – tâm lý – xã hội) đã được chấp nhận từ những năm 70 và đưa vào giảng dạy y tế chính thức được khoảng 20 năm. Đến thời tác giả (đâu đó năm 1997 – 2010), thuốc chống trầm cảm vẫn là đề nghị duy nhất của các bác sỹ khám cho Jo. Không ai hỏi anh đã gặp những chuyện gì trong cuộc sống để đến nỗi bị như vậy cả.

Theo tác giả, hai nguyên nhân sinh học (gene và sự thay đổi của não bộ – neuroplasticity) được cho là chịu tác động đáng kể bởi những thứ xoanh quanh cuộc sống mỗi người. Chính môi trường sẽ kích hoạt gene gây căng thẳng. Còn não bộ thay đổi để thích ứng với những nỗi đau xảy tới với bạn như một cơ chế phòng vệ.

Có một bức tranh chung cho 07 nguyên nhân xã hội gây ra căng thẳng và trầm cảm mình liệt kê dưới đây. Đó là mất kết nối. Tuy nhiên, những câu chuyện dẫn đến chúng trong sách mang tới nhiều điều thú vị hơn. Nếu quan tâm bạn hãy đọc sách nhé.

Mất kết nối với một công việc ý nghĩa

“Bạn cần được biết là tiếng nói của bạn được chấp nhận. Nếu bạn có một ý tưởng ngon lành, bạn có thể lên tiếng, và thay đổi điều gì đó”. Người lao động cần được có quyền kiểm soát một phần nào đó trong công việc của mình.

Mất kết nối với người khác

Nhiều nghiên cứu chứng minh sự cô đơn dẫn đến căng thẳng và trầm cảm. Có một giả thuyết, rằng từ xưa, loài người sinh tồn được là nhờ sinh sống và săn bắt, hái lượm theo bầy đàn. Các nhà khoa học cho rằng chính lối sống cá nhân, tách biệt như hiện nay khiến con người mất đi cảm giác an toàn sâu bên trong bản năng và trở nên cô đơn hơn.

Để chứng minh, người ta làm nhiều thí nghiệm, khảo sát, cũng như nghiên cứu trên những cộng đồng sống gắn bó với nhau. “Có bao nhiêu người bạn có thể chia sẻ khi gặp khủng hoảng hay những điều tốt đẹp xảy đến với mình?” Cô đơn không hẳn là thiếu vắng hơi người một cách vật lý, mà đó là cảm giác bạn không thể chia sẻ những điều có ý nghĩa với một ai khác. “Không ai giúp được bạn ngoài chính bạn. Tôi sẽ tự chăm lo cho tôi, người khác cũng nên tự chăm lo cho họ.”

Nhưng mất người xung quanh mình thì đã sao, lên facebook là có tới 700 bạn bè cơ mà. “Ám ảnh Internet là một trong những cách thoát khỏi căng thẳng nhờ … mất tập trung.” Mọi người có bạn bè trên Internet để thay thế cho hàng xóm của họ. Tuy nhiên, có thể “mỗi status đăng lên mang một thông điệp ngầm duy nhất: ai đó làm ơn công nhận (acknowledge) tôi đi.” Có thể cái chúng ta cần là kết nối kiểu face-to-face cơ.

Mất kết nối với những giá trị ý nghĩa

“Chúng ta đang sống trong một xã hội không cổ vũ những giá trị bên trong (intrinsic values).” Theo đuổi những giá trị bên ngoài (extrinsic) và vật chất có thể khiến bạn gặp nhiều căng thẳng và trầm cảm hơn. “Càng quan tâm đến vật chất và sự hào nhoáng bên ngoài, những mối quan hệ quanh bạn càng ngắn ngủi.” “Chủ nghĩa vật chất khiến bạn khốn khổ hoài trong một thế giới vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn.” Rằng bạn thiếu món này để chăm tập thể dục hơn, thiếu món kia để kết nối nhanh hơn. Bạn quan tâm người ta đánh giá mình như thế nào qua những thứ mà bạn sở hữu. “Không có quảng cáo nào nói bạn đủ rồi cả”, bạn phải có cái này cái nọ mới vui vẻ, hạnh phúc hơn.

Thành phố Sao Paulo gỡ bỏ hết biển quảng cáo.

Nguồn: 99percentinvisible.org

Mất kết nối với một tuổi thơ bi kịch

Câu chuyện về những bệnh nhân bị béo phì và trầm cảm mang lại cho người đọc nhiều điều ẩn sâu trong quá khứ của họ. Nguyên nhân thực sự đằng sau sự ghét bỏ bản thân là gì? Liệu chỉ định họ uống thuốc, ăn uống ép cân có phải là giải pháp tận gốc chưa?

Mất kết nối với danh dự và sự kính trọng

Nghiên cứu tập tính của nhứng con khỉ đầu chó đầu đàn thì có liên hệ gì với trầm cảm ở người? Well, những người ở những bậc thang thấp trong một xã hội merit-based (nếu tài năng – dựa vào đâu?, bạn sẽ được đánh giá cao) có nhiều khả năng mắc căng thẳng và trầm cảm. Có cách nào để mọi người được đối xử công bằng hơn, bất kể công việc họ làm không?

Mất kết nối với thế giới tự nhiên

Phần này tóm tắt khá nhiều thí nghiệm về vai trò của tự nhiên đối với tâm lý con người. Mình từng viết bài Hiking ở Đài Bắc trích dẫn một số thí nghiệm tương tự. “Đừng quên chúng ta là động vật, cơ thể này được làm ra để vận động.” Thay đổi môi trường tự nhiên và tăng cường vận động có lẽ là một trong những cách cần được khuyến nghị hơn cả.

Mất kết nối với một tương lai “an toàn”

Những người trầm cảm nặng không có một cảm giác rõ ràng về tương lai. Vậy nếu phải sống và làm việc trong bất định, không biết tuần sau hay, thậm chí, ngày mai làm gì và ở đâu, có dẫn đến căng thẳng, trầm cảm không? Nghiên cứu về cộng động bản địa thiểu số ở Canada cho người đọc nhiều thông tin thú vị.

Tóm lại

Cuốn sách gặp nhiều ý kiến trái chiều bởi các chuyên gia vì tác giả quá hạ thấp vai trò của bác sĩ và thuốc chống trầm cảm. Việc chữa trị bệnh không dễ gì tìm ra mối quan hệ nhân – quả vì có quá nhiều tác động. Ngoài ra, tác giả là một phóng viên chứ không phải người trong ngành nên cuốn sách nên được hiểu qua góc nhìn chủ quan nhiều hơn.

Theo mình, cuốn sách tổng hợp nhiều điều khiến người đọc hiểu thêm về trầm cảm. Khi biết rằng có những người khác cũng đang phải đối mặt với nó, chính họ sẽ cảm thấy được chia sẻ và đồng cảm hơn. Ít ra, nếu biết thêm nhiều nguyên nhân sâu xa không chắc gì đến từ bộ não của mình (không phải bẩm sinh chẳng hạn), họ có thể nhiều hi vọng hơn trong việc chữa trị. Gần cuối sách, có đoạn nếu bạn trầm cảm và nghe thấy tiếng nói bảo rằng bạn không thể đương đầu với chúng được đâu, nên dừng lại và nhận ra đấy là một suy nghĩ do trầm cảm thôi.

Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ và đừng vượt qua nó một mình.

Những ý kiến trái chiều

https://www.theguardian.com/science/brain-flapping/2018/jan/24/antidepressants-please-please-do-not-just-abandon-your-meds-johann-hari

https://www.theguardian.com/science/brain-flapping/2018/jan/08/is-everything-johann-hari-knows-about-depression-wrong-lost-connections

 

Cảm ơn bạn đã đọc bài,

Nguồn bài viết: The Too Blue Scientist

menu
menu