“Mặt phải”, triết lý vàng để vượt qua nghịch cảnh và những chuyện tồi tệ nhất trong đời 

mat-phai-triet-ly-vang-de-vuot-qua-nghich-canh-va-nhung-chuyen-toi-te-nhat-trong-doi 

Tại sao những điều tồi tệ trong cuộc sống không phải lúc nào cũng xấu?

Tại sao những điều tồi tệ trong cuộc sống không phải lúc nào cũng xấu? Vào thời điểm mà một điều gì đó xảy đến trong đời mà ta cho là “xấu”, ta thường ngửa mặt lên trời nguyền rủa. Bất kể đấy là tổn thất tài chính, thất vọng trong nghề nghiệp hay kinh doanh, bị kẹt trong một vụ tai nạn hay thậm chí bị chẩn đoán là có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, phản ứng chung thường là, “Tại sao lại là tôi? Tôi đã làm gì để bị thế này?” Tuy nhiên, điều ta không nhận ra ngay lúc ấy, nhưng lại có giá trị về sau, chính là những thất bại và thử thách đó, hay nói chính xác hơn, cách mà chúng ta phản ứng với sự việc đó, sẽ quyết định tương lai và hạnh phúc của chúng ta. 

Làm sao bạn biết chính xác một sự việc nào đó trong cuộc sống là “tốt” hay “xấu”? Với một số người, điều gì mang lại niềm vui là tốt và điều gì gây ra phiền toái là xấu. Nhưng trong trường hợp này bạn đánh giá thế nào: kẹo bông gòn đem lại cảm giác vui sướng (cho những ai thích nhâm nhi những sợi đường đủ màu rực rỡ) nhưng cũng sẽ gây sâu răng và do đó đem lại sự đau đớn? Hay sự đau đớn xuất hiện khi người nha sĩ khoan phần răng sâu, vốn bị coi là “xấu” nhưng cuối cùng sau khi phần sâu bị loại bỏ, trám lại thì giúp ta tránh được những cơn đau về sau? 

Những người khác xem một điều gì đó là “tốt” nếu nó đưa họ đến những hy vọng và khát khao; trái lại, họ nói rằng điều gì đẩy họ về hướng ngược lại, tức là rời xa hy vọng và ước mơ là “xấu”. Nhưng khi nhìn lại ta sẽ thấy sự việc được cho là xấu hóa ra lại rất tốt cho phép một người mở ra một cánh cửa khác, tốt đẹp hơn rất nhiều. Để nhận biết một việc là tốt hay xấu trong cuộc sống thật không dễ như ta tưởng. Nhiều người cực đoan tin rằng trắng đen phải rõ ràng. Chẳng hạn, hầu hết người ta sẽ đồng ý rằng trúng giải độc đắc và kiếm hàng triệu đô trong kỳ xổ số toàn quốc là điều tốt, ngược lại một người bị cụt chân trong một vụ rơi máy bay là điều xấu. Nhưng làm thế nào chúng ta thật sự biết được? 

VIỆC “TỐT” CHƯA HẲN ĐÃ LÀ TỐT – CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI TRÚNG XỔ SỐ 

Vào buổi tối ngày 22 tháng 5 năm 199, cảnh sát nhận được điện báo đến một căn nhà nằm trong vùng Kingwood sang trọng thuộc thành phố Houston, bang Texas. Khi đến nơi, cảnh sát tìm thấy chủ nhà, Billy Bob Harrell, bị bắn chết trong phòng ngủ trên lầu. Theo các nhân viên điều tra, Harrell đã tự sát. Anh tự khóa mình trong phòng ngủ, cởi bỏ quần áo, đặt nòng súng lên ngực và bóp cò. 

Không lâu trước khi qua đời, Harrell đã tâm sự với người cố vấn tài chính về một sự việc xảy ra chỉ mới hai mươi tháng trước, mà theo anh, đã hủy hoại cuộc đời anh. Anh đã than khóc rằng “Đó là điều tồi tệ nhất từng xảy đến với tôi.” Tuy nhiên, đó không phải là bệnh nan y cũng không phải mất đi người mà anh yêu thương. Anh không bị tai nạn và cũng không bị mất việc. Anh và gia đình đều đang sống và khỏe mạnh. Thế thì việc khủng khiếp gì đã phá hủy cuộc đời anh? 

Xác suất của điều đặc biệt ấy xảy đến với Harrell là khoảng 1 phần 40 triệu. Anh là người trúng giải duy nhất của kỳ xổ số toàn bang Texas. Anh trúng giải độc đắc! 

Tôi không có ý cho rằng tất cả những người trúng số đều có kết cục nghèo khổ hay chết chóc. Rất nhiều người vẫn sống tốt và hạnh phúc. Theo nghiên cứu kéo dài 5 năm do Tập đoàn Camelot thực hiện thì 55% những người trúng số sống hạnh phúc hơn (ít nhất là 5 năm đầu) sau khi trúng giải. Điều khiến cho những người trúng số mà bất hạnh là bởi vì sự giàu lên đột ngột của họ không làm cho họ hạnh phúc. Trúng số có thể đem lại hệ quả hoàn toàn trái ngược vì người thắng giải cảm thấy bị cô lập với bạn bè và gia đình. 

“TÁI ÔNG THẤT MÔ – BÀI HỌC TỪ NGƯỜI NÔNG DÂN THEO ĐẠO LÃO 

“Không có việc tốt hay xấu, tất cả đều do suy nghĩ mà ra.” 

William Shakespeare 

Triết lý đạo Lão xa xưa của người Trung Hoa giúp ta có cái nhìn sâu sắc hơn để hiểu rõ sự khác biệt giữa câu chuyện của Billy Bob Harrell. Đạo Lão xuất hiện vào thế kỷ IV trước Công nguyên qua lời dạy của một người tên là Lão Tử – tác giả của Đạo Đức Kinh – học thuyết của tư tưởng đạo Lão. Một trong những hình tượng được dùng nhiều nhất trong đạo Lão là nước. Nước là hình ảnh đặc trưng trong đạo Lão bởi cốt lõi của đạo Lão chính là quan niệm cuộc sống như nước sông chảy không ngừng. 

Người theo đạo Lão chấp nhận rằng có khi nước chảy đưa ta đến những nơi ta không mong đến, và gặp những điều ta luôn muốn tránh. Nhưng đạo Lão đưa ra một thông điệp của hy vọng; hy vọng dù ta biết rằng không phải lúc nào mình cũng can thiệp được vào dòng chảy của sự kiện, nhưng lúc nào ta cũng có thể kiểm soát được suy nghĩ và niềm tin của chính mình, và việc điều khiển tư duy chắc chắn mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì xảy đến. 

Đạo Lão cũng dạy ta cách nhìn nhận những sự kiện trong cuộc sống nhưng không phán xét, không suy diễn. Theo đạo Lão, không có việc gì tự nó tốt hay xấu. Điều này nghe có vẻ khác thường, mặc dù những gì phản ánh từ cuộc đời của Billy Bob Harrell không quá khác thường. Câu chuyện ngụ ngôn Tái ông thất mã sẽ giải thích điều này một cách hay nhất. 

Tái ông là một người nông dân theo đạo Lão, sống trong một ngôi làng hẻo lánh ở một vùng xa xôi nhất của Trung Quốc. Tuy không giàu có, nhưng ông bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình, một mảnh đất nhỏ để trồng trọt cùng vợ và con trai. Một ngày nọ, có con ngựa hoang phi thẳng vào đất của ông, nhảy qua hàng rào và bắt đầu ăn cỏ trên cánh đồng. Theo luật địa phương, con ngựa lúc ấy thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông và gia đình. Con trai của ông rất háo hức, nhưng người cha vỗ vai con và bảo, “Đừng vội phán xét! Ai biết đây là phúc hay họa?” 

Ngày hôm sau con ngựa nhảy ra khỏi cánh đồng và phóng đi mất.Con trai người nông dân vô cùng buồn bã. Người cha lại nói, “Đừng vội phán xét! Ai biết đây là phúc hay họa?” 

Ba ngày sau, con ngựa quay lại cùng với bốn con ngựa cái. Người con trai không thể tin vào vận đỏ của gia đình, cậu hét lên, “Chúng ta giàu to rồi!”, nhưng một lần nữa cha cậu lại bảo, “Đừng vội phán xét! Ai biết đây là phúc hay họa?”. 

Tuần kế tiếp, trong khi cưỡi một trong những con ngựa mới, cậu con trai bị ngã gãy chân. Người nông dân bèn chạy đi tìm thầy lang. Cậu nhanh chóng được thầy lang và cha mình săn sóc, nhưng cậu không ngừng càm ràm, than thân trách phận. Tái ông lấy khăn vắt nước ấm lau mồ hôi trên trán cho con, nhìn thẳng vào mắt con và trấn an một lần nữa, “Con trai, đừng vội phán xét. Ai biết đây là phúc hay họa?” 

Một tuần sau, chiến tranh nổ ra trong vùng, quan quân chiêu mộ binh sĩ đi vào làng và buộc tất cả thanh niên đủ tuổi nhập ngũ, tất cả, ngoại trừ một người không thể chiến đấu vì bị gãy chân! Câu chuyện Tái ông thất mã không đơn thuần là một truyện ngụ ngôn xa xưa; nó hàm chứa một bài học đơn giản nhưng mang tính sống còn trong hành trình đi tìm mặt phải: vào cái ngày mà một việc gì đó xảy đến, thậm chí trong nhiều tuần, nhiều tháng hay nhiều năm tiếp theo, ta vẫn chưa thể biết chính xác sự việc đó quan trọng như thế nào đối với phần đời còn lại của ta. 

MẶT PHẢI – LUÔN CÓ Ý NGHĨA TÍCH CỰC ĐẰNG SAU NHỮNG CHUYỆN XẤU 

Ngày 14 tháng 12 năm 1931, mọi người tụ tập trước câu lạc bộ Reading Aero ngưỡng mộ theo dõi người phi công trẻ tài năng của Không lực Hoàng gia Anh (RAF), chỉ mới 23 tuổi, trình diễn pha nhào lộn tầm thấp rồi đáp xuống sân bay. Sự ngưỡng mộ nhanh chóng biến thành nỗi kinh hoàng khi chiếc máy bay vừa hoàn tất một pha biểu diễn, đầu cánh bên trái của nó vô tình chạm đất, chiếc máy bay lộn nhiều vòng rồi đâm sầm xuống. Xe cứu thương nhanh chóng có mặt sơ cứu người phi công, nhưng anh đã bị thương trầm trọng. Hai chân anh dập nát. 

Người phi công được cấp tốc đưa đến bệnh viện và may mắn được một trong những bác sĩ phẫu thuật lỗi lạc thời đó, ông Leonard Joyce, thăm khám. Chấn thương nghiêm trọng đến mức ngay cả bác sĩ Joyce cũng không thể làm gì khác. Phương án duy nhất lúc đó là cắt bỏ hai chân của người phi công, một bên dưới gối một chút và bên kia trên gối một chút. Những ngày sau vụ tai nạn, người phi công viết vào nhật ký của mình: “Bị rơi sau khi nhào lộn gần mặt đất. Một pha biểu diễn tồi.” Anh đã không ngờ rằng việc bị mất cả hai chân, những năm sau đó, lại giúp anh trở thành phi công chiến đấu huyền thoại của RAF trong Thế chiến thứ hai và nhờ đó anh được phong tước Hiệp sĩ. Tuy nhiên, quan trọng hơn, chính tai nạn đã cướp đi đôi chân của anh, một ngày nọ lại giúp anh thoát chết. 

Douglas Bader từng là một vận động viên thể thao nổi bật. Anh chơi bóng bầu dục cho Harlequins và, theo một số bài báo, anh có triển vọng thi đấu ở đẳng cấp quốc tế. Anh còn là một cầu thủ crikê giỏi. Những tưởng anh không chịu đựng nổi thử thách bị mất đi đôi chân, nhưng Bader chỉ tập trung vào hai mục tiêu cụ thể – đi lại được và bay. Dù những cơn đau đớn triền miên buộc anh phải dùng morphine, nhưng Bader vẫn kiên cường và chiến đấu không mệt mỏi. Chỉ trong sáu tháng, anh đã đạt được mục tiêu của mình. Anh không chỉ có thể đi lại – không cần trợ giúp – mà còn có thể khiêu vũ và chơi gôn. Và, đến tháng 6 năm 1932, anh lại lái máy bay. Nhưng dù với nỗ lực kiên cường, vào tháng 4 năm 1933, anh bị buộc giải ngũ khỏi RAF.  

Thử thách mà anh phải chịu đựng nhanh chóng hé lộ mặt phải của nó. Thời gian ở trung tâm hồi sức đã giúp anh làm quen với một nữ y tá trẻ đẹp, Thelma Edwards, người mà anh cưới làm vợ vào tháng 10 năm 1933 và vẫn một lòng chung thủy cho đến khi cô qua đời nhiều năm sau đó. Sáu năm sau khi Bader bị buộc giải ngũ, Châu Âu bị đẩy vào một cuộc chiến chưa từng thấy. Bader quyết định góp sức trong cuộc chiến và tận dụng mọi mối quan hệ cũ để được nhập ngũ trở lại. Do nhu cầu cao về phi công chiến đấu, RAF chấp nhận đơn xin nhập ngũ của anh và chỉ sau một khóa đào tạo bổ túc ngắn về những loại máy bay chiến đấu mới nhất, bao gồm Spitfires và Hurricanes, anh được phép cầm lái. Khi ấy anh đã 29 tuổi, lớn hơn nhiều so với hầu hết các phi công khác, và anh phải đeo chân giả, nhưng Bader đã chứng tỏ anh là một trong những phi công chiến đấu giỏi nhất của RAF trên mặt trận nước Anh. 

Đến tháng 8 năm 1941, Bader đã bắn hạ 22 máy bay Đức. Chỉ có bốn phi công khác của RAF hạ được nhiều máy bay địch hơn anh. Điều đáng nói là, khi ta xem xét mặt phải của vấn đề, ta sẽ nhận ra thành công của Bader không những không bị cản trở bởi việc anh không có chân, mà quan trọng hơn, thành công đó có được bởi vì anh không có chân! Một điều cần lưu ý trong không chiến là khi người phi công lấy lại thăng bằng sau cú nhào lộn tốc độ cao, thì máu bị rút từ não ra tứ chi khiến họ bị bất tỉnh tạm thời. Nhưng vì Bader không có chân, não của anh không bị rút nhiều máu như người bình thường. 

Kết quả là anh tỉnh táo lâu hơn nhiều, một lợi thế đáng kể so với các phi công địch có cơ thể lành lặn mà anh đang chiến đấu. Nhưng, mặt phải mới thật sự xuất hiện vào ngày 9 tháng 8 năm 1941 khi chiếc phi cơ của anh va chạm trên không với một chiếc Messerschmidt trên bầu trời Le Touquet nước Pháp. Ngay lúc định nhảy dù thoát hiểm thì Bader phát hiện ra chân giả bên phải của anh bị mắc kẹt. Chiếc phi cơ đang trên đà lao thẳng xuống đất. Bất kỳ người phi công nào khác sẽ phải chấp nhận hy sinh, nhưng vì Bader không có chân nên anh đã thoát chết ngày hôm đó. Khi chiếc đai giữ chân giả bị bật ra, thì Đại tá không quân – Hiệp sĩ Douglas Bader cũng kịp thời thoát khỏi chiếc phi cơ xấu số. 

Người ta có thể lập luận rằng kết quả tích cực từ một hoàn cảnh tiêu cực không gì khác hơn là những kết quả ngẫu nhiên trong cuộc sống. Xét về cân bằng xác suất thì sẽ có một số người nhận được thành quả bằng cách này hay cách khác sau một bi kịch hay khủng hoảng cá nhân, tương tự, cũng sẽ có một số người phải gánh hậu quả và nỗi khốn khổ sau một thành tích hay thành công cá nhân. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học và tâm lý học đã bắt đầu khám phá ra rằng bí quyết để tìm thấy mặt phải, trong thực tế, không nằm ở hoàn cảnh mà nằm ở cách chúng ta phản ứng với hoàn cảnh đó. 

Mỗi thất bại trong cuộc sống, mỗi tổn thương đều có hai mặt nhưng chỉ có những người đặc biệt mới tìm ra được mặt phải. 

*Trích sách Mặt Phải – Đi tìm những cơ hội tiềm ẩn trong cuộc sống

Tác giả: Adam Jackson (Dịch giả Trần Đăng Khoa – Uông Xuân Vy)

Xem sách tại:

https://s.shopee.vn/20azBxcgb8

 

menu
menu