Mình đang sợ điều gì?

minh-dang-so-dieu-gi

Sợ hãi, nước mắt, và sự có mặt của bạn ở đây chính là huy chương cho lòng dũng cảm của bạn.

NHỮNG Ý CHÍNH

  • Nỗi sợ là chìa khóa để ta bước tiếp trong cuộc sống. Không có nỗi sợ, ta sẽ không bao giờ có thể tôi luyện được lòng can đảm – thứ đưa ta đến với phần thưởng của sự phấn khích.
  • Nỗi sợ lành mạnh chính là lớp áo ngụy trang của những thay đổi tích cực, nhưng nỗi sợ không lành mạnh lại là sự quá tải của những suy nghĩ “sẽ thế nào đây nếu như…?”.
  • Ý chí thường không đủ mạnh để giúp ai đó thoát khỏi nỗi sợ. Thế nhưng, vẫn giữ được trong mình hy vọng sẽ tạo ra một kết nối với giữa ta với một điều gì đó ngoài kia.

Sẽ luôn có một thứ đè nặng lên ta mỗi khi ta hào hứng nghĩ về tương lai. Đó là nỗi sợ.

Trớ trêu thay, một phần não bộ của chúng ta lại thích cảm giác sợ hãi và cảm giác khi ta mất quyền kiểm soát đối với một sự việc nào đó. Các công viên giải trí kiếm được rất nhiều tiền từ việc ném chúng ta vào những nỗi sợ hãi và những mối nguy hiểm, và chúng ta lại thích điều đó. Ta trả tiền, ta xếp hàng, chờ đợi hàng giờ chỉ để “được” sợ hãi. Ta tiến vào những ngôi nhà ma để có được cơn “sốt” adrenaline (adrenaline rush) đến từ những nỗi sợ của chính ta.

(*chú thích từ dịch giả: “Adrenaline rush” là tình trạng khi chất adrenaline trong cơ thể được giải phóng đột ngột, xảy ra khi bạn căng thẳng tột độ. Trong tiếng Việt trạng thái này thường được gọi là cơn “sốt” adrenaline. Bạn có thể bị rơi vào cơn “sốt” này khi đi phỏng vấn, đối mặt với nguy hiểm hoặc các vấn đề stress hàng ngày)

Nỗi sợ là một bí mật rất khó tìm lời giải đáp. Ta thích nỗi sợ. Ta ghét nỗi sợ. Ta cần nỗi sợ. Không có nỗi sợ, ta sẽ không bao giờ đạt được bất cứ điều gì quan trọng. Nếu ta không biết sợ hãi, ta không bao giờ có thể tôi luyện lòng dũng cảm. Chính nhờ có lòng dũng cảm mà chúng ta khám phá ra phần thưởng của sự phấn khích. Ngẫm lại thực tế và xem liệu những lời tôi nói có đúng không.

Sợ hãi là một yếu tố tích cực, cũng là một yếu tố quan trọng giúp ta tiến về phía trước.

Có bốn loại nỗi sợ: Nỗi sợ lành mạnh, Nỗi sợ không lành mạnh, Nỗi sợ không thể tránh khỏi, và Ám ảnh sợ hãi (Phobia).

Nỗi sợ lành mạnh

Nỗi sợ lành mạnh là người bạn của chúng ta. Hoài bão càng to, mong muốn thành công càng lớn thì nỗi sợ trong ta cũng càng nhiều, không có gì kỳ lạ ở đây cả. Nỗi sợ là một lớp ngụy trang mà bên dưới nó chính là những thay đổi tích cực. Thay đổi mang lại cho ta những trưởng thành mới. Nỗi sợ lành mạnh giống như một loại vitamin vậy.

Nỗi sợ không lành mạnh

Có nỗi sợ lành mạnh thì cũng sẽ có nỗi sợ hãi không lành mạnh: đó là khi bạn để bản thân bị “quá tải” với suy nghĩ “điều gì sẽ xảy ra nếu” và điều gì có thể xảy ra. Một người bạn nữ trong nhóm của tôi đã từng nói: “Mình lo lắng về việc tương lai sẽ có những sự việc không mong muốn xảy đến, cho dù hiện tại mọi thứ với mình đều ổn.” Người bạn nam ngồi cạnh cô ấy nói, “Có vẻ như cậu chẳng mấy tin tưởng vào ‘điều tốt’ lắm nhỉ”. Hừm… Tin tưởng vào điều tốt sao.

Một người bạn gái khác cảm thấy mệt mỏi khi lúc nào cũng phải nghe người khác nói với cô ấy rằng, ngày mai có thể cô ấy sẽ bị xe buýt đâm. Cô ấy tự hỏi do đâu mà mọi người luôn lo sợ về những điều chỉ là có thể xảy ra trong tương lai, và rồi cô ấy gói gọn những nghiên cứu của mình trong một cuốn sách mà cô ấy đặt tên nó là “Những tài xế xe buýt này là ai, và tại sao họ cứ theo đuổi tôi nhỉ?”.

Khi ta bị nỗi sợ bủa vây và cố thủ trong bóng tối của nỗi buồn, ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội. Vượt qua và buông bỏ nỗi sợ là một trong những thử thách khó khăn nhất mà ta phải đối mặt trong cuộc sống. “Chơi kéo co” với những cảm xúc tiêu cực, nghe có vẻ buồn cười sau khi một việc chẳng may nào đó đã xảy ra và khi ta nhận thức được sự việc đó thì đã quá muộn màng, nhưng “trò chơi” này có thể đang hiện hữu trong thời điểm hiện tại. Dường như buông tay trong “trò chơi” này không phải là một lựa chọn nên làm.

Nỗi sợ không thể tránh khỏi

Nỗi sợ không thể tránh khỏi bao gồm những thứ như cái chết. Sẽ chẳng tốt chút nào khi ta liên tục lo lắng ta có thể chết. Nhiều người sợ thay đổi. Việc khao khát có một cuộc sống định và mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát nhất định của bản thân là một điều hoàn toàn bình thường, ở một mức độ nào đó; tuy nhiên, thay đổi là điều không thể tránh khỏi. Đáng buồn thay, chúng ta thường chẳng thể kiểm soát được những thay đổi. Lời cầu nguyện Thanh thản (the Serenity Prayer) bắt đầu bằng câu: “Xin hãy ban cho con sự thanh thản để chấp nhận những điều con không thể thay đổi.”

(*chú thích từ dịch giả: Lời cầu nguyện Thanh thản (the Serenity Prayer) là một lời thỉnh cầu đến Chúa để xin Chúa ban cho mình sự bình tĩnh và bình an trong mọi vấn đề của cuộc sống, từ đó giúp bạn buông bỏ những thứ ngoài tầm kiểm soát và chú tâm vào những thứ trong tầm kiểm soát)

Ám ảnh sợ hãi 

Nỗi ám ảnh là vô tận. Chúng có thể là những nỗi sợ phổ biến nhất như chứng sợ nhện (arachnophobia) và chứng sợ độ cao (acrophobia) hay là hàng trăm những nỗi sợ “đặc biệt” khác, như chứng sợ bóng bay (globophobia), chứng sợ gà (alektorophobia) và chứng sợ rốn (omphalophobia). Và tất nhiên, cũng có hội chứng sợ hãi chính những “nỗi sợ hãi” (phobophobia). Tôi thường sử dụng những nỗi sợ này, và hàng chục nỗi sợ khác, để giải thích cho những ý nghĩ cực đoan mà tâm trí ta sẽ hướng đến để khiến chúng ta sợ hãi.

Bước qua nỗi sợ 

Nỗi sợ không phải là kẻ thù. Chính những cảm xúc mà nỗi sợ hãi mang lại mới là thứ khiến chúng ta khó chịu. Điều quan trọng là phải cho phép những cảm xúc đó được hiện hữu, chứ không phải cố gắng gạt chúng sang một bên và phớt lờ chúng. Tiến sĩ Robert Maurer từng nói rằng, chúng ta nên học từ những đứa trẻ hai bài học lớn: Chúng không ngại nói cho bạn biết chúng sợ điều gì, và chúng không xin lỗi chỉ vì chúng đã khóc. Maurer đặt ra câu hỏi: “Lần cuối cùng bạn nghe được một đứa trẻ nói rằng ‘Con xin lỗi vì đã quá xúc động khi con nói về điều này’ là khi nào?”.

Một khi chúng ta chấp nhận nỗi sợ, hãy giải quyết nó, và hãy vượt qua nó, và rồi chúng ta sẽ thấy ánh sáng ở cuối đường hầm sợ hãi.

Khi băn khoăn về câu hỏi “điều gì sẽ xảy ra nếu” thì bạn sẽ thấy, có vô số điều đẹp đẽ bên cạnh những điều tiêu cực sẽ đến với ta.

Tầm quan trọng của hy vọng

Từ ngày chúng ta chào đời, chúng ta luôn có những nỗi sợ chẳng biết nguyên nhân. Làm sao mà bạn có thể không sợ hãi sau khi bị ném vào một đường ống tối tăm, sau đó bị đánh thức bởi một người đàn ông lạ mặt đeo mặt nạ, và rồi hắn ta vỗ một cái vào mông bạn?

Những nỗi sợ mới sẽ luôn đến với chúng ta mỗi ngày, và có những nỗi sợ dai dẳng sẽ đeo đuổi ta mãi mãi mà chúng ta dường như chẳng bao giờ thoát khỏi được nó.

Bác sĩ Spencer Johnson đã từng nói: “Điều bạn sợ không bao giờ tệ như điều bạn tưởng đâu. Nỗi sợ hãi mà bạn tích tụ trong tâm trí còn kinh khủng hơn hiện thực đang thực sự tồn tại trước mắt bạn.”

Khi chúng ta mắc kẹt trong nỗi sợ hãi, sức mạnh ý chí thường không đủ mạnh để giúp chúng ta thoát khỏi những nỗi sợ đó. Đây là lúc mà hy vọng trở nên vô cùng quan trọng. Hãy xem hy vọng như một người bạn thân, một người bạn có thể ngồi xuống bên cạnh bạn và choàng tay ôm lấy bạn. Bạn kết nối được với một điều gì đó ở thế giới ngoài kia. Sợ hãi và hy vọng có thể tạo nên một trận bóng hay nhất trong tâm trí bạn, nhưng tôi mong rằng, hy vọng sẽ thắng trận đấu đó.

“Sợ hãi” là một từ có hai tiếng, nhưng nhớ rằng “hy vọng” cũng vậy.

Tiến về phía trước

Trong các bài viết trước đây của mình, tôi đã từng nói rằng một trong những cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ là hãy trải lòng với một người bạn thân, hoặc tâm sự với một người thân trong gia đình. Tiếp nhận những lời khuyên từ những mối quan hệ tích cực của bạn. Lắng nghe những lời bản thân nói cũng có thể được giúp bạn chữa lành.

Hãy nhớ lại những lần trong đời mà bạn cảm nhận được sự hiện diện đẹp đẽ của hy vọng và lạc quan. Có thể bạn đang nhìn ra đại dương, nhìn lên các vì sao hoặc nhìn xuống trái đất bên dưới cửa sổ máy bay của bạn. Có thể bạn đang nghe nhạc hoặc ngắm nhìn một tác phẩm nghệ thuật. Bạn có nhớ cảm giác khi làm những việc đó không? Hy vọng không phải là một thứ gì đó hữu hình. Hy vọng là cảm giác, là tin tưởng, là tín nhiệm, là đầu hàng. Hy vọng còn là việc bạn biết rằng mọi thứ trong vũ trụ luôn có cách vận hành riêng của chúng.

Ngay bây giờ, hãy đi tàu lượn siêu tốc và dọa sợ bản thân đi nào!

Tài liệu tham khảo

Brown, Brene, PhD, LMSW (2012), Daring Greatly, Penguin Random House, New York, NY

Johnson, Spencer, M.D. (1998), Who Moved My Cheese?,” G.P. Putnam’s Sons, New York, NY

Maurer, Robert, Ph.D., (2004), One Small Step Can Change Your Life; The Kaizen Way, Workman Publishing Co., New York, NY.

Tác giả: Bill Kavanagh

Dịch giả: Dương Hy – Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ 

Link bài gốc: What Am I Afraid Of?

menu
menu