Món quà tốt nhất cho con trẻ...
Những sọt đồ chơi nằm chỏng chơ mà hiếm khi con cháu chúng ta sờ đến là lời nhắc nhở thường xuyên rằng trẻ em ngày nay đang có quá nhiều đồ chơi.
Những sọt đồ chơi nằm chỏng chơ mà hiếm khi con cháu chúng ta sờ đến là lời nhắc nhở thường xuyên rằng trẻ em ngày nay đang có quá nhiều đồ chơi. Theo các nhà khoa học, món quà tốt nhất cho con trẻ là để chúng có ít đồ chơi hơn.
Số lượng chỉ 1-2 con trong mỗi gia đình, đồ chơi ngày càng rẻ, tình yêu con vô tận của cha mẹ, vô vàn cơ hội tặng quà... là những lý do mà trong thời đại ngày nay, trẻ em đang có nhiều đồ chơi hơn bao giờ hết.
Đồ chơi tốt cho sự phát triển của trẻ. Những món đồ mềm, nhiều màu sắc cho trẻ sơ sinh giúp trẻ phát triển phối hợp tay - mắt, kiểm soát chuyển động lớn nhỏ.
Những món đồ chơi theo độ tuổi giúp phát triển các vận động, tình cảm nhận thức như liên kết nguyên nhân - hệ quả, kỹ năng quan sát, tổng hợp thông tin, giải quyết vấn đề, kỹ năng xã hội như làm việc nhóm, cách thể hiện cảm xúc...
Tuy vậy, các chuyên gia về phát triển trẻ em cho rằng trẻ không cần nhiều đồ chơi mới phát triển được những kỹ năng này. Có quá nhiều đồ chơi thậm chí còn có hại cho trẻ.
Ảnh: iulianvalentin/Fotolia
Trong một nghiên cứu năm 2018, các nhà nghiên cứu đã quan sát 36 trẻ từ 18 - 30 tháng tuổi trong hai tình huống: được chơi với 16 món đồ chơi và chơi 4 món đồ chơi. Kết quả, khi có bốn món đồ chơi, các bé chơi lâu hơn với những món đồ chơi này. Các bé cũng chơi với "chất lượng cao hơn" - nghĩa là chơi theo nhiều cách khác nhau hơn so với khi được cho 16 món đồ chơi.
Nhóm tác giả do Alexia Metz, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Toledo (Mỹ) là chủ nhiệm, giải thích rằng khi có ít đồ chơi hơn, trẻ tập trung cho món đồ chơi nhiều hơn, chất lượng chơi tốt hơn, nhiều sáng tạo hơn và thời gian tương tác với người chăm sóc lâu hơn.
Ngược lại, có nhiều đồ chơi trước mặt làm trẻ dễ bị phân tâm, do đó, thời gian chơi mỗi món đồ chơi ngắn hơn và trẻ không khám phá sâu một món đồ chơi nào. Khi có rất nhiều đồ chơi, sự chú ý ban đầu của người chăm sóc với trẻ cũng dường như ngày càng ít đi.
Các phụ huynh tham gia nghiên cứu ước tính con họ có trung bình 90 món đồ chơi ở nhà. Tại Mỹ, theo khảo sát năm 2021 do Hiệp hội Công nghiệp đồ chơi (TIA) ủy quyền, trung bình mỗi trẻ em từ 2-12 tuổi ở Mỹ nhận được tổng số đồ chơi trị giá hơn 6.500 USD.
Một nghiên cứu tiến hành năm 2012 cho thấy trong các gia đình trung lưu ở Mỹ có khoảng 139 món đồ chơi mà trẻ có thể dễ dàng tìm thấy. Một gia đình trung lưu ở Mỹ sẽ tiêu khoảng 581 USD/năm để mua đồ chơi cho trẻ.
Theo ý kiến chuyên gia, không gian có quá nhiều đồ chơi có thể kích thích quá mức và làm trẻ bị ngợp. Điều này giống như khi chúng ta đến một tiệm kem với hàng trăm vị và chỉ được chọn một vị duy nhất.
Nếu người lớn còn thấy quá nhiều lựa chọn khiến họ không biết hoặc không thể chọn gì, vậy hãy tưởng tượng bạn là đứa trẻ đang làm quen với mọi thứ và ở giữa một thế giới đồ chơi. Trẻ có thể sẽ rất khó quyết định sẽ chơi gì, chưa nói đến khả năng tập trung của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là rất thấp.
Có nhiều đồ chơi sẽ khiến trẻ khó duy trì sự chú ý vào một món đồ chơi nhất định. Điều này cũng áp dụng với các kích thích môi trường khác ngoài đồ chơi. Nếu bạn còn bật tivi hoặc mở video trong lúc trẻ chơi, điều này có thể gây gián đoạn cho hoạt động chơi của trẻ. Có ít đồ chơi giúp trẻ tập trung và chơi sâu hơn, kích thích kỹ năng giải quyết vấn đề.
Vậy phải làm gì khi con bạn đã có quá nhiều đồ chơi? Các chuyên gia khuyên chúng ta nên chủ động bỏ bớt. Bạn có thể đưa ra một mốc để quyết định bao nhiêu đồ chơi là "đủ" và duy trì theo nguyên tắc khi có thêm một đồ chơi mới thì sẽ cho đi một món đồ chơi cũ. Điều này giúp trẻ có thái độ tích cực với việc tặng đồ chơi vì đồ chơi cũ của con sẽ là niềm vui cho bạn khác.
Trong gia đình Naeemah Ford Goldson, người mẹ cho hai con tham gia chọn quần áo và đồ chơi các bé muốn quyên tặng. Bà mẹ Mỹ cho biết việc này giúp các bé xây dựng thói quen cho đi đồ đạc. Chị hy vọng khi lớn lên, không trở thành những người tích trữ đồ đạc.
Để giảm tải đồ chơi, bước đầu tiên tốt nhất các bố mẹ nên làm là kiểm kê tất cả đồ chơi trong nhà và chia đồ chơi thành các nhóm: "giữ để chơi", "giữ để cất" (đồ chơi gắn với kỷ niệm) và "cho hoặc bán".
Với những đồ "giữ để chơi", hãy chỉ để ở ngoài một vài món và cất những món khác khỏi tầm mắt cũng như tầm với của trẻ. Khi trẻ dường như đã chơi chán một món, bạn cất món đồ chơi đó vào kho và thay nó bằng một món đồ chơi khác.
Bằng cách này, trẻ chỉ có thể có một vài đồ chơi một lúc. Bé sẽ vừa được lợi từ việc chơi với một số lượng đồ chơi có hạn và được thường xuyên đổi đồ chơi mới. Bạn cũng sẽ vui vì nhà cửa ít bề bộn và có nhiều không gian hơn.
Theo chuyên gia, đồ chơi không cần phải cầu kỳ, phức tạp hay đắt tiền. Đồ chơi nên được chơi theo nhiều cách. Càng có ít đồ chơi, trẻ càng giàu trí tưởng tượng trong việc biến những đồ vật hằng ngày thành đồ chơi.
Những vật dụng đơn giản hằng ngày trong gia đình - hộp các tông, xoong và dụng cụ nấu ăn, xô và chậu, ống bìa cứng, hộp nhựa và cốc xếp chồng - đều là những đồ chơi tuyệt vời cho trẻ nhỏ.
Nếu không muốn con được tặng quá nhiều đồ chơi, bạn hãy đề nghị người thân và bạn bè tặng con những món thiết thực mà vẫn làm trẻ vui như một bộ bàn chải đánh răng, khăn tắm, ly hoặc những vật dụng hữu ích có màu sắc hoặc ký tự yêu thích của bé.
Theo chuyên gia, tầm chục món đồ chơi (một lúc) thực sự là tất cả những gì trẻ cần mà không gây quá tải. Bạn cũng nên tắt tivi để bé tập trung chơi hơn. Dần dần, kỹ năng chơi và chú ý của trẻ phát triển và trẻ sẽ tương tác lâu hơn với mỗi món đồ chơi.
Đến một lúc nào đó, trẻ sẽ sẵn sàng chơi lâu hơn, ngay cả khi có rất nhiều thứ khác xung quanh chúng.
Theo XUÂN MINH
Tuổi trẻ Cuối tuần