Muốn Trở Thành Người Giỏi, Chí Ít Bạn Phải Biết Nói Ít Hơn, Lắng Nghe Nhiều Hơn

muon-tro-thanh-nguoi-gioi-chi-it-ban-phai-biet-noi-it-hon-lang-nghe-nhieu-hon

Có một vài người trong số chúng ta chỉ thích được nói thôi.

Chúng ta thường là những người hướng ngoại, ta thường có rất nhiều điều để nói và tin rằng những người khác cần phải nghe những điều mà ta nói.

Vấn đề ở đây là, khi nói chuyện, chúng ta thường không lắng nghe nhiều và cũng không học được nhiều.

Và sẽ có một vài lý do có thể khiến bạn có thể muốn nói ít hơn, lắng nghe nhiều hơn, từ đó trở thành "bậc thầy giao tiếp".

Hôm nay, chúng ta sẽ cùng đi vào tìm hiểu 6 lý do tại sao chúng ta nên học cách để nói ít hơn.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đề cập đến một số mẹo hữu ích về cách lắng nghe và khai thác nhiều hơn trong các cuộc trò chuyện hằng ngày.

Vì sao "nói ít hơn" lại quan trọng?

Tại sao bạn lại muốn tập trung ít hơn vào việc truyền đạt suy nghĩ của bản thân và trở thành một người biết lắng nghe hơn?

Lý do chính đó là nếu bạn trở thành một người biết lắng nghe, bạn sẽ có những cuộc trò chuyện chất lượng hơn.

Vậy thì bằng cách nào lắng nghe đã giúp chúng ta đạt được điều đó?

Mọi người sẽ thích nói chuyện với bạn (vì tất cả chúng ta đều thích được nói), và họ sẽ trở nên cởi mở hơn.

Bạn sẽ có thể đọc tốt hơn các tín hiệu không lời, chẳng hạn như ngôn ngữ cơ thể.

Mọi người sẽ cởi mở hơn với quan điểm của bạn.

Bạn có thể sẽ học được một điều gì đó mới

Những lợi ích kể trên sẽ làm cho việc phát triển kỹ năng lắng nghe trở nên vô cùng đáng giá.

Và bây giờ, hãy cùng xem xét sâu hơn một chút.

6 lý do bạn nên "nói ít hơn và lắng nghe nhiều hơn"

Có rất nhiều lý do tại sao việc học cách lắng nghe nhiều hơn lại quan trọng. Trong bài này, chúng ta sẽ xem qua 6 trong số những cách đó:

1. Bạn có thể học được một điều gì đó

Quy tắc sống thứ 9 của Peterson: Biết đâu người mà bạn đang lắng nghe có thể biết được điều gì đó mà bạn không biết.

Nhưng rốt cuộc thì, đây không phải là một điều rất thường xuyên xảy ra hay sao? Mỗi người đều sẽ có những kinh nghiệm, kỹ năng và tài năng riêng mà bạn có thể học hỏi.

Bằng việc học cách nói ít hơn và lắng nghe nhiều hơn, bạn có thể sắp xếp lại các phần trong cuộc trò chuyện của mình để hướng nó về việc "học" hơn là " thuyết giảng".

Hãy cùng xem qua một ví dụ:

Bạn đang trò chuyện với người quản lý của mình tại nơi làm việc về cách tiếp cận bán hàng mới, tốt nhất trong quý.

Và bạn chắc chắn rằng chiến dịch email tự động sẽ là một hướng đi tốt. Bởi bạn đã thực hiện chúng trong nhiều năm và đã thành công rực rỡ. Và trên thực tế, đó là một trong những lý do khiến bạn được bổ nhiệm làm trưởng nhóm bán hàng ngay từ đầu.

Thế nhưng, người phó phòng kinh doanh lại đưa ra một ý kiến ​​khác. Họ muốn bắt đầu cách "tiếp cận lạnh" thông qua LinkedIn.

Bạn đã dành nhiều năm để trau dồi kỹ năng chiến dịch email của mình và không quan tâm đến việc tiếp cận xã hội vì bạn thấy mình đã thu được kết quả tuyệt vời ở những nơi khác.

Tuy nhiên, mặc dù bạn đã thành công với cách tiếp cận của mình, nhưng vẫn sẽ có điều gì đó đáng để khám phá trong đề xuất của sếp.

Trong trường hợp này, nếu bạn đã học được cách lắng nghe nhiều hơn, bạn sẽ có thể nhận được một số thông tin vàng từ người quản lý của mình. Và thậm chí, bạn còn có thể đi đến quyết định rằng sẽ áp dụng cả 2 cách trên.

2. Bạn sẽ nhận được sự tôn trọng và tin tưởng của những người mà bạn đang nói chuyện cùng

Có thể bạn đã từng nghe nói về quyển sách Đắc nhân tâm của Dale Carnegie. Đây là một trong những quyển sách với nội dung về giao tiếp và các mối quan hệ giữa người với người có sức ảnh hưởng và bán chạy nhất mọi thời đại.

Một trong những đề xuất có giá trị nhất mà Carnegie đưa ra là nếu bạn có thể trở thành một người biết lắng nghe và khuyến khích người khác nói về bản thân họ, thì bạn sẽ nhận được sự tôn trọng và ngưỡng mộ của họ.

Hãy nhớ lại cuộc hẹn cuối cùng của mình, khi đó bạn đã trở về nhà với suy nghĩ: “Tôi cảm thấy rất vui. Chúng tôi đã có một khoảng thời gian trò chuyện thực sự tuyệt vời và thú vị”.

Bạn đã nói bao nhiêu về bản thân mình, cũng như đối phương đã nói về bản thân họ?

Và bây giờ, hãy thử nghĩ về lần hẹn cuối cùng, một ngày vô cùng khủng khiếp (điều này có thể sẽ dễ xuất hiện trong đầu bạn hơn). Rất có thể, họ đã nói về bản thân họ trong suốt khoảng thời gian ở bên nhau và hầu như không hỏi bất kỳ câu hỏi nào về bạn.

Hiện tượng này không chỉ được áp dụng cho các mối quan hệ yêu đương mà còn cho các mối quan hệ với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp.

Để đối phương nói về bản thân mình, bạn sẽ nhận được sự tin tưởng, ngưỡng mộ và tôn trọng từ họ.

3. Bạn sẽ thu hút được sự chú ý khi lên tiếng

Tại sao rất nhiều người thành công có thể bước vào phòng và thu hút sự chú ý ngay lập tức?

Chắc chắn, bản thân sự thành công của họ là một yếu tố ảnh hưởng: mọi người thường có xu hướng muốn nghe những gì họ nói.

Những lời nói của một người thành công sẽ có nhiều tác động hơn. Bài phát biểu của họ thường ngắn gọn và phù hợp hơn với cuộc trò chuyện so với những người nói thường xuyên.

Luyện tập nghệ thuật lắng nghe và bạn sẽ thu hút được nhiều sự chú ý nhiều hơn trong mỗi cuộc trò chuyện.

4. Bạn có thể giữ kín ý kiến của mình

Không phải mọi cuộc trò chuyện đều là những cuộc trò chuyện bình thường, thoải mái với bạn bè.

Một vài cuộc trò chuyện, đặc biệt là trong môi trường công việc, có thể sẽ không mấy dễ chịu.

Bạn có thể hoàn toàn không đồng ý với quan điểm của đồng nghiệp. Và điều cuối cùng mà bạn muốn làm chỉ là một tranh cãi nảy lửa tạo ra những tác động tiêu cực đến văn hóa công sở.

Ngoài ra, bạn còn có thể học hỏi được thêm về cách họ đã phát triển quan điểm của mình vì sự khác biệt ấy.

Học cách nói ít hơn và lắng nghe nhiều hơn sẽ giúp bạn giữ kín ý kiến ​​của riêng mình, đồng thời đào sâu hơn vào suy nghĩ của người khác.

Điều này sẽ có thể giúp bạn tránh được những xung đột tại nơi làm việc cũng như hỗ trợ bạn phát triển một thế giới quan toàn diện hơn.

5. Bạn ít khi bị nói ra một điều gì đó ngớ ngẩn hoặc một điều gì khiến bạn hối tiếc

Tất cả chúng tôi đã ở đó.

Bạn say mê trong một cuộc trò chuyện và bị lạc đề.

Bạn đã chưa thực sự cho mọi người nhận ra rằng bạn là người duy nhất phát biểu cho đến khi bạn nói một điều gì đó dẫn đến phản ứng trái chiều từ đồng nghiệp của mình.

Có thể bạn đã đưa ra một ý kiến ​​thiếu thiện cảm, chưa đầy đủ và không thực sự thể hiện được cách nghĩ cũng như cảm nhận của bạn. Có thể bạn đã vô tình nói ra một số điều mà lẽ ra nên được giữ kín.

Có thể là bạn chỉ hơi sỗ sàng và làm cho bản thân trở nên ngốc nghếch.

Bằng việc học cách nói ít hơn và lắng nghe nhiều hơn, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để hình thành những ý tưởng này thành câu rõ ràng và ít bị nói ra điều gì đó khiến bạn phải  đỏ mặt.

6. Bạn có thể duy trì cuộc trò chuyện

Các cuộc trò chuyện sẽ kết thúc khá nhanh khi mà không ai còn gì để nói.

Thông thường, điều này xảy ra khi cả hai đã nói tất cả những điều mà mình muốn nói.

Khi tập trung vào việc lắng nghe (thay vì chờ đợi cơ hội để nói), bạn sẽ có thể đưa ra những câu hỏi hay, giúp duy trì cuộc trò chuyện.

Bạn còn có cơ hội hiểu thêm về quan điểm của đối phương bằng cách này. Và hơn nữa, cuộc trò chuyện cũng sẽ trở nên hấp dẫn đến mức cuối cùng, các bạn lại cùng nhau nói về những điểm dường như chẳng liên quan gì với quan điểm ban đầu của mình

Học cách lắng nghe

Vâỵ thì, làm sao để bạn có thể học được cách nói ít hơn và lắng nghe nhiều hơn?

Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là cải thiện kỹ năng lắng nghe chủ động, tích cực của bạn.

Và dưới đây là một vài lời khuyên:

  1. Duy trì giao tiếp bằng mắt tốt. Bạn có thể suy ra được rất nhiều điều bằng cách tập trung nhìn vào mắt đối phương.
  2. Không phán xét. Cố gắng đừng đưa ra những phán xét, đánh giá những gì đối phương đang nói. Bạn sẽ rất dễ đi lạc hướng và cố gắng tìm cách giải thích họ đã sai như thế nào.
  3. Đừng "cầm đèn chạy trước ô tô". Chúng ta thường hay cố gắng đoán trước những gì đối phương sẽ nói tiếp theo. Khi làm điều này, chúng ta sẽ hình thành trong đầu câu trả lời dựa trên những gì mà chúng ta nghĩ họ sẽ nói, thay vì những gì họ đang thực sự nói.
  4. Cố gắng để hiểu, không chỉ để trả lời. Hãy cố gắng dừng lại việc chờ cơ hội để nói và tiếp tục chủ động lắng nghe những gì đối phương đang nói. Hãy để họ thể hiện trọn vẹn ý tưởng của mình trước khi bạn bắt đầu lên tiếng.
  5. Thoải mái với sự im lặng. Một trong những lý do khiến nhiều người trong chúng ta rất háo hức được nói là do chúng ta thường cảm thấy lúng túng khi bầu không khí trở nên im lặng. Tuy nhiên, bạn có thể giảm bớt sự khó chịu này bằng cách thể hiện cho đối phương thấy rằng bạn đang suy nghĩ trước khi nói (một cái 'hmmm' đơn giản cũng có thể làm nên chuyện).
  6. Nhắc lại những gì họ vừa nói. Một cách tuyệt vời để thể hiện rằng bạn đang lắng nghe và hiểu những gì đối phương đã nói là lặp lại những gì mà bạn vừa nghe, bằng những câu dạng như, "Chà, như những gì bạn nói thì là..."
  7. Đảm bảo sự rõ ràng. Nếu bạn không thể đáp lại lời của đối phương, có thể là bạn chưa hiểu hết ý của họ. Và những lúc như thế, thì đừng ngại yêu cầu họ nói rõ lại một lần nữa. Điều này sẽ cho thấy rằng bạn đang tích cực tham gia vào cuộc trò chuyện.

Học cách nói ít hơn và lắng nghe nhiều hơn sẽ giúp bạn ngày càng nâng cao được khả năng giao tiếp của mình.

Tuy nhiên, đây thực sự là một trong những điều “nói dễ hơn làm”.

Thế nhưng, nó lại là một thử thách rất đáng để “đầu tư”, nhờ sáu lợi ích sau:

  1. Bạn có thể học được một điều gì đó
  2. Bạn sẽ nhận được sự tôn trọng và tin tưởng của những người mà bạn đang nói chuyện cùng
  3. Bạn sẽ thu hút được sự chú ý khi lên tiếng
  4. Bạn có thể giữ kín ý kiến của mình
  5. Bạn ít khi bị nói ra một điều gì đó ngớ ngẩn hoặc khiến bạn hối tiếc
  6. Bạn có thể duy trì cuộc trò chuyện

Nếu bạn đang đọc bài này với tư cách là một nhà lãnh đạo đang tìm cách cải thiện kỹ năng lắng nghe và đàm thoại của mình, thì bạn chắc chắn sẽ có thể ngày càng phát triển bản thân mình hơn nữa.

----------

Tác giả: Maggie Wooll

Link bài gốc: Talk less, listen more: 6 reasons it pays to learn the art

Dịch giả: Hải My - ToMo - Learn Something New

menu
menu