Nâng cao khả năng tự đánh giá với công thức 130 năm tuổi
Tâm lý học định nghĩa đó là cảm giác tổng thể của một cá nhân về giá trị bản thân. Nó thể hiện mức độ chúng ta trân trọng và yêu quý chính mình.
Năm 1994, Michael Jordan, cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại, từ giã câu lạc bộ Chicago Bulls để theo đuổi sự nghiệp bóng chày chuyên nghiệp. Một số người nói rằng Michael đang bày tỏ lòng kính trọng đối với cha mình, người từng là một cầu thủ bóng chày bán chuyên nghiệp. Nhưng Michael đã bị chỉ trích rất nhiều vì người ta cho rằng kỹ năng của anh không đủ tốt cho môn thể thao này.
Điều buồn cười là môn thể thao đầu tiên mà Michael chơi lại là bóng chày. Anh ấy chơi khá tốt khi còn bé, nhưng ở tuổi 31, Michael chỉ đơn giản là không thể đạt thành tích xuất sắc. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu anh không bao giờ theo đuổi bóng rổ?
Có một câu nói rất nổi tiếng của Einstein như sau: “Mỗi người là một thiên tài. Nhưng nếu bạn cứ phán xét một con cá dựa trên khả năng biết trèo cây, bạn sẽ khiến con cá sống cả đời với niềm tin rằng nó là kẻ ngốc”. Nếu bạn cảm thấy tự ti về bản thân, chỉ cần nhớ rằng Michael Jordan suýt chút nữa đã sống cả đời với niềm tin mình chỉ là một vận động viên tầm thường nếu không theo đuổi bóng rổ.
Sự tự đánh giá (Self-esteem) là gì?
Tâm lý học định nghĩa đó là cảm giác tổng thể của một cá nhân về giá trị bản thân. Nó thể hiện mức độ chúng ta trân trọng và yêu quý chính mình.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự nhận thức, đánh giá này. Những yếu tố như di truyền, trải nghiệm thời thơ ấu hay tuổi tác nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nhưng các yếu tố khác như khả năng chịu đựng, sức mạnh, suy nghĩ và hoàn cảnh cá nhân có thể được quản lý.
Tuy nhiên, đây không phải là một trạng thái vĩnh viễn của tâm trí mà nó thay đổi theo thời gian. Như câu chuyện của Michael Jordan, sự tự nhận thức phụ thuộc phần lớn vào hoàn cảnh hiện tại. Những gì bạn đang hoặc đã trải qua không quyết định cảm xúc của bạn trong tương lai.
Vậy khi áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, sự tự nhận thức này sẽ như thế nào? Thật khó để duy trì các mối quan hệ lành mạnh, hoàn thành xuất sắc công việc, giải quyết tốt những tình huống khó khăn và thậm chí là hạnh phúc nếu bạn thiếu ý thức về giá trị bản thân. Dưới đây là hai ví dụ cho thấy sức ảnh hưởng của khả năng tự đánh giá đến cuộc sống thường ngày.
Độc thoại
Nếu cứ liên tục nói về mọi thứ mình muốn làm, bạn sẽ chẳng làm được gì cả. Có bao giờ bạn gặp phải trường hợp nảy ra ý tưởng độc đáo nhưng sau đó phát hiện nó đã tồn tại và thấy mất phương hướng chưa? Khi không nghĩ ra được thứ gì mới lạ, bạn tiếp tục tự trách mình.
Hoặc bạn muốn bắt đầu viết blog nhưng sau đó lại tự nhủ đã có nhiều người làm rồi nên sẽ chẳng thu hút được ai. Thành thật mà nói, đây đều là những lời bào chữa. Tất cả chúng ta đều đưa ra lý do tại sao không nên bắt đầu kinh doanh, viết sách, thổ lộ với người mình thích, chuyển đến một quốc gia khác, bắt đầu giảm cân…
Làm việc với những người khác
Nếu không tự tin, chúng ta không thể làm những việc như tin tưởng vào quyết định của mình hay chấp nhận rủi ro có tính toán. Bạn sẽ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu cứ đoán già đoán non về kết quả. Không ai thích làm việc với những người hay do dự.
Công thức William James
Vậy, làm thế nào để cải thiện khả năng tự nhận thức và đánh giá? Năm 1890, William James, cha đẻ của ngành Tâm lý học Hoa Kỳ, xuất bản quyển sách Nguyên tắc Tâm lý học (The Principles of Psychology).
Theo William James, giá trị bản thân dựa trên hai yếu tố: thành tựu thực tế và kỳ vọng của chúng ta. Ông đã chứng minh ý tưởng này bằng một phương trình:
Sự tự nhận thức = thành công / kỳ vọng (Self-esteem = success / pretensions)
Sự tự nhận thức được quyết định bởi mức độ nỗ lực để tạo ra kết quả (thành công) chia cho sự hài lòng của chúng ta về bản thân (kỳ vọng). Khi kết quả đạt được cao hơn kỳ vọng, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ, hài lòng với chính mình.
Cách sử dụng công thức
Điểm cộng của công thức trên là thực tế, dễ áp dụng và trung thực. Nó không phải là những lời khẳng định suông hoặc câu nói sáo rỗng như "bạn thật sự rất tuyệt vời" mà chẳng mang lại kết quả gì. Tuy nhiên, chúng ta không thể thành công với mọi thứ mình làm. Như William James đã nói, một người phải “chọn được chiếc phao cứu sinh của mình”.
Michael Jordan có thể là một cầu thủ bóng chày bình thường nhưng lại là người xuất sắc nhất ở môn bóng rổ. Bóng rổ là chiếc phao cứu sinh của anh ấy. Nếu muốn thành công trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần xác định ưu điểm của mình và những thứ bạn cho là quan trọng. Rất nhiều người làm những công việc không tương ứng với thế mạnh và dẫn đến thất bại.
Khi thành công hơn trong cuộc sống, sự tự nhận thức của chúng ta sẽ tăng lên. Vì vậy, hãy tự hỏi bản thân: Bạn có đang làm điều mình giỏi hay không? Điều quan trọng nhất là tập trung vào thế mạnh, kỹ năng và lĩnh vực phù hợp với mình, giống như Michael Jordan và bóng rổ chứ không phải bóng chày.
Nguồn tham khảo: https://dariusforoux.com/improve-your-self-esteem/
Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa.