Năng lực từ bỏ một người

nang-luc-tu-bo-mot-nguoi

Vì những lý do cao đẹp và dễ cảm thông, chúng ta thường xem sự trưởng thành và lòng tốt là khả năng không từ bỏ ai cả.

Vì những lý do cao đẹp và dễ cảm thông, chúng ta thường xem sự trưởng thành và lòng tốt là khả năng không từ bỏ ai cả. Những người anh hùng trong lòng ta luôn giữ vững niềm tin vào người họ yêu thương. Họ không bỏ cuộc khi giông bão ập đến. Họ chấp nhận khó khăn, xung đột, những tổn thương. Bỏ đi đồng nghĩa với phản bội. Nhiều thứ có thể buông bỏ, nhưng con người thì không.

Nhưng lẽ sống rộng lượng và đầy bao dung ấy đôi khi lại quên mất một điều quan trọng: rằng sự lành mạnh và trưởng thành cũng có lúc đòi hỏi ta phải biết cách từ bỏ một ai đó. Không phải lúc nào cũng nên tiếp tục cho họ thêm cơ hội. Không phải lúc nào cũng nên tha thứ thêm một lần. Không phải lúc nào cũng phải cố gắng tìm ra những điều tốt đẹp ẩn sau những lời cay nghiệt và hành động vô tâm của họ. Đôi khi, để giữ vững niềm tin vào chính mình, ta cần biết tuyệt vọng với một người nào đó.

Bi kịch của việc không thể từ bỏ ai đó hiện lên rõ ràng nhất trong cuộc đời của những đứa trẻ. Bản chất và hoàn cảnh khiến trẻ con không có lựa chọn nào khác ngoài việc bám víu vào những người được giao trọng trách chăm sóc chúng, ngay cả khi những người đó tệ bạc, lạnh lùng hay tàn nhẫn. Trẻ em là minh chứng sống động cho bản năng cố gắng níu kéo một người bằng mọi giá – ngay cả khi tình yêu nhận được bị trộn lẫn với những điều độc hại nhất. Dù bị lãng quên, dù bị đối xử hờ hững, dù liên tục hứng chịu sự thất vọng, trẻ con vẫn nuôi dưỡng những suy nghĩ như:

“Có thể họ sẽ thay đổi…”
Đứa trẻ đặt trọn niềm tin vào việc người thân yêu sẽ thay đổi theo hướng tốt hơn. Dù chẳng có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra, trẻ vẫn tưởng tượng rằng người lớn sẽ nhận ra sai lầm, sẽ suy nghĩ lại, sẽ “thức tỉnh”. Như một phép màu, trẻ tin rằng người kia sắp sửa biến thành người mà chúng vẫn hằng khao khát.

“Có thể họ đối xử tệ, nhưng sâu bên trong, họ vẫn tốt…”
Những hành động bên ngoài có thể rất tàn nhẫn: la hét, thờ ơ, lạnh nhạt, thậm chí bạo lực… nhưng đứa trẻ vẫn cố tin rằng sâu trong lòng, người kia vẫn tốt. Ở một nơi nào đó trong trái tim họ vẫn có sự dịu dàng, ấm áp. Dù bị tổn thương đến đâu, trẻ vẫn là người bảo vệ trung thành nhất của người đã làm mình đau.

“Có thể lỗi là ở mình…”
Đứa trẻ không thể phủ nhận những tổn thương, nhưng thay vì quy trách nhiệm cho người lớn, nó quay ngược mũi dao vào chính mình. Có lẽ do mình chưa đủ ngoan, chưa đủ giỏi, chưa đủ tốt… Nếu mình khác đi, có lẽ người kia đã không hành xử như vậy. Có một suy nghĩ mà đứa trẻ luôn sợ hãi nhất: rằng người lớn kia thực chất chỉ là một kẻ tầm thường và ích kỷ. Điều đó quá đau đớn để chấp nhận. Thà tin rằng bản thân mình là kẻ xấu xa còn hơn phải đối diện với sự thật rằng mình đang phụ thuộc vào một người không xứng đáng.

“Không ai và không nơi nào có thể tốt hơn…”
Trẻ em không có lựa chọn. Chúng không thể bỏ đi, không thể làm lại từ đầu, không thể nói rằng chúng đã chịu đủ rồi. Thế giới của chúng quá hẹp. Dù có bất hạnh đến đâu, chúng vẫn không hình dung được một cuộc sống khác. Những đứa trẻ cần lên tiếng nhất lại thường là những đứa trẻ im lặng nhất.

Điều đáng sợ là những suy nghĩ này không chỉ thuộc về trẻ em. Ở nhiều mối quan hệ không trọn vẹn, người trưởng thành cũng dễ mắc kẹt trong vòng xoáy của những lý do biện hộ. Chúng ta – những đứa trẻ năm nào, giờ đã lớn – vẫn tiếp tục nói với chính mình rằng chúng ta không thể bỏ đi, rằng lỗi là ở ta, rằng người kia thực sự không tệ, rằng không có nơi nào tốt hơn.

Chính những người kiên trì đến tàn nhẫn với bản thân cần phải học một bài học nghe có vẻ lạ lùng: học cách bớt trung thành đi một chút. Chúng ta cần nhận ra rằng có những người sẽ không bao giờ thay đổi. Dù họ có nói gì, dù họ có hứa hẹn thế nào, con người họ đã bị khóa chặt bởi những vết thương quá khứ, và sẽ không có sự lột xác kỳ diệu nào cả. Chúng ta cần hiểu rằng không phải ai cũng thực sự tốt, và vấn đề không phải lúc nào cũng nằm ở ta. Đã đến lúc ta học cách đổ lỗi cho ai đó ngoài chính mình. Đã đến lúc ta học một điều tưởng như kỳ quặc: bước đi.

Đó không phải là hèn nhát hay yếu đuối. Đó là dấu hiệu cho thấy cuối cùng, ta đã biết yêu thương chính mình. Và ta đã đặt bản thân vào vị trí mà ta đáng lẽ nên đặt ngay từ đầu: vào trung tâm của cuộc đời mình.

Nguồn: THE CAPACITY TO GIVE UP ON PEOPLE | The School Of Life

menu
menu