Nghệ thuật nói thẳng

nghe-thuat-noi-thang

Từ góc độ tâm lý lẫn xã hội, chúng ta đều trưởng thành trong những bối cảnh mà nghệ thuật “nói vòng vo” được coi là lẽ sống.

Từ góc độ tâm lý lẫn xã hội, chúng ta đều trưởng thành trong những bối cảnh mà nghệ thuật “nói vòng vo” được coi là lẽ sống. Chỉ vài thế hệ trước, hầu hết chúng ta sống dưới những chế độ độc tài hà khắc, nơi im lặng và sự khôn khéo là vũ khí sinh tồn. Chẳng ai dám nói thẳng với nhà vua cảm xúc của mình: kẻ bề trên không hề quan tâm đến lời nói của bề dưới. Chúng ta học cách giữ im lặng trước ông chủ khó tính và tìm mọi đường lách qua những áp lực quyền lực không thể chống đỡ.

Ở khía cạnh tâm lý, tuổi thơ nào cũng được định hình bởi khoảng cách địa vị sâu sắc giữa trẻ con và người lớn – điều khiến ta học cách giấu giếm cảm xúc thật của mình. Ban đầu, ta chỉ là những đứa trẻ bé nhỏ bất lực, phải đối diện với quyền lực to lớn của người lớn. Làm sao ta có thể lên tiếng trước những con người đã đi trước ta ba mươi năm, hiểu biết mọi điều, nắm quyền kiểm soát chiếc TV, máy tính và luôn có một khuôn mẫu nghiêm khắc về con người ta phải trở thành? Người lớn, dù luôn mang danh nghĩa vì lợi ích tốt nhất cho ta, lại không phải lúc nào cũng tạo ra môi trường an toàn để ta bộc lộ nhu cầu của mình mà không sợ bị trừng phạt. Không phải ai cũng dạy ta cách nói thẳng. Có thể cha mẹ ta cần ta trở thành những đứa trẻ “ngoan ngoãn” một cách phi thường hoặc quá lo lắng trước bất kỳ dấu hiệu độc lập nào của ta. Thật hiếm có gia đình nào xem việc nói ra cảm xúc thật là một đức tính – thay vì là một thói quen phiền phức cần được chỉnh đốn bằng kỷ luật.

Và thế là, ta trở thành bậc thầy trong việc kìm nén cảm xúc, quanh co, giấu nhẹm những điều ta nghĩ, ta cảm. Khi mọi thứ không ổn, ta có thể trút giận một cách thiếu kiểm soát hoặc âm thầm nhốt mình trong nỗi buồn bực thay vì bình tĩnh chia sẻ một cách rõ ràng, thuyết phục và trưởng thành.

Sự im lặng và phòng vệ của ta không xuất phát từ ác ý, mà từ cảm giác giọng nói của mình là không có giá trị – bởi sâu thẳm bên trong, ta vẫn tự xem mình như những kẻ nô lệ hay những đứa trẻ yếu đuối. Kẻ thù lớn nhất của một mối quan hệ là lòng tự tôn bị hủy hoại.

Để trưởng thành, ta cần rèn luyện một lòng tự yêu thương và sức chịu đựng đủ lớn: ta phải tin rằng mình có quyền tồn tại, có quyền được lắng nghe và nói lên điều mình nghĩ – rằng ta đủ mạnh mẽ để đối diện với những gì sẽ xảy ra khi ta trung thực. Ta cần tin rằng mình có thể chịu đựng sự khó chịu từ người khác. Việc nói vòng vo không phải tội lỗi, nó chỉ là hệ quả tự nhiên khi ta buộc phải lẩn tránh trong những năm tháng yếu ớt đầu đời. Nhưng giờ đây, ta đã là người trưởng thành, đủ sức chịu đựng những cú sốc hoặc bước tiếp nếu hoàn cảnh trở nên không thể chấp nhận. Ta không còn là đứa trẻ năm tuổi run rẩy sợ hãi khi nghĩ đến việc bị một người lớn quay lưng. Ta có lựa chọn. Ta có thể củng cố niềm tin rằng mình sẽ sống sót dù cho điều gì xảy ra. Ta có thể chấp nhận rủi ro bị ghét bỏ – để đổi lấy một cuộc đối thoại thanh tẩy và chữa lành.

Ta cần tập luyện sức bền tâm lý bằng cách tự nhắc nhở mình những điều quan trọng mà ta đã không được nghe đủ lớn khi còn bé:

  • Tôi có thể mất việc, nhưng tôi sẽ tìm được công việc khác.
  • Họ có thể không thích tôi ở đây, nhưng vẫn có những nơi khác sẽ trân trọng tôi hơn.
  • Cảm xúc của tôi không phải lúc nào cũng tồi tệ hay kỳ quặc: chúng xứng đáng được lắng nghe.

Ta cũng cần học cách nói với chính mình những lời ân cần và vững chãi, như những điều ta đã khao khát được nghe từ rất lâu rồi:

  • Mọi chuyện rồi sẽ ổn, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.
  • Tôi vẫn yêu thương bản thân, kể cả khi….

Đã đến lúc thôi bước đi trên cõi đời này với đôi vai gù nặng trĩu và ánh mắt đầy lo âu. Chúng ta không có gì phải xấu hổ cả. Hãy học cách cất lên tiếng nói đầy tự tin vào những thời điểm mà nó dễ dàng bị nhấn chìm bởi nỗi mệt mỏi và những bóng ma quá khứ.

Nguồn: THE ART OF DIRECTNESS

By The School of Life

menu
menu