Nghệ thuật phàn nàn

nghe-thuat-phan-nan

Gần như mỗi ngày, theo một cách chẳng mấy dễ chịu và khó tránh, sẽ có ai đó quanh ta khiến ta tổn thương:

Gần như mỗi ngày, theo một cách chẳng mấy dễ chịu và khó tránh, sẽ có ai đó quanh ta khiến ta tổn thương: có thể là bạn bè, đồng nghiệp, con cái, và rất thường là người bạn đời. Họ lơ là điều mà ta coi trọng, đôi khi sẽ vô tâm, thiếu suy nghĩ, thô lỗ, hay cộc cằn.

Ta có lẽ chưa từng để ý quan sát cách bản thân phản ứng lại những tổn thương đó. Nhưng thực tế, cách ta đối mặt với sự tổn thương có thể tiết lộ rất nhiều điều về con người ta và đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định cuộc sống của ta là chuỗi ngày cay đắng, uất ức, hay một sự chung sống tương đối dễ chịu và hòa hợp. Một phần không nhỏ trong nghệ thuật sống nằm ở việc biết cách phàn nàn một cách xây dựng và bình tĩnh khi ai đó làm ta tổn thương.

Có thể tóm gọn rằng, có ba kiểu phản ứng chính khi ta phàn nàn:

1. Cơn Thịnh Nộ Bùng Nổ

Ở cách này, ta bùng nổ, gào thét, xúc phạm, hạ thấp đối phương và cố gắng nghiền nát họ bằng sự giận dữ của mình. Đằng sau phản ứng này, thực chất, là cảm giác hoảng loạn, bối rối, và một nỗi đau sâu sắc vì bị tổn thương hoặc phản bội. Sự tổn hại đến lòng tự tôn khiến ta đau đớn đến mức ta cố gắng gào thét để thoát khỏi nỗi nhục nhã. Tiếng quát tháo tuy vang dội, nhưng thực chất lại xuất phát từ một trạng thái vô cùng yếu đuối. Ta sống mà không có "lớp da" tâm lý, dễ bị tổn thương trước mọi va chạm nhỏ.

Đáng tiếc thay, cơn thịnh nộ này gần như luôn đảm bảo rằng lời phàn nàn của ta sẽ không bao giờ được lắng nghe. Trước sự cuồng nộ của ta, người làm tổn thương ta cũng sẽ phản ứng lại bằng sự tổn thương, dẫn đến oán giận, từ chối lắng nghe, và có thể còn buộc tội ngược lại ta, làm cho lời phàn nàn ban đầu bị chôn vùi hoàn toàn. Cuối cùng, ta chẳng đạt được điều gì cả.

2. Sự Giận Dữ Lạnh Lùng

Cách thứ hai là ta không nói gì cả, nhưng trong lòng lại chất chứa một nỗi hận sâu sắc và âm ỉ. Ta không dám phàn nàn trực tiếp, bởi ta cảm thấy rằng người khác sẽ chẳng bao giờ hiểu được, hay tệ hơn, rằng ta không xứng đáng được lắng nghe. Một nỗi tự ghét thầm kín bao bọc ta trong sự yếm thế và buồn bã. Ta trở thành bậc thầy trong việc rút lui, nhẫn nhịn mà không lên tiếng.

Phản ứng này thường bắt nguồn từ thời thơ ấu. Những người lớn quanh ta ngày ấy có lẽ quá nhạy cảm, bận rộn, áp đặt, hoặc thờ ơ, không có thời gian để lắng nghe ta. Vì thế, ta học cách nuốt trọn nỗi đau của mình, và trong khi âm thầm sôi sục bên trong, ta đối xử với những người làm ta tổn thương bằng một vẻ ngoài lịch sự nhưng lạnh lùng, kèm theo sự gây hấn ngấm ngầm.

3. Phàn Nàn Trưởng Thành

Đây là cách phản ứng hiếm gặp hơn cả. Để làm được điều này, trước hết, ta phải có một nhận thức nền rằng ta không đáng bị đối xử tệ bạc, và rằng sự tệ bạc đó không có khả năng hủy hoại ta hoàn toàn. Ta bình tĩnh bởi ta yêu quý bản thân mình đủ nhiều – một di sản của việc từng được yêu thương bởi những người coi trọng ta. Vì thế, ta không chịu đựng sự bất công trong im lặng, cũng không nhẫn nhục một cách đau khổ.

Ta có đủ tự tin để không bị sụp đổ hoàn toàn trước sự xúc phạm. Ta tìm kiếm sự giải quyết – và thường làm điều này khá nhanh khi mọi chuyện vẫn còn mới trong tâm trí cả hai bên – nhưng với thái độ điềm tĩnh, chiến lược, của một người hiểu rằng mình có quyền được nói lên tiếng nói của mình.

Ở đây, ta cẩn thận không xúc phạm hay hạ thấp đối phương. Ta chỉ đơn giản nói về cảm giác của chính mình. Thay vì tuyên bố: “Anh thật ích kỷ và độc ác khi làm điều đó!”, ta sẽ nói: “Em cảm thấy tổn thương bởi cách anh làm điều đó.” Ta không tạo cơ hội để người khác dễ dàng cảm thấy bị xúc phạm và từ chối lắng nghe. Ta không muốn làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng cho họ như vậy.

Tuy nhiên, ta cũng không kỳ vọng một cách vô lý rằng người khác luôn luôn hiểu và chấp nhận những gì ta cố gắng truyền tải. Nhưng ta vẫn lên tiếng, bởi ta biết rằng việc nuốt ngược những lời phàn nàn sẽ không tốt cho mình, và ta không muốn những vết thương tâm lý dần dần biến thành những cơn đau thể chất. Ta vừa thực tế về khả năng đối thoại, vừa kiên quyết không im lặng.

Ta xứng đáng nhận được sự cảm thông sâu sắc cho những lần thất bại trong việc phàn nàn một cách khôn ngoan. Sự bất lực ấy là một lát cắt của quá khứ – nơi những mối quan hệ đầy vấn đề đã để lại dấu ấn sâu sắc. Nhưng bằng cách phác thảo ra một phong cách phàn nàn lý tưởng, ta có thể hình dung ra những gì mình chưa từng biết đến. Từ đó, bằng lý trí và sự suy ngẫm, ta có thể dần bù đắp những thiếu sót mà tình yêu thương và sự giáo dục trong quá khứ không mang lại.

Và rồi, ta sẽ chập chững bước những bước đầu tiên trên con đường hướng tới nghệ thuật Phàn Nàn Trưởng Thành.

Nguồn: HOW TO COMPLAIN – The School Of Life

menu
menu