Quy tắc '30 giây hoặc ít hơn' về sự tử tế

quy-tac-30-giay-hoac-it-hon-ve-su-tu-te

Cô Natalie Ringold, giáo viên tiểu học ở bang Minnesota bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội với bài giảng về quy tắc "30 giây hoặc ít hơn" hướng dẫn trẻ học sự tử tế.

"Nếu thấy một người không thể thay đổi điều gì đó về bản thân họ trong 30 giây hoặc ít hơn, các con không nên nói ra", nữ giáo viên nói.

Để trẻ dễ hiểu, nữ giáo viên lấy một số ví dụ về những điều có thể được thay đổi nhanh chóng, như nhắc nhở ai đó tuột dây giày hoặc giúp lấy bụi bẩn dính lên quần áo. Nhưng bình luận về màu tóc, kiểu tóc hay hình dáng cơ thể là điều không nên vì người khác không thể thay đổi được trong 30 giây hoặc ít hơn.

Do vậy các trường hợp này không nên bộc bạch quan điểm, tránh những sự khó xử không đáng có.

Nữ giáo viên Natalie Ringold chia sẻ quy tắc "30 giây hoặc ít hơn" về sự tử tế cho học sinh. Ảnh: @always.upper.elementary

Ringold cũng dạy cho học sinh về sức mạnh của ngôn từ. Lời nói rất có thể gây tổn thương cho người khác và trong nhiều trường hợp, chúng ta sẽ ân hận ngay khi vừa thốt ra. Giống như bóp tuýp kem đánh răng, dù cố gắng thế nào cũng không thể rút lại.

"Khi một lời được nói ra kèm hành động đã gửi đi chúng ta sẽ không thể xóa bỏ hay rút lại hoàn toàn như lúc ban đầu. Mỗi cá nhân đều có quyền lựa chọn mang lại niềm vui cho người khác hoặc ngược lại", Ringold nói.

Cô giáo trẻ cũng cho biết bản thân luôn dạy quy tắc này trong ngày cuối cùng của năm học, lặp lại trong kỳ tiếp theo, mong trẻ nhỏ có thể ghi nhớ và thực hành theo.

Ngay sau khi đăng tải, video thu hút hơn 23 triệu lượt xem và một triệu lượt thích. Rất nhiều người đã để lại bình luận tích cực dưới video.

"Tôi nghĩ nhiều người lớn cũng cần nghe thông điệp này để củng cố lòng tốt và sự tử tế đến với xung quanh. Trưởng thành thôi chưa đủ mà luôn phải đi kèm với phát triển nhân cách", một người dùng mạng viết.

Bên cạnh đó, một tài khoản mạng xã hội cũng chia sẻ bài tập "ứng xử với tờ giấy" cho các con tại nhà. Phụ huynh này cho biết đã đưa con một tờ giấy trắng và yêu cầu đứa trẻ dùng tay vo tròn. Sau đó anh và con lại dùng mọi cách là phẳng nhưng tờ giấy vẫn bị nhàu.

"Điều này có nghĩa khi đã làm một điều gì đó không tốt với đối phương, dù cố gắng xin lỗi hay khắc phục, mọi việc cũng không thể trở về như lúc ban đầu. Do vậy mọi hành động và lời nói đều cần phải cẩn trọng", người phụ huynh chia sẻ.

Minh Phương (Theo Independent)/VNE

menu
menu