Nghệ thuật tinh tế của việc tạo ra cảm giác an toàn

nghe-thuat-tinh-te-cua-viec-tao-ra-cam-giac-an-toan

Hãy một lần thả trí tưởng tượng của bạn khi mọi thứ đang chìm trong màn đêm, khi bạn còn là một đứa bé sơ sinh, mới chỉ xuất hiện Trái Đất khoảng một vài tháng.

Hãy một lần thả trí tưởng tượng của bạn khi mọi thứ đang chìm trong màn đêm, khi bạn còn là một đứa bé sơ sinh, mới chỉ xuất hiện Trái Đất khoảng một vài tháng. Mọi thứ đều đang rất mơ hồ. Chúng ta sống hoàn toàn trong vô vọng, gần như chưa thể sử dụng trí khôn và càng không thể nào nhận được tình thương từ người khác. Nguồn gốc của sự khổ đau, niềm vui còn nằm ngoài tầm nhận thức. Những ham muốn lớn lao cứ lướt qua ngay trước mắt, mà chúng ta lại  chẳng có cách nào lý giải được chúng - chứ chưa nói đến việc tâm sự với người khác.

Vừa mới đây thôi, chúng ta còn ngủ say trong sự bao phủ an toàn của màn đêm tăm tối. Giờ đây lại quay trở về với thực tại đầy mất mát, bị cô lập và không có cảm giác an toàn. Dường như nỗi đau cứ ẩn dật đâu đó quanh đây, hay nói theo một cách chung nhất là sự quằn quại, chúng ta cô đơn và rơi vào hố đen buồn khổ. Ánh sáng khó mà len lỏi vào căn phòng này, nơi mà khi nhìn lên những bức tường lại thấy bóng đen bí ẩn thoắt ẩn thoắt hiện.

Khi bị dồn nén đến mức đỉnh điểm, chúng ta cố gắng hét lớn xuyên qua màn đêm, phá vỡ hiện tại. Tuy nhiên mọi thứ vẫn bất động như vẻ ban đầu của nó. Chúng ta tạm dừng để lấy lại nhịp thở để rồi tiếng hét thậm chí mạnh mẽ hơn, đến nỗi lồng ngực  như vỡ vụn. Thực tại vẫn không một chút thay đổi, thậm chí bóng đêm và sự cô đơn còn lớn lên thêm phần đáng sợ. Giờ đây, sự muộn phiền đã đâm rễ rất sâu, có thể đây là dấu chấm hết của mọi sự tốt lẫn xấu - và chúng ta hét lên như là một phương thức để bảo vệ mình trước cái chết.  

Cuối cùng, ngay khi mọi thứ có vẻ như đã ở tận cùng của tuyệt vọng, một tia hi vọng lại lóe lên, tia sáng vàng cam ấm áp. Đó là những khuôn mặt thân quen, họ mỉm cười, gọi chúng ta bằng những cái tên thường gọi, đỡ ta dậy và để ta tựa vào bờ vai. Chúng ta có thể nghe thấy từng nhịp đập trái tim ngay cạnh bên và những cái xoa đầu dịu dàng. Họ nhẹ nhàng chơi đùa với chúng ta, và cất lên những ca khúc ngọt ngào. Nước mắt dần khô đi trên khóe mắt, chúng ta mỉm cười yếu ớt, nhận ra rằng cuộc sống này vốn dĩ đã tồn tại những con quỷ độc ác và cả những yêu tinh tàn nhẫn, vô tâm - nhưng sau tất cả mọi thứ đều có thể được cứu rỗi.

Sự vỗ về là một trong những nghĩa cử cao đẹp nhất mà con người từng trao tặng nhau. Nó gần như bắt nguồn từ tình yêu chân thành - thứ làm nên sự biến đổi từ sự mất động lực sống thành khả năng tồn tại, thích nghi.

Trớ trêu thay, có vẻ như rất khó để chúng ta có thể tự yêu thương bản thân trừ khi chúng ta đã từng - thường xảy ra ở trong thời thơ ấu - nhận được tình thương từ người khác. Khả năng này là hết quả của cả một quá trình rèn luyện trong quá khứ. Khi chúng ta được nâng đỡ đủ lâu, và luôn được trấn an rằng “Bạn sẽ vượt qua được mà” những lúc tinh thần bị khủng hoảng, bộ não sẽ tự động lưu giữ, học hỏi, thậm chí nó còn có thể bằng cách này, mà giúp đỡ được những người khác.

Vào những thời điểm khủng hoảng, bản thân chúng ta có thể tự cất lên tiếng nói làm dịu đi những hồi sóng của sự sợ hãi và xóa đi cảm giác giằng xé nội tâm: “mày có thể giải quyết mớ hỗn độn này, bắt đầu bằng việc ngồi xuống cùng nhau trò chuyện, mọi người rồi sẽ hiểu, mà mặc kệ nếu họ không chịu thông cảm, điều đáng để quan tâm nhất vẫn là mày, mày là một người tốt và đáng được tôn trọng”. Chúng ta sẽ được lập trình để phản hồi lại những điều tồi tệ và những tác nhân kích thích thường nhật bằng thái độ bình tĩnh nhưng quả quyết nhất có thể. Chúng ta phải có niềm tin rằng sau cơn mưa trời sẽ sáng, cuộc đời sẽ không chỉ toàn là những gam màu tối.

Việc phản chiếu về nghệ thuật của sự vỗ về có lẽ sẽ giúp chúng ta nhận ra bản thân là một cá thể chưa hoàn thiện. Nguyên nhân không ở đâu xa, nó chính là hệ quả từ sự nuôi nấng từ những vị phụ huynh, chính là những người trưởng thành không có khả năng hay không nhận được sự yêu thương. Chúng ta cần có sự nhận biết và cảm thông sâu sắc tới những mảnh ghép cảm xúc bị mất mát trong tâm hồn. Bởi vì trong xã hội ngày nay rất khó để nhận được sự cảm thông, tha thứ; khi mà sự từ chối thật nghiệt ngã, mạng xã hội quá đáng sợ, các quan điểm bất đồng luôn vây quanh, mọi việc luôn nằm ở ranh giới đúng-sai, giấc ngủ không mang lại thoải mái, ngày hội tràn ngập nguy hiểm, sự quan tâm của một người lạ đầy vẻ bí hiểm và dù có là ngày hay đêm thì chúng ta luôn sống trong nỗi lo sợ phải gần kề với cái chết trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tuy nhiên bạn cũng nên tin rằng có những phương án thay thế có thể áp dụng, đó là gửi gắm tâm tư vào âm nhạc, nhật kí, tự thưởng cho mình một giấc ngủ ngon và quan trọng hơn là bạn có thể tìm cho mình một người bạn để cùng nhau tâm sự. Nhưng sự thật là thật khó để có thể tìm ra người có thể cùng mình đồng hành trên con đường tìm ra sự an nhiên, thanh thản. Chúng ta thường nhầm lẫn nhu cầu được đồng cảm với sự mềm yếu, ngây thơ và coi người giúp đỡ mình là những kẻ ngốc. Chúng ta có thể thiếu thốn sự đồng cảm đến mức không thể đòi hỏi nó từ người khác một cách lịch sự, thay vào đó là buông lời cay đắng hoặc thu mình trong cái vỏ bọc khép kín. Họ cũng không có đủ ý thức, lí trí để nhận ra những điều mình đang cần và luôn thủ sẵn trong tâm trí sự nghi ngờ khi nhận được sự quan tâm.

Chúng ta không nên liên lục làm quá sự việc hay có suy nghĩ tiêu cực, thay vào đó hãy luyện tập thói quen trao đi yêu thương, sự đồng cảm và tin rằng một ngày kia phần tâm hồn khô héo, gò bó của chúng ta sẽ được vun đắp, bằng sự tử tế, lời yêu thương.


Dịch: Vân – Nguồn: A Crazy Mind

Nguồn: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/on-soothing/

menu
menu