Nghiên cứu cho rằng la mắng trẻ em có thể gây hại như l.ạm d.ụng t.ình d.ục hoặc th.ể x.ác
Những lời la hét, chửi mắng và đe dọa bằng có thể gây tổn thương cho trẻ ngang với hành vi lạm dụng tình dục.
Nghiên cứu mới đây của các chuyên gia ở Mỹ và London (Anh) cho thấy việc la mắng trẻ em có thể gây hại cho chúng, tương tự như hành vi lạm dụng tình dục hoặc thể xác.
Theo New York Post, nghiên cứu do tổ chức từ thiện Words Matter của Anh ủy quyền và đã được công bố vào tháng này trên tạp chí Child Abuse & Neglect. Nghiên cứu này kêu gọi mọi người chính thức công nhận lạm dụng bằng lời nói đối với trẻ em (CVA) là một "hành vi ngược đãi".
Để đưa ra quyết định này, các nhà nghiên cứu từ Đại học Wingate (Bắc Carolina, Mỹ) và Đại học College London UCL (Anh) đã phân tích 149 nghiên cứu định lượng và 17 nghiên cứu định tính nhằm đánh giá CVA.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng các khía cạnh liên quan đến lạm dụng bao gồm "âm lượng, giọng điệu, nội dung lời nói tiêu cực cũng như tác động tức thời của chúng".
Bên cạnh đó, "thủ phạm" phổ biến nhất của các hành vi CVA là cha mẹ, các bà mẹ và giáo viên, và hệ quả của CVA có thể kéo dài trong suốt cuộc đời của trẻ.
Các chuyên gia tại UCL cho biết trong một tuyên bố rằng việc lạm dụng có thể tạo ra "những hậu quả tiềm ẩn về mặt cảm xúc và tâm lý", bao gồm béo phì, tăng nguy cơ tức giận, lạm dụng chất gây nghiện, trầm cảm và tự làm hại bản thân.
Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải có cách xác định hành vi CVA tốt hơn.
Hiện tại có 4 nhóm hành vi ngược đãi trẻ em đó là lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục, lạm dụng tình cảm và bỏ bê.
Theo nghiên cứu, trong suốt những năm qua, tình trạng lạm dụng tình cảm ở trẻ em đã trở nên "ngày càng phổ biến".
Đồng tác giả nghiên cứu - giáo sư Peter Fonagy, người đứng đầu Khoa Tâm lý học và Khoa học Ngôn ngữ tại UCL, cho biết: "Ngăn chặn việc ngược đãi trẻ em là cách hiệu quả nhất mà chúng ta có thể làm để giảm tỷ lệ mắc các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần ở trẻ.
Tổ chức từ thiện Words Matter tập trung sâu sắc vào vấn đề lạm dụng bằng lời nói đối với trẻ em, bởi những người lớn cùng với nghiên cứu này sẽ giúp tạo ra sự thay đổi đáng kể, hỗ trợ cũng như chỉ đạo các nỗ lực của chúng tôi nhằm xác định và ứng phó với nguy cơ này một cách hiệu quả và kịp thời".
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc thừa nhận CVA là một "hành vi ngược đãi" là "điểm khởi đầu" để xác định và ngăn chặn nó.
Các tác giả cũng đề xuất tổ chức các khóa đào tạo đối với người lớn về "tầm quan trọng của sự an toàn, hỗ trợ và nuôi dưỡng trong quá trình giao tiếp bằng lời nói đối với trẻ em".
Giáo sư Wingate Shanta Dube - tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Lạm dụng bằng lời nói ở trẻ em rất cần được thừa nhận như một hành vi lạm dụng phụ, vì những hậu quả tiêu cực kéo dài suốt đời đối với con trẻ".
Nguồn: sohuutritue.net.vn