Vì sao chúng ta quên rằng phần lớn mọi người vẫn rất tốt đẹp

vi-sao-chung-ta-quen-rang-phan-lon-moi-nguoi-van-rat-tot-dep

Dường như ai cũng nghĩ thế giới này chỉ toàn những kẻ tồi tệ, kinh khủng, chẳng ra gì và vô cùng tệ hại.

Và đúng là, đi đâu ta cũng sẽ bắt gặp vài ba kẻ đáng ghét, nhưng tôi tin rằng mọi chuyện đã bị phóng đại quá mức. Phần lớn con người đều tử tế, cho dù ai trong chúng ta cũng có những lúc lỡ đối xử tệ bạc với nhau.

Nhưng tôi nghĩ, có vài điều trong xã hội hiện đại khiến chúng ta dễ dàng rơi vào cảm giác như thể lúc nào cũng đang bị vây quanh bởi những kẻ khốn nạn.

Hãy để tôi giải thích.

MỘT QUẢ TÁO THỐI CÓ THỂ LÀM HỎNG CẢ GIỎ

Tôi hình dung nếu có thể đo lường được, thì chắc hẳn ta sẽ thấy rằng càng dành nhiều thời gian trên mạng, con người càng trở nên hoài nghi, bi quan hơn. Những ai suốt ngày cắm mặt vào internet có lẽ tin rằng nhân loại chỉ là một đầm lầy thối nát khổng lồ, trong khi những người bước chân ra ngoài, sống thật với đời, có lẽ vẫn thấy phần lớn mọi người đều ổn cả.

Tôi cho rằng một trong những lý do là bởi internet quá rộng lớn, mênh mông — và ẩn danh — khiến ta rất khó cảm nhận được rõ ràng mình đang đối mặt với ai.

Cứ như thể đi đến đâu trên mạng cũng gặp phải những bình luận châm chọc, những cuộc cãi vã ngớ ngẩn trên Facebook, hay những email khiến ta phát điên. Ta dễ bị méo mó nhận thức, tưởng như cả hành tinh này chỉ toàn những kẻ trẻ con, ảo tưởng, ngồi gõ phím mà nước dãi chảy ròng.

Một phần nguyên nhân nằm ở "thiên kiến tiêu cực". Những điều tiêu cực có sức tác động và để lại dấu ấn mạnh mẽ trong tâm trí ta hơn nhiều so với những điều tích cực. Các nghiên cứu cho thấy, chúng ta có xu hướng coi trọng những lời chỉ trích gấp ba đến năm lần so với những lời khen ngợi. Vì thế, chỉ cần một kẻ gây rối nào đó buông lời ác ý, lập tức hắn ta được chú ý và ảnh hưởng nhiều hơn mức hắn xứng đáng. Đó cũng là lý do vì sao dù có năm mươi người khen bạn xinh đẹp trong tấm ảnh mới đăng, nhưng chỉ cần một người chê bai đôi tai bạn, bạn lập tức thấy bực bội, muốn xóa luôn tấm hình.

Nhưng còn một lý do khác khiến chúng ta dễ trở nên cay nghiệt hơn trên mạng, đó là câu nói xưa cũ: "Một quả táo thối làm hỏng cả giỏ."

Các nhà khoa học dữ liệu tại Stanford gần đây phát hiện rằng, 74% các cuộc xung đột trên Reddit đều bắt nguồn từ chỉ 1% người dùng. Và điều tệ hơn nữa là, phần lớn các cuộc tranh cãi này không phải do chính những kẻ khơi mào tiếp tục gây hấn, mà do những người ngoài cuộc vô tình bị lôi kéo vào.

Thực ra, điều này không phải là chuyện mới, chỉ có trên mạng. Ngoài đời cũng thế.

Các nghiên cứu cho thấy 1% dân số phạm đến 63% số vụ tội phạm bạo lực, và chỉ 3% bác sĩ chịu trách nhiệm cho khoảng một nửa số vụ kiện tụng về sai sót y khoa.

Tương tự, người ta nghi ngờ rằng chỉ một nhóm rất nhỏ nam giới gây ra phần lớn các vụ tấn công tình dục, và một nghiên cứu mới cho thấy từ 5% đến 20% dân số thực hiện phần lớn những hành động phân biệt chủng tộc công khai.

Nếu bạn nghĩ rằng chỉ có một thiểu số nhỏ những kẻ tồi tệ tồn tại, và rằng vì thiên kiến tiêu cực khiến ta nhớ mãi những gương mặt ấy, thì dễ hiểu vì sao bọn họ lại có ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm xã hội của ta, từ đó bóp méo cách ta nhìn nhận về cả nhân loại.

Mà, thực ra, điều này cũng chẳng có gì quá bất ngờ. Phần lớn con người đều tử tế. Chỉ là những kẻ xấu luôn gây ra nhiều tiếng ồn hơn cả. Điều đó vẫn đúng từ xưa đến giờ.

Chỉ khác ở chỗ, ngày nay, chúng ta tiếp xúc với chúng nhiều hơn bao giờ hết.

HIỆU ỨNG TIẾP XÚC

Giả sử nhé, cứ 100 người thì lại có 1 kẻ khốn nạn sẵn sàng phá hỏng cả một ngày đẹp trời của bạn và làm bạn mất lòng tin vào con người.

Hai, ba chục năm trước, mỗi ngày bạn chỉ tiếp xúc với chừng mười, hai mươi người, thế nên có khi cả vài ngày liền bạn chẳng phải chạm mặt một tên khốn nào. Thậm chí, bạn còn có thể may mắn trải qua cả một tuần trọn vẹn mà không phải đối diện với sự tệ hại tận cùng của một con người nào.

Giờ thử nghĩ xem, mỗi ngày bạn tiếp xúc với bao nhiêu người trên mạng? Trên mạng xã hội? Qua những bản tin dày đặc 24 giờ?

Dễ dàng là hàng trăm người. Và nếu bạn giống tôi, dành nửa thời gian thức mỗi ngày để lang thang trong cái mớ hỗn độn kỹ thuật số này, thì rất có thể, bạn đang tiếp xúc với hàng ngàn người, hàng ngàn quan điểm, hàng ngàn kiểu hành xử mỗi ngày.

Và thế là, đột nhiên, bạn liên tục, hết lần này đến lần khác, đối mặt với sự tệ hại của con người, không chỉ một vài lần, mà có khi cả chục lần mỗi ngày.

Sự tệ hại ấy có sức lan tỏa khủng khiếp, gây tác động sâu sắc đến tâm trí và cảm xúc của ta. Nó thổi bùng những cuộc cãi vã trên mạng, kéo theo biết bao người thiện chí vào vòng xoáy tiêu cực, khiến họ buông ra những lời lẽ mà bình thường họ chẳng bao giờ thốt nên.

Chẳng mấy chốc, ta bắt đầu mang một cảm giác sai lệch rằng hận thù là thứ hiện diện khắp nơi, sự bất tài là chuẩn mực, thành kiến là luật bất thành văn, còn lòng nhân ái chỉ là ngoại lệ hiếm hoi.

Thế nhưng, thực ra, bản chất của xã hội loài người không hề thay đổi. Điều duy nhất đổi thay, chính là mức độ mà chúng ta nhận thức về nhau.

ĐỪNG BAO GIỜ QUÊN: PHẦN LỚN CON NGƯỜI ĐỀU TỐT ĐẸP

Đó là lý do vì sao suốt bao năm qua, tôi vẫn không ngừng kêu gào rằng: quy tắc số một khi dùng internet chính là hãy kiểm soát lượng tiếp xúc của mình.

Đó cũng là lý do tại sao bước đầu tiên trong chế độ "Ăn kiêng Sự Chú Ý" của tôi là chặn và bỏ theo dõi bất kỳ ai, tất cả những ai mang năng lượng độc hại trên mạng. Đó cũng là lý do vì sao tôi đã viết hàng chục ngàn chữ để kêu gọi mọi người bớt đọc, bớt xem tin tức đi.

Bằng cách loại bỏ 1% đó, bạn tự cứu mình khỏi 74% những chuyện vớ vẩn. Những kẻ độc hại có sức ảnh hưởng bất cân xứng đến nhận thức của chúng ta về thế giới, nên chỉ cần một hành động đơn giản như chặn hoặc bỏ theo dõi 5–10% số người bạn từng theo dõi, và giảm việc xem tin tức xuống còn một lần mỗi tuần thay vì mỗi ngày, cuộc sống thường nhật của bạn sẽ thay đổi hoàn toàn, tâm trạng cũng nhẹ nhõm hẳn.

Và rồi, khi bạn làm được điều đó, bạn sẽ chợt nhớ ra một điều mà mình đã quên từ lâu: phần lớn con người đều tốt đẹp. Chỉ là bạn ít khi nghe thấy tiếng nói của họ mà thôi.

Tôi gọi đó là “Đa số thầm lặng”, và gần đây, tôi nhắc đến khái niệm này trong rất, rất nhiều cuộc trò chuyện.

Dù là nói về tin tức, chính trị, kinh doanh trực tuyến, nghiên cứu khoa học hay văn hóa đại chúng, thì luôn luôn có một “đa số thầm lặng” — những con người tử tế, đủ thông minh, đầy thiện chí — đang âm thầm quan sát, chờ đợi, cũng bối rối và lo lắng không kém gì bạn.

Và nếu chúng ta cứ tiếp tục quên mất rằng họ đang ở đây, một ngày nào đó, họ sẽ không còn nữa.

Nguồn: Why We Forget That Most People Are Good | Mark Manson

menu
menu