Nghiên cứu tâm lý học chỉ ra 2 con đường hướng tới hạnh phúc

nghien-cuu-tam-ly-hoc-chi-ra-2-con-duong-huong-toi-hanh-phuc

Căng thẳng, buồn bã và lo lắng trong ngắn hạn không có nghĩa là chúng ta không thể hạnh phúc trong dài hạn.

Hơn hai thập kỷ qua, phong trào tâm lý học tích cực (positive psychology) đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong tâm lý như hạnh phúc, tiềm năng phát triển của con người. Phong trào này cho rằng các nhà tâm lý học không chỉ nên nghiên cứu các rối loạn tâm thần mà còn cần tìm hiểu những gì khiến cuộc sống đáng sống. Cha đẻ của tâm lý học tích cực, Martin Seligman, mô tả hạnh phúc là những trải nghiệm tích cực thường xuyên, như niềm vui, sự hưng phấn và mãn nguyện, hòa quyện với những cảm xúc về ý nghĩa và mục đích.

Các chuyên gia về hạnh phúc cho rằng hạnh phúc không phải là một đặc điểm ổn định, bất biến mà linh hoạt và chúng ta có thể hướng tới. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tính linh hoạt về tâm lý là một chìa khóa cho hạnh phúc.

Ví dụ, việc sẵn sàng đối mặt với những trải nghiệm về tình cảm và khả năng chịu đựng những khoảng thời gian khó khăn có thể cho phép chúng ta tiến tới cuộc sống có ý nghĩa hơn. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng cách chúng ta đối mặt với những sự kiện trong cuộc sống có ảnh hưởng đến hạnh phúc nhiều hơn bản thân những sự kiện đó.

Căng thẳng, buồn bã và lo lắng trong ngắn hạn không có nghĩa là chúng ta không thể hạnh phúc trong dài hạn.

Hai con đường hướng tới hạnh phúc

Về mặt triết học, có hai con đường để cảm thấy hạnh phúc, đó là “hedonistic” và “eudaimonic”.

Hướng thứ nhất (hedonistic) cho rằng để có cuộc sống hạnh phúc, chúng ta phải tối đa hóa niềm vui và tối thiểu hóa nỗi đau. Quan điểm này thỏa mãn ham muốn của con người, nhưng thường ngắn ngủi. Nếu chúng ta thấy hạnh phúc theo nghĩa “hedonistic”, chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm những niềm vui và trải nghiệm mới để "vun đắp" cho hạnh phúc của chúng ta. Mặt khác, chúng ta cũng cố gắng giảm thiểu những cảm giác khó chịu để giữ tâm trạng của mình ở mức cao.

Some people pursue hedonism as a path to happiness. Nicolas Poussin/Wikimedia Commons

Trong khi đó, hướng thứ hai (eudaimonic) cho rằng chúng ta nên sống vì lợi ích lớn hơn. Chúng ta nên theo đuổi ý nghĩa và những tiềm năng thông qua sự tử tế, công bằng, trung thực và can đảm. Theo hướng “eudaimonic”, chúng ta cố gắng đạt được ý nghĩa, sử dụng thế mạnh của chúng ta để đóng góp vào một cái gì đó lớn hơn chính chúng ta. Điều này có thể kéo theo những trải nghiệm và cảm xúc khó chịu vào những thời điểm nhất định, nhưng thường dẫn đến niềm vui và sự mãn nguyện sâu sắc hơn.

Vì vậy, hướng tới một cuộc sống hạnh phúc không phải là né tránh những thời điểm khó khăn, mà là làm sao đối mặt với nghịch cảnh theo cách cho phép bạn phát triển từ chính những trải nghiệm đó.

Trưởng thành từ nghịch cảnh

Nghiên cứu cho thấy rằng trải qua khó khăn có thể là điều tốt cho chúng ta, tùy thuộc vào cách chúng ta đương đầu với nó. Khó khăn có thể làm chúng ta kiên cường hơn và dẫn dắt chúng ta hành động trong cuộc sống với những quyết định lớn, chẳng hạn như thay đổi công việc.

Thông thường sau khi mọi người gặp khó khăn, bệnh tật hoặc mất mát, họ mô tả cuộc sống hạnh phúc hơn và có ý nghĩa hơn. Thậm chí, có hẳn một thuật ngữ để mô tả hiện tượng này là "sự tăng trưởng sau chấn thương" (post-traumatic growth).

Khác với cảm giác vui vẻ thoáng qua, hướng tới cuộc sống hạnh phúc hơn chính là sự phát triển của mỗi cá nhân thông qua việc tìm kiếm ý nghĩa. Đó là việc chấp nhận cuộc sống với tất cả thăng trầm của nó, thưởng thức những cảm xúc tích cực, và khai thác những bài học từ thất bại để đạt được tiềm năng tối đa của chúng ta.

Theo Genk - The Conversation

Ảnh: hilalabdullah/Shutterstock.com

menu
menu