Nghiên Cứu Từ Nhiều Quốc Gia Cho Thấy: Những Người Có Tuổi Thơ Bất Hạnh Thường Có Biểu Hiện Sợ Hạnh Phúc
Một nghiên cứu được thực hiện với đối tượng là nhóm người đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau đã đo lường một cấu trúc gọi là ác cảm với hạnh phúc.
Một nghiên cứu được thực hiện với đối tượng là nhóm người đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau đã đo lường một cấu trúc gọi là ác cảm với hạnh phúc. Nghiên cứu này đã tiết lộ một phát hiện, được đăng trên tạp chí Motivation and Emotion, rằng những yếu tố hàng đầu quyết định nhân sinh quan của một người nào đó sẽ liên quan đến tuổi thơ bất hạnh, chủ nghĩa hoàn hảo, sự cô đơn và niềm tin vào ma thuật đen tối hay nghiệp quả.
Hạnh phúc là một loại cảm xúc mà bất kỳ ai trong số chúng ta cũng đều khao khát đến mức luôn tìm cách tạo dựng cuộc sống xoay quanh nhu cầu này. Nhưng theo nghiên cứu tâm lý học cho thấy nhiều người lại cảm thấy sợ hãi khi được hạnh phúc, hay nói một cách khác thì khái niệm này được gọi là ác cảm với hạnh phúc. Theo nhà nghiên cứu Mohsen Joshanloo, phó giáo sư tại Đại học Keimyung và là thành viên hiệu trưởng danh dự tại Đại học Melbourne, mô tả thì nhiều người có “niềm tin rằng trải nghiệm hoặc thể hiện niềm hạnh phúc sẽ khiến cho những điều tồi tệ xảy ra”.
Vào năm 2013, Joshanloo đã phát triển một hạng mức đo lường niềm tin về nỗi sợ hạnh phúc. Trong một nghiên cứu gần đây hơn, ông đã tiến hành thử nghiệm trên quy mô đa quốc gia để xem xét những yếu tố dự đoán tiềm năng về ác cảm với hạnh phúc. Ông từng phát biểu rằng “Hạnh phúc thường được xem là mục tiêu cuối cùng của cuộc đời mà mỗi người đều hướng đến, hoặc phải cố gắng đạt được. Nhưng khoảng một thập kỷ trước, tôi bắt đầu tin rằng điều này không đúng với tất cả chúng ta”.
“Tôi nhận ra rằng một số người và một số nền văn hóa dành sự ưu tiên cho nhiều mục tiêu và giá trị khác chẳng hạn như làm việc chăm chỉ, tôn giáo, công bằng, đạo đức, xuất sắc và uy tín, hơn là hạnh phúc. Hơn thế nữa, nhiều người còn đặt nghi vấn về giá trị của hạnh phúc hoặc họ hoàn toàn tin rằng hạnh phúc có thể không cần thiết hay đôi khi sẽ có hại trong một vài khía cạnh nào đó. Vì vậy, tôi bắt đầu một loạt những nghiên cứu về nỗi sợ mang tên hạnh phúc, hoặc ác cảm với hạnh phúc ở các nền văn hóa khác nhau, để bác bỏ quan niệm phổ biến rằng tất cả mọi người đều không ngừng phấn đấu cho hạnh phúc và ưu tiên hạnh phúc hơn mọi điều khác trên đời.”
“Ở thời điểm hiện tại, tôi có thể nói rằng nghiên cứu thực nghiệm mà tôi và các nhà nghiên cứu khác đã tiến hành, giờ đây đã có lời giải đáp và các ngành khoa học xã hội đã nhận thức rõ ràng hơn về sự đa dạng của khái niệm hạnh phúc.”
Trong nghiên cứu mới, một mẫu khảo sát online đã hoàn thành với sự tham gia của 871 người trưởng thành, đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Brazil, Việt Nam, Philippines, Ấn Độ và Romania. Các câu hỏi trong phần khảo sát được trình bày theo 5 mức độ về nỗi sợ hạnh phúc, trong đó những người tham gia đã thể hiện sự đồng tình với những hạng mức như "Tôi không muốn vui mừng quá độ, bởi sau niềm vui ấy thường kéo theo những nỗi buồn”. Cuộc khảo sát cũng bao gồm các biện pháp về 9 dự đoán tiềm năng.
Quá trình thực nghiệm diễn ra như sau.
Đầu tiên, Joshanloo đã thử nghiệm tính bất biến trong đo lường, nghĩa là mức độ của thang đo nỗi sợ hạnh phúc có cùng một cấu trúc giữa các quốc gia. Các thử nghiệm này, được thực hiện trên 5 quốc gia với số lượng mẫu thực nghiệm lớn hơn 50, cho thấy kết quả đo lường gần như là bất biến. Điều đáng chú ý là một nghiên cứu trước đây diễn ra trong một nhóm sinh viên đại học thuộc 14 quốc gia, cũng cho thấy sự bất biến trong đo lường về nỗi sợ hạnh phúc. Hai phát hiện này chứng minh rằng thang đo có thể được sử dụng một cách đáng tin cậy, để đo lường sự ác cảm với hạnh phúc giữa nhiều quốc gia.
Tiếp đến, những nhà nghiên cứu đã kiểm tra khả năng dự đoán của 9 yếu tố dùng để đánh giá. Nghiên cứu này cho thấy rằng tất cả các hạng mục dự đoán đều có ý nghĩa, ngoại trừ giới tính và tôn giáo. Ác cảm với niềm tin hạnh phúc diễn ra mạnh mẽ hơn ở nhóm những người trẻ tuổi, cô đơn hơn và luôn cầu toàn. Không chỉ vậy, quan điểm này cũng rất phổ biến ở những người tin vào hạnh phúc tập thể, ma thuật đen tối hoặc nghiệp chướng và khi nhớ lại một tuổi thơ bất hạnh.
Nhà nghiên cứu Joshanloo nói với PsyPost rằng “Kết quả cho thấy những người từ các nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể, có nhiều khả năng thể hiện sự ác cảm với hạnh phúc hơn những người từ các nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân. Ở cấp độ cá nhân, xu hướng cầu toàn, sự cô đơn, tuổi thơ được bất hạnh, niềm tin vào các hiện tượng huyền bí và nắm giữ cách hiểu tập thể về hạnh phúc, tất cả đều liên quan tích cực đến ác cảm với hạnh phúc.”
Điểm quan trọng cần chú ý là báo cáo về một tuổi thơ bất hạnh, dự đoán được mức độ ác cảm với hạnh phúc ngay cả khi cá nhân đã kiểm soát được sự cô đơn ở hiện tại. Theo Joshanloo giải thích “Điều này cho thấy những trải nghiệm đau buồn khi còn nhỏ, có thể có tác động lâu dài đến nhận thức của một người về hạnh phúc, độc lập với sự hài lòng của cá nhân đó với các mối quan hệ hiện tại khi trưởng thành.”
Ngoài ra, nhà nghiên cứu còn thảo luận về ý nghĩa của các yếu tố dự báo quan trọng khác. Trên thực tế, niềm tin vào nghiệp chướng và ma thuật đen, là những yếu tố dự đoán quan trọng cho thấy nhiều người nhận định rằng, các thế lực siêu nhiên là nguyên nhân gây ra những hậu quả tiêu cực cho sự hạnh phúc. Đối với những ai theo chủ nghĩa hoàn hảo, những người có xu hướng cầu toàn sẽ tập trung quá mức vào việc tránh thất bại. Điều này khiến họ thường kìm nén cảm xúc hạnh phúc của mình và thậm chí coi hạnh phúc là rào cản đối với thành tích đã đạt được.
Mặt khác, việc tin vào một khái niệm hạnh phúc tập thể như “một người không thể hạnh phúc nếu gia đình hoặc bạn bè của họ không hạnh phúc”, dễ khiến mọi người hạ thấp mức độ thể hiện niềm hạnh phúc, vì họ muốn ưu tiên cho niềm vui của tập thể và duy trì sự hòa hợp xã hội. Phù hợp với ý tưởng này, những người tham gia nghiên cứu từ các quốc gia theo chủ nghĩa tập thể ở Ấn Độ và Philippines, thường có ác cảm mạnh mẽ hơn với niềm tin về hạnh phúc.
Joshanloo nói rằng “Chúng ta có gen khác nhau, dấu vân tay khác nhau, đặc điểm tính cách khác nhau và quan niệm về hạnh phúc cũng khác nhau. Thái độ của chúng ta đối với hạnh phúc không chỉ là vấn đề lựa chọn cá nhân, mà còn được xác định bởi các yếu tố văn hóa, đặc điểm tâm lý, chẳng hạn như mức độ cầu toàn, và chất lượng của mối quan hệ với những người khác trong suốt cuộc đời”
Điều hạn chế của cuộc khảo sát này là ở số lượng người tham gia thí nghiệm ở mỗi quốc gia khá ít và không mang tính đại diện. Không chỉ vậy, bản câu hỏi cũng sử dụng những biện pháp riêng lẻ cho tất cả các biến số, nên kết quả cần phải nhân rộng và nghiên cứu sâu hơn.
Joshanloo giải thích rằng “mặc dù các cá nhân tham gia khảo sát đến từ 10 quốc gia, nhưng xét về số lượng ở từng nước thì con số này vẫn còn rất nhỏ và không thể đưa ra kết luận chắc chắn nào liên quan đến các đất nước này. Đối với những nghiên cứu trong tương lai, chúng tôi cần một số lượng lớn hơn nữa ở từng quốc gia. Các nghiên cứu trong tương lai cũng sẽ cần sử dụng các biện pháp dài hơn để đánh giá các khía cạnh khác nhau của những yếu tố dự đoán. Ví dụ, chủ nghĩa hoàn hảo có nhiều khía cạnh như lo lắng về việc phạm sai lầm, tiêu chuẩn cá nhân cao, nhận thức về kỳ vọng cao của cha mẹ và nghi ngờ về chất lượng hành động của một ai đó. Những khía cạnh này có thể sẽ tạo nên những mối quan hệ khác nhau với ác cảm hạnh phúc, và điều này có thể được khám phá sâu hơn trong những nghiên cứu tương lai.”
Nhà nghiên cứu cũng nói thêm “Hạnh phúc có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Khi đó, tất cả chúng ta rất có thể sẽ ác cảm với các định nghĩa cảm xúc về hạnh phúc dựa trên sự hài lòng, niềm vui và cảm xúc tích cực, hơn là các định nghĩa dựa trên đức hạnh như việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và sự viên mãn.”
Bài viết được trích dẫn từ nghiên cứu mang tên “Dự báo ác cảm với hạnh phúc: Những hiểu biết mới từ một nghiên cứu đa quốc gia - Predictors of aversion to happiness: New Insights from a multinational study” được thực nghiệm bởi nhà nghiên cứu Mohsen Joshanloo.
(*) Tác giả: Beth Ellwood
Dịch giả: Amy Cattuong - Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Link bài gốc: People with unhappy childhoods are more likely to exhibit a fear of happiness, multi-national study finds