Ngợi ca nỗi chạnh lòng

ngoi-ca-noi-chanh-long

Nỗi chạnh lòng là một trạng thái tâm lý quan trọng, và có giá trị, bởi vì nó nối kết đau khổ với vẻ đẹp và tri kiến.

Tác giả: Alain de Botton

Chạnh lòng (hay sầu muộn) không phải là câu cửa miệng của mọi người. Người ta không đi khắp phòng rêu rao rằng trông ông giám đốc IT của vùng u sầu thế nào, hay thật chạnh lòng xiết bao khi ngồi liệt kê ra cảnh vật trời mây uẩn khuất u hoài (ví như biển Brighton trong một sáng phủ mây; miệt hoang vắng Rannoch Moor ở Scotland; và phía Tây bình nguyên Siberia).

Nhưng chúng ta nên để ý hơn đến nỗi chạnh lòng và thậm chí thỉnh thoảng tìm đến nó.


Nỗi chạnh lòng là một dạng u buồn xuất hiện khi chúng ta nhận ra cuộc đời cố hữu đã khó khăn, với nỗi đau và sự thất vọng ấy là một phần cơ yếu của trải nghiệm phổ quát (ai cũng trải qua). Nó không phải là một chứng rối loạn cần chữa.

Xã hội hiện đại có xu hướng nhấn mạnh đến sự sôi nổi và phấn khởi. Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng thực tế phần lớn là đau đớn và mất mát. Cuộc đời tốt đẹp không phải là miễn nhiễm với u buồn, mà là cuộc đời ở đó sự đau khổ góp công phát triển chúng ta. Đôi khi bạn thấy buồn và bạn không tài nào hiểu vì chăng. Nó không phải một nỗi đau buốt gặm nhấm bạn. Bạn thấy như cả cuộc đời muốn gọi hết nước mắt về.

Nỗi chạnh lòng là một trạng thái tâm lý quan trọng, và có giá trị, bởi vì nó nối kết đau khổ với vẻ đẹp và tri kiến. Kiếp nạn của chúng ta không đơn thuần hỗn loạn - một vệt thất bại, một sai lầm - nó có thể nối kết với những thứ vi diệu. Thường thì nỗi buồn có lý của nó một cách giản đơn.

Chúng ta thấy chạnh lòng khi nghĩ đến những chuyện sau:

Thứ mình yêu đều chóng tàn

Ngày hôm qua sẽ không trở lại. Mỗi ngày bạn tiến gần hơn đến cái chết. Những người nuôi dưỡng khi bạn còn bé đang già đi. Không lâu nữa chúng ta cũng sẽ theo bước họ.


Ansel Adams, Asperis, bình minh, mùa thu, vực sông Dolores, Colorado, 1937

Những sự thật đen tối của hoàn cảnh làm người 

Không ai thực sự hiểu được người khác, sự cô độc cơ bản như vậy, và nó phổ quát cho mọi người. Mỗi cuộc đời đều có đầy đủ tầm vóc của hổ thẹn và đau đớn. Chúng ta dành cả đời phấn đấu cho những thứ hầu hết ta không có được, mà nếu có thì cũng sớm thất vọng.

Bạn thấy bọn trẻ không? Chúng sẽ lớn lên, sẽ giáp mặt với nỗi lo về tiền bạc, rồi gian khó tạo lập một nghề nghiệp, nghiện ngập, xung đột chính trị, bệnh tật và những thất vọng từ các mối quan hệ.

Tựa chung, chẳng có thứ gì ta làm có ý nghĩa. Cuộc đời ta - tình yêu và sự quan tâm, sự khắc khoải, thành công - đều sẽ bị cuốn phăng đi.


Hiroshi Sugimoto, Biển Bắc Đại Tây Dương, Vực Moher, 1989

Những nuối tiếc 

Mọi thứ ta lẽ ra đã nói với bà ngoại trước khi cụ mất. Ta hiểu ra thì đã muộn. Bạn đã phí mất nhiều năm. Ai cũng vậy. Bạn chỉ có thể né tránh niềm tiếc nuối bằng cách dẹp trí tưởng tượng của mình đi, hoặc bỏ không nghĩ xem mọi thứ đáng ra sẽ thế nào.

Những trái khoáy của đời sống 

Nhiều thứ ta muốn nhất đều có mâu thuẫn: muốn được an toàn nhưng lại muốn tự do; có tiền nhưng lại không muốn làm nô lệ cho đồng lương; muốn ở trong những cộng đồng gắn bó nhưng lại không muốn bị bóp chẹt trong sự trông đợi và yêu cầu của người khác. Muốn đi khắp thế gian nhưng cũng lại muốn cắm rễ một chỗ. Muốn lấp đầy nhu cầu ăn uống, làm tình và nằm kểnh trên ghế sofa - nhưng lại muốn mảnh khảnh, tỉnh táo, chung tình và khỏe mạnh.

--
Tri kiến của thái độ chạnh lòng (ngược với thái độ cay đắng hay oán giận) nằm ở chỗ hiểu được sự u buồn không chỉ có bạn thôi, không chỉ bạn đâu, mà cái đau đớn ấy cho loài người nói chung. Nhiều lúc những nỗi buồn của ta thật ích kỉ. Chúng ta xem chúng như những nỗi bất hạnh trời đánh trên đường ta đi. Nhưng sự chạnh lòng không phải vậy. Nó ít có tính cá nhân hơn. Hầu hết mọi thứ đau đớn và u buồn trong đời ta là từ những thứ chung nhất của đời sống: sự ngắn ngủi của nó, rồi sự thật là ta không tránh khỏi bỏ lỡ những cơ hội, sự mâu thuẫn giữa dục vọng và sự tự trị chính mình. Chúng phổ quát cho mọi người. Nên nỗi chạnh lòng nó rộng lượng. Bạn cũng thấy chạnh lòng cho cả người khác, cho "chúng ta". Bạn thấy thương tiếc cho hoàn cảnh của loài người.

 

Và cảm thấy nối tiếc như vậy là ta thành một con người tốt hơn. Nó làm kì vọng của ta vào hành xử của con người chính xác hơn. Bất kì ai sống cùng tôi cũng sẽ trải qua những khó khăn bao quát này. Hầu như không ngạc nhiên gì khi họ đi lạc lối, kiệt quệ, nói dối hết lần này đến lần khác, đổi ý không vì một lý do tốt đẹp nào (hoặc từ chối đổi ý khi có một lý do tốt đẹp xảy đến). Chúng ta thấy chạnh lòng khi chúng ta hiểu thấu ra có những khó khăn sâu sắc bám lấy phận người. Và đón nhận nó sâu tận đáy lòng chính là để động lòng trắc ẩn thêm nữa.

Tôn giáo đã là những người biện hộ cho sự chạnh lòng. Sách Ki tô về những lời khấn chung đề một lời phát biểu mọi người đọc trong đám ma: "Người này sinh ra từ lòng mẹ, sống một quãng ngắn của đời với đầy khổ đau. Người ấy lớn lên rồi rạp ngả như một đóa hoa. Giữa cuộc đời chúng ta ở trong cái chết".

Ta kết bài ở đây với một suy nghĩ hơi chạnh lòng chung nhất. Tại đám ma một người thương yêu, ta không chỉ chứng kiến một cuộc đời vuột qua. Ta được mời đến để thấy nhau - và thấy chính ta - như những sinh vật đang trên đường đến bên kia. Điều này không nên làm bạn tuyệt vọng, mà thay vì thế lại tha thứ hơn, tốt bụng hơn và chú tâm hơn tới những gì thực sự quan trọng, khi vẫn còn thời gian.

 

Nguyễn Hải Hiền dịch

Nguồn: http://thephilosophersmail.com/virtues/in-praise-of-melancholy/

menu
menu