Người ái kỷ có bao giờ cảm thấy tội lỗi vì lợi dụng người mà họ yêu
Người ái kỷ không bao giờ áy náy khi lạm dụng nửa kia của mình bởi họ tự biện minh rằng những hành động của họ là chính đáng.
Nội dung chính:
- Người ái kỷ không bao giờ áy náy khi lạm dụng nửa kia của mình bởi họ tự biện minh rằng những hành động của họ là chính đáng.
- Họ tự bảo vệ bản thân bằng cách chối bỏ hiện thực và ngăn bản thân nhìn thẳng vào những sai lầm và tội lỗi của mình.
- Tình yêu ái kỷ mang tính giao dịch và nông cạn hơn bạn nghĩ.
Có một sự thật đáng buồn về những người được chẩn đoán là mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD). Ho có khả năng cao sẽ không nghĩ về những giới hạn đạo đức của tất cả những điều tồi tệ họ đã làm với người khác. Họ chỉ quan tâm đến bản thân. Kể cả khi họ nói rằng họ yêu bạn điên cuồng, những thực cảm của họ khá hời hợt và rất nhanh biến mất nếu bạn không đáp ứng được những nhu cầu của họ.
Lưu ý: Tôi sử dụng những thuật ngữ “người ái kỷ”, “vĩ cuồng”, “rối loạn nhân cách ái kỷ” để đề cập một cách ngắn gọn về những người đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, chứ không phải những người có những đặc trưng của chứng này. Tôi đang sử dụng các thuật ngữ một cách linh hoạt và có thể thay thế cho nhau.
Ảnh: Vera Arsic/pexels
Mối quan hệ của những người ái kỷ mang tính vụ lợi
Với từ “vụ lợi”, tôi đang đề cập rằng những người này thích bạn và muốn bạn xoay quanh phục vụ những nhu cầu của họ. Khi bạn không thể thỏa mãn những nhu cầu đó nữa, họ dần mất hứng thú với bạn. Không quan trọng họ tuyên bố họ đã yêu bạn bao nhiêu, cái họ thực sự thích không phải con người bạn mà là những việc bạn làm vì họ.
Điều này sẽ khiến mối liên hệ giữa họ và bạn trở nên nông cạn hơn những gì bạn thấy. Khả năng cao là tình yêu của họ sẽ biến mất ngay khi họ không tìm thấy những gì họ cần ở bạn nữa. Tức là nếu bạn ốm, trở nên vừa nghèo vừa xấu vừa “bất lực” thì người yêu ái kỷ của bạn sẽ không cảm thông đâu. Thay vì thương xót cho bạn, họ sẽ có xu hướng mất kiên nhẫn, phàn nàn và cuối cùng là chán ghét với việc ở bên bạn.
Ví dụ:
Khi kẻ ái kỷ thích phô trương Bill và người yêu Sherry kết hôn, mọi người đều nghĩ rằng đó là một cặp đôi hoàn hảo. Họ nhìn như một đôi trên bìa quảng cáo của tạp chí về tình yêu tuổi trẻ. Bill rất mê việc đăng ảnh hai người lên mạng xã hội và hưởng thụ cảm giác sung sướng khi mọi người khen ngợi vẻ ngoài xinh đẹp của người vợ.
Cho đến một ngày nọ, Sherry mắc một căn bệnh nghiêm trọng và vẻ ngoài của cô bắt đầu xuống sắc. Mặt và những ngón tay của cô đều bị sưng phù. Cô đã không còn là người con gái thanh mảnh mà Bill yêu nữa.
Tất cả những phản ứng của Bill trước việc đó chỉ là bảo Sherry cần giảm cân. Khi bác sĩ nói với họ rằng Sherry vẫn phải tiếp tục dùng thuốc và việc tăng cân là tác dụng phụ không thể nào tránh khỏi, anh ta cảm thấy bản thân như bị phản bội vậy. Anh ta nói toạc với Sherry rằng: “Tôi sẽ không quan hệ với một người phụ nữ thừa cân đâu.”
Những người ái kỷ có bao giờ hối hận vì làm tổn thương những người mà họ “yêu”?
Chế độ tự vệ của những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ được sinh ra để giúp họ không nhận thức được về những lỗi lầm và sai trái của bản thân. Họ sẽ không để ý đến bất cứ thứ gì đi ngược lại với góc nhìn tự tâng bốc bản thân mình. Ngoại trừ khi họ đã có những trị liệu tâm lý liên quan đến chứng NPD của bản thân, họ sẽ không biết ăn năn, xấu hổ, hoặc tự vấn lương tâm miễn là chế độ tự vệ ái kỷ của họ vẫn còn. Đồng nghĩa rằng, họ không nghĩ rằng họ phải hối hận về thứ gì cả, dù rằng bạn đang bị họ tổn thương nhiều bao nhiêu. Trong tâm trí họ, tất cả sẽ là lỗi của bạn nếu mối quan hệ đang phát triển theo chiều hướng tiêu cực.
Những người vĩ cuồng có hối hận khi bỏ rơi hoặc đánh mất ai đó?
Những người mắc hội chứng rối loạn nhân cách ái kỷ thường sẽ thấy hối hận khi bỏ rơi hoặc đánh mất ai đó, nhưng nó không như bạn nghĩ đâu. Nếu họ có hối hận, thì đó cũng chỉ là vì họ cảm thấy đã đánh mất thứ gì đó có giá trị với họ. Bạn không phải một con người thực sự, bạn chỉ là một vật sở hữu mà thôi. Họ sẽ không quan tâm đến cảm xúc của bạn, mặc dù đôi khi họ giả vờ là có.
Ví dụ, có một sự thật phũ phàng rằng nếu họ muốn “gương vỡ lại lành” với bạn sau khi đã bỏ rơi bạn, thì việc đó chẳng liên quan đến chuyện bạn là một con người đáng giá như nào đâu. Nó không hề mang ý nghĩa rằng họ quan tâm đến cảm xúc của bạn hoặc hối hận vì đã đối xử không ra gì với bạn. Và chắc chắn điều này cũng không mang ý nghĩa rằng, nếu họ có được bạn một lần nữa thì họ sẽ đối xử với bạn khác lần trước. Những người ái kỷ, dù rằng nhớ về người cũ, cũng không thay đổi nhiều đâu.
Vậy sự hối hận khi rời bỏ bạn có ý nghĩa thực sự là gì?
Đây là những lý do thường gặp, bạn có thể chọn ra một trong số chúng:
“Tôi thấy thiếu tiền, cô đơn, thèm được quan hệ, và tôi cần một người yêu ngay bây giờ.”
“Nếu tôi không bỏ rơi bạn, tôi đã có thể dùng bạn để thỏa mãn những ham muốn của mình.”
“Tôi luôn nhớ những thứ đã không còn là của mình.”
“Tôi đã ngỡ rằng mình có thể làm tốt hơn bạn, nhưng tôi đã nhầm – nên tôi cần bạn trở về bên cạnh.”
“Tôi biết bạn có thể đã ở bên người khác rồi, nhưng tôi vẫn coi bạn là vật sở hữu của mình. Sao bạn dám sống hạnh phúc mà không có tôi?”
“Nhìn em đẹp hơn từ xa đấy.”
Sự tự vệ tâm lý của người ái kỷ được sinh ra để giảm thiểu cảm xúc tiêu cực và cổ vũ cái tôi của họ
Tất cả ý nghĩa của sự thích nghi vĩ cuồng chỉ là để những người ái kỷ luôn cảm thấy mình đặc biệt, hoàn hảo và luôn đúng thay vì có những suy nghĩ tiêu cực như hổ thẹn, áy náy, tự vấn lương tâm và ân hận.
Người ái kỷ thiếu sự đồng cảm
Ngoài ra, những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ không bao giờ đồng cảm với người khác. Nếu có một chút, nó sẽ nhanh chóng biến mất khi họ cảm thấy bị tổn thương, thất vọng, vỡ mộng hoặc tức giận với bạn.
Người ái kỷ sẽ không sẵn sàng quyết định suy nghĩ nhiều về hành vi sai trái của họ
Sự tự xem xét lại bản thân mình của những người ái kỷ chưa được điều trị chỉ có thể liên quan đến những hứng thú của họ. Dưới đây là một ví dụ tóm tắt mà một khách hàng đang mắc chứng phô trương, một phân loại của hội chứng ái kỷ, đang trong quá trình điều trị kể với tôi về người bạn gái của mình.
Tôi cảm thấy cô ta hơi ghê tởm. Đối với tôi, cô ta không có sự hấp dẫn về thể xác. Thi thoảng khi cô ta bước vào phòng, tôi sẽ đi ra ngoài chỉ vì không muốn ở cùng với cô ta. Nhưng cô ấy lại muốn tôi nhiều đến mức cô ấy gần như sẽ làm bất cứ thứ cho tôi. Và cô ta cũng sẽ chịu đựng tất cả những gì tôi làm.
Cô ấy yêu và muốn cưới tôi, và tôi có thể mặc kệ những cảm xúc của mình mà thực sự sống cùng với cô ấy. Tôi biết điều đó là không công bằng, nhưng có thể tôi sẽ không tìm được ai yêu tôi như cô ấy nữa, và chính điều đó khiến tôi có cách xử lý của riêng mình. Tôi có thể rời bỏ cô ta bất cứ lúc nào sau đó.
Kết luận
Khi những người ái kỷ nói: “Tôi yêu bạn,” ý của họ sẽ gần hơn với: “Tôi sẽ yêu bạn miễn là bạn thỏa mãn được những nhu cầu của tôi và khiến tôi vui vẻ.” Do đó, những người ái kỷ chưa được điều trị sẽ không cảm thấy tội lỗi vì lạm dụng bạn vì, từ góc nhìn của họ, tất cả những gì họ làm đều có lý do chính đáng.
Sự tự vệ tâm lý của họ được sinh ra để ngăn bản thân nhìn thấy sai lầm của mình và cho phép họ đổ hết mọi lỗi lầm lên người bạn. Và nếu mọi chuyện là do bạn, thì sẽ chẳng có lý do gì để họ ăn năn khi tổn thương bạn cả.
Dịch giả: Hoàng Liên — Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Bài gốc: Do Narcissists Feel Guilty About Abusing Loved Ones?
Mời bạn tìm đọc thêm cuốn sách LIỆU TÔI CÓ BAO GIỜ ĐỦ TỐT? PHƯƠNG THỨC CHỮA LÀNH CHO NHỮNG CÔ CON GÁI CỦA NGƯỜI MẸ ÁI KỶ
Nội dung của cuốn sách tập trung mô tả về một trong những hiện tượng tâm lý không hiếm gặp trong xã hội của chúng ta, chứng ái kỷ ở người mẹ. Đây là một cuốn sách để chữa lành tất cả những di chứng tệ hại của mối quan hệ với người mẹ ái kỷ, người mẹ luôn khiến con cái mình cảm thấy không bao giờ đủ tốt để được sống và hạnh phúc.