Cách giải quyết nguyên nhân thực sự khiến bạn né tránh
Khi chúng ta trì hoãn, lười tập thể dục, né tránh một số thói quen mà chúng ta muốn tạo ra hoặc từ chối thực hiện một dự án khó khăn, nguyên nhân cơ bản hiếm khi giống như những gì chúng ta nghĩ.
Chúng ta nghĩ rằng tất cả những gì mình cần làm là đối mặt và làm điều mà bản thân đang trốn tránh và ngừng trì hoãn. Đơn giản! Nhưng rồi khi chúng ta thất bại, chúng ta tự hỏi điều gì đang xảy ra với mình.
Vấn đề là chúng ta không thực sự giải quyết được nguyên nhân gốc rễ. Chúng ta chỉ đang giải quyết triệu chứng bề mặt. Mặc dù có những biện pháp làm giảm triệu chứng này nhưng chúng hiếm khi kéo dài.
Vậy nguyên nhân khiến chúng ta có xu hướng né tránh là gì? Một dòng cảm xúc tiềm ẩn. Một loại trạng thái nội tâm nào đó.
(BalashMirzabey / Freepik)
Hãy để tôi hướng dẫn bạn:
- Trước áp lực cuộc sống, theo một cách nào đó, bạn có thể cảm thấy choáng ngợp, lo lắng, sợ hãi, buồn bã, cô đơn, kiệt sức về mặt cảm xúc và thất vọng.
- Bạn chống lại trạng thái cảm xúc đó - bạn không muốn cảm thấy theo cách đó, vì vậy bạn chống lại việc để bản thân cảm nhận nó. Sự chống lại này thường dưới dạng đánh lạc hướng, chẳng hạn như làm những việc vặt vãnh, nhắn tin, vân vân.
- Trạng thái cảm xúc này khiến việc đối mặt với những điều khó khăn sẽ trở nên gian nan hơn - bắt tay vào một dự án khó khăn, dọn dẹp đồ đạc lộn xộn, hoặc xử lý hàng ngàn email - tất cả những điều này đều quá sức chịu đựng ngay cả trong những thời điểm tốt nhất. Nhưng khi đang trong trạng thái cảm xúc khó khăn thì mọi việc lại càng trở nên cam go hơn. Không có gì lạ khi chúng ta né tránh!
- Chúng ta cố gắng ép buộc bản thân làm những việc mình đang né tránh. "Hôm nay không được sao nhãng, chỉ được làm việc!" Đôi khi nó hiệu quả, nhưng vì trạng thái cảm xúc tiềm ẩn chưa được giải quyết nên hiệu quả thường không bền vững. Chúng ta quay lại với việc né tránh.
- Điều này khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ khi quay lại né tránh và làm trầm trọng thêm trạng thái cảm xúc tiềm ẩn. Về cơ bản, chúng ta quay lại bước đầu tiên ở trên và lặp lại, thêm một chút căng thẳng về mặt cảm xúc.
Bạn có thấy điều này quen thuộc không? Đây là tình trạng mà nhiều người trong chúng ta đang trải qua hàng ngày, thường không hề hay biết. Ngay cả khi chúng ta nhận thức được, thì hiếm khi chúng ta thực sự đối mặt với nó, bởi vì chúng ta đang chống lại trạng thái cảm xúc đó.
Vì vậy, hai vấn đề cần giải quyết là:
- Chúng ta không nhận thức được trạng thái cảm xúc gây ra sự né tránh.
- Chúng ta chống lại cảm xúc đó, cho dù có nhận thức được nó hay không.
Hãy cùng thảo luận về cách giải quyết những vấn đề này, để chúng ta có thể giải quyết nguyên nhân thực sự của sự né tránh.
Đưa nhận thức vào trạng thái nội tâm
Điều quan trọng là phải chú ý khi bạn đang tránh điều gì đó. Có dự án, nhiệm vụ, cuộc trò chuyện hoặc thói quen cá nhân nào mà bạn đang trì hoãn không?
Ngoài cách trên, bạn cũng có thể nhận thấy mình đang sa đà vào việc gây mất tập trung - nhắn tin, mạng xã hội, email, công việc vặt vãnh, YouTube, Netflix, các trang tin tức, diễn đàn, vân vân. Làm một chút việc này thì không sao, nhưng nếu bạn cứ lún sâu vào chúng thì đây là dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang né tránh.
Một khi nhận thấy mình đang né tránh hoặc sa đà vào việc gây mất tập trung, hãy thử xem bạn có thể nhận ra trạng thái tiềm ẩn bên trong của mình không.
Bạn có đang trải qua nỗi buồn, đau buồn hay cô đơn? Bạn có cảm thấy choáng ngợp, sợ hãi hoặc lo lắng không? Còn thất vọng, tức giận, bực tức hoặc nặng nề thì sao? Bạn có cảm thấy tổn thương, không được yêu thương hoặc bị lãng quên không?
Lúc này, bạn không cần phải làm gì với trạng thái cảm xúc đó. Chỉ cần nhận thấy nó. Bạn càng nhận thức được trạng thái bên trong của mình, thì bạn càng có thể giải quyết nó vào một thời điểm nào đó.
Chấp nhận cảm xúc
Nếu bạn đang né tránh hoặc sa đà vào việc gây mất tập trung, thì rất có thể bạn đang chống lại cảm xúc.
Điều đó có nghĩa là bạn không muốn cảm nhận nó - bạn cảm thấy có gì đó không ổn khi buồn, tức giận, lo lắng, v.v. Trong đầu bạn, bạn có thể nghĩ rằng không có gì sai với những cảm xúc này, nhưng một phần trong bạn lại không muốn cảm nhận chúng.
Không có gì sai với việc chống lại cảm xúc. Bản chất con người là chống lại! Nhưng miễn là chúng ta còn chống lại nó, nó sẽ chi phối chúng ta, và việc né tránh trở nên không thể tránh khỏi.
Nếu bạn sẵn sàng buông bỏ sự chống cự, thì việc thực hành chỉ là để bản thân cảm nhận cảm xúc đó. Chỉ cần cảm thấy buồn, cô đơn, lo lắng, thất vọng. Ngồi yên lặng trong vài phút và chỉ cần để mình cảm nhận nó, chính là thư giãn - hãy để cho cơ thể và tâm trí bạn thư giãn khi cảm xúc xuất hiện.
Hãy buông theo cảm xúc. Nó không quá khó khăn và thường chỉ kéo dài trong một hoặc ba phút. Nếu nó quá mãnh liệt, bạn có thể dừng lại - hãy làm gì đó để quên đi.
Bất kể bạn có thể buông hay không, hãy dành cho bản thân vài phút để tự chăm sóc sau đó. Hãy yêu thương bản thân, uống một tách trà ấm nóng. Nhận được cái ôm từ ai đó, hoặc tâm sự với bạn bè hoặc chuyên gia trị liệu. Hãy công nhận bản thân vì bất cứ điều gì bạn đã có thể làm được.
Làm sao để không tránh né?
Kết hợp tất cả những điều này lại với nhau, đây là cách tạo ra sự thay đổi để bạn không tránh né quá nhiều.
- Nhận biết khi bạn đang trì hoãn hoặc bị sao nhãng: Hãy chú ý đến những tín hiệu bên trong bạn - sự trì hoãn, bồn chồn, liên tục kiểm tra điện thoại.
- Nhận biết trạng thái cảm xúc tiềm ẩn bên trong. Bạn có đang cảm thấy lo lắng, choáng ngợp hay buồn chán? Xác định cảm xúc có thể giúp bạn hiểu lý do đằng sau việc trì hoãn.
- Chấp nhận trạng thái cảm xúc đó, cho phép bản thân cảm nhận nó. Thư giãn và đừng phán xét bản thân.
- Hãy yêu thương và chăm sóc bản thân. Hãy làm điều gì đó tử tế cho mình - hít thở sâu vài lần, nghe nhạc nhẹ nhàng hoặc giãn cơ.
- Sau khi thực hiện xong, bạn sẽ thấy rõ ràng hơn nhiều. Bây giờ hãy xem liệu bạn có cởi mở hơn để đối mặt với việc mình đang trì hoãn không. Bạn có thể thấy rằng nhiệm vụ trở nên bớt khó khăn hơn.
- Chỉ cần dành ra năm phút để làm điều bạn đang trì hoãn để tự tạo cho mình một chiến thắng về mặt cảm xúc. Bắt đầu từ những việc nhỏ và ăn mừng ngay cả những tiến bộ nhỏ.
Bằng cách thực hiện theo các bước này, bạn có thể phá vỡ chu kỳ trì hoãn và bắt đầu đạt được tiến bộ trong những việc quan trọng với mình.
Theo Leo Babauta Bảo Vy