Người khóc bằng cả cơ thể - Bệnh tức giận

nguoi-khoc-bang-ca-co-the-benh-tuc-gian

Có câu ‘Tâm hồn không khóc được thì cơ thể sẽ khóc thay’. Cơ thể và tâm hồn ta là một khối thống nhất nên tâm bệnh thường sẽ xuất hiện song hành với các triệu chứng về mặt thể chất.

Người khóc bằng cả cơ thể - Bệnh tức giận

“Trời ơi, bực bội quá! Trời ơi, buồn quá!”

Có rất nhiều bộ phim truyền hình phát mỗi tối trên TV lấy bối cảnh là một gia đình nhiều thế hệ cùng ở chung trong một căn nhà. Những bộ phim về gia đình này chủ yếu được phát sóng trong khoảng thời gian phần lớn mọi người trong nhà ngồi quây quần bên nhau ăn tối hoặc trò chuyện. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà kiểu phim này lại khiến cho người xem không ít lần cảm thấy cơn giận sôi lên sùng sục trong lòng. Cảm giác như thể phải ăn hàng chục củ khoai lang khô không khốc nghẹn đặc cả cổ, đến mức uống cả chai soda mát lạnh cũng không trôi hết.

Có một nhân vật điển hình không bao giờ thiếu trong mọi bộ phim truyền hình về gia đình. Đó chính là cô ‘con dâu quốc dân’. Con dâu quốc dân trong phim truyền hình thường là dâu trưởng, coi việc hy sinh vì hạnh phúc gia đình là điều đương nhiên, và hiền lành đến mức ngốc nghếch.

Cô con dâu ấy phải phụng dưỡng bố mẹ chồng, cung kính người chồng coi bố mẹ là trên hết, đồng thời gánh vác cả việc chăm sóc con cái. Nếu chỉ đến mức độ ấy thì ta vẫn có thể gật đầu cho rằng đó là số phận của mọi bà nội trợ. Thế nhưng ngay cả khi em dâu hoặc em chồng cùng sống trong một căn nhà (những bộ phim như thế này thường vẽ ra rằng kể cả sau khi kết hôn rồi cả nhà vẫn phải sống cùng nhau mới là hạnh phúc) mà cô con dâu cả vẫn lầm lũi phục vụ cho cả nhà chồng thì dù là ai đi chăng nữa cũng phải tự nhiên cảm thấy bực bội. Hơn nữa cái cách bộ phim miêu tả cuộc sống ấy như thể một điều rất hiển nhiên khiến tôi cho rằng quả thực phim ảnh ngày nay đang đối xử với người phụ nữ quá mức nhẫn tâm rồi.

Chẳng có thứ gì làm hoài làm mãi vẫn không xong như việc nhà. Đó là thứ lao động quá sức. Chăm sóc cho một gia đình nhỏ đã đủ mệt, ấy vậy mà các cô con dâu quốc dân ấy một mình lo cho cả một gia đình lớn với bao nhiêu thành viên mà không dám kêu ca lấy một câu (thậm chí còn phải cho đó là hạnh phúc). Đối với tôi, họ quả thật là siêu nhân chứ chẳng phải người phàm. Điều đáng buồn nhất là cảm xúc và nhân cách của những cô con dâu trưởng ấy luôn bị coi thường một cách triệt để. Nếu cô ấy có lỡ nhăn mặt hay phàn nàn một câu thôi lập tức sẽ bị khán giả lườm nguýt “Có thế thôi mà cũng không chịu được à?”.

Cô gái ấy chỉ có thể sống trong vai trò người con dâu, người vợ, người mẹ, người chị/em dâu, chứ chẳng thể sống là chính mình. Có lẽ bởi vậy mà mỗi khi xem những bộ phim truyền hình gia đình lấy sự hy sinh của con dâu quốc dân ra làm vật thế chấp cho hạnh phúc gia đình, tôi luôn có ý nghĩ rằng ‘người này về sau thể nào cũng mắc bệnh mất thôi’. Tận tụy, chăm sóc, bao dung tất cả mọi điều như vậy chỉ có thể là người mẹ siêu phàm trong xã hội lý tưởng, còn ở xã hội thực tại này, người phụ nữ ấy sẽ ôm trong mình trái tim vỡ vụn và đến một lúc nào đó cả cơ thể sẽ tan chảy ra thành nước mắt.


Sun Duk - Người phụ nữ ôm ngọn pháo hoa trong lòng

Sun Duk năm nay đã 59 tuổi, chẳng mấy mà bước sang lục tuần. Bình thường bà vốn là người sống nội tâm, biết nhẫn nhịn, nhưng vài năm gần đây, chẳng hiểu sao bà luôn thấy trái tim ngột ngạt, hồi hộp, và hay bất giác thở dài. Bà luôn cảm thấy như có một tảng đá đè nặng trong lồng ngực, thỉnh thoảng lại như có lửa đốt trong người. Nó khiến cho gương mặt bà nóng bừng lên, bồn chồn không yên, tiêu hóa kém, ăn không ngon miệng, ngủ không tròn giấc. Bà đã làm nhiều xét nghiệm trong bệnh viện nhưng không tìm ra nguyên nhân nên đành đến gõ cửa khoa thần kinh.

“Cứ thế này thì tôi phát điên mất nên đành đến tìm bác sĩ. Rốt cục là tôi bị làm sao thế ạ?”

Cố chịu đựng ấm ức trong lòng suốt bao nhiêu lâu, rồi bỗng một lần không thể chịu đựng được thêm nữa, bà đã trút cơn nóng giận ấy lên đầu chồng mình. Đó là lúc giữa canh khuya, bà bỗng bật dậy bởi cảm giác thực sự muốn được đánh chồng và muốn đuổi thẳng cổ ông ra khỏi nhà.

Bà bắt đầu câu chuyện đời mình bằng câu “Cuộc đời tôi mà viết thành sách chắc phải 12 cuốn mới hết!”. Sun Duk sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề giáo ở Daegu nổi tiếng với cách giáo dục nghiêm khắc và bảo thủ. Lớn lên, nhờ mai mối mà bà quen biết và kết hôn với người chồng hiện tại. Mẹ chồng bà nắm giữ quyền quyết định mọi việc trong nhà, thậm chí còn can thiệp từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ trong gia đình đứa con trai đã ra ở riêng.

Suốt 30 năm hôn nhân, Sun Duk chưa từng được chạm vào một đồng tiền lương của chồng. Có lúc bà còn tưởng mình là ô sin trong ngôi nhà ấy, vì suốt ngày chỉ cắm cúi làm việc nhà mà không có lấy một chút quyền quyết định nào về mặt tài chính.

Người chồng gia trưởng, hách dịch chưa một lần giúp bà thay tã cho con, sẵn sàng to tiếng quát tháo vợ chỉ vì vài chuyện nhỏ nhặt khiến Sun Duk luôn sống với tâm trạng lo lắng, sợ hãi. Mà đâu chỉ có thế. Hôm nào uống rượu xong trở về nhà, chồng bà thường vô cớ gắt gỏng, bới móc những chuyện không đâu, thậm chí còn xuống tay đánh bà. Ông ta còn thường xuyên có những mối quan hệ nhập nhằng ngoài luồng. Nhưng mỗi lần như thế, mẹ chồng bà còn trách móc “đàn ông lăng nhăng là do vợ có vấn đề”, và cho rằng bà kém cỏi khi có mỗi chuyện nhỏ như thế cũng không nhẫn nhịn được.

Có lần bà đã bỏ về nhà ngoại vì cảm thấy không thể sống thêm ở ngôi nhà ấy một giây phút nào nữa. Thế nhưng bố và anh trai bà đã bắt bà quay về ngay lập tức vì “đàn bà một khi đã đi lấy chồng thì phải chết làm ma ở nhà chồng”. Không được người nhà an ủi lấy một câu, bà chẳng biết làm gì khác ngoài việc ôm trái tim nặng trĩu lê bước quay trở lại nhà chồng.

Điều may mắn duy nhất là những đứa con của Sun Duk rất biết nghe lời mẹ và chăm chỉ học hành. Sun Duk luôn cố gắng chịu đựng vì ý nghĩ ‘dù thế nào cũng phải nuôi dưỡng và giáo dục các con thật tốt’, ‘cố nhẫn nhịn đến khi con cái trưởng thành’.

Những năm tháng nhẫn nại cứ thế trôi qua, cho đến khi xảy ra việc mẹ chồng bà đột quỵ 6 năm về trước, bà đương nhiên trở thành người chăm bệnh cho mẹ chồng. Sun Duk luôn căm ghét người mẹ chồng đối xử tệ bạc với mình, nhưng một mặt lại xót thương cho người phụ nữ tuổi cao bệnh nặng, nên vẫn cố hết lòng chăm sóc bà.

Cứ như thế suốt 3 năm trời, mẹ chồng bà rồi cũng về với đất. Những tưởng sẽ được thảnh thơi, thư thái hơn một chút, nhưng Sun Duk bắt đầu cảm thấy trái tim mình mỗi ngày một ngột ngạt hơn. Bà luôn vô cớ lo lắng, chẳng còn mong muốn thiết tha điều gì, lồng ngực luôn có cảm giác uất nghẹn và như có lửa đốt bên trong. Rồi vài tháng trở lại đây, bà bắt đầu cãi vã với chồng, thậm chí còn muốn được thỏa lòng đánh chồng cho bõ cơn tức giận trong người.

“Bác sĩ ạ, cả cuộc đời tôi là một chuỗi ngày trống rỗng, vô nghĩa. Tại sao tôi chưa từng một lần dám cãi lại chồng, cứ sống như một con ngốc như thế chứ?”

Trong trái tim Sun Duk là một khối đau khổ lẫn phẫn nộ tích tụ suốt bao nhiêu năm bởi sự đàn áp từ chồng và gia đình chồng. Khối tích tụ đó không tìm được lối thoát, biến thành quả cầu lửa ép chặt lên lồng ngực Sun Duk, biến nỗi oán hận thành tâm bệnh dằn vặt cơ thể bà.

Trầm uất và giận dữ tích tụ lại thành ‘bệnh tức giận’

Có câu ‘Tâm hồn không khóc được thì cơ thể sẽ khóc thay’. Cơ thể và tâm hồn ta là một khối thống nhất nên tâm bệnh thường sẽ xuất hiện song hành với các triệu chứng về mặt thể chất. Nếu cảm xúc và ham muốn bị kìm nén, không tìm được lối thoát về mặt tinh thần thì cơ thể sẽ tìm cách thông báo với ta.

“Lồng ngực tôi cứ nghẹn lại, ăn uống thì không tiêu hóa được, lúc nào cũng tức ngực. Có lúc tim còn đập nhanh đến mức khó thở. Cơ thể thì lúc nóng lúc lạnh, táo bón kéo dài suốt mấy ngày rồi tự nhiên sinh ra tiêu chảy.”

Thực tế có rất nhiều trường hợp tìm đến khoa thần kinh không phải vì vấn đề tâm lý mà bởi những cơn đau kéo dài trong cơ thể. Đủ loại triệu chứng xuất hiện khiến họ đi khám xét khắp nơi vẫn không thể tìm ra nguyên nhân. Chờ đợi mãi vẫn không thấy có dấu hiệu khởi sắc, thậm chí nỗi khó chịu còn ngày một tăng lên, khiến rốt cục họ phải tìm đến khoa thần kinh để thăm khám.

Trường hợp người bệnh phàn nàn về rất nhiều triệu chứng lạ trên cơ thể mà việc kiểm tra y tế không cho ra kết quả nào bất thường như thế này được gọi là ‘Rối loạn dạng cơ thể’. Tại Hàn Quốc, chứng ‘Rối loạn dạng cơ thể’ này thường xảy ra ở phụ nữ sau tuổi trung niên. Các buổi tư vấn cho thấy những người phụ nữ này thường tìm cách kìm nén cảm xúc và nhạy cảm quá mức với các triệu chứng nảy sinh trên cơ thể. Cũng có ý kiến cho rằng đa số những người này có dấu hiệu của chứng rối loạn lo âu bệnh tật.

Tuy nhiên thông qua các buổi tư vấn sâu, ta có thể nhận ra rằng các triệu chứng thể chất chính là cách họ thể hiện suy nghĩ, tâm hồn mình cho người khác thấy. Tức là, nó giống như lời đề nghị, tôi đau đớn đến thế này, hãy quan tâm chăm sóc đến tôi một chút. Ngoài ra, ta còn thấy ở họ sự sụt giảm lòng tin vào cuộc sống, “Cơ thể tôi yếu ớt thế này, liệu tôi còn có thể tiếp tục sống trên đời nữa không?”. Đồng thời điều này cũng thể hiện rõ rệt khuynh hướng mượn triệu chứng thể chất để tránh né các tình huống hoặc con người mà người bệnh không muốn đối diện. Họ muốn gửi ra tín hiệu rằng “Tôi đang ốm, tạm thời đừng nói chuyện đó với tôi”.

Trong khi nhạy cảm quá mức với các triệu chứng cơ thể thì người bệnh lại tỏ ra kém nhanh nhạy đối với việc cảm nhận và thể hiện cảm xúc. Vì họ kìm nén cảm xúc suốt một thời gian quá dài nên không còn có thể cảm nhận được chúng nữa. Họ không nhận ra mình đang buồn, đang trầm uất, khi giận dữ họ cũng không biết cách thể hiện và giải quyết cơn giận một cách hợp lý. Họ thường huy động cả cơ thể để thể hiện cảm xúc trong lòng.

Chứng rối loạn dạng cơ thể này thường xảy ra ở những nền văn hóa nơi con người bị kìm nén trong việc thể hiện ngôn ngữ. Sống trong một xã hội nơi con người không chỉ không được học cách thể hiện cảm xúc bằng ngôn ngữ mà còn coi việc kìm nén cảm xúc là điều đương nhiên thì họ sẽ không thể thoải mái giãi bày những câu chuyện trong lòng mình. Thay vào đó, họ dùng cơ thể ốm yếu để cố gắng thông báo cho những người xung quanh biết mình đang trầm uất, bất an, giận dữ. Tức là, khi không thể khóc bằng tâm hồn, cơ thể sẽ lên tiếng khóc thay.

Bệnh tức giận mà rất nhiều bà nội trợ ở Hàn Quốc mắc phải cũng có thể nhìn rộng ra thành chứng rối loạn dạng cơ thể. Bệnh tức giận là cách gọi tắt của bệnh trầm cảm tức giận, là chứng bệnh đặc trưng của của người dân Hàn Quốc. Năm 1995, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ gọi chứng bệnh này bằng chính phiên âm từ tiếng Hàn Quốc ‘Whabyung’, và được định nghĩa như sau: “Whabyung là hội chứng giận dữ - một trong số những hội chứng xảy ra ở người Hàn Quốc, nảy sinh từ việc kiềm chế cơn giận dữ quá đà”.

Thỉnh thoảng ta vẫn nghe mọi người xung quanh nói “chết vì bệnh tức giận”. Vậy rốt cục bênh tức giận là gì mà chỉ tồn tại ở Hàn Quốc, và thậm chí còn hại chết được cả một con người?

Bệnh tức giận, hay bệnh trầm cảm tức giận là do ‘trầm cảm’ và ‘tức giận’ tích tụ gây nên. Trong bệnh tức giận có chứa cả nỗi ‘hận thù’. Tức giận và hận thù càng tích tụ lâu ngày thì càng dễ biến thành chứng bệnh ăn mòn cơ thể và tâm hồn ta. Bệnh tức giận phổ biến ở phụ nữ sau độ tuổi trung niên, và xuất hiện ở 4% dân số thế giới. Sau vụ khủng hoảng tiền tệ IMF, căn bệnh này bắt đầu xuất hiện nhiều ở nam giới bị mất việc hoặc thất bại trong kinh doanh. Nguyên nhân của căn bệnh này có thể được tìm thấy trong sự kết hợp giữa xã hội gia trưởng cùng sự yếu kém trong khả năng xử lý cơn giận dữ.

“Hãy khẽ mở cửa van, để cơn giận dữ có thể thoát ra khỏi tâm hồn”

Nhìn vào trường hợp của bà Sun Duk ta có thể thấy, nguyên nhân của bệnh tức giận có thể là do nỗi hận (恨) tích tụ lại suốt một đời không cách nào giải tỏa được. Nếu nỗi tức giận, buồn bã, uất ức không được thể hiện ra đúng thời điểm mà cứ cố gắng nhẫn nhịn chịu đựng thì dần dần chúng sẽ gom góp lại thành một khối khổng lồ, bền vững.

Một điều nực cười là căn bệnh tức giận này thường xảy ra khi mọi quá trình khổ đau mệt mỏi đều đã kết thúc. Người mẹ chồng khó tính đã qua đời, người chồng cả đời rượu chè, gái gú giờ cũng đã tỉnh ngộ quay về. Tưởng rằng những ngày vất vả tủi nhục nhất đã qua, giờ là lúc có thể thở dài nhẹ nhõm để sống cuộc đời bình yên hơn một chút, ấy thế mà cơ thể lại trở nên bất thường, và căn bệnh tức giận bắt đầu kéo đến.

Điều này có liên quan đến việc những điều bấy lâu kìm nén giờ đã được giải tỏa. Người bệnh luôn nhẫn nại chịu đựng, kìm nén mọi điều uất ức, nên chẳng có lấy một giây phút nào cảm nhận và chăm chút cho cảm xúc của bản thân mình. Cho đến khi mọi vấn đề đã trôi qua, sự kìm nén cũng được nới lỏng phần nào, thì nỗi uất ức và giận dữ bắt đầu lên tiếng ‘giờ là lúc ta cũng phải nghỉ ngơi một chút rồi’ và dồn dập kéo nhau trào ra ngoài.

Nhưng không phải mọi bà nội trợ tuổi trung niên phải trải qua nỗi căng thẳng cực điểm ở nhà chồng như Sun Duk đều mắc phải bệnh tức giận. Dù có phải chịu đựng cùng một mức độ căng thẳng như vậy, nhưng người nào biết cách giải tỏa đúng lúc, không để chúng có cơ hội tích tụ bên trong thì bệnh tức giận cũng không thể hình thành được. Đặc biệt việc các bà nội trợ thường xuyên tụ tập nói xấu chồng và gia đình chồng với bạn bè hoặc hàng xóm cũng là một cách hữu hiệu để giải tỏa căng thẳng và tâm lý bức bách. Nhưng thật đáng tiếc là Sun Duk lại cực kỳ ghét để cho bạn bè hay chị em gái nhìn thấy bộ dạng bất hạnh của mình. Lòng tự trọng đã khiến bà chặn đứng lối thoát rất tốt của stress, chính là trò chuyện, tán gẫu.

Việc trị liệu căn bệnh tức giận này bắt đầu bằng phương pháp giải tỏa những điều kìm nén sâu bên trong tâm hồn, giúp trấn tĩnh và xoa dịu cảm xúc. Điều quan trọng nhất lúc này là tình yêu và sự thấu hiểu của gia đình. Sự thay đổi đột ngột của Sun Duk khiến chồng bà vô cùng ngỡ ngàng. Ban đầu ông còn nổi giận, to tiếng “Bà này điên rồi à?”, nhưng điều đó thậm chí còn khiến triệu chứng của bà nặng nề hơn. Khi nhận ra tình trạng của bà hoàn toàn bất thường, ông đã đưa bà đến bệnh viện.

“Ô hay, phụ nữ ở nhà nội trợ trên cái đất nước Đại Hàn dân quốc này có ai mà không sống như thế? Chăm sóc chồng con, phụng dưỡng bố mẹ chồng có phải việc gì nặng nhọc lắm đâu mà phải làm quá lên thế nhỉ?”

Chồng bà Sun Duk vẫn ngoan cố y như dự đoán của tôi. Trong buổi tư vấn đầu tiên, ông cho rằng bà đang làm quá vì việc bà làm là việc mà mọi bà nội trợ đều có thể đảm nhận tốt. Nhưng đến các buổi tư vấn về sau, chồng bà bắt đầu công nhận những nỗi khó khăn, vất vả mà vợ mình đã phải nếm trải suốt thời gian qua. Và ông cũng bắt đầu nhận ra rằng vợ mình cũng có cảm xúc, cũng mong chờ được chồng yêu thương và tôn trọng như bao người phụ nữ khác. Ông hiểu ra lý do vì sao đột nhiên bà giận dữ, chửi bới chồng, và cố gắng lắng nghe, đón nhận cảm xúc của bà.

“Chồng tôi vẫn vậy. Bản tính khó dời mà. Nhưng tôi thấy ông ấy bắt đầu cẩn trọng hơn với tôi. Hôm qua, lần đầu tiên trong đời tôi thấy ông ấy giặt quần áo. Nhìn ông chồng như con hổ giấy, vừa yếu vừa rụng hết răng, tự nhiên tôi lại thấy thương hại quá đi thôi. Thế nên tôi không còn tức giận nữa.”

Lâu ngày gặp lại, bà Sun Duk trước mặt tôi giờ đây đã mang dáng vẻ bình yên hơn nhiều. Bà nói bà đã ít nóng giận hơn trước, và trái tim luôn đập thình thịch có vẻ cũng đã trấn tĩnh hơn nhiều. Điều quan trọng hơn cả là bà đã bắt đầu công nhận các vấn đề tồn tại bên trong con người mình. Từ việc dựa dẫm quá nhiều vào chồng, tự trói buộc mình trong hình ảnh người phụ nữ truyền thống, đến việc cắt đứt quan hệ với bạn bè, tự cô lập chính mình vì lòng tự tôn vớ vẩn... bà dần dần từng bước từng bước trò chuyện về những điều khiến bà hối hận. Bây giờ, bà lại bắt đầu bước ra thế giới, gặp gỡ bạn bè, làm những điều mình thích, và tìm lại cuộc sống riêng của bản thân mình. Bà còn vừa cười rạng rỡ vừa khoe rằng, khi mùa xuân ấm áp quay về, bà sẽ cùng chồng đi du lịch.

Hãy chăm sóc cảm xúc của mình, bằng cách thể hiện và kìm nén một cách phù hợp

Việc trị liệu căn bệnh tức giận rất quan trọng, nhưng phòng tránh nó còn quan trọng hơn nhiều. Ta phải biết cách giải tỏa cơn tức giận đúng lúc, đừng để chúng kịp tích tụ bên trong con người mình. Nhưng không phải vì thế mà ta muốn cho cơn giận bùng nổ thế nào cũng được. Việc để cơn giận dữ tự do bộc phát đôi khi còn có thể khiến bản thân và mọi người xung quanh tổn thương. Vậy nên ta cần nuôi dưỡng khả năng thể hiện và kìm nén cảm xúc một cách phù hợp, đồng thời biết cách quý trọng và chăm sóc cảm xúc của chính mình.

Bệnh tức giận thường nảy sinh trong gia đình, nên việc trò chuyện, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ hàng ngày với các thành viên trong gia đình là vô cùng quan trọng. Nếu biết cách chia sẻ những công việc nặng nhọc, tôn trọng và công nhận vai trò của từng thành viên, thì cơn tức giận nếu nảy sinh cũng sẽ dễ dàng được giải quyết. Điều quan trọng hơn hết chính là bản thân mình. Phần lớn các bà mẹ sau khi sinh con đều coi con là duy nhất, dồn tất cả tâm trí vào việc chăm sóc con. Họ quên mất bản thân mình mới là điều quan trọng nhất. Đến khi con cái trưởng thành, độc lập, thì vị trí của người bạn đời lại phình to ra. Rốt cục về sau khi chỉ còn lại một mình, họ mới nhận ra sự tồn tại của mình mới là điều quan trọng nhất.

Bản thân ta phải được bình an, ổn định thì ta mới có thể chia sẻ đủ đầy tình yêu thương, sự an ổn cho các thành viên khác trong gia đình. Do đó, ta cần tập trung vào việc phát triển và chăm sóc bản thân, như nuôi dưỡng sở thích và năng lực chẳng hạn. Đồng thời thường xuyên dành thời gian để bình tĩnh và thận trọng xem xét lại cuộc đời mình cũng là điều hết sức cần thiết. Ngoài ra, quan tâm và tham gia vào các hoạt động tình nguyện, tôn giáo giúp ta bước ra thế giới bên ngoài cũng mang lại rất nhiều ích lợi. Nhờ những hoạt động đa dạng này mà ta cảm nhận được rằng mình đang sống, và nhận ra được giá trị thực sự trong cuộc sống của mình.

Trích từ cuốn sách Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ ổn khi trở thành người lớn

Cuốn sách được kết hợp viết bởi Kim Hea Nam – bác sĩ Tâm thần – chuyên gia phân tâm học nổi tiếng hàng đầu tại Hàn Quốc – đã có kinh nghiệm làm việc với hàng trăm ca trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần Quốc gia và Park Jong Seok – trưởng khoa Y tế Sức khỏe Tâm thần với kinh nghiệm điều trị cho những người mắc các bệnh tâm thần khác nhau tại Bệnh viện Đại học Seoul.

Bằng kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm làm việc lâu năm, cuốn sách đem lại những hiểu biết khoa học về các vấn đề, căn bệnh tâm lý của người hiện đại, thông qua việc triển khai: khái niệm, biểu hiện, cùng giải pháp chữa bệnh để bạn đọc có thể thực hành chữa lành bản thân trên hành trình trưởng thành. Bên cạnh đó 2 tác giả sử dụng chính những câu chuyện từ hàng trăm ngàn bệnh nhân của mình để lấy làm ví dụ thực tế, truyền cảm hứng và sự đồng cảm sâu sắc tới độc giả.

Link đặt sách: 

https://shope.ee/4fWZu9RKY2

menu
menu