Người mẹ sát nhân và Hội chứng Munchausen by proxy
Họ muốn thấy con mình mắc bệnh. Họ cố thuyết phục y tá, bác sĩ và những người khác rằng con họ bị bệnh trong khi đứa trẻ vẫn khỏe mạnh. Họ có thể giả vờ rất giống.
Cha mẹ là những người có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và yêu thương con cái, tự hào khi nhìn con mình ngày một trưởng thành hơn. Những đặc tính cơ bản này phải ăn sâu vào bản chất của những người làm cha làm mẹ. Nó cũng ăn sâu vào bản chất của nhiều loài động vật khác như sư tử, voi, cá heo, những loài biết bảo vệ và giúp đỡ con cái phát triển.
Tuy nhiên, có một số người mẹ và một số ít những người cha dường như thiếu đi những yếu tố cơ bản đó. Họ muốn thấy con mình mắc bệnh. Họ cố thuyết phục y tá, bác sĩ và những người khác rằng con họ bị bệnh trong khi đứa trẻ vẫn khỏe mạnh. Họ có thể giả vờ rất giống.
Họ sẽ bịa ra những câu chuyện sai trái, phóng đại tình trạng bệnh của đứa trẻ và thậm chí còn làm hại đứa trẻ. Họ khéo léo thể hiện mình là một người mẹ chu đáo và chiếm được lòng thương hại của người khác. Đây gần như một hình thức của hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, cho nên những người mẹ này không thấy vui vẻ khi đứa trẻ mạnh khỏe và trưởng thành. Những câu chuyện sai lệch của họ cho thấy họ biết rõ con mình không mắc bệnh.
Những người mẹ này mắc một rối loạn tâm lý ban đầu được biết đến dưới cái tên Hội chứng Munchausen by Proxy, đặt tên theo tên của Baron von Munchausen, một sĩ quan quân đội Đức nổi tiếng vì toàn kể những câu chuyện khoác lác về cuộc đời mình và thời kỳ tại ngũ. Rối loạn này hiện nay được gọi bằng cái tên “Factitious Disorder Imposed on Another” (tạm dịch: Rối loạn giả tạo áp đặt lên người khác) trong cuốn niên giáo DSM-5. (Frieden 2014). Động cơ của họ không phải là để kiếm tiền, né tránh các vấn đề pháp lý, kiếm việc làm hay cho con họ theo học tại một trường học đặc biệt.
Khi hành vi lừa đảo của những người mẹ này không bị phát hiện, họ sẽ nhận được rất nhiều sự cảm thông và quan tâm. Nếu bị đối chất, họ chối bỏ hành vi lạm dụng và biện minh đó là cách chăm sóc. Mặc dù kiểm tra y thế không chứng minh được đứa trẻ bị bệnh như họ mong muốn, các bác sĩ vẫn có xu hướng chẩn đoán dựa vào các triệu chứng của đứa trẻ do bà mẹ khai báo. Vì vậy, phát hiện bản chất lừa đảo của bà mẹ là không dễ dàng.
Những bà mẹ mắc hội chứng này thường làm ra những hành vi có hại đối với đứa trẻ để tạo ra các triệu chứng y tế. Đầu độc, làm đứa trẻ bị ngạt hay bỏ đói chúng đều từng được sử dụng. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong nằm trong khoảng 6 đến 10 phần trăm khiến những hành vi này trở thành hình thức lạm dụng gây chết người nhiều nhất. (Sheridan 2003)
Một trong những trường hợp đáng sợ nhất của hội chứng này thuộc về Marybeth Tinning, được phát hiện vào năm 1985 (Fisher 2016). Bà Tinning sinh năm 1942 và cưới Joe Tinning ở độ tuổi 23. Họ có tám đứa con ruột và một đứa con nuôi. Bọn trẻ lần lượt là: Barbara, Joseph, Jennifer, Timothy, Nathan, Michael (nhận nuôi), Mary Francis, Johnathan, và Tami Lynn. Trong khi bà Tinning có liên quan đến cái chết của những đứa trẻ, chồng bà lại không hề nhận ra bất kỳ điều gì không ổn.
Đứa trẻ đầu tiên qua đời là Jennifer mới chỉ 8 ngày tuổi. Cô bé được chẩn đoán xuất huyết màng não và đa áp xe não. Mười bảy ngày sau cái chết của Jennifer, bà Tinning mang con trai 2 tuổi của mình là Joseph đến phòng cấp cứu bệnh viện Ellis bởi đứa bé không thở. Đứa trẻ được chẩn đoán tim phổi ngừng hoạt động. Vài tuần sau, Marybeth vội vã đưa đứa con gái 5 tuổi của mình đến bệnh viện vì cô bé lên cơn co giật. Barbara qua đời ngay ngày hôm sau, được kết luận mắc hội chứng Reye.
Nhân viên bệnh viện tỏ ra nghi ngờ và báo cảnh sát nhưng các nhà nghiên cứu bệnh học đã xác định nguyên nhân tử vong là do tim ngừng hoạt động, từ đó mọi cơ hội điều tra đều bị ngăn chặn. Sau đó Timothy mới sinh được một tháng đã được đưa đến bệnh viện và cũng không cứu nổi. Bà Tinning nói với các bác sĩ rằng bà phát hiện đứa trẻ qua đời trong nôi.
Cái chết của đứa bé được liệt vào hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Nathan, đứa trẻ thứ năm, chết trong xe của Tinning sáu tháng sau khi sinh. Sau Nathan là Mary Francis, đứa trẻ thứ bảy được đưa tới bệnh viện trong tình trạng tim hoàn toàn ngừng đập, được các bác sĩ cho dùng máy thở nhưng vẫn qua đời vào hai ngày sau. Đứa trẻ thứ 8, Jonathan, cũng rơi vào tình trạng tim ngừng đập và được dùng máy thở nhưng vẫn qua đời sau 4 tuần. Kế đó là Michael, đứa con nuôi của hai vợ chồng Tinning, được đưa tới bệnh viện lúc 4 tuổi sau khi bị ngã cầu thang và đã ch.ết tại bệnh viện.
Nhân viên bệnh viện sau đó đã loại bỏ giả thuyết những cái chết trong gia đình Tinning là do yếu tố di truyền. Đứa trẻ thứ 9 và là đứa bé nhỏ nhất của bọn họ, Tami Lynn chỉ mới 4 tháng tuổi đã chết vì ngạt khói. Sở Cảnh sát và Dịch vụ Xã hội đều đã đến thăm nhà Tinning, cả hai vợ chồng Joe và Marybeth đều bị đưa đi thẩm vấn. Trong quá trình thấm vấn căng thẳng của cảnh sát, Marybeth thú nhận hành vi sát hại Tami Lynn, Timothy và Nathan. (Lovitt 2016)
Marybeth Tinning bị bắt giam và buộc tội mưu sát cấp độ hai. Bà ta bị kết án vào năm 1987 và nhận bản án 20 năm tù. Năm 2018, bà ta được thả. Khi ấy Marybeth đã 76 tuổi sau 31 năm bóc lịch. Joe có mặt để đón bà ta.
Câu chuyện này cho thấy hội chứng Munchausen by Proxy có thể tệ hại và đau đớn thế nào, đồng thời khó phát hiện ra sao. Các bác sĩ phải loại trừ bất kỳ bệnh lý thực thể nào có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của trẻ trước khi chẩn đoán MSP. Nếu không tìm thấy nguyên nhân thực sự của các triệu chứng, việc đánh giá kỹ lưỡng về lịch sử y tế của trẻ em, cũng như xem xét lịch sử gia đình và lịch sử y tế của người mẹ (nhiều người mắc hội chứng Munchausen) cũng có thể cung cấp những manh mối quan trọng. Hãy nhớ rằng, chính người lớn chứ không phải trẻ em được chẩn đoán mắc MSP.
____________________________________________________________
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/.../munchausen-syndrome...
Người dịch: Tâm lý học mỗi ngày