Nhận thức, ám thị và thôi miên
Làm sao Triệu Tước mỹ nhân có thể điều khiển và sai khiến kẻ khác làm theo ý mình?
HẢI ĐƯỜNG TĨNH NGUYỆT
Làm sao Triệu Tước mỹ nhân có thể điều khiển và sai khiến kẻ khác làm theo ý mình?
Cách đây đã lâu tôi có nói là sẽ viết một bài về ám thị nhưng cứ chần chừ mãi vì tôi không biết phải sắp xếp ngôn từ như thế nào. Chung quy tôi vẫn chưa tìm được một tài liệu giải thích nào thật sự ưng ý cả. Cơ mà dạo này lại bấn Miêu Miêu với Bạch Bạch nhà SCI lại nên moi óc gắng lục tìm tư liệu, góp nhặt chút kiến thức ít ỏi của mình để hoàn thiện bài này cho tình yêu Triệu Tước và Miêu Miêu của mình. Thế nên những gì tôi viết dưới đây đều là theo góc nhìn của tôi hiểu về ám thị, chứ không phải là dịch từ bất cứ tài liệu nào, nên nó chỉ có giá trị tham khảo, cung cấp một góc nhìn, cách giải thích về ám thị chứ không mang giá trị khoa học. Vì thế xin mọi người thứ lỗi nếu tôi mắc phải bất kỳ sai sót nào.
Trước khi nói về ám thị thì hãy để tôi nói về cơ chế của nhận thức và suy nghĩ. Đây là một khái niệm rất thông thường nhưng đồng thời cũng rất quan trọng vì ám thị và thôi miên đều dựa trên nền tảng khái niệm này.
Như mọi người đều biết, con người có năm giác quan, Thính giác (nghe), Thị giác (nhìn), Xúc giác (cảm giác qua da thông qua tiếp xúc, đụng chạm), Vị giác (mùi vị), Khứu giác (mùi hương). Khi kích thích các giác quan trên sẽ tạo ra tín hiệu truyền đến bộ não, từ đó quyết định ra phản ứng, suy nghĩ, hành động. Trong tâm lý học có một khái niệm gọi là ‘Absolute Threshold’ , tôi xin tạm dịch là ‘Ngưỡng tuyệt đối’ . Không phải bất kỳ kích thích nào cũng có thể tạo ra tín hiệu truyền đến bộ não, kích thích phải đạt được một mức độ nhất định để bộ não có thể nhận ra tín hiệu và phân tích. Nói một cách dễ hiểu thì Ngưỡng tuyệt đối là giới hạn thấp nhất mà kích thích phải đạt được để não bộ có thể nhận ra, phân tích và quyết định. Mỗi người có một Ngưỡng tuyệt đối khác nhau và phải thông qua thí nghiệm mới xác định được Ngưỡng tuyệt đối của từng người. Thông thường tâm trí của con người luôn có một rào chắn vô hình. Bất kỳ hình ảnh, thông tin, phản ứng, nhận xét…đều phải đi qua rào chắn đó để được phân tích và xếp loại thông tin. Thông tin tốt lưu trữ và thông tin xấu thì bị loại bỏ. Quá trình phân tích và xếp loại thông tin chính là “suy nghĩ”. Thông tin qua các giác quan được truyền đến não bộ, được não bộ “nhận thức” sau đó tiến hành quy trình sàng lọc. Ám thị, theo tôi, chính là tạo ra những kích thích dưới Ngưỡng tuyệt đối, đưa thông tin vào não bộ để lưu trữ nhưng do kích thích chưa chạm đế Ngưỡng tuyệt đối nên não bộ không kịp dựng nên rào chắn phân tích, liệt kê và so sánh. Thế nên ám thị nguy hiểm ở chỗ là não bộ không thể phân loại thông tin xấu, tốt mà cứ lưu trữ nó, liên tục, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, tín hiệu chồng lên tín hiệu, tạo ra hiệu quả cực lớn mà người ta không thể lý giải được tại sao mình lại hành động như thế.
Bạn có bao giờ gặp trường hợp khi bạn muốn mua một chiếc áo thì bất chợt trong đầu bạn hiện ra hình ảnh thiết kế của chiếc áo, nhưng bạn không nhớ là mình đã nhìn thấy nó ở đâu hoặc xuất sứ từ nơi nào, hay ai đã mặc nó chưa? Chỉ là ngẫu nhiên hiện ra mà thôi. Hoặc là bạn nhìn thấy một bức tranh, thấy quen quá, nhưng không biết là đã xem chỗ nào rồi, ráng vặn đầu óc mà vẫn không tài nào nhớ ra nổi? Đây chính là ví dụ của Ngưỡng tuyệt đối. Lần đầu bạn nhìn thấy bức tranh ấy, ví dụ bạn cần nhìn hình ảnh ấy 1s để tín hiệu kịp truyền đến bộ não, phân tích, và quyết định phản ứng như đẹp quá, xấu ớn, thấy ghê để cho bạn có ấn tượng nhưng bạn chỉ nhìn nó có 0.5s thôi vì thế hình ảnh chỉ kịp truyền đến não bộ và nằm đó vì kích thích chưa đủ để cung cấp thông tin lưu trữ và tạo ra phản ứng. Lần sau bạn nhìn thấy cùng hình ảnh, nhưng bạn nhìn nó khoảng 1s hay hơn, thì bây giờ hình ảnh lúc trước được não bộ bạn lôi ra, sau đó tô đậm lại và cất vào kho lưu trữ cùng thông tin. Kích thích đầu tiên được lưu trữ và làm nền cho kích thích thứ hai của cùng một vật, đồng thời tạo ra ấn tượng, điểm nhấn, và thông tin ghi nhớ.
Bạn có bao giờ hỏi tại sao những nhà quảng cáo lại đặt những tấm áp phích, pa nô thật lớn với những hình ảnh đặc sắc rực rỡ, hay những những đoạn quảng cáo trên ti vi cùng với giai điệu bắt tai bắt mắt? Cái họ cần đây chính là sự chú ý của bạn, nhưng nếu bạn không có thời gian để coi hết đoạn quảng cáo, và đọc hết những gì viết trên pa nô, áp phích? Không sao, họ có phương án thứ hai, chính là lợi dụng Ngưỡng tuyệt đối. Ví dụ như nhà sản xuất đặt pa nô quảng cáo Pepsi ngay nơi trọng điểm của giao thông thì bạn đâu có thời gian đứng nhìn hết tấm pa nô, vì thế, cái mà họ quan trọng chính là màu sắc đánh vào thị giác của bạn. Ngày nào bạn cũng đi ngang qua tấm pa nô nó, thấy thoáng qua những màu sắc trắng xanh, và đỏ đại diện cho thương hiệu thì tôi chắc rằng đến khi bạn muốn mua nước ngọt thì trong đầu bạn sẽ chợt hiện ra sắc trắng, xanh, đỏ của Pepsi dẫn đến khi bạn đi ngang qua gian hàng nước ngọt, bạn sẽ chọn Pepsi vì màu sắc tượng trưng cho hãng đã in vào trong đầu bạn, đánh lừa đi suy nghĩ của bạn và cho rằng Pepsi uống ngon nhất. Sự chú ý của bạn đến mẫu quảng cáo tuy quan trọng nhưng chỉ mang nghĩa nhất thời vì nó có thể bị thay thế bởi những màn quảng cáo ấn tượng khác, còn tầm quan trọng của âm thầm truyền đạt những thông tin dưới Ngưỡng tuyệt đối lại là dài lâu. Vì thế tôi trộm nghĩ các nhà quảng cáo tập trung vào việc lợi dụng Ngưỡng tuyệt đối hơn là thu hút sự chú ý của bạn. Và thật ra là trong quảng cáo có một điều luật nghiêm cấm lạm dụng khái niệm Ngưỡng tuyệt đối vì thiệt hại tâm lý mà nó có thể gây ra khiến người tiêu dùng bị ám ảnh với sản phẩm của họ nhằm tăng doanh thu.
Ám thị và thôi miên đều dựa trên cách nắm bắt Ngưỡng giới hạn và đưa ra những kích thích dưới mức đó. Thôi miên là khiến cho bạn hạ rào chắn tâm lý xuống, bỏ đi phòng bị, để cho những mệnh lệnh của người thôi miên đi thẳng vào trong não bộ và làm theo chúng. Đây chính là ám thị bằng thôi miên, mà theo tôi cũng là kiểu ám thị trực tiếp, mệnh lệnh được đưa ra rõ ràng, thời gian cần để hoàn thành ám thị trực tiếp nhanh hơn ám thị gián tiếp nhưng với điều kiện người bị ám thị phải hoàn toàn tuyệt đối tin tưởng người ám thị. Ví dụ như trường hợp của Bạch đại ca Bạch Cẩm Đường và Triển Chiêu, Bạch đại ca là người có tâm lý rất vững, rào chắn rất mạnh nên mỗi thông tin đều được não bộ phân tích kỹ lưỡng nên muốn thôi miên anh rất khó, ngay cả Triển Chiêu là người được anh tin tưởng cũng gặp khó khăn. Mãi mới làm anh buông lỏng tâm lý và chỉ dẫn anh đi tìm lại ký ức đã mất.
Trong SCI, nhân vật Triệu Tước là thiên tài về thôi miên, ám thị, điều khiển suy nghĩ của kẻ khác. Lúc Triển Chiêu đến thăm Triệu Tước lần đầu, nhìn thấy Triệu Tước đang vẽ tranh, chỉ vẽ duy nhất cây Vân Môn trắng. Xung quanh phòng tràn ngập hàng chục, hàng trăm bức tranh Vân Môn. Tự bản thân Vân Môn vốn có độc lại được Triệu Tước lồng thêm ám hiệu vào trong đó, hình ảnh Vân Môn vừa là để che dấu, vừa là làm nền tô đậm cho ám hiệu, giống như xấu càng thêm xấu. Triệu Tước chính là lợi dụng khái niệm ngươngx tuyệt đối để hoàn thành mục đích ám thị của mình. Như tôi nói ở trên, thị giác đưa thông điệp vào não bộ, để đó, qua thời gian, từ từ tô đậm thông điệp đó lên nhưng không để cho não bộ phát hiện vì nó ở dưới Ngưỡng tuyệt đối, nhưng chỉ cần kích thích cuối cùng chạm Ngưỡng tuyệt đối, đó là lúc tất cả các thông điệp từ trước đến giờ hoà làm một, có sức ảnh hưởng rất lớn, vượt qua tầm kiểm soát của não bộ , khiến cho người ta bị ám ảnh và tạo nên hệ quả như mong muốn của kẻ ám thị. Đó là lý do tại sao trong chục năm bị giam, Triệu Tước chỉ vẽ duy nhất một bức tranh, lập đi lập lại, và tại sao những người đã tiếp xúc với bức tranh đều phải được đi điều trị tâm lý. Ai cũng nghĩ khiến cho Triệu Tước nói không được là đã chặt đi khả năng dùng ám thị của ông, nhưng ám thị không nhất thiết phải qua lời nói (ám thị trực tiếp) mà còn có thể qua hành động (ám thị gián tiếp), thông tin được đưa ra dưới dạng ẩn hoặc che giấu, làm cho đối tượng không ý thức được mục đích, yêu cầu của người ám thị và tiếp nhận nó một cách từ từ, không chủ định. Ông dùng ám thị khiến Trương Bác Nghĩa đưa mình ra khỏi trại giam, đồng thời khiến hắn phải tự sát theo như ý muốn cua mình. Tôi đang trộm nghĩ, nếu muốn chặt đứt khả năng ám thị của ông thì chắc chỉ có nước trói ông lại một chỗ, dán miệng lại, không cho ông nói, cũng không cho ông làm gì thì mới được quá.
Triển Chiêu đã phải trải qua cả một ngày nghiên cứu tranh Triệu Tước vẽ mới phát hiện ra thông điệp ẩn dưới bức tranh mà những người nhìn nó mấy năm qua đều không phát hiện được, một phần là do họ không có chủ đích nghiên cứu bức tranh, chỉ nhìn thoáng qua, một phần là do Ngưỡng tuyệt đối của họ cao. Có một số người nhạy cảm, như Triển Chiêu, thì Ngưỡng tuyệt đối lại thấp, nghĩa là có một số kích thích, ám hiệu mà những người chung quanh không nhận ra, anh lại có thể thấy được. Thêm một điều, khi anh nghiên cứu tranh Triệu Tước, anh đẩy Ngưỡng tuyệt đối của mình xuống thấp thêm nữa, để có thể nhận ra những chi tiết nhỏ nhất trong tranh thông qua sự tập trung tuyệt đối, môi trường im lặng, và nâng cao khả năng hoặc động của các giác quan. Cũng giống như Triển Chiêu, vị phu quân họ Bạch của Triệu Tước có Ngưỡng tuyệt đối khá thấp mới có thể phát hiện ra ám thị của ông và vô hiệu hoá nó. Vậy nên mới có thể trị được yêu nghiệt mỹ nhân.
Một nhà tâm lý học nổi tiếng người Anh, Derren Brown, đã thực hiện một thực nghiệm cho thấy mối liên quan giữa Ngưỡng tuyệt đối và ám thị, cách mà anh đưa thông điệp vào não bộ người khác, vô hình điều khiển, khiến cho người ta làm theo và cho ra kết quả giống như ý muốn của anh. Derren mời hai người làm trong ngành quảng cáo đến từ Mỹ để thiết kế tấm poster quảng cáo cho bất kỳ cửa hàng, công ty nào mà họ thích. Tấm áp phích phải có bảng hiệu, tiêu đề tượng trưng cho sản phẩm hay slogan, nhãn hiệu. Khi hai người hỏi Derren sản phẩm mà họ phải dựa trên để làm poster là gì thì Derren chỉ một loạt tượng gấu, đầu hươu, con mèo chết được nhồi bông… Derren đã có bản thiết kế riêng của mình. Và anh đoan chắc là ý tưởng của hai nguoi nọ sẽ giống mình. Thật vậy, khi hai nhà quảng cáo so sánh bản vẽ của mình với Derren, họ ngỡ ngàng thì thấy bản vẽ trùng ý tưởng đến 90%. Cả hai cùng làm tấm poster cho một nơi lo chuyên lo hậu sự cho thú cưng của bạn khi chúng mất. Cả hai bản vẽ đều có hình ảnh con gấu đang ôm đàn hạc, đôi cánh thiên thần, cánh cổng với bảng hiệu Zoo và dòng chữ Heaven (best place for dead animal). Chỉ khác ở chỗ vị trí của các hình ảnh. Họ không hiểu vì sao Derren có thể đọc được suy nghĩ của họ mà làm ra một bản vẽ y chang đến thế. Thưc sự thì Derren dùng khái niệm Ngưỡng tuyệt đối để lồng thông điệp vào trong não bộ họ. Khi đón hai người từ sân bay, anh cố ý lái xe đi vòng vòng quanh phố, này thì một đoàn người mặc áo xanh in hình cánh cổng với chứ Zoo làm bảng hiệu, này thì cửa hàng trưng bày một cây đàn hạc ngay bên cửa kiếng, này thì hình ảnh đôi cánh với dòng chữ heaven bên dưới, này hình nguyên một bức tượng gấu ở trong văn phòng. Derren cố ý để những bức hình đó ở nơi dễ thấy nhất nhưng không quá nổi bật, chỉ đủ để họ có hình ảnh đó trong khu dữ liệu và tạo ra kết quả như anh mong muốn. Ám thị của Triệu Tước cũng tương tự như thực nghiệm của Derren, cố tình mà như vô tình để cho những người xung quanh thấy được những bức tranh, hành động tưởng chừng như vô nghĩa của mình nhưng lại ẩn chứa thông điệp, chỉ cần tác động, đưa ra chút gợi ý là đã có thể khiến cho người khác suy nghĩ, hành động theo ý mình muốn.
Thực nghiệm của Derren Brown
Derren Brown còn có nhiều thực nghiệm khác về điều khiển tâm lý, nếu bạn có thời gian và muốn tìm hiểu sâu thêm nữa, bạn có thể lên YouTube để tìm xem clip của ông. Thật ra, ám thị, thôi miên, điều khiển, đọc vị người khác đều dựa trên những khái niệm cơ bản về cách não bộ con người hoạt động, cách chúng ta phát hiện ra thông tin, học và tiếp thu kiến thức mới…Một nhà tâm lý học giỏi, chính là người hiểu cặn kẽ đến từng chân tơ kẽ tóc các khái niệm này vì tuy tư duy não bộ của mỗi con người khác nhau nhưng đều có cùng cách vận hành ví dụ như cách các nơ ron giao tiếp và truyền thông tin, những cái đó đều không thay đổi. Nhưng từ cái gốc ấy, bạn có thể suy ra hàng trăm, hàng vạn trường hợp khác. Vì thế tôi hy vọng sau khi các bạn đọc xong bài này sẽ hiểu thêm về những khái niệm cơ bản và có thể áp dụng chúng trong tương lai gần, như khi bạn đọc SCI chẳng hạn.
_____________________
Nguồn: https://hiroshimi.wordpress.com/2013/12/22/series-tam-ly-hoc-nhan-thuc-am-thi-va-thoi-mien/