Nhu cầu được chia sẻ

NHU CẦU ĐƯỢC CHIA SẺ
Một trong những điều đáng yêu nhất mà trẻ nhỏ thường làm khi trở về từ trường là líu lo kể chuyện với người thân yêu nào đó có mặt bên cạnh, về tất cả những gì đã xảy ra với chúng từ lúc ngày mới bắt đầu, khoảng 8 giờ sáng.
Margo vừa có một chú chó mới, và chú ta được gọi là “chó con”, chỉ đơn giản là “chó con” – có phải đó là cái tên ngốc nghếch và nhàm chán nhất dành cho một chú chó không nhỉ? Sao không gọi là Zeus, hay Cuddlebuddle, hoặc một cái gì thú vị hơn? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cạo trọc lông một con tinh tinh? Còn thầy Willis thì giống như một cục phân to ụ. Ông ấy chẳng bao giờ tắm rửa, và ông nghĩ đọc sách là điều bình thường nữa chứ.
Thế là câu chuyện cứ thế tiếp diễn, như những dòng suy tư nhỏ bé tung tăng khám phá thế giới. Líu lo mãi cho đến giờ ăn tối, rồi đến lúc tắm rửa. Nếu có một vệ tinh gián điệp bay qua các ngôi nhà vào khoảng 5 giờ chiều, hẳn đó sẽ là thứ âm thanh duy nhất bạn nghe thấy từ loài người.
Sau đó, khi lũ trẻ đã yên giấc, những cuộc trò chuyện lại tiếp tục giữa người lớn – theo một cách hơi khác nhưng về bản chất cũng chẳng mấy thay đổi: câu chuyện về sếp, những chuyến tàu lỡ, công việc quên mất hạn chót, mắt cá chân đau nhức, bụng kêu òng ọc, đồng nghiệp khó chịu, một ý tưởng mơ hồ về việc học lại nghề khác, hay một giấc mơ bỏ phố về miền Nam.
Người ta thường nói rằng chúng ta là những sinh vật xã hội – nhưng ý nghĩa thực sự của điều này đôi khi trở nên mờ nhạt. Có lẽ ý nghĩa sâu xa nằm ở chỗ nhiều niềm vui, nỗi buồn, câu hỏi và âu lo của chúng ta sẽ chẳng cảm thấy thực sự rõ ràng, thậm chí không hoàn toàn hiện hữu, cho đến khi có ai đó lắng nghe, phản hồi và xác nhận rằng những điều đang cuộn trào trong ta là có giá trị. Để biết mình tồn tại, ta cần ai đó ở bên cạnh nói: “Cứ kể tiếp đi nào…” hoặc “Nghe thú vị đấy…”, “Nghe mà thương, khổ thân cậu quá” hay “Đừng bận tâm đến họ làm gì.”
Một nỗi lo sẽ chẳng thể nguôi ngoai cho đến khi ta có thể diễn đạt nó với người khác. Một khoảnh khắc đẹp đẽ sẽ không trở nên trọn vẹn nếu ta không kể lại và nghe ai đó thốt lên: “Trời ơi, thật tuyệt vời, ai mà ngờ được nhỉ.” Ta cũng khó lòng biết trân trọng bản thân mình nếu không kể về một thành tựu nhỏ và nhận được lời đáp: “Hay quá, cậu đã cố gắng hết mình để đạt được điều đó.” Và đôi khi, ta không thể tự tha thứ cho mình cho đến khi thú nhận những điều ngốc nghếch và đáng xấu hổ với một người đủ rộng lượng và thấu cảm, để họ nhẹ nhàng nói: “Không sao đâu, đừng tự dằn vặt mãi. Cậu đã xin lỗi rồi, giờ thì bước tiếp đi…”
Điều kỳ lạ là những điều này nghe có vẻ quá đỗi đơn giản. Một trong những yếu tố quan trọng nhất của cuộc sống lại có cái vẻ ngoài tầm thường đến mức dễ bị lãng quên. Vì thế, ta dễ dàng bỏ qua điều đang âm thầm nuôi dưỡng mình, và cũng khó nhận ra nguyên nhân thực sự của những nỗi lo lắng hay buồn bã. Thay vì hiểu rằng ta đang cô độc, thay vì nhận ra khao khát có ai đó nói rằng: “Không, hoàn toàn không đâu, cậu có mọi lý do để cảm thấy như vậy…”, ta lại uống rượu, xem những thứ vô nghĩa, tiêu tiền vào những chuyện ngớ ngẩn, hoặc để mình chìm vào sự hoang tưởng và sợ hãi.
Nếu cảm thấy bồn chồn, khó chịu, hoặc công việc và tình yêu bỗng dưng mất đi sự hấp dẫn, có lẽ nguyên nhân không phải điều gì to tát, nhưng cũng chẳng hề nhỏ bé. Có thể đơn giản chỉ là ta chưa có đủ cơ hội để giãi bày, để được ai đó thấu hiểu và phản hồi những niềm vui, nỗi đau vừa lóe lên trong ta. Ta lãng phí rất nhiều thời gian mà không nhận ra những thành phần thực sự cấu tạo nên sự hài lòng, hay những mục tiêu đáng để theo đuổi. Vì vậy, hơn tất cả, ta nên khao khát có được một, hai người đồng hành – những người đủ gần gũi và thấu cảm – để đôi khi ta có được đặc ân quý giá: cùng nhau sẻ chia những trang mới, dù lớn hay nhỏ, trong cuốn sách đời ta.
Nguồn: THE NEED FOR PROCESSING