Khi sự tổn thương tâm hồn đến từ người mẹ: the mother wounds, mama’s boy & more
Điều gì sẽ xảy đến nếu người mẹ - người mà tạo hoá ban cho ta mối gắn kết yêu thương đầu tiên và mạnh mẽ nhất - lại không hề thấu hiểu hay quan tâm đến cảm xúc của chúng ta?
Ở bài viết “Daddy” Issues - khi những vết thương từ bố thường đến từ sự bỏ mặc, sự trống vắng hay sự thiếu quan tâm từ người cha; thì nỗi đau tến từ mẹ - có lẽ mang một chút khác biệt. Có lẽ đây cũng là bài cuối trong chuỗi những bài viết về bố mẹ, vì mình đã viết quá nhiều về nó.
Mẹ, trong tất cả mọi ngôn ngữ của loài người - là một từ thực sự thiêng liêng và cao cả: một người dùng cơ thể mình để nuôi dưỡng ta từ một bào thai; mẹ là người đầu tiên tương tác gần gũi với chúng ta khi ta mở mắt lần đầu tiên trong đời. Thậm chí oxytocin - hoóc môn của tình yêu cũng được ghi nhận là được tiết ra ở mức cao nhất khi người mẹ lâm bồn - nhằm thúc đẩy sự tin tưởng cho mối quan hệ gắn kết giữa mẹ và đứa trẻ trong tương lai (Chard và các đồng sự, 1971).
Vậy điều gì sẽ xảy đến nếu người mẹ - người mà tạo hoá ban cho ta mối gắn kết yêu thương đầu tiên và mạnh mẽ nhất - lại không hề thấu hiểu hay quan tâm đến cảm xúc của chúng ta?
Và Theo các nhà phân tâm học, đó là khi “vết thương lòng từ người mẹ” xảy ra - the mother wounds.
Đặc biệt ở con trai, quan hệ giữa mẹ và một người con trai nếu QUÁ MỨC PHỤ THUỘC đến mức họ thực sự không có các giới hạn rõ ràng giữa con trai độc lập và mẹ. Họ không thể tự mình tách khỏi mẹ, và luôn cần đến mẹ cho các nhu cầu về cảm xúc, nhu cầu sống cơ bản và phụ thuộc kinh tế.
SỰ TỔN THƯƠNG TỪ NGƯỜI MẸ BIỂU HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Nỗi đau này có thể xuất hiện ở cả nam và nữ như nhau, khi người mẹ có những biểu hiện như:
- Người mẹ ấy luôn hỗ trợ và quan tâm con mình đầy đủ nhu cầu vật chất (chỗ ở, thức ăn, quần áo ấm,..) nhưng không trao đi tình yêu thương, sự quan tâm thấu hiểu và khiến đứa trẻ cảm thấy không an toàn (không cảm nhận được tình yêu thương từ những hành động chăm sóc). Thiếu đi những cuộc hội thoại chan chứa tình yêu, đứa trẻ lớn lên bước vào tình yêu và gặp những câu chất vấn từ người bạn đời như: “Tại sao anh/em không nói cho tôi biết em đang nghĩ gì?” ; “Tại sao anh/em lại trở nên xa cách và khó hiểu đến vậy?”. Ta học về tình yêu từ mối quan hệ với bố mẹ từ thuở nhỏ, và khi tình yêu ấy là một loại cảm xúc nhạt nhẽo và xa cách - ta học được rằng không thể tin tưởng một ai cả.
Đứa trẻ ấy có thể trở nên lúng túng và khó khăn khi phải cam kết lâu dài hay giữ gìn mối quan hệ bền chặt với người khác. Họ có thể liên tục tìm kiếm cảm giác “đúng” và “tình cảm yêu thương an toàn” từ người này sang người khác.
- Dù ở bên cạnh đứa trẻ, nhưng người mẹ ấy lại dường như không có sự đồng cảm với con mình. Họ không dùng sự thấu cảm để giúp đứa trẻ soi rọi những cảm xúc hỗn độn bên trong mình và dạy nó quản lý hay đặt tên những cảm xúc ấy - mà họ lại chọn cách ngăn cấm hoặc phản đối đứa trẻ được bộc lộ cảm xúc của riêng nó. Họ sẵn sàng gạt đi những cảm xúc tiêu cực mà đứa trẻ có thay vì hỏi rõ, họ có thể nói rằng “có mẹ ở đây sao con lại buồn, con không vui vì mẹ bên cạnh?” Thay vì hỏi “tại sao con lại cảm thấy tủi thân?”.
Việc này sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy mình không được chấp nhận như một cá thể riêng biệt, mình không được công nhận và yêu thương bởi mẹ - nhưng sâu trong lòng họ vẫn luôn khao khát nó. Họ khao khát sự công nhận của mẹ bằng mọi giá - điều này có thể biến họ trở thành một người mà khác để đạt được mong muốn đó.
- Không những thế, có những người mẹ thậm chí có xu hướng cực kì phê phán, chỉ trích hướng đến đứa trẻ nếu nó không làm theo ý họ hoặc làm phật lòng họ. Đứa trẻ, như đã nhắc đến ở trên, sẽ vì thu hút sự chú ý từ họ mà cam nguyện làm mọi thứ - cho dù đó có là phản bội chính mong ước thực sự của bản thân mình. Ngoài ra, nó có thể trở thành một đứa trẻ cầu toàn - một người theo đuổi sự hoàn hảo và luôn sống với những căng thẳng và lo âu cao vì lo sợ sự thất bại; sợ hãi sự chỉ trích, phê bình rằng bản thân không đủ tốt, không xứng đáng với sự kỳ vọng của mẹ.
- Họ mong muốn đứa trẻ mang đến cho họ những cảm xúc mà họ cần, những nhu cầu mà họ thiếu. Họ dường như hy vọng rằng đứa trẻ sẽ giúp họ hàn gắn những sự trống vắng và cô đơn; sẽ là một người giúp họ thực hiện những mong muốn - một việc thực sự quá khó với những đứa trẻ non nớt. Đôi khi, có những người mẹ liên tục nói với con cái rằng: “họ không thể sống thiếu con cái”, rằng mục đích duy nhất họ sống trên đời này chính là được “gắn liền” với cuộc đời của đứa con. Với những bà mẹ mang xu hướng ái kỷ, họ thậm chí mang một tiềm thức mạnh mẽ rằng sẽ sống cuộc đời của họ thông qua những đứa trẻ. Rằng những đứa trẻ sẽ phải tiếp tục sống và trưởng thành với mục tiêu và trách nhiệm để trở thành những “người bảo hộ của mẹ”, “là người cứu rỗi cuộc đời mẹ” hoặc có trách nhiệm phải khiến mẹ làm được hoặc trở thành “người mà bà mong muốn” và “Sống cuộc đời mà bà muốn sống” nhờ sự cố gắng của đứa trẻ.
Cách mà người mẹ nhìn nhận về bản thân mình, những giá trị quan mà người mẹ mang theo như hợp nhất với đứa trẻ. Vì đối với người con - mẹ là một hình mẫu ảnh hưởng rất lớn, vì sự tồn tại của những đứa trẻ lúc nhỏ phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Đứa trẻ tiếp thu cách mà người mẹ nhìn nhận về cuộc sống, cũng như học luôn những cơ chế phòng vệ của người mẹ khi trưởng thành. Những cơ chế phòng vệ ấy có thể là lối suy nghĩ mình là nạn nhân; có thể là những tư duy sai lệch về các mối quan hệ (đàn ông phải như thế nào? phụ nữ phải ăn mặc, đi đứng, hành vi như thế nào?…hay phải sống vì điều gì: tiền bạc, địa vị, tình cảm,…hay chính mình?).
Đối với con trai, việc thừa nhận rằng mình mang những tổn thương từ mẹ hay mẹ đã làm những việc ảnh hưởng đến lối sống và cảm xúc của mình, thực sự rất khó khăn. Trong các nghiên cứu tâm lý về sự phụ thuộc giữa mẹ và con, trong các gia đình thiếu bóng dáng người cha (đi vắng hoặc không sống chung), đứa trẻ nam sẽ phải trở thành hình mẫu “người đàn ông” trong gia đình đó và phải nhận trách nhiệm về vấn đề cảm xúc của mẹ mình. Và những cảm xúc của người mẹ thường sẽ rất độc đoán hoặc yếu đuối.
Có lẽ, đàn ông được dạy và quan sát nỗi khổ của mẹ và nhận ra rằng: họ phải bảo vệ mẹ và cảm xúc của mẹ BẰNG MỌI GIÁ. Đối với nhiều người đàn ông, có lẽ không có gì đáng sợ bằng việc nhìn thấy và nhận thức rằng mẹ mình mang những vết thương đau đớn. Đối với họ, mẹ họ bị tổn thương là một cảm xúc kinh hoàng và thậm chí như một hố sâu tăm tối mà khi nhìn thấy họ sẽ không biết cách khống chế nó, dẫn đến không có đường lui.
Tệ hơn nữa, đứa trẻ nam ấy lớn lên còn có thể trở thành một “mama’s boy” - Từ “Mama boy” được sử dụng lần đầu tiên vào những năm đầu thế kỷ 19. Và từ này được dùng rộng rãi bởi các nhà nghiên cứu tâm lý về sự phát triển của trẻ em và các lý thuyết bởi các nhà nghiên cứu khác. Trong đó kể đến như Sigmund Freud và Benjamin Spock. Từ rất lâu trước đây, các nhà tâm lý học đã tin rằng SỰ ẤM ÁP VÀ LẠNH NHẠT CỦA NGƯỜI MẸ THƯỜNG LIÊN QUAN ĐẾN CÁC VẤN ĐỀ TÂM LÝ Ở TRẺ EM, đặc biệt là các bé trai.
Một “mama’s boy” thường được nhận biết như một chàng trai có giới hạn tiêu cực về mối quan hệ giữa bản thân đối với người khác. Ví như: luôn phải hỏi ý kiến người khác trước khi quyết định một điều gì đó (thiếu quyết đoán); có các nhu cầu phi thực tế hoặc phụ thuộc kinh tế, sinh hoạt vào người khác. [Ở Việt Nam có một bài Rap thường được dùng để châm chọc nhau về vấn đề này là bài “Con trai cưng” của Rapper B Ray với những câu như “Gọi nó là con trai cưng, chưa từng tự mình đứng vững 2 chân”]
- Hoặc như, vì cuộc sống bận rộn hoặc mải mê theo đuổi những đam mê và cuộc sống riêng của họ - họ dường như không đủ thời gian và tâm sức để quan tâm và có mặt kịp thời bên cạnh đứa trẻ (họ có thể nhờ người khác chăm sóc đứa trẻ, hoặc thậm chí dạy đứa trẻ ngoan ngoãn ở nhà chờ họ.). Điều này có thể dẫn đến việc đứa trẻ dần hình thành suy nghĩ độc lập rằng chúng có thể không cần phụ thuộc cảm xúc vào ai; rằng chính bản thân chúng đã đủ khả năng yêu thương và che chở cho chính mình.
Nhiều trẻ em lý tưởng hóa hình ảnh người mẹ và người chăm sóc, cũng như có xu hướng phủ nhận, hoặc che đậy những hành vi ngược đãi cảm xúc và xa lánh của bố mẹ. Đối với một đứa trẻ, người mà nó yêu thương nhất và dựa dẫm là bố mẹ, cho nên việc phải chấp nhận hoặc đối diện với các lỗi lầm mà bố mẹ gây nên cho chúng thực sự đáng sợ.
Do vậy, đứa trẻ hợp nhất các thái độ tiêu cực, cũng như chấp nhận suy nghĩ rằng chúng không thể được yêu thương, chúng tồi tệ, chúng là một gánh nặng,.. như một cách đứa trẻ dùng để tấn công chính mình.
Kết quả là, những suy nghĩ ấy theo chúng lớn lên. Chúng vẫn duy trì cảm giác tự bồi đắp sự chăm sóc cho bản thân, duy trì cảm giác độc lập, mang theo suy nghĩ rằng mình có thể độc lập và không cần người khác. Họ tiếp tục quá trình vừa tự chăm sóc bản thân vừa trừng phạt bản thân họ như cái cách mà họ từng được đối xử bởi người lớn.
- Và một điều mà rất nhiều bài viết trong page từng nhắc tới: những vết thương chưa lành của người lớn. Người mẹ ấy có lẽ cũng từng là một cô gái trẻ vụn vỡ, một cô gái sống qua những vết thương cảm xúc, từng bị bạo hành, bị lạ.m dụng, bị bỏ mặc cảm xúc,..Và đến tận lúc đã trở thành mẹ, cô gái ấy vẫn không thể vượt qua hoặc không nhận ra rằng những sang chấn tinh thần ấy luôn bám dính lấy họ. Và khi một người bị đau chân, họ có lẽ chỉ tập trung vào cái chân rỉ máu của chính mình mà không thể để ý rằng người bên cạnh họ cũng đang mang thương tổn.
Việc để những nỗi đau chưa được chữa lành dày vò mình, họ dường như không thể tự yêu thương và chăm sóc bản thân. Họ không thể theo đuổi một lối sống lành mạnh, tích cực. Từ đó họ không biết cách truyền tải và nuôi dạy đứa trẻ yêu thương bản thân mình - và đứa trẻ lớn lên, bước vào dòng đời, bước vào tình yêu với số không tròn trĩnh về giá trị bản thân. Chúng dễ dàng rơi vào cảm xúc vô vọng và cảm thấy mình yếu kém khi nghĩ rằng bản thân vô giá trị và không ai cần mình.
Một vấn đề khác cũng đáng để nhắc tới, nhiều người mẹ chọn những cách giải quyết cảm xúc như trốn tránh vấn đề, họ muốn thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt và đầy rẫy đơn độc ấy bằng cách lao vào chất kích thích. Là những cuộc tiệc tùng xuyên đêm với bạn bè, là những làn khói nhả khắp căn phòng, là những đêm chăn gối lạnh lẽo vì người mẹ bận tìm kiếm ham muốn của riêng mình.
NHỮNG VẾT THƯƠNG ẤY KHIẾN ĐỨA TRẺ LỚN LÊN NHƯ THẾ NÀO?
- Thiếu đi hoặc không có khả năng thiết lập ranh giới và sự tôn trọng cần thiết cho bản thân mình và người khác. Ví dụ như trong tình yêu, nếu đứa trẻ này sợ hãi mất đi người kia chúng sẽ trở nên kiểm soát hoặc tìm cách thao túng bằng cách “lấn chiếm” ranh giới cảm xúc của người bạn đời. Bằng cách dùng những câu nói như “em không quan tâm đến anh à? Khi anh ta cảm thấy như bị bạn gái “chối bỏ” và “ít coi trọng” khi cô ấy bộc lộ mong muốn và nhu cầu của riêng cô. Việc người yêu mình thiết lập ranh giới an toàn của riêng họ khiến người đó cảm thấy mình như sắp bị “bỏ lơ”, nỗi sợ hãi bên trong bị “kích hoạt” và dâng trào lên khiến họ thực hiện những lời nói hay hành vi gây hấn thụ động; anh ta có thể nghĩ rằng cô gái ấy có trách nhiệm phải khiến anh ta cảm thấy tốt và thoải mái thay vì để anh ta một mình chịu đựng. Anh ấy có thể khiến cô gái cảm thấy tội lỗi nếu như cô gái làm những việc mình thích mà không bày tỏ sự “quan tâm đặc biệt” đến anh ta.
- Họ cảm thấy không an toàn và không hoàn toàn hài lòng với vẻ ngoài của mình (cảm thấy mình chưa bao giờ tốt, kể cả ngoại hình).
- Rơi vào mối quan hệ phụ thuộc (một mối quan hệ mà một người luôn mong muốn tìm kiếm giá trị ở người kia; còn người kia thì biết rõ mình đang tiếp tay cho người kia huỷ hoại họ nhưng vẫn không giúp đỡ hỗ trợ, mà vẫn ở lại tận hưởng sự hi sinh và tình yêu mãnh liệt vô ranh giới đó trong vô thức hoặc có ý thức.)
- Không có khả năng hoặc thiếu đi nhận thức về việc hoá giải, thấu hiểu và điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Không biết cách làm dịu cảm xúc theo cách lành mạnh (họ chối bỏ cảm xúc; hoặc quá lậm vào suy nghĩ tiêu cực; hoặc “giận cá chém thớt” lên người khác hoặc lên xã hội,…).
- Tất nhiên - họ mang theo NỖI SỢ BỊ BỎ RƠI.
- Họ có ánh nhìn chỉ trích và phê phán cực kỳ sắc bén hướng về bản thân; cũng như luôn so sánh bản thân với người khác theo cách tiêu cực => tiếp tục hướng sự thù ghét vì chì chiết về chính mình.
- Họ sợ hãi rằng mình sẽ làm mẹ đau khổ; họ luôn phải tìm đến mẹ và cần sự công nhận của mẹ trước khi làm bất cứ việc gì hay thực hiện các quyết định gì của riêng họ. Lấy ví dụ ở “mama’s boy” - khi 1 cô gái yêu một “chàng trai nhỏ của mẹ (chàng nhỏ ấy đã hơn 30t) - bạn sẽ có cảm giác như mẹ anh ấy là “người thứ 3” trong mối quan hệ giữa 2 người. Việc anh ấy luôn phụ thuộc vào ý kiến của mẹ về nhiều quyết định trong cuộc sống khiến mẹ anh ấy luôn tham gia vào các vấn đề riêng của anh ta và bạn. Bạn có thể sẽ thấy khó mà hài lòng được khi mẹ anh ấy đưa ra ý kiến trong các cuộc tranh luận hay cãi vã giữa bạn và bạn trai. Hoặc thậm chí nếu anh ấy không hề có chút xa cách nào với mẹ, anh ta sẽ tiết lộ chi tiết về bạn và mối quan hệ của hai người - một việc có thể làm bạn hoàn toàn không thoải mái. “Bạn dường như trở thành một người “bên lề” hoặc ở phe khác nếu như mẹ anh ấy và bạn có bất kỳ bất đồng nào” - câu bình luận được nói bởi Tiến sĩ tâm lý Debra Mandel. (Đọc thêm về bài mama’s boy: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=362591781897901&set=pb.100044412460250.-2207520000..&type=3)
- Họ không tin tưởng bản thân mình. Một người không tin tưởng bản thân mình, làm sao có thể tin tưởng được bất kì ai khác?
Tuy nhiên, việc “đổ lỗi cho bố mẹ” là một điều nghe không hề thuận tai cho lắm và cũng có thể khiến người khác bóp méo định nghĩa rằng ta đang mang sự yếu kém của mình và đổ cho người khác. Tuy nhiên, chúng ta không thể sống một cuộc đời nhẹ nhàng và được làm chính mình nếu ta luôn ở trong vị trí của một nạn nhân - một nơi ta bị tước đi quyền được thổ lộ cảm xúc và quyền đưa ra lựa chọn cho cuộc đời mình.
LÀM SAO ĐỂ BẮT ĐẦU NHÌN NHẬN VÀ CHỮA LÀNH CHO VẾT THƯƠNG MÀ NGƯỜI MẸ ĐÃ ĐỂ LẠI LÊN TA?
Thay vì một người bố vì quá mãi lao vào dòng đời với cơm áo gạo tiền và bận rộn với vết thương lòng riêng của ông, thì người mẹ dường như lại luôn ở đó - bên cạnh chúng ta - nhưng thay vì hiện diện để bảo vệ một đứa trẻ làm sao để trở nên hạnh phúc, người mẹ đó lại bằng một cách nào đó truyền đạt nỗi đau của bà sang đứa trẻ. Dường như, có những người mẹ vô tình khiến con mình đi theo một con đường lặp lại của chính họ - một cuộc sống đầy những nỗi thống khổ với những vết thương cảm xúc không được thấu hiểu và những câu hỏi mâu thuẫn về giá trị của bản thân mình.
- Nhìn nhận vết thương rõ ràng
Sau khi đọc xong bài này, có lẽ nhiều người cũng bắt đầu bước đầu tiên: hiểu rằng chuyện gì đã xảy ra với mình, và những điều người mẹ làm từ trước đến nay hoá ra gây ảnh hưởng lớn như vậy.
Sau khi đã nhìn thấy những nỗi đau, hãy nhìn nhận và vinh danh sự mạnh mẽ của đứa trẻ bên trong của bạn. Một đứa trẻ đã luôn chịu đựng và dồn nén đau khổ, phải luôn sống giữa tình yêu và sự căm phẫn rất nhiều năm. Nhìn nhận rằng bên trong bạn có một đứa trẻ luôn mong mỏi và ao ước có được tình yêu vô điều kiện từ mẹ, và hy vọng rằng sẽ được mẹ nhìn nhận theo cách có giá trị.
- Nhìn về mẹ mình với chính con người thật của bà, thay vì mong mỏi mẹ trở thành một ai khác.
Thay vì ao ước mẹ mình có thể dịu dàng hơn, quan tâm hơn, hay ít chỉ trích và nghĩ bà là nạn nhân hơn; hãy cứ nhìn bà ấy như chính bà mà thôi. Hãy để bản thân thấy rõ rằng hoá ra mẹ mình là một người lớn tổn thương lạc lối đến nhường ấy. Bà đã sống một cuộc đời dài không biết mình là ai, không biết tại sao mình đau khổ, và không biết rằng cuộc đời này còn nhiều cách khác để tìm kiếm niềm vui - thay vì chỉ tập trung vào những tiêu cực và mong mỏi cuộc đời giống như người khác.
- Bắt đầu đặt ra những giới hạn an toàn cho bản thân: chuyện gì bạn sẽ làm theo lời mẹ? và chuyện gì bạn sẽ không làm?. Chuyện gì bạn sẽ cùng mẹ trao đổi? Và chuyện gì là quyết định riêng của từng người – và người kia không nên ép buộc người còn lại?,..
- Tìm đến một cộng đồng với những người khác - một nơi bạn học được kiến thức bổ ích về bản thân cũng như giúp bạn cải thiện, biến mình trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Chúng ta không thể trồng một bông hoa ở nơi đã khiến nó héo rũ.
- Chấp nhận rằng việc nhìn thấy khuyết điểm và sai lầm của mẹ không phải là phản bội lại tình yêu của bà ấy, cũng không phải là đang có những suy nghĩ bất hiếu. Mà đó là bạn đang tìm cách chữa lành và sống vui vẻ với cuộc đời của riêng mình.
ART BY Constantinos Chaidalis trên behance
Nguồn:
Mother–Son, Mother–Daughter, Father–Son, and Father–Daughter: Are They Distinct Relationships?
https://www.sciencedirect.com/.../abs/pii/S0273229796904311
A pattern of mother-son relationship involving the absence of the father.
https://psycnet.apa.org/record/2013-40222-021
The Significance of Insecure Attachment and Disorganization in the Development of Children’s Externalizing Behavior: A Meta-Analytic Study
Chard, T., Hudson, C. N., Edwards, C. R. W., & Boyd, N. R. H. (1971). Release of oxytocin and vasopressin by the human foetus during labour. Nature, 234(5328), 352-354.
Medically reviewed by Timothy J. Legg, Ph.D., CRNP — Written by Rhona Lewis on September 29, 2020 : https://www.healthline.com/health/mother-wound
https://www.harleytherapy.co.uk/counselling/the-mother-wound-under-mothered.htm
The Holistic Psychologist
Nguyễn Lê Hoài Thương - Psychology facts Tâm Lý học Việt Nam