Cách ứng phó với những hành vi “cờ vàng”

3 cách để nhận diện những hành vi gây rắc rối ở mức độ nhẹ và cách phản ứng khi bạn bắt gặp chúng.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
– Rất khó để nhận ra những hành vi “cờ vàng” tức là những hành vi chưa gây hại nghiêm trọng.
– Việc nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau và suy ngẫm về cảm giác khó chịu của bản thân có thể giúp ta nhận diện được những dấu hiệu này.
– Những cách phản ứng khả thi trước hành vi cờ vàng bao gồm: bày tỏ sự không đồng tình và tìm kiếm đồng minh.
Phần lớn chúng ta đều có thể dễ dàng nhận ra những hành vi nghiêm trọng có nguy cơ gây hại, điều mà ta vẫn thường gọi là “cờ đỏ”. Nhưng còn những hành vi nhẹ hơn, mang tính cảnh báo sớm trước khi cờ đỏ xuất hiện thì sao? Việc nhận diện và can thiệp vào những hành vi gây rắc rối ở mức độ thấp hơn có thể là một bước quan trọng để ngăn chặn bạo lực và hiểu rõ hơn về căn nguyên của nó.
“Hành vi cờ vàng” là những biểu hiện gây rắc rối ở mức độ nhẹ, chúng có thể nằm ngoài giới hạn của hành vi an toàn và lành mạnh, nhưng vẫn chưa nghiêm trọng đến mức bị gọi là “cờ đỏ”. Theo Hackett (2010), các hành vi cờ vàng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như bối cảnh, độ tuổi, và mức độ tổn thương của những người liên quan, điều này khiến việc nhận diện chính xác khi hành vi ấy xảy ra trở nên khó khăn hơn nhiều.
Làm sao để nhận diện hành vi cờ vàng
Có nhiều cách khác nhau để bạn có thể nhận ra những dấu hiệu này:
Nếu là mình thì sao?
Một cách hữu ích để nhận diện hành vi cờ vàng là tự hỏi: “Liệu mình có cảm thấy khó chịu nếu hành vi này nhắm vào mình hoặc bạn bè mình không?” Câu hỏi này có thể giúp ta chú ý đến những hành vi mà lẽ ra dễ bị bỏ qua hay không được xem là vấn đề.
Xem xét từ góc nhìn của người khác.
Hãy nghĩ đến một người mà bạn tin tưởng và tưởng tượng rằng bạn đang kể lại sự việc ấy cho họ. Họ sẽ phản ứng như thế nào? Họ có tỏ ra không hài lòng hay chỉ đơn giản là bỏ qua? Việc nhìn nhận hành vi qua lăng kính của người khác có thể giúp ta xác định xem liệu có điều gì không ổn, dù là ở mức độ rất nhẹ, mà có thể cần được để tâm và can thiệp.
Suy ngẫm về cảm giác khó chịu của bản thân.
Nếu bạn thấy không thoải mái trong một tình huống nào đó, hoặc cảm giác “có gì đó không đúng”, hãy dành thời gian suy nghĩ xem vì sao mình lại có cảm giác ấy. Điều này có thể giúp làm sáng tỏ liệu hành vi đó có thật sự vấn đề hay không, đồng thời tách bạch được giữa những điều khiến bạn cá nhân không thoải mái (chẳng hạn bạn là người trầm lặng và xung quanh quá ồn ào) với những hành vi thực sự đáng lo ngại.
Cách ứng phó với hành vi cờ vàng
Câu trả lời ngắn gọn là: Hãy hành động, trở thành một người quan sát tích cực.
Nhiều người thường hiểu sai rằng can thiệp khi thấy hành vi không đúng nghĩa là phải ồn ào, gay gắt: “Anh đang làm sai đấy, tôi phải vạch trần anh!” Nhưng thực tế không hề như vậy. Việc chuẩn bị sẵn sàng để lên tiếng và đối diện với hành vi cờ vàng chỉ đơn giản là làm điều gì đó khi ta chứng kiến nó xảy ra.
Flood (2011) đã gợi ý một loạt hành động cụ thể có thể thực hiện để đối mặt với những hành vi gây rắc rối, bao gồm cả những hành vi "cờ vàng" ở mức độ nhẹ:
Hỏi lại để người kia phải tự giải thích.
Câu hỏi đơn giản như “Ý bạn là gì vậy?” có thể mang lại hiệu quả rất lớn, bởi nó buộc người nói phải lý giải điều họ vừa phát ngôn. Một câu chuyện cười mang tính phân biệt giới có thể trở nên vô duyên ngay lập tức khi người kể buộc phải tự lý giải những định kiến trong đó.
Bày tỏ sự không đồng tình.
Chỉ cần nói: “Chuyện đó không đúng/không ổn đâu.” cũng đã là đủ. Nếu bạn không muốn gây căng thẳng ngay lúc đó, bạn có thể nhẹ nhàng giải thích rằng hành vi ấy khiến bạn không thoải mái, nhưng hiện tại chưa phải lúc phù hợp để nói chuyện – và bạn mong có thể trao đổi sau. Cách này có thể áp dụng khi nói chuyện trực tiếp hoặc qua tin nhắn, ví dụ như WhatsApp.
Giải thích lý do bạn không đồng tình.
Bạn có thể công nhận rằng có thể người kia chỉ đùa cho vui, rồi nhẹ nhàng chỉ ra những hệ quả tiềm ẩn, ví dụ: “Mình nghĩ mấy câu nói kiểu đó có thể khiến các bạn nữ cảm thấy không an toàn khi đi chơi với tụi mình, nên mong tụi mình cẩn trọng hơn.”
Cá nhân hóa sự bất công.
Bạn cũng có thể hỏi: “Bạn sẽ cảm thấy sao nếu ai đó đối xử với người yêu, bạn thân hoặc người trong gia đình bạn theo cách đó?”
Dùng câu nói thể hiện cảm xúc cá nhân và tác động cụ thể.
Hãy nói rõ cảm xúc của bạn, chỉ ra hành vi cờ vàng, và nói rõ điều bạn mong muốn – ví dụ:
“Mình đã thấy khó chịu khi bạn buông lời đó trong buổi đi chơi, khiến bạn kia phải bỏ về sớm. Làm ơn đừng làm vậy nữa, nếu không tụi mình sẽ không mời bạn tham gia nữa đâu.”
Khơi gợi phần tốt đẹp trong họ.
Bạn có thể nói: “Thôi nào, bạn tốt hơn thế mà.”
Dạng khích lệ tích cực này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong nhiều chiến dịch hướng đến nam giới trẻ, như chiến dịch “Be the Hero!” của Quỹ Phụ nữ bang Victoria năm 2009.
Dựa vào mối quan hệ thân thiết.
Ví dụ: “Là bạn của cậu, mình phải nói thật là việc cậu khoe ảnh riêng tư bạn gái gửi chỉ cho mình xem là điều không ổn. Cậu có thể gặp rắc rối lớn đấy.”
Kêu gọi sự đồng lòng từ nhóm bạn.
Hãy hỏi những người xung quanh xem họ có để ý đến hành vi ấy không và họ cảm thấy thế nào, ví dụ:
“Câu nói đó làm mình thấy không thoải mái lắm. Mọi người nghĩ sao, mình có nên góp ý không?”
Những hành động trên cũng phù hợp với chiến dịch “Maate” do Thị trưởng London phát động vào tháng 7 năm 2023, kêu gọi nam giới dám lên tiếng trước những hành vi lệch chuẩn của bạn bè bằng một từ khóa: “maate”.
Chiến dịch này xuất phát từ thực tế rằng rất nhiều đàn ông và các chàng trai trẻ muốn lên tiếng khi chứng kiến những hành vi phân biệt giới hoặc thù ghét phụ nữ, nhưng không biết phải nói gì hay bắt đầu từ đâu. Khi có sẵn một từ như “maate” hay những cụm từ gợi ý như trong đề xuất của Flood, người chứng kiến không cần phải nghĩ ra điều gì đó ngay tức thì, mà có thể dựa vào một “ngân hàng” những câu nói và cách phản ứng đã được xây dựng sẵn.
Bằng cách cam kết thực hiện những hành động như thế này, chúng ta có thể bắt đầu đối mặt với những hành vi “cờ vàng”, thường là ngay khi chúng vừa xuất hiện, trước khi chúng có cơ hội biến thành “cờ đỏ”. Và từ đó, chúng ta góp phần xây dựng một nền văn hóa nơi thông điệp được gửi gắm rõ ràng: bạo lực, quấy rối và phân biệt giới không có chỗ tồn tại.
Tác giả: Gill Harrop Ph.D.
Tài liệu tham khảo
Flood, M. (2011). Men Speak Up: A toolkit for action in men's daily lives [White Ribbon Policy Research Series-No. 4].
Hackett, S. (2010). Children and young people with harmful sexual behaviours. P. 121—135. In: Barter, C., & Berridge, D. (Eds.). (2011). Children Behaving Badly?: Peer Violence Between Children and Young People. John Wiley & Sons.
Victorian Women’s Trust (2009). ‘Be the hero!’ campaign. vwt.org.au/projects/be-the-hero/
Nguồn: How to Deal With "Amber Flag" Behaviors | Psychology Today