Sự thật về những người sống độc thân suốt đời

su-that-ve-nhung-nguoi-song-doc-than-suot-doi

Nghiên cứu cho thấy những người độc thân trọn đời không có xu hướng trở nên bất hạnh khi về già.

Nếu bạn chỉ biết đến những định kiến và các câu chuyện hù dọa, bạn hẳn sẽ nghĩ rằng cuộc sống tuổi xế chiều của người chưa từng kết hôn sẽ là một chuỗi ngày cô đơn và khốn khổ.

Nhưng thực tế lại nói điều ngược lại. Ngày càng có nhiều người chọn sống độc thân cả đời, và giới nghiên cứu xã hội đã bắt đầu khám phá cuộc sống thật sự của họ. Họ phát hiện rằng những lời cảnh báo về sự bất hạnh và cô đơn có thể đã bị đặt sai chỗ. Chính những người độc thân trọn đời lại không phải là nhóm đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những nỗi niềm ấy. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nhóm người này thực sự đang gặp nhiều khó khăn hơn những người khác, nếu xét trên mặt bằng chung.

Cứ mỗi 10 năm, Journal of Marriage and Family (Tạp chí Hôn nhân và Gia đình) sẽ công bố một tuyển tập các bài viết tổng kết những gì chúng ta đã học được trong thập kỷ trước đó. Năm 2020, trong bài viết mang tên “Gia đình ở tuổi xế chiều” của hai tác giả Deborah Carr và Rebecca L. Utz, có một phần đề cập đến vấn đề sống độc thân suốt đời. Tuy ngắn, nhưng lại rất đáng chú ý. Hầu hết các phát hiện mà tôi chia sẻ dưới đây, cũng như các trích dẫn, đều đến từ bài tổng hợp này. Bên cạnh đó, tôi cũng bổ sung một vài phát hiện khác (các điểm số 1, 2 và 7).

Image: YAKOBCHUK VIACHESLAV/Shutterstock

Hai điều khiến người độc thân trọn đời thực sự sống tốt khi về già, và một điều thì không

1. Càng lớn tuổi, những người sống độc thân càng cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình.

Như tôi từng chia sẻ trước đây, một nghiên cứu về những người trong độ tuổi từ 40 đến 85 cho thấy: những ai chưa từng kết hôn lại cảm thấy ngày càng mãn nguyện với cuộc sống khi họ già đi. Trong khi đó, kết quả ở nhóm có bạn đời thì không rõ ràng như vậy.

2. Sống độc thân giúp người ta ít cảm thấy cô đơn hơn khi về già.

Lời cảnh báo mà người độc thân hay bị nghe nhất, đó là: nếu không kết hôn, sau này họ sẽ cô đơn đến tuyệt vọng. Nếu lấy vợ, lấy chồng, theo lý thuyết ấy, bạn sẽ tránh được viễn cảnh u ám đó. Nhưng cách đúng đắn để kiểm chứng điều này là so sánh giữa những người chưa từng kết hôn và những người đã kết hôn, bất kể họ còn sống chung hay đã chia tay.

Elyakim Kislev, một cây bút khác trên Psychology Today, đã thực hiện điều đó trong cuốn sách Happy Singlehood (Niềm vui sống độc thân) và công bố kết quả nghiên cứu của mình.

Ở tuổi 65, Kislev phát hiện rằng những người độc thân suốt đời chỉ cô đơn hơn một chút xíu so với người từng kết hôn – chênh lệch chỉ khoảng 0,25 điểm trên thang đo 11 điểm. Nhưng khi nhìn vào hành trình sống kéo dài suốt cuộc đời, lại thấy một điều thú vị: càng lớn tuổi, càng nhiều người đã lập gia đình cảm thấy cô đơn. Kislev cho biết: “Tỷ lệ người đã kết hôn cảm thấy cô đơn ở tuổi 60 cao hơn khoảng 50% so với tuổi 30, và con số ấy tăng gấp đôi khi họ bước sang tuổi 90.”

Trong khi đó, cảm giác cô đơn ở những người độc thân trọn đời lại tăng rất ít. Đến tuổi 70, chính những người đã từng kết hôn mới là nhóm cảm thấy cô đơn hơn, và xu hướng này tiếp tục kéo dài đến tận những năm tháng cuối đời. Người độc thân trọn đời, ngược lại, lại ít cô đơn hơn. (Biểu đồ minh họa điều này nằm ở trang 50 trong cuốn Happy Singlehood.)

3. Người độc thân trọn đời có nguy cơ bất an tài chính cao hơn nhiều khi về già so với người đã kết hôn.

Đây là một bất lợi rõ ràng đối với những ai chọn sống một mình suốt đời. Tính đến năm 2014, trong số những người đã kết hôn từ 65 tuổi trở lên, chỉ có 4,5% sống dưới mức nghèo liên bang. Nhưng với nhóm chưa từng kết hôn, con số ấy gần gấp năm lần, khoảng 22% phải sống dưới ngưỡng nghèo.

Carr và Utz chỉ ra một số nguyên nhân khiến người độc thân trọn đời gặp khó khăn về tài chính:

  • Họ thường chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất.
  • Nếu sống một mình, họ không được hưởng lợi từ việc “góp gạo thổi cơm chung”.
  • Trợ cấp an sinh xã hội được tính chỉ dựa vào thu nhập cá nhân của người lao động độc thân, mặc dù thực tế họ thường kiếm được ít hơn so với những người có gia đình.

Bên cạnh đó, còn có nhiều hình thức bất công tài chính khác mà người độc thân phải chịu đựng. Sự phân biệt kinh tế đối với người độc thân được “mặc định” trong nhiều điều luật liên bang, vốn chỉ ưu đãi và bảo vệ người có hôn thú hợp pháp. Chính những chính sách và luật lệ này, cùng với những cơ chế thị trường luôn thiên vị các cặp đôi, đã khiến người độc thân trọn đời phải gánh chịu những thiệt thòi tích tụ suốt cả cuộc đời.

Với người độc thân trọn đời, tuổi già có khác nhau giữa nam và nữ?

4. Phụ nữ lớn tuổi chưa từng kết hôn thường sống ổn.

Họ có sức khỏe thể chất lẫn tinh thần ngang bằng với những người phụ nữ đã kết hôn, nhờ vào việc họ có xu hướng chủ động tìm kiếm và vun đắp những mối quan hệ và tổ ấm mang ý nghĩa riêng, theo lựa chọn của bản thân, các tác giả lý giải và trích dẫn từ công trình nghiên cứu của tôi.

5. Dù sống ổn, những phụ nữ độc thân trọn đời lớn tuổi vẫn không được người khác tin.

Trong thế hệ của họ, hôn nhân là điều cốt lõi trong đời sống phụ nữ. Thế nên những người dám đi ngược chuẩn mực ấy phải gánh lấy một phần "lao động cảm xúc", đó là việc luôn phải lý giải, phải biện minh cho quyết định sống độc thân suốt đời của mình.

6. Khi so sánh đàn ông độc thân trọn đời với đàn ông đã hoặc từng kết hôn (thay vì so với phụ nữ độc thân), thì ở một vài mặt, họ có vẻ kém hơn.

Carr và Utz cho rằng bất lợi của họ có thể đến từ việc có ít nguồn lực kinh tế xã hội hơn, và có sức khỏe thời trẻ không tốt bằng.

Tôi có một suy đoán riêng về đàn ông độc thân trọn đời (không đến từ bài tổng hợp trên): họ rồi sẽ ngày càng sống tốt hơn theo thời gian. Ngày càng có nhiều người sống độc thân lâu hơn, dù có thể sau này họ vẫn kết hôn. Việc này giúp họ có thêm thời gian rèn luyện kỹ năng sống hằng ngày, thay vì dựa dẫm vào người bạn đời để lo liệu một phần trong số đó. Hơn nữa, khi việc sống độc thân trở nên phổ biến hơn, người ta cũng sẽ bớt kỳ thị người độc thân. Điều đó cũng là một sự nâng đỡ đáng kể.

7. Tuy nhiên, có một điểm then chốt mà phụ nữ độc thân trọn đời lại thiệt thòi hơn nam giới độc thân trọn đời: Họ ít được bảo đảm về mặt tài chính.

Ví dụ, một nghiên cứu về tiểu sử hôn nhân và tỷ lệ nghèo đói ở người Mỹ từ 63 tuổi trở lên cho thấy: trong số đàn ông độc thân trọn đời, có 13,6% sống với mức thu nhập (kể cả tiền trợ cấp an sinh xã hội) dưới mức nghèo. Nhưng với phụ nữ độc thân trọn đời, con số ấy gần gấp đôi: 25,3%. Trong khi đó, với những người đã kết hôn liên tục (chưa từng ly hôn, góa chồng/vợ hay tái hôn), tỷ lệ nghèo chỉ là 3,4%.

Có bao nhiêu người từ 65 tuổi trở lên sống độc thân trọn đời? Và con số đó sẽ ra sao trong tương lai?

Tính đến năm 2016, chỉ có một tỉ lệ nhỏ người Mỹ trên 65 tuổi chưa từng kết hôn, chỉ hơn 5% một chút.

Tuy nhiên, con số này được dự báo sẽ tăng mạnh trong tương lai. Các tác giả dẫn lại một nghiên cứu từ năm 2007 cho thấy: đến năm 2060, khoảng 11% tổng số người trên 65 tuổi và gần 25% phụ nữ da đen trong nhóm tuổi này sẽ là người sống độc thân trọn đời.

Những nghiên cứu gần đây hơn còn cho thấy tỷ lệ này có thể cao hơn nhiều so với con số 11%. Một báo cáo của Pew năm 2014 ước tính rằng, khi thế hệ thanh niên hiện nay bước vào tuổi 50, sẽ có khoảng 25% trong số họ chưa từng kết hôn. Tất nhiên, một số người vẫn có thể kết hôn sau tuổi 50, nhưng tỷ lệ đó rất thấp. Dữ liệu năm 2012 chỉ ra rằng, trong số những người từ 55 tuổi trở lên chưa từng lập gia đình, chỉ có 7 trong mỗi 1.000 người (tức 0,7%) kết hôn trong vòng một năm.

Điều thực sự đáng khâm phục là: Dù phải sống cả một đời với những bất lợi về kinh tế, với những gánh nặng cảm xúc bị áp đặt, với ánh nhìn xót xa thương hại của người đời, và với bao nhiêu định kiến về hôn nhân, những người độc thân trọn đời, nhất là phụ nữ, vẫn ung dung bước vào tuổi xế chiều… và sống ổn. 

Tác giả: Bella DePaulo Ph.D.

Nguồn: The Truth About the People Who Stay Single for Life | Psychology Today

menu
menu