'Nhử phần thưởng' có tạo động lực cho trẻ?
Khoa học động lực đã chứng minh: Được trả tiền hay trao thưởng để làm điều trẻ thích sẽ khiến chúng bớt yêu thích hoạt động đó.
Năm 1973, ba giáo sư Mark Lepper, David Greene và Richard Nisbett thuộc đại học Stanford (Mỹ) đã tiến hành một khảo sát, nghiên cứu về động lực tâm lý của con người. Họ tập hợp ba nhóm trẻ nhỏ thích vẽ. Nhóm đầu được tuyên bố trước là nếu vẽ xong sẽ được tặng phần thưởng. Nhóm thứ hai không được hứa hẹn gì hết nhưng khi vẽ xong vẫn được tặng một phần thưởng bất ngờ. Và nhóm 3 không được hứa hẹn gì, làm xong cũng không được gì cả.
Hai tuần sau, cả ba nhóm này lại được đưa vào một căn phòng, trong đó có đầy đủ màu vẽ, giấy... nhưng các nhà nghiên cứu không đưa ra yêu cầu phải vẽ tranh. Những gì xảy ra tiếp theo? Trước khảo sát, cả ba nhóm đều tỏ ra thích thú hoạt động vẽ tranh như nhau, tuy nhiên, bây giờ thì chỉ có nhóm 2 và nhóm 3 là tiếp tục giữ nguyên mức yêu thích. Nhóm 1 giờ đây dành ít thời gian để vẽ hơn và khi vẽ cũng tỏ ra kém thích thú hơn. Khoa học động lực gọi đây là hiệu ứng thưởng dư thừa.
Khi trẻ làm điều mình thích, bản thân công việc đã là phần thưởng. Tuy nhiên khi tiền bạc xuất hiện, bắt đầu làm vì tiền bạc, mình làm vì người khác muốn, động lực tự thân chuyển thành động lực ngoại sinh. Ảnh minh họa
Sau đó, Mark Lepper cũng thực hiện nghiên cứu với người lớn, kết quả nhận được tương tự. Cuối cùng ông kết luận: "Khi não bộ cần tư duy sáng tạo, những kích thích bên ngoài được gọi là động lực ngoại sinh như thưởng/phạt dễ làm chúng ta quá tập trung phần thưởng hay mức phạt mà xao lãng công việc. Từ đó dẫn đến suy giảm khả năng sáng tạo cũng như khả năng giải quyết vấn đề, và tất nhiên sẽ dẫn tới kết quả thấp hơn".
Theo nghiên cứu này, khi con người làm điều mình thích, bản thân công việc đã là phần thưởng. Tuy nhiên, khi tiền bạc xuất hiện, bắt đầu làm vì tiền bạc, mình làm vì người khác muốn, động lực tự thân chuyển thành động lực ngoại sinh. "Khi thích thú giảm thì tự khắc hiệu quả cũng giảm theo", Mark Lepper nói. Đây là ví dụ cho thấy sai lầm trong việc tạo động lực mà nhiều bố mẹ mắc phải.
Vậy làm thế nào để kích thích động lực cho trẻ?
1. Làm cho trẻ cảm thấy đặc biệt
Trong cuốn "Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer", nhà văn Mark Twain kể câu chuyện bố mẹ yêu cầu Tom sơn hàng rào trước cửa nhà. Vì không muốn làm việc được cậu coi là vặt vãnh nên Tom tìm cách nhờ người khác làm thay. Cậu bé nói với những đứa trẻ trong xóm rằng sơn hàng rào là một công việc đầy thử thách mà chỉ những người thợ lành nghề mới có thể làm được. Chúng cũng muốn sơn hàng rào nhưng Tom có vẻ do dự. Cậu nói: "Tớ e rằng nếu có tới 2.000 đứa trẻ cũng chẳng ai làm nổi việc này". Thế là bọn trẻ tranh nhau làm.
Trẻ thường nghĩ rằng bản thân có những tài năng đặc biệt khiến chúng khác những đứa trẻ bình thường. Nếu bố mẹ gợi ý cho trẻ một nhiệm vụ cụ thể đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt thì trẻ có thể sẵn sàng thực hiện nó hơn. Bởi chính điều này sẽ kích thích ham muốn chinh phục và kiểm soát của trẻ.
2. Thách thức là động lực tốt nhất
Mark Twain cũng viết đoạn này trong "Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer": "Cậu bé vô tình phát hiện ra một quy luật chính của hành vi con người. Đó là, để khiến mọi người muốn làm điều gì đó, chỉ cần cố gắng làm cho nó khó làm".
Nếu điều gì đó khó đạt được và có nhiều thách thức, mọi người sẽ muốn chinh phục việc đó. Làm cho nhiệm vụ trở nên thách thức là một cách khác để kích thích ham muốn chinh phục và kiểm soát của trẻ. Thử thách quá đơn giản hay quá khó thực hiện sẽ kìm hãm khả năng kiểm soát.
Trò chơi là một ví dụ rất tốt. Khởi đầu của trò chơi rất đơn giản, cho phép người mới nhập vai nhanh chóng. Sau mỗi màn chơi đều có những thử thách thích hợp để người chơi vẫn có thể đạt được sự hài lòng thì họ mới tiếp tục chơi. Muốn thúc đẩy trẻ, bố mẹ phải tìm ra lượng thách thức phù hợp thì mới kích thích được trẻ.
Bố mẹ thông thái biết cách phân chia các kỹ năng và thông tin thành những phần có kích thước phù hợp với trẻ. Đây chính là chìa khóa để tạo động lực, tăng ham muốn chinh phục cho trẻ.
3. Cho trẻ đủ quyền tự chủ
Tự chủ là điều cần thiết để kích thích ham muốn kiểm soát, tạo động lực phát triển cho trẻ. Trẻ luôn thích làm mọi thứ theo cách chúng muốn. Chúng thích sự tự chủ. Quyền tự chủ thúc đẩy trẻ vì nó khiến chúng cảm thấy mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của bản thân.
Cho phép trẻ tự lập kế hoạch học tập, tự sắp xếp thời gian học và đưa ra ý kiến của mình về việc có nên tham gia các lớp dạy thêm hay không và nên tham gia các lớp dạy kèm nào. Tất cả đều giúp kích thích tính tự chủ của trẻ và nâng cao động lực học tập.
4. Đưa ra phản hồi thích hợp
Cho phép trẻ mắc lỗi, điều quan trọng là phải phản hồi về những sai lầm và giúp trẻ học hỏi, điều chỉnh cách làm hiện tại của mình. Nhưng lưu ý rằng việc cung cấp thông tin phản hồi sai thời điểm cũng có thể cản trở động lực của trẻ.
Cần rõ ràng hành động đó đúng hay sai
Thông tin đầu tiên được cung cấp là liệu những gì trẻ làm đúng hay sai, phải rất rõ ràng.
Ví dụ sau buổi dạy con cách rửa bát, bố mẹ nói: "Con đã làm ổn. Nhưng lần sau có thể làm tốt hơn nữa". Trẻ sẽ không thể hiểu chúng làm đúng hay sai? Khi đưa ra phản hồi, hãy đảm bảo độ rõ ràng trong lời nói. Có thể nhận xét: "Con đã không làm sạch cái nồi. Tất cả cặn bã phải được rửa sạch sẽ. Bây giờ hãy thử lại". Khi đó trẻ biết rằng chúng làm chưa đúng.
Cung cấp mô tả ngắn
Nếu bố mẹ chỉ nói: "Con đã không làm sạch cái nồi" có nghĩa trẻ đã không làm đúng, nhưng không đưa ra lời giải thích. Chỉ cần cung cấp thêm thông tin "Tất cả cặn bã phải được rửa sạch sẽ" thì mới chi tiết về cách khắc phục sai lầm. Nếu không có lời giải thích, trẻ sẽ không thể tiến bộ khi chúng thử lại vào lần sau.
Biết lựa chọn thời gian thích hợp đưa ra phản hồi
Nếu một nhiệm vụ có nhiều bước nhỏ, tốt nhất nên đợi cho đến khi trẻ hoàn thành tất cả các bước thì mới nên đưa ra phản hồi toàn bộ nhiệm vụ.
Nếu đưa ra phản hồi ở mỗi bước nhỏ, bố mẹ có thể làm gián đoạn quy trình bình thường của công việc, khiến trẻ khó tự sửa lỗi. Còn nếu như đợi quá lâu để phản hồi, trẻ có thể không nhớ bố mẹ đang sửa lỗi cho mình ở vấn đề nào.
Khi phản hồi không nên vừa khen vừa chê
Thông tin phản hồi phải khách quan. Trẻ không cần bố mẹ khen ngợi để tiếp tục công việc đang làm. Việc chuyển sang khen ngợi sẽ khiến sự tập trung của trẻ lệch khỏi động lực nội tại sang động lực bên ngoài. Hành động này thực sự có thể làm suy yếu mong muốn kiểm soát của trẻ. Phản hồi từ bố mẹ chủ yếu là về các lĩnh vực cần cải thiện. Không nên pha trộn những gì trẻ làm sai cần thay đổi với những lời khen ngợi.
Học tập là một hành trình dài và phức tạp, phần thưởng vật chất kém xa với việc kích thích ham muốn kiểm soát của trẻ. Cha mẹ hiểu được động cơ tâm lý từ trẻ thì mới có thể giao tiếp với chúng tốt hơn, đồng thời thực sự giúp trẻ tiến bộ lâu dài.
Vy Trang (Theo aboluowang)