Vì sao làm việc ngược đời khiến bạn hạnh phúc
Lần sau ăn bỏng ngô, bạn thử dùng tăm xiên, và uống nước trong ly đựng rượu vang, bạn sẽ thấy vui vẻ khác thường.
Khi bạn mua một món đồ mới, cảm giác phấn khích ban đầu sẽ nhanh chóng tan đi. Nó trở nên quen thuộc và tầm thường - cho đến khi chúng ta lại mua món đồ mới để khiến mình hạnh phúc.
Các nhà tâm lý gọi hiện tượng này là "sự thích nghi hưởng lạc", và nó là lời giải thích cho rất nhiều thói quen tiêu dùng của chúng ta.
Ảnh: Businessinsider.
Điều này xảy ra rất nhanh. Bạn mở một chai rượu vang ưa thích và đưa lên miệng. Mùi vị tuyệt hảo gần như tràn ngập. Nhưng chỉ một phút sau đó, bạn hầu như không còn nhận ra mùi vị khi uống nó.
Hoặc, bạn mua một chiếc xe hơi mới và nghĩ rằng nó sẽ khiến bạn cười suốt quãng thời gian lái xe về sau. Nhưng chỉ một tháng trôi qua, cảm giác hứng thú biến mất. Và giờ đây nó chỉ là một chiếc xe hơi.
Sự chóng chán này, còn được gọi là sự thích nghi hưởng lạc, xảy ra với gần như mọi thứ khiến chúng ta hạnh phúc. Hãy nhìn quanh và nhớ lại lúc đầu bạn đã có bao nhiêu hứng thú với những món đồ xung quanh mình, và ngẫm xem hiện tại bạn có cảm giác gì về chúng.
Vậy, không có cách nào để kéo hứng thú trở lại mốc ban đầu ư?
Trong một loạt nghiên cứu sắp được công bố trên tạp chí Personality and Social Psychology Bulletin, chuyên gia Robert W. Smith cho biết nhóm của ông đã tìm thấy rằng việc sử dụng đồ vật theo cách khác thường luôn làm gia tăng sự hứng thú với chúng.
Và đây là ví dụ về việc ăn bỏng ngô bằng tăm
Trong một nghiên cứu, nhóm đã yêu cầu 68 người ăn bỏng ngô. Một nửa trong số đó ăn theo cách thông thường, nửa còn lại dùng tăm. Nhóm phát hiện những người dùng tăm thích thú với bỏng hơn nhiều so với nhóm kia.
Điều này là bởi một lý do rất quen thuộc với các nhà tâm lý: khi thứ gì đó có vẻ mới mẻ, mọi người sẽ chú ý nhiều hơn. Và khi họ chú ý nhiều hơn, họ có xu hướng thích nó hơn.
Đó là lý do vì sao mọi người tìm kiếm sự đa dạng trong việc tiêu dùng. Khi đã quen với một món đồ nào đó, chúng ta mua món khác để thấy vui vẻ, hạnh phúc. Không may, sự thay đổi này thường đắt đỏ, nhất là với nhà cửa, bạn đời, đôi khi là lựa chọn không thể khác được.
Các nhà nghiên cứu đề xuất một giải pháp khác: Thay vì thay thế những thứ bạn đã buồn phát ốm vì nó, hãy thử dùng hoặc tương tác với nó theo cách khác thường.
Trong một thí nghiệm khác, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu 300 người khi họ uống nước. Đầu tiên, những người này được yêu cầu uống theo cách khác thường, chẳng hạn đổ nước vào ly rượu vang, hoặc đồ đầy cốc để liếm giống như mèo. Một người thậm chí còn được uống nước đựng trong phong bì.
Kết quả, những người uống nước theo cách khác thường thì dành thời gian uống lâu nhất, thậm chí tâm trạng cuối buổi thí nghiệm còn phấn khởi hơn. Nói cách khác, sự hứng thú của họ không giảm theo thời gian. Trong khi những người còn lại uống ít dần sau mỗi lần thử nghiệm.
Đây là một giải pháp lạ lùng cho hiện tượng chán ngấy với những thứ quen thuộc. Chừng nào bạn còn tìm ra cách mới, thú vị để tương tác với các đồ vật, sự việc..., bạn sẽ không bao giờ chán ngán nó.
Ý tưởng này không chỉ thuần túy lý thuyết. Nhiều công ty đang tận dụng sức mạnh của giải pháp này để tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Thuận An (theo Businessinsider)/Theo VNE