Những cuộc cãi vã để tìm kiếm sự chú ý

nhung-cuoc-cai-va-de-tim-kiem-su-chu-y

Một trong những điều tưởng chừng đơn giản nhưng lại khó khăn nhất trong thực tế mà ta có thể hỏi người bạn đời – người ta thậm chí đã ghi tên trong di chúc và có cuộc đời gắn bó sâu sắc với mình – là: “Anh/em còn yêu em/anh không?”

Một trong những điều tưởng chừng đơn giản nhưng lại khó khăn nhất trong thực tế mà ta có thể hỏi người bạn đời – người ta thậm chí đã ghi tên trong di chúc và có cuộc đời gắn bó sâu sắc với mình – là: “Anh/em còn yêu em/anh không?”

Có vô vàn lý do khiến họ có thể không còn yêu ta nữa. Có thể ta đã làm họ phát ngán với những hành vi đôi khi chính ta cũng phải thừa nhận là khó chịu, thách thức. Ta thì ngày càng già đi. Và ngoài kia, nhất là trong công việc hay những phần đời mà ta không thể nhìn thấy, có biết bao người tuyệt vời hơn đang sẵn sàng lấp đầy chỗ trống. Tin tưởng ai đó là điều thật khó, khi ta biết cuộc sống có thể tàn nhẫn ra sao.

Hơn thế, các dấu hiệu xung quanh cũng không mấy khả quan. Họ dành rất nhiều thời gian dán mắt vào điện thoại. Trông họ lúc nào cũng lơ đãng, suy nghĩ như bay tận đâu đâu.

Ta khao khát có được sự an ủi, sự trấn an, nhưng chính điều đó lại đem đến cho ta nỗi sợ hãi của riêng nó. Để được an ủi, ta phải bộc lộ nỗi yếu đuối tận cùng của mình, phơi bày cái quyền năng khổng lồ của họ trong việc làm ta đau đớn. Ta sẽ phải thừa nhận rằng cuộc sống của ta phụ thuộc vào họ nhiều đến mức nào, rằng sự bình ổn tâm lý của ta nằm gọn trong ánh mắt yêu thương hay cái cau mày từ họ.

Đôi khi, cái giá của sự bộc bạch ấy dường như quá đắt – nhất là khi ta lớn lên trong một gia đình mà ta hiếm khi được ai hiểu hay đáp lại nhu cầu của mình. Và thế là, ta nghĩ mình tốt hơn hết là không nên hỏi thẳng.

Nhưng mặt khác, thái độ dửng dưng của họ lại làm ta không chịu nổi. Trong hoàn cảnh ấy, ta có thể sẽ vô thức thực hiện một trong những hành động kỳ quặc nhất trong các mối quan hệ: ta tìm cách thu hút sự chú ý của họ, nhưng không phải bằng tình yêu, mà là bằng sự tức giận.

Ta chọn trả một “mức giá” thấp hơn: tìm kiếm bằng chứng rằng họ vẫn còn nhớ đến sự tồn tại của ta, thay vì đối mặt với rủi ro bị từ chối khi yêu cầu họ chứng minh rằng họ vẫn yêu ta.

Và thế là, ta chờ đợi đúng lúc họ mệt mỏi hoặc khó chịu để mở màn một loạt lời buộc tội: “Anh chẳng bao giờ làm việc nhà,” hay “Công việc của anh thật vô dụng, chẳng kiếm đủ tiền,” hoặc “Dạo này anh nhạt nhẽo quá.” Hoặc, tại một bữa tối với bạn bè, ta cố tình kể to một câu chuyện liên quan đến cuộc ly hôn lộn xộn của bố mẹ họ.

Nhưng thực tế, điều ta muốn nói chỉ đơn giản là: “Em/anh yêu anh/em nhiều lắm. Em/anh dựa vào anh/em để tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của mình.”

Thế nhưng, thay vì nhận được tình yêu và sự quan tâm mà ta hằng mong mỏi, ta lại khiến họ bùng nổ cơn giận. Và giờ đây, ta không nhận được lòng tốt, sự nhiệt tình, niềm ấm áp, lòng trắc ẩn hay sự dịu dàng của họ, mà lại phải chịu đựng sự bực bội, thất vọng, lòng tự ái tổn thương, và cơn giận đầy phòng thủ của họ.

Chúng ta cần dũng cảm đối diện với chính khao khát của mình. Ta cần xây dựng những mối quan hệ mà ở đó, việc tìm kiếm và nhận được sự trấn an cơ bản rằng mình vẫn được yêu thương là điều tự nhiên và dễ dàng, không khiến ta quá sợ hãi. Ta cần làm quen với sự phụ thuộc mãnh liệt của chính mình, và không xem nó như một điều gì đáng xấu hổ hay tội lỗi.

Và khi lần tới, nếu ta rơi vào tình huống phải đối mặt với những lời buộc tội vô lý hay sự nóng nảy từ người bạn đời, hãy nhớ rằng họ không bỗng chốc trở nên tàn nhẫn hay đáng ghét. Họ chỉ đang cố gắng, bằng cách duy nhất mà họ biết, để tìm kiếm một lời nhắc nhở rằng ta vẫn còn quan tâm đến họ – ngay cả khi cái cách ấy đang làm ta phát điên.

Nguồn: ATTENTION-SEEKING ARGUMENTS - The School Of Life

©Flickr/Ashley Webb

menu
menu