Những điều ta có thể học được từ liệu pháp tâm lý dành cho các cặp đôi

Giống như nhiều điều hữu ích trong tình yêu, liệu pháp tâm lý dành cho các cặp đôi thường nghe có vẻ khô khan, thiếu lãng mạn. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhiều công sức,
Giống như nhiều điều hữu ích trong tình yêu, liệu pháp tâm lý dành cho các cặp đôi thường nghe có vẻ khô khan, thiếu lãng mạn. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhiều công sức, và vô số cuộc trò chuyện khó xử về những vấn đề mà chúng ta thậm chí không muốn nghĩ tới, chứ đừng nói là thảo luận với bạn đời – và một người lạ được đào tạo.
Văn hóa của chúng ta thường khuyến khích việc tin tưởng và chạy theo cảm xúc. Nhưng liệu pháp lại nhìn nhận rằng điều này có thể dẫn đến thảm họa, bởi cảm xúc phần lớn là những phản ứng bản năng, nguyên thủy, được mã hóa từ những tổn thương trong quá khứ. Thay vào đó, liệu pháp mời gọi chúng ta tiếp cận theo một cách khôn ngoan hơn: đứng lùi lại khỏi những xung động đầu tiên, hiểu rõ chúng, và nếu có thể, chuyển hướng chúng sang những con đường ít tổn thương hơn, nhiều tin tưởng hơn.
Sống chung với một người khác hiển nhiên là một trong những thử thách khó khăn nhất trong đời. Việc ta phạm sai lầm khi không có sự hỗ trợ là điều dễ hiểu, và không có gì phải xấu hổ khi cần đến sự huấn luyện chuyên sâu. Trong liệu pháp dành cho các cặp đôi, có rất nhiều điều quan trọng ta có thể học được:
Thứ nhất, liệu pháp mang đến một không gian yên tĩnh để chúng ta thực sự định hình rõ ràng những vấn đề trong mối quan hệ, mà không bị cuốn vào những cuộc cãi vã, sự dỗi hờn, hay lối né tránh đầy mỉa mai. Thông thường, ta quá giận dữ hoặc tổn thương để có thể chia sẻ với người kia một cách đủ rõ ràng, để họ hiểu được lý do ta đau lòng và tức giận.
Việc có một người trung gian đáng nể (như một nhà trị liệu) khiến cả hai buộc phải giữ bình tĩnh. Thật hiếm hoi khi ta có thể bày tỏ mọi chuyện một cách thẳng thắn mà vẫn chừng mực: “Khi anh chẳng bao giờ chạm vào em và luôn thờ ơ khi em chạm vào anh, điều đó đang dần giết chết em. Em yêu anh, nhưng em không biết mình có thể chịu đựng điều này bao lâu nữa…” Lời nói như vậy có giá trị hơn cả một thập kỷ của những lời mỉa mai nhỏ nhặt và cơn giận bị dồn nén.
Thứ hai, nhà trị liệu giúp chúng ta khám phá lý do sâu xa ẩn sau những điều khiến ta phiền lòng. Thông thường, tự bản thân, ta không thể nhìn ra ý nghĩa cảm xúc phía sau những quan điểm của mình. Ta tranh cãi về chuyện cuối tuần nên đi đâu mà không nhận ra rằng, với mỗi người, việc ra ngoài hay ở nhà mang theo một ý nghĩa nội tâm rất khác biệt. Kết quả là, người kia chỉ thấy ta bướng bỉnh và khó chịu, trong khi những điều thực sự sâu sắc và đáng chú ý trong quan điểm của ta bị lãng quên.
Thứ ba, liệu pháp giúp phá vỡ những vòng lặp cảm xúc tiêu cực. Một bài tập kinh điển mà nhà trị liệu thường yêu cầu là cả hai hãy hoàn thành câu:
“Khi anh/em làm …, tôi cảm thấy … – và tôi phản ứng bằng cách …”
Ví dụ: Khi anh phớt lờ bọn trẻ, em cảm thấy bị bỏ rơi và phản ứng bằng cách kiểm soát những người anh gặp gỡ vào buổi tối. Hoặc: Khi em không chạm vào anh trên giường, anh cảm thấy mình như vô hình và phản ứng bằng cách trở nên cáu gắt với tiền bạc mà em kiếm được.
Thứ tư, liệu pháp mở ra cơ hội thiết lập những “hợp đồng” mới trong mối quan hệ, với sự trung gian của nhà trị liệu. Ví dụ: Nếu anh làm X, em sẽ làm Y… Một khi chúng ta nhận được phần nào điều mình thật sự cần (mà thường trước đó ta chưa từng yêu cầu đúng cách), những nhu cầu của người kia sẽ không còn cảm giác quá nặng nề hay đáng ghét nữa.
Thứ năm, đôi khi liệu pháp chỉ đơn giản là những lời khuyên thực tế đến bất ngờ. Hãy liệt kê ba điều bạn bất mãn ở đối phương. Sau đó, liệt kê ba điều bạn trân trọng ở họ. Hoặc, hãy giữ lời phê bình thật cụ thể: đừng nói “anh/em thật lạnh lùng và vô ơn,” mà hãy nói, “nếu anh/em có thể gọi điện báo khi anh/em về trễ, thì…” Chỉ với những bước nhỏ như vậy, nhiều gia đình đã được giữ lại nguyên vẹn.
Thứ sáu, liệu pháp thách thức ta từ bỏ những niềm tin tiêu cực về tình yêu và con người: Nếu tôi yếu đuối, tôi không nhất thiết sẽ bị tổn thương… Nếu tôi cố gắng giải thích, có thể người kia sẽ lắng nghe… Ta được an ủi để vứt bỏ những kịch bản từ thời thơ ấu rằng việc cố gắng thấu hiểu nhau là vô ích.
Thứ bảy, ta bắt đầu cảm nhận được nỗi đau của nhau. Một nhà trị liệu giỏi sẽ hỏi: Bạn cảm thấy thế nào khi nghe đối phương giải thích về việc họ cảm nhận thế nào khi bạn…? Từ đó, ta bắt đầu chăm sóc nhau hơn. Một ý tưởng kỳ diệu dần hé lộ: người kia không phải là kẻ thù của ta; họ – giống như ta – chỉ đang loay hoay tìm cách biểu đạt những nhu cầu chân thành và dễ tổn thương.
Liệu pháp dành cho các cặp đôi chính là lớp học dạy ta cách yêu thương. Vì xấu hổ khi không biết cách yêu, ta thường chờ đợi đến khi đã quá giận dữ hoặc tuyệt vọng mới bắt đầu hành động – và thường chỉ còn biết oán hận. Nhưng điều lạc quan và cũng lãng mạn nhất mà ta có thể làm trong tình yêu là thừa nhận rằng mình chưa biết cách yêu – nhưng rất mong muốn học, với một chút giúp đỡ.
Nguồn: WHAT WE MIGHT LEARN IN COUPLES THERAPY – The School Of Life