Những hệ lụy dài lâu khi có cha mẹ mắc bệnh tâm thần

nhung-he-luy-dai-lau-khi-co-cha-me-mac-benh-tam-than

Lo sợ, bất ổn, và hành trình đi tìm sự an toàn.

Tóm lược chính:

  • Gần một phần tư trẻ em trên toàn cầu lớn lên với ít nhất một phụ huynh mắc bệnh tâm thần.
  • Những đứa trẻ này có thể sống trong nỗi sợ hãi với cha mẹ mình, và nghiên cứu mới cho thấy rằng chúng luôn khao khát tìm kiếm sự an toàn.
  • Nhiều người trưởng thành từng có cha mẹ bị bệnh tâm thần đang giằng xé giữa trách nhiệm với cha mẹ và mong muốn hoàn thiện bản thân.

Ước tính đáng kinh ngạc: khoảng 23% trẻ em trên toàn thế giới lớn lên với ít nhất một người cha hoặc mẹ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Thế nhưng, chỉ trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu và chuyên gia mới bắt đầu chú ý đúng mức đến hiện tượng phổ biến này. Đối với một số trẻ, cuộc sống của chúng đầy rẫy nỗi sợ, sự khó đoán và một hành trình dài tìm kiếm sự an toàn. Chúng lớn lên với cảm giác bị bỏ mặc, và những vết thương vô hình chẳng ai thấy.

Lớn lên với cha mẹ mắc bệnh tâm thần tác động ra sao đến một người suốt cuộc đời? Đây là câu hỏi cốt lõi trong nghiên cứu của Deborah Metz và Johannes Jungbauer từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe và Tâm thần Xã hội ở Đức. Họ không chỉ quan tâm đến những gì trẻ em từng trải qua, mà còn đặc biệt muốn khám phá cách những đứa trẻ ngày nào, nay đã trưởng thành, nhìn nhận lại tuổi thơ của mình. Những trải nghiệm ấy, cùng với bóng tối của bệnh tâm thần từ cha mẹ, đã để lại dấu ấn sâu sắc trên con đường đời của họ như thế nào?

Để khám phá những tác động dài lâu của việc sống cùng cha mẹ mắc bệnh tâm thần, Metz và Jungbauer đã tìm đến và phỏng vấn 18 người tham gia.

Các đối tượng trong nghiên cứu ở độ tuổi từ 26 đến 64, gồm ba nam và mười lăm nữ. Trong số đó, có mười ba người lớn lên cùng mẹ mắc bệnh tâm thần, ba người có cha mắc bệnh, và hai người có cả cha lẫn mẹ đều không lành mạnh về tinh thần. Những chẩn đoán về bệnh của cha mẹ họ cũng rất đa dạng, từ tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn nhân cách ranh giới, cho đến nghiện rượu.

Mỗi người tham gia được hỏi một câu chung: “Tuổi thơ của bạn thế nào khi sống với một phụ huynh mắc bệnh tâm thần?” Từ đó, các nhà nghiên cứu tiếp tục đặt câu hỏi sâu hơn về hành trình cá nhân của từng người. Sau khi hoàn thành các buổi phỏng vấn, những câu chuyện được thu thập, phân tích và mã hóa.

Vậy Metz và Jungbauer đã tìm thấy gì? Những người tham gia chia sẻ rằng bệnh tâm thần của cha mẹ đã tác động sâu sắc đến sự phát triển và cuộc sống của họ. Dưới đây là một cái nhìn khái quát về những phát hiện từ nghiên cứu này.

Image: 1st footage/Shutterstock

1. Những trải nghiệm thời thơ ấu

Tất cả những người tham gia đều nhớ về thời thơ ấu của mình như một giai đoạn đầy căng thẳng và áp lực. Họ thường cảm thấy bất an, hoang mang vì không thể hiểu nổi những hành vi và cách cư xử của cha mẹ mắc bệnh tâm thần. Khi còn nhỏ, họ chưa đủ khả năng để lý giải căn bệnh và những “điều kỳ quặc” mà bệnh lý đó mang lại. Trong ngôi nhà của mình, họ có rất ít cảm giác an toàn và luôn bất lực trước những cơn giận dữ hay sự thay đổi thất thường của cha mẹ.

Cảm xúc cốt lõi mà tất cả người tham gia đều trải qua khi lớn lên là nỗi sợ hãi. Nhiều đứa trẻ sợ bị chia cắt với cha mẹ hoặc lo mất họ mãi mãi. Một người tham gia chia sẻ:

“Tôi luôn nghĩ rằng mẹ tôi có thể gặp tai nạn chết người, bị tấn công, hoặc biến mất không dấu vết. Bên cạnh đó, mẹ còn hay nhắc đến chuyện muốn kết thúc cuộc đời mình.” (Con gái 46 tuổi của một người mẹ mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới).

2. Phát triển trong tuổi vị thành niên

Khi những đứa trẻ này dần lớn lên, trở thành thiếu niên, áp lực từ căn bệnh tâm thần của cha mẹ vẫn tiếp tục đè nặng lên vai họ. Đặc biệt, nhiều người cảm thấy mình phải đóng vai trò “cha mẹ” cho chính cha mẹ mình. Họ chia sẻ cảm giác kiệt quệ trước trách nhiệm và gánh nặng của những đứa trẻ bị “đảo ngược vai trò,” điều này khiến họ cảm thấy cô đơn và bất lực.

Đáng chú ý, nhiều người tham gia trải qua mâu thuẫn giữa mong muốn tự lập và trách nhiệm với cha mẹ mắc bệnh. Một số người chọn ở gần nhà để có thể hỗ trợ cha mẹ khi cần, trong khi những người khác khao khát tự do và tìm cách rời đi, thường là để học lên cao hơn. Một người chia sẻ:
“Tôi thấy nhẹ nhõm vô cùng khi có cơ hội học nghề ở một thành phố mới, vì lần đầu tiên tôi có thể thoát khỏi bầu không khí ngột ngạt trong gia đình và cảm giác bị kỳ thị bởi những người xung quanh. Ở đó, chẳng ai biết quá khứ của tôi. Đó như một khởi đầu mới, một cơ hội mới cho cuộc đời tôi.” (Con gái 42 tuổi của một người mẹ mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế).

3. Những vấn đề cá nhân và gia đình trong giai đoạn trưởng thành

Không có gì ngạc nhiên khi những gánh nặng từ bệnh tâm thần của cha mẹ không hề tan biến khi những đứa trẻ ngày nào đã trưởng thành. Ngược lại, chúng đối mặt với những thử thách lớn hơn nữa khi vừa phải xử lý bệnh tình của cha mẹ, vừa phải xây dựng cuộc sống riêng của mình.

Đa phần người tham gia đều phải tìm cách cân bằng giữa trách nhiệm với cha mẹ và khát vọng hoàn thiện bản thân. Gánh nặng này trở nên nặng nề hơn khi cha mẹ họ rơi vào những giai đoạn bệnh tái phát nghiêm trọng. Một người tham gia chia sẻ:

“Khi tôi 36 tuổi, mẹ gọi cho tôi từ sáng sớm. Tôi lập tức nhận ra rằng mẹ lại rơi vào cơn hoang tưởng. Điều này đến quá đột ngột, tôi cảm thấy như mặt đất sụp dưới chân mình. Toàn bộ nỗi đau thời thơ ấu dội về như một đoàn tàu. Cảm giác đó thật kinh khủng, như một hồi tưởng sống động. Những ký ức đau buồn của tôi, mà tôi đã cố quên đi từ lâu, giờ đây trỗi dậy mãnh liệt. Những hình ảnh mà tôi đã chôn giấu trong đầu nay bỗng ùa về.” (Con gái 64 tuổi của một người mẹ mắc bệnh tâm thần phân liệt).

Nhiều người cảm thấy rằng, dù đã trưởng thành, họ vẫn không có quyền tự quyết cho cuộc sống của mình mà phải chăm sóc cha mẹ. Trong khi có người bày tỏ sự tức giận khi nhận ra những nhu cầu của họ lúc nhỏ không được đáp ứng, thì người khác lại cảm thấy yêu thương, thậm chí biết ơn cha mẹ mình, dù họ ốm đau.

Metz và Jungbauer kết thúc nghiên cứu của mình với một số khuyến nghị về các phương pháp trị liệu hữu ích cho những người trưởng thành đang đối mặt với bệnh tâm thần của cha mẹ – điều mà tôi sẽ chia sẻ thêm trong bài viết tiếp theo.

Tham khảo

“My Scars Remain Forever”: A Qualitative Study on Biographical Developments in Adult Children of Parents with Mental Illness. Deborah Metz and Johannes Jungbauer. Clinical Social Work Journal (2021) 49:64–76 https://doi.org/10.1007/s10615-019-00722-2

Nguồn: The Long-Lasting Effects of Having a Mentally Unwell Parent / Psychology Today

menu
menu