Những khuyết điểm của người khác

nhung-khuyet-diem-cua-nguoi-khac

Chúng ta, hầu hết, đều là những chuyên gia nghiêm túc và kiên định trong việc phát hiện lỗi lầm của người khác.

Chúng ta, hầu hết, đều là những chuyên gia nghiêm túc và kiên định trong việc phát hiện lỗi lầm của người khác. Chúng ta không bao giờ nương tay khi chỉ ra và ghi nhận những vấn đề của họ. Những khuyết điểm ấy khiến ta sục sôi, bực tức mỗi khi chạm mặt, và điều càng làm ta khó chịu hơn nữa là không tài nào hiểu nổi tại sao chúng lại tồn tại.

Hãy thử lấy một tờ giấy, đặt tiêu đề: "Những điều thực sự khiến tôi bực mình ở người khác". Chắc chắn, bạn sẽ không gặp khó khăn gì khi liệt kê một danh sách dài dằng dặc về những sai sót của bạn bè, người yêu, đồng nghiệp. Nếu muốn làm một danh sách tiêu biểu, chúng ta có thể bắt đầu như sau:

– N: quá trẻ con.
– Z: quá ám ảnh việc người khác nghĩ gì về mình.
– B: tự mãn và kiêu căng.
– T: yếu đuối, luôn chiều lòng người khác.
– S: lười biếng, thiếu nỗ lực.
– M: dễ mất bình tĩnh.

Edouard Vuillard, Roses in a Jar, 1905

Dù việc liệt kê này có vẻ mang lại đôi chút thú vị, chúng ta hãy thử tạm dừng lại một chút và đối mặt với một ý tưởng có vẻ kỳ cục, khó chịu và đi ngược với trực giác: nếu nhìn nhận một cách công bằng, thì mọi điều khiến ta bực bội ở người khác thực ra cũng tồn tại đâu đó trong chính bản thân ta. Những điều khiến ta khó chịu, giận dữ hay ghê tởm ở họ thực chất – không tránh khỏi – là những phần bị chối bỏ trong chính con người mình.

Chúng ta đều hiểu điều này ở tầm mức chính trị. Ta đủ khôn ngoan để biết rằng khi một nhóm người tấn công một nhóm khác và gán cho họ những tính từ như yếu đuối, độc ác, ngu ngốc hay tội lỗi, thì họ thực ra chỉ đang cố trốn chạy, thông qua những lời lăng mạ đầy tính phản chiếu, khỏi những gì họ không thể chấp nhận ở chính mình. Và chúng ta biết rõ điều này là thật, bởi không nhóm người nào thực sự độc quyền sở hữu những khuyết điểm đó; mọi điều bị gán ghép ấy, nếu công bằng, thực ra thuộc về toàn nhân loại.

Nhưng điều mà ta hiểu rất rõ ở cấp độ chính trị này lại dễ dàng bị lãng quên trong những mối quan hệ nơi công sở, giữa bạn bè, và – quan trọng hơn cả – trong cuộc sống thân mật, riêng tư. Dù ta chẳng có ý định đưa ai vào "trại cải tạo", ta vẫn không hề thấy điều gì sai trái khi buông ra những lời chỉ trích đầy tức giận về "sự hèn nhát" hay "thói háo danh", "lòng ghen tỵ" hay "khát khao được xã hội thừa nhận" của người khác – tin chắc rằng những đặc điểm này đã thần kỳ bỏ qua ta hoàn toàn.

Thực ra, hành vi này của ta bắt nguồn từ một nguyên nhân đầy xót xa: cơn giận dữ và sự khó chịu mà ta dành cho người khác chính là tấm gương phản chiếu lại cơn giận và sự khó chịu từng được dành cho ta – từ những người có quyền năng kiểm soát ta, rất lâu trước đây. Không chỉ phản chiếu khuyết điểm của người khác, ta còn vô thức lặp lại cách phản ứng – phán xét, lạnh lùng, đe dọa – mà ta từng nhận phải khi bị đối mặt với những khuyết điểm của chính mình.

Điều này không có nghĩa là ta phải từ bỏ niềm tin rằng những khuyết điểm như lười biếng, hèn nhát hay vị kỷ không tồn tại – chúng rõ ràng có và gây ra không ít vấn đề nghiêm trọng. Nhưng điều quan trọng là cách ta nhìn nhận và ứng xử với những khuyết điểm ấy kể từ đây.

Nếu có ý thức hơn, đôi lúc ta có thể nhẹ nhàng thừa nhận rằng chính ta cũng mang trong mình những tầng sâu của sự dại dột, ghen tỵ hay ích kỷ. Ta sẽ không cần phải phũ phàng đẩy bóng tối ấy lên người khác để trốn tránh nó.

Lần tới, khi bạn thấy mình bị ai đó làm phiền lòng, hãy thử tạm dừng, thở dài và dũng cảm tự hỏi: "Liệu có thể nào… khuyết điểm này cũng tồn tại đâu đó trong mình không?" Tất nhiên, điều này không khiến khuyết điểm ấy biến mất khỏi họ, nhưng nó sẽ giảm bớt cơn giận dữ, khó chịu trong ta. Ta sẽ trở nên bao dung hơn với những phần méo mó của người khác, bởi giờ đây ta đã học được cách mạnh mẽ và rộng lượng hơn với những góc khuất, gồ ghề trong chính con người mình.

Nguồn: THE MANY FAULTS OF OTHER PEOPLE - The School Of Life

menu
menu