Những lợi ích của việc ở nhà

nhung-loi-ich-cua-viec-o-nha

Nằm dài trên giường vào đêm khuya hay đứng chờ chuyến tàu chở khách về nhà, đôi lúc chúng ta mơ màng về những nơi mà ta nghĩ sẽ đẹp đẽ hơn, dễ chịu hơn để ở.

Nằm dài trên giường vào đêm khuya hay đứng chờ chuyến tàu chở khách về nhà, đôi lúc chúng ta mơ màng về những nơi mà ta nghĩ sẽ đẹp đẽ hơn, dễ chịu hơn để ở. Có thể đó là những bãi biển Goa bên bờ tây Ấn Độ, một nhà hàng nhỏ ven con kênh tĩnh lặng ở Venice, con đường cao tốc dọc Big Sur ở California, hay quần đảo Faroe nằm xa xôi phía bắc Scotland.

Khát khao được đi đây đi đó thường bắt nguồn từ một vài hình ảnh thoáng qua: vài tấm bưu thiếp tưởng tượng lướt qua tâm trí, gói gọn tất cả những gì ta cho là quyến rũ nhất của một điểm đến. Một chuyến đi dài hàng giờ đồng hồ, tốn kém đến mức ta phải chắt bóp, có khi lại được khơi mào bởi những hình ảnh đơn sơ, chưa hề được cân nhắc kỹ càng ấy.

Ta đi du lịch vì tin rằng, dĩ nhiên, thực tế của một cảnh sắc phải đẹp hơn nhiều so với những hình ảnh thoáng qua trong tâm trí mình. Nhưng có một điều về cách não bộ chúng ta vận hành mà ta nên hiểu rõ trước khi nhét đồ vào vali: hình ảnh trong trí tưởng tượng chỉ tồn tại trong khoảnh khắc. Chúng kéo dài, cùng lắm, được ba giây. Khi hình dung về một nơi, ta không nghĩ đến một đoạn phim sống động mà chỉ là một tấm ảnh – ngắn ngủi, và theo nhiều cách, dễ chịu hơn thực tế rất nhiều.

© Flickr/Evan Blaser

Thế nhưng, ta không thể chỉ dừng chân ở một nơi trong ba giây ngắn ngủi ấy. Chính thực tế đó có thể làm tan vỡ bao kỳ vọng đã đưa ta rời xa mái nhà. Ta đều hiểu rõ hiện tượng này qua trải nghiệm xem phim. Hãy thử tưởng tượng, trong một cảnh phim, màn hình tràn ngập hình ảnh đại dương mênh mông, sóng vỗ vào những vách đá gồ ghề. Ta có thể thở dài vì vẻ đẹp quá đỗi mê hoặc ấy. Nhưng nếu máy quay cứ dừng mãi nơi khung cảnh đó, chỉ trong vài chục giây, ta sẽ bồn chồn, mất kiên nhẫn. Một phút trôi qua, ta có thể bắt đầu khó chịu. Hai phút thôi, ta đã sẵn sàng đứng dậy bỏ ghế ra về.

Điều đó không phải vì ta hời hợt hay không biết trân trọng cái đẹp. Đơn giản là vì chúng ta hấp thụ vẻ đẹp rất nhanh, và sau đó lại muốn tiến lên, tìm kiếm điều khác. Vẻ đẹp, cũng như một câu chuyện cười xuất sắc: ta bật cười, nhưng không cần ai nhắc đi nhắc lại trò đùa ấy.

Những hình ảnh đẹp đẽ trong tâm trí đã đưa ta đến quyết định lên đường du lịch thật ra là những phiên bản đã được chỉnh sửa và cô đọng hơn rất nhiều so với những gì ta thực sự gặp phải ở điểm đến. Dĩ nhiên, ta sẽ nhìn thấy những hình ảnh ấy, nhưng ta cũng sẽ thấy rất nhiều thứ khác – những điều nhàm chán, khó chịu, thậm chí là thất vọng: hàng giờ đối mặt với chiếc ghế dính bẩn trên máy bay, phần gáy của tài xế taxi, bức tường cũ kỹ trong khách sạn giá rẻ, hay bức ảnh Marilyn Monroe treo lạc lõng trên tường một quán ăn địa phương…

Hơn nữa, luôn có một điều không thể tránh khỏi chen ngang giữa ta và điểm đến mà ta hằng mơ ước, một điều khiến toàn bộ mục đích của việc rời nhà trở nên vô nghĩa. Điều đó, chính là bản thân ta.

Dù không cố ý, nhưng ta luôn mang chính mình theo đến bất kỳ nơi nào. Điều đó đồng nghĩa với việc ta mang theo tất cả những gánh nặng tâm trí đã khiến ta chán nản hàng ngày: những lo âu, nuối tiếc, rối ren, cảm giác tội lỗi, cáu kỉnh và tuyệt vọng. Trong trí tưởng tượng, những nỗi niềm ấy không hề hiện diện. Nhưng khi đứng dưới chân một ngôi đền dát vàng hay trên đỉnh núi phủ đầy thông xanh, ta mới nhận ra rằng, chính bản thân mình – với tất cả những mớ cảm xúc hỗn độn – đang che mờ mọi khung cảnh trước mắt.

Ta làm hỏng chuyến đi của chính mình bằng chính thói quen bất hạnh ấy – mang theo bản thân đến nơi mà ta muốn tận hưởng.

Có một nghịch lý nửa bi, nửa hài diễn ra: mọi công sức ta bỏ ra để đưa cơ thể mình đến một nơi xa lạ chưa chắc đã đưa ta đến gần hơn với điều cốt lõi mà ta đang tìm kiếm. Như những gì mà các hãng hàng không, chuỗi khách sạn hay tạp chí du lịch không bao giờ nói với ta: khi mơ mộng về một điểm đến lý tưởng, có lẽ chính trong khoảnh khắc ấy, ta đã tận hưởng được điều tuyệt vời nhất mà nơi đó có thể mang lại.

Nguồn: THE ADVANTAGES OF STAYING AT HOME - The School Of Life

menu
menu