Những người có các cấp độ ý thức khác nhau nhìn cuộc đời ra sao 

nhung-nguoi-co-cac-cap-do-y-thuc-khac-nhau-nhin-cuoc-doi-ra-sao

Chúng ta sẽ trở thành người thế nào, và ta nhìn thấy điều gì, cả hai câu hỏi đó đều được quyết định bởi nhận thức. Có thể nói, nhận thức đơn giản là sáng tạo nên thế giới tri giác, trải nghiệm. 

Hãy tưởng tượng một người được gọi là “hành khất” đang đứng ở một góc phố: Tại một khu phố tân thời trong một thành phố lớn, có một ông già mang trên mình bộ quần áo tả tơi đang đứng đơn độc nơi góc phố. Ông tựa người vào phiến đá lát màu nâu đỏ ngoài mặt tiền một ngôi nhà thanh lịch. Hãy dùng góc nhìn của nhiều cấp độ ý thức khác nhau để quan sát ông, và lưu ý đến những khác biệt toát lên từ diện mạo của ông theo mỗi cấp độ. (Xem bài phân tích về các cấp độ ý thức ở đây)  

Nhìn từ đáy của thang, tại cấp độ 20 (Nhục nhã), người hành khất này trông thật bẩn thỉu, kinh tởm, và đáng hổ thẹn.

Nhìn từ cấp độ 30 (Dằn vặt), ông ta sẽ bị chỉ trích vì đã để bản thân rơi vào tình trạng này. Ông đáng bị như vậy; có lẽ ông là một kẻ lười nhác chuyên gian dối hòng hưởng tiền phúc lợi.

Nhìn từ cấp độ 50 (Tuyệt vọng), cảnh khốn cùng của ông toát lên vẻ tuyệt vọng, nó là bằng chứng cho thấy xã hội hoàn toàn bất lực trước vấn đề người vô gia cư.

Nhìn từ cấp độ 75 (Đau khổ), ông lão trông thật thảm hại, không bạn bè, hoàn toàn cô độc và trơ trọi. 

Nhìn từ cấp độ ý thức 100 (Sợ hãi), người hành khất nọ có thể bị nhìn nhận như một mối đe dọa, một kẻ gây nhiều phiền toái cho xã hội. Có lẽ nên gọi cảnh sát trước khi ông ta gây tội ác.

Nhìn từ cấp độ 125 (Khát khao), ông có thể đại diện cho một vấn đề nhức nhối − vì sao không ai chịu ra tay giải quyết vấn đề này?

Nhìn từ cấp độ 150 (Giận dữ), ông ta dường như là kẻ thích gây hấn; hoặc ngược lại, người quan sát sẽ nổi giận: vì sao lại tồn tại một tình trạng như vậy?

Nhìn từ cấp độ 175 (Kiêu hãnh), ông lão sẽ bị coi như một nỗi xấu hổ, hoặc một kẻ thiếu lòng tự trọng, không biết tự cải thiện bản thân.

Nhìn từ cấp độ 200 (Can đảm), ta bỗng muốn đi tìm một trại cư trú cho người vô gia cư; tất cả những gì ông lão cần là một việc làm và một nơi chốn để sinh sống. 

Nhìn từ cấp độ 250 (Trung dung), ông lão trông vẫn ổn, thậm chí còn có phần thú vị. Ta sẽ nhủ thầm, “Cứ sống và chấp nhận lẫn nhau thôi”; xét cho cùng, ông ấy chẳng làm hại ai.

Nhìn từ cấp độ 310 (Sẵn Sàng), có thể ta sẽ tiến lại gần người hành khất nọ để động viên tinh thần ông, hoặc tham gia tình nguyện với phái đoàn từ thiện địa phương.

Nhìn từ cấp độ 350 (Chấp nhận), ông lão lại khơi gợi trí tò mò. Có lẽ trong ông ẩn giấu một câu chuyện thú vị; ông đang hiện diện ở vị trí đó vì những lý do mà ta chẳng bao giờ hiểu được.

Nhìn từ cấp độ 400 (Lý trí), ông ta là triệu chứng của một bất ổn hiện thời về kinh tế và xã hội, hoặc có thể là đề tài hay ho cho một cuộc nghiên cứu tâm lý học sâu sát xứng đáng được chính phủ cấp vốn. 

Càng lên các cấp cao, ta càng thấy người hành khất nọ không chỉ toát lên vẻ thú vị mà trông còn thân thiện và thậm chí dễ mến. Biết đâu ta còn nhận thấy ông ta trên thực tế đã vượt khỏi các giới hạn xã hội để sống đời tự do tự tại − một ông lão vui tươi mang vẻ thông thái của tuổi tác và vẻ an yên của con người đã hoàn toàn bàng quan trước vật chất.

Nhìn từ cấp độ 600 (Bình an), ông là hình ảnh phản chiếu nội tâm ta theo sự biểu lộ tức thời của nó. 


Khi được tiếp cận, phản hồi của ông lão với mỗi cấp độ ý thức vừa phân tích ở trên cũng mỗi khác. Với người này ông cảm thấy an toàn, trong khi với kẻ khác, ông cảm thấy sợ hãi hoặc chán nản. Có người khiến ông vui vẻ, có kẻ lại làm ông tức giận, và vì thế, có người được ông hân hoan chào đón song có kẻ ông lại lánh xa. (Vì thế mới nói, thứ chúng ta gặp kỳ thực là một tấm gương.) 

Ví dụ trên đã phản ánh đầy đủ cách thức cấp độ ý thức của ta quyết định cái chúng ta nhìn thấy. Cũng chính xác không kém nếu nói, khi ta áp dụng hệ thống ý niệm này vào thực tại trước mắt thì cấp độ ý thức của ta tại thời điểm quan sát sẽ là căn cứ để dự báo phản ứng của ta trước thực tại ấy. Các sự kiện bên ngoài có thể tạo nên các điều kiện nhưng không quyết định cấp độ ý thức của sự hồi đáp của con người. Để minh họa, hãy xét một ví dụ phàm tục hơn, đó là hiện trạng của hệ thống hình phạt pháp lý hiện hành ở nước Mỹ. 

Dù bị đặt vào cùng một môi trường căng thẳng tột độ, song phản ứng của các tù nhân lại khác nhau một cách lạ thường tùy theo cấp độ ý thức của họ. Những tù nhân có ý thức ở cấp thấp nhất đôi khi tìm cách tự tử. Số khác bị rối loạn tâm thần hoặc dần mắc chứng hoang tưởng. Cũng trong hoàn cảnh ấy, một số tù nhân rơi vào tâm trạng chán nản, họ trở nên câm lặng và bỏ ăn. Hoặc có người lấy tay ôm đầu, cố giấu đi những giọt nước mắt tủi hổ. Trải nghiệm thường trực của họ là cảm giác sợ hãi, và cả sự phòng thủ đầy hoang tưởng. Trong cùng nhà tù ấy, những tù nhân có cấp độ năng lượng cao hơn trở nên thịnh nộ, bạo lực, dễ gây gổ và giết người. Sự kiêu hãnh hiện diện khắp nơi, dưới dạng một tay bặm trợn đang dương dương tự đắc và chiến đấu để ngoi lên vị trí thống trị. 

Đối nghịch với họ là những người tù có đủ dũng khí để đối mặt với sự thật, với nguyên nhân đã khiến họ rơi vào cảnh tù đày, họ bắt đầu ngẫm về đời sống nội tâm của mình một cách trung thực. Và luôn có một bộ phận tù nhân có khả năng vượt lên trên cảnh nguy khốn để cố gắng duy trì bồi dưỡng tinh thần thông qua sách báo. Những tù nhân có ý thức ở cấp độ Chấp nhận sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ và tham gia các nhóm hỗ trợ. Thi thoảng, người ta lại thấy có một tù nhân tìm niềm vui trong học tập, họ bắt đầu nghiên cứu sách vở trong thư viện nhà tù hoặc trở thành người cố vấn pháp lý cho các bạn tù (một vài cuốn sách chính trị có ảnh hưởng nhất trong lịch sử đã được viết sau chấn song nhà tù). Một số ít tù nhân trải qua một quá trình chuyển đổi ý thức, họ săn sóc cho bạn tù bằng tấm lòng nhân ái và hào hiệp. Và đã có trường hợp một tù nhân nhờ nhất quán với các trường năng lượng cao hơn mà dấn sâu vào con đường tâm linh, thậm chí còn chủ động hướng đến sự giác ngộ. 

Cách chúng ta phản ứng phụ thuộc vào thế giới mà ta dường như đang phản ứng lại. Chúng ta sẽ trở thành người thế nào, và ta nhìn thấy điều gì, cả hai câu hỏi đó đều được quyết định bởi nhận thức. Có thể nói, nhận thức đơn giản là sáng tạo nên thế giới tri giác, trải nghiệm. 

Có một điều thú vị đáng lưu ý là cấp độ ý thức của một người càng ở nấc thấp thì họ càng khó duy trì việc giao tiếp bằng mắt. Những người có ý thức ở cấp thấp nhất còn tránh hoàn toàn mọi tiếp xúc thị giác. Ngược lại, đặc trưng của những người ở các nấc thang cao hơn là cấp độ ý thức của họ càng cao thì họ có thể duy trì một ánh nhìn bất động sâu thẳm trong thời gian càng dài và cuối cùng là hầu như bất tận. Tất cả chúng ta đều biết đến những cú lườm đầy trách móc, cái nhìn trừng trừng giận dữ thù địch, và ngược lại, cả đôi mắt thơ ngây mở to không chớp. Sức mạnh và nhận thức luôn đi đôi với nhau. 

Vậy nhận thức hoạt động ra sao? Cơ chế của nó như thế nào? Các quan sát thông thường cho thấy nhận thức là độc đáo và riêng biệt tùy theo chủ quan. Chẳng hạn, hãy lấy một phiên tòa giả định vốn rất quen thuộc trong giới học luật làm ví dụ. Trong những phiên tòa như vậy, cùng một sự kiện qua lời mô tả của các nhân chứng khác nhau lại hiện lên theo những cách vô cùng khác nhau. Cơ chế của nhận thức giống như cách vận hành của rạp chiếu phim, trong đó máy chiếu ở đây là bản thân ý thức. Các hình dạng xuất hiện trên nhũ tương của phim là các mô thức năng lượng điểm hút, còn những tấm ảnh động trên màn hình là thế giới mà chúng ta nhận biết và gọi là “thực tại”. Có thể nói, các hình dạng xuất hiện trên phim là các trường điểm hút ABC trong tâm trí, còn những bức ảnh động trên màn hình là A → B → C, chúng được quan sát dưới dạng một thế giới đầy các hiện tượng. 

Giản đồ này cung cấp cho ta một mô hình nhằm làm rõ hơn bản chất của quan hệ nhân quả vốn là thứ xảy ra ở cấp độ phim mà không xảy ra ở cấp độ màn hình. Bởi vì thế giới có thói quen áp dụng các nỗ lực của nó vào màn hình cuộc sống ở cấp độ A → B → C, nên những nỗ lực này đều vô ích và tốn kém. Quan hệ nhân quả bắt nguồn từ các mô thức điểm hút của các cấp năng lượng, các ABC của các hình dạng in dấu trên tấm phim tâm trí, tấm phim này sau đó được chiếu rọi bằng ánh sáng của ý thức. 

Bản chất của dòng ý thức, các mô thức tư duy, nhận thức, cảm giác, và ký ức của dòng ý thức, đều là hệ quả của việc ý thức bị trường năng lượng điểm hút lôi cuốn và thống trị. Cần nhớ rằng sự thống trị này là kết quả của ý chí. Nó không bị áp đặt mà là kết quả của những lựa chọn, niềm tin, và mục tiêu của bản thân mỗi người. 

Khi ta ưng thuận để cho nó thống trị tức là ta đồng bộ hóa với một mô thức trường năng lượng. Mô thức trường năng lượng này bao hàm một số kiểu xử lý cụ thể và tác động tới tất cả các quyết định của ta theo bộ giá trị và ý nghĩa đi kèm với nó. Thứ có vẻ là quan trọng và thú vị từ góc nhìn của cấp độ này có thể trở nên tẻ nhạt hoặc thậm chí ghê tởm đối với góc nhìn ở cấp độ khác; chân lý mang tính chủ quan. Có thể xem đó là một thực tế đáng sợ. Việc vị thế của khoa học hiện nay được nâng cao tới mức trở thành một thứ kim chỉ nam bất khả nhầm lẫn là biểu hiện cho thấy có một niềm thôi thúc đầy bất an nào đó đã khiến ta cảm thấy “ở ngoài kia” có một loại thế giới khách quan mà ta có thể dự đoán ở tầm phổ quát và có thể đo đạc − một thế giới mà ta có thể thực sự tin cậy. 

Nhưng trong quá trình vượt lên trên các biến dạng nhận thức đậm màu cảm xúc, bản thân khoa học lại tạo ra một biến dạng nhận thức khác do tính hạn chế của những tham số của nó. Để nghiên cứu dữ kiện, khoa học nhất thiết phải tách nó ra khỏi bối cảnh, nhưng rốt cục, chỉ có bối cảnh mới tạo nên toàn bộ tầm quan trọng, giá trị, hoặc ý nghĩa của dữ kiện. Khám phá cuối cùng mà khoa học đạt tới nhờ vật lý lý thuyết cao cấp cũng có thể được đạt tới trong bất kỳ lĩnh vực kiến thức có tổ chức nào của con người. Càng phân tích cấu trúc của những thứ được cho là đang tồn tại “ở ngoài kia” chi tiết bao nhiêu, người ta sẽ càng khám phá thấy thứ họ đang nghiên cứu trên thực tế là bản chất của quá trình phức tạp của cái ý thức vốn kỳ thực xuất phát từ bên trong họ. Thực ra, “ở ngoài kia” chẳng có gì khác ngoài bản thân ý thức. Nói cách khác, khuynh hướng tin tưởng mà ta vẫn đi theo theo thói quen là một ảo ảnh căn bản, một sự hư ảo của tâm trí con người có xu hướng luôn xem chủ thể phù du của nó là “của ta”

Xét một cách khách quan, có thể nhận thấy rằng các ý nghĩ thực sự thuộc về ý thức của thế giới; tâm trí cá nhân chỉ đơn thuần xử lý chúng trong những cách kết hợp và hoán vị mới. Thứ dường như là những ý nghĩ nguyên thủy thực sự chỉ xuất hiện thông qua nhịp cầu trung gian là thiên tài, và trong mọi trường hợp, các tác giả của chúng cảm nhận rồi phát hiện ra chúng hoặc đem trao chúng đi, chứ không phải sáng tạo nên chúng. Có lẽ mỗi chúng ta là duy nhất, giống như không có hai bông tuyết nào giống hệt nhau; tuy nhiên, chúng ta vẫn chỉ là những bông tuyết. 

Tất cả chúng ta đều thừa hưởng điều kiện con người của tâm trí từ lúc mới chào đời − cuộc chào đời mà ta dường như không cầu xin được hưởng. Muốn vượt ra ngoài những giới hạn của tâm trí, cần phải thoát khỏi sự cai trị của nó, phải phế truất nó khỏi ngôi vị kẻ phán xét thực tại độc nhất. Cái hư ảo của tâm trí tùy nghi định đoạt tính xác thực của thước phim cuộc sống mà nó ngẫu nhiên trông thấy; xét về bản chất, mục tiêu lớn nhất của tâm trí là nhằm thuyết phục chúng ta rằng chỉ cách nhìn nhận duy nhất của nó về trải nghiệm mới là cách nhìn nhận xác thực. Mỗi cá nhân đều âm thầm cảm thấy rằng trải nghiệm của họ về thế giới là trải nghiệm đúng và chính xác duy nhất. 

Trong phần thảo luận về các cấp độ ý thức, chúng tôi có lưu ý rằng một trong những mặt trái của Kiêu hãnh là phủ nhận. Mọi tâm trí đều phủ nhận nhằm bảo vệ cái được cho là “sự đúng đắn” của nó. Động thái này sinh ra tính cố định và sự kháng cự trước thay đổi, từ đó khiến cho ý thức trung bình khó có thể tiến xa hơn năm điểm trong suốt một kiếp sống. Trước những bước nhảy vọt lớn trong cấp độ ý thức luôn diễn ra sự quy thuận của cái ảo tưởng “Tôi biết”. Thông thường, một người chỉ có thể đạt tới trạng thái sẵn sàng thay đổi này khi họ đã “chạm đáy”, tức khi một tiến trình hành động đã được huy động tới mức tối đa mà vẫn không cứu vãn nổi thế bại trận của một hệ thống niềm tin vô ích. Ánh sáng không thể lọt vào một cái hộp kín; mặt tốt của thảm kịch là nó có thể giúp người ta mở lòng đón nhận một cấp độ nhận thức cao hơn. Nếu ta xem cuộc sống như một người thầy, thì quả nhiên nó sẽ dạy ta nhiều điều. Còn nếu ta không thể nhờ lòng khiêm tốn mà biến những bài học đau đớn trong cuộc sống thành cánh cổng đưa ta đến sự tăng trưởng và phát triển, thì tức là ta đã phung phí những bài học ấy. 

Ta chứng kiến, quan sát, rồi ghi nhớ quá trình của các trải nghiệm đang hiển hiện rõ rệt trước mắt. Nhưng ngay cả trong bản thân nhận thức cũng không có điều gì thực sự xảy ra. Nhận thức chỉ đơn thuần ghi lại điều đang được trải nghiệm mà không hề tác động lên nó. Nhận thức là một trường điểm hút mang sức mạnh vô biên, bao hàm tất cả, và giống hệt như bản thân sự sống. Không một điều gì tâm trí tin tưởng mà không trở thành sai lầm dưới góc nhìn của nhận thức cấp cao hơn. 

Tâm trí đồng nhất với cái mà nó dung nạp. Nó chấp nhận mọi lời khen chê đối với điều mà nó tin tưởng, bởi vì đối với sự hư ảo của tâm trí, sẽ là cả một sự hạ mình khi phải thừa nhận rằng việc duy nhất mà nó đang làm là trải nghiệm, và trên thực tế, nó chỉ đang trải nghiệm bản thân việc trải nghiệm. Tâm trí thậm chí cũng không trải nghiệm thế giới, mà chỉ trải nghiệm những bản tường thuật bằng giác quan về thế giới. Ngay cả những ý nghĩ thông minh nhất và những cảm xúc sâu sắc nhất cũng chỉ là những trải nghiệm; về cơ bản, chúng ta chỉ có duy nhất một chức năng, đó là trải nghiệm việc trải nghiệm. 

Giới hạn chủ yếu của ý thức là sự ngây thơ của nó. Ý thức rất cả tin; nó tin vào mọi thứ nó nghe thấy. Ý thức giống như phần cứng − nó sẽ chạy bất kỳ phần mềm nào bạn nạp cho nó. Chúng ta không bao giờ đánh mất sự thơ ngây bẩm sinh trong ý thức của bản thân mình; sự thơ ngây ấy tồn tại dai dẳng, chất phác và cả tin, hệt như một đứa trẻ dễ bị tác động. “Thần hộ mệnh” duy nhất của nó là một nhận thức thấu suốt luôn nghiên cứu kỹ lưỡng chương trình đầu vào. 

Có một nhận xét được đúc rút qua nhiều thời đại, đó là việc thuần túy quan sát tâm trí có xu hướng làm gia tăng cấp độ nhận thức. Một tâm trí bị quan sát sẽ trở nên khiêm nhường hơn và bắt đầu dừng tự cho nó là toàn tri, từ đó mới có thể xuất hiện sự trưởng thành trong nhận thức. Đến cùng khiêm nhường sẽ là năng lực tự trào và khả năng dần vượt thoát khỏi tâm thế là nạn nhân của tâm trí để từng bước trở thành chủ nhân của nó. Bộ tranh chăn trâu nổi tiếng của Thiền Tông minh họa rõ nét cho quá trình này. 

Xuất phát từ ý nghĩ ta “là” tâm trí của ta, chúng ta bắt đầu nhận thấy mình “có” tâm trí và chính tâm trí là thứ mang ý nghĩ, niềm tin, cảm giác, và quan điểm. Cuối cùng, ta có thể đi đến chỗ hiểu rằng tất cả ý nghĩ của ta chỉ đơn thuần được vay mượn từ cơ sở dữ liệu khổng lồ của ý thức, và trước hết, chúng chưa bao giờ thực sự thuộc về ta. Những hệ thống tư duy chiếm ưu thế được tiếp nhận, hấp thu, đồng cảm, và cuối cùng đến một thời điểm thích hợp nào đó sẽ bị những ý tưởng được ưa chuộng mới thế chỗ. Khi ta bớt đề cao giá trị của những ý niệm nhất thời kiểu này, chúng sẽ không còn năng lực thống trị ta, dần dà, ta sẽ trải nghiệm sự tự do ngày một lớn của tâm trí và vượt thoát khỏi tâm trí. Kết cục, đến một thời điểm chín muồi nhất định, sự tự do và độc lập này sẽ chuyển thành một nguồn vui mới; niềm vui từ bản thân sự tồn tại sẽ ngày một hoàn chỉnh, tương ứng với quá trình một người nhích dần lên trên thang ý thức.


Trích từ cuốn sách Power Vs Force - Trường Năng Lượng Và Những Nhân Tố Quyết Định Tinh Thần Và Sức Khỏe Con Người của tác giả David R.Hawkins

Đặt sách Tiki: https://bitly.com.vn/daeuB

menu
menu