Những người con gái không được yêu thương và nỗi đau bị mẹ bỏ rơi

“Bà ấy tin chắc rằng việc rời bỏ chúng tôi là hoàn toàn đúng đắn.”
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
- Trong tất cả những điều cấm kỵ xoay quanh tình mẫu tử, người mẹ tự tay rời bỏ con mình có lẽ là chủ đề ít khi được nhắc đến nhất.
- Cảm giác bị bỏ rơi có thể đến từ sự thờ ơ về mặt cảm xúc, cái chết của mẹ, bị đem cho làm con nuôi, hoặc việc người mẹ thật sự quay lưng ra đi.
- Việc mẹ rời bỏ con thường bị lặng lẽ gạt đi trong những gia đình đang chật vật thích nghi với một “bình thường mới.”
Những “huyền thoại về người mẹ”, rằng tất cả phụ nữ đều biết yêu thương, rằng làm mẹ là bản năng, rằng tình mẫu tử luôn vô điều kiện, vẫn đứng canh nơi cánh cửa văn hóa, nơi ta giấu kín những điều cấm kỵ và bí mật.
Suốt hơn một thập kỷ viết về những điều bị giấu nhẹm ấy, tôi dần nhận ra rằng những bí mật này giống như những con búp bê Nga lồng vào nhau hơn là những chiếc hộp đen biệt lập. Ẩn dụ ấy thật đúng, bởi búp bê lớn nhất là hình ảnh bên ngoài của người mẹ, và cái tên matryoshka trong tiếng Nga bắt nguồn từ tiếng Latin mater, nghĩa là “người mẹ.” Bên trong lớp vỏ mẹ ấy là những con búp bê nhỏ dần, mỗi con giấu một bí mật, cho đến khi chạm tới lớp nhỏ nhất, nơi ta thấy điều sâu kín nhất, tổn thương nhất.
Trong những lớp búp bê ấy, nỗi đau bị mẹ bỏ rơi là một trong những bí mật sâu kín nhất. Dù xuất hiện dưới hình thức nào, nó cũng để lại những vết thương, và càng tàn phá hơn khi việc bỏ rơi trở nên cụ thể, rõ ràng. Nỗi đau này kéo theo một cơn lũ cảm xúc, nhiều khi trái ngược: nỗi nhớ và khao khát, giận dữ và oán trách, cảm giác tội lỗi và xấu hổ, tất cả hòa quyện và dày vò.
Những hình thức của việc bị mẹ bỏ rơi
1. Bỏ rơi về mặt cảm xúc hoặc bị thờ ơ
Chúng ta bắt đầu từ điều phổ biến nhất, sự bỏ rơi về mặt cảm xúc. Nó vừa thật lại vừa không, bởi người mẹ vẫn hiện diện, nhưng giống như một mặt trời xa lạ, lạnh lẽo, để đứa con gái khao khát tình yêu cứ xoay vòng mà không bao giờ được sưởi ấm.
Khi lớn lên trong vòng tay của một người mẹ hờ hững, thậm chí là làm ngơ hoàn toàn, đứa trẻ không hề có nền tảng cho lòng tự trọng. Trong đầu con trẻ dần hình thành một ý nghĩ đáng buồn: rằng việc bị mẹ “bỏ mặc” là điều hợp lý, là lỗi của chính mình.
Những cô gái ấy lớn lên thường mang theo kiểu gắn bó không an toàn, dễ bất an hoặc lo sợ trong các mối quan hệ gần gũi. Một số thậm chí học cách tự ngắt kết nối cảm xúc với chính mình và người khác – và lối sống ấy theo họ sang cả tuổi trưởng thành.
2. Cái chết của người mẹ
Những cô con gái mất mẹ khi còn nhỏ, trong tuổi thiếu niên hay giai đoạn thanh xuân, thường miêu tả cảm giác của mình như một nỗi bỏ rơi – dù mẹ không hề lựa chọn điều đó.
Như Hope Edelman đã nhấn mạnh trong cuốn sách kinh điển Motherless Daughters, sự ra đi của người mẹ đồng nghĩa với sự kết thúc của gia đình xưa cũ và chấm dứt luôn cuộc sống mà người con từng có khi mẹ còn sống.
Mẹ của Suzy qua đời khi cô mới 9 tuổi. Và trong suốt nhiều năm sau đó, cảm xúc mạnh mẽ nhất của cô không phải là đau buồn, mà là một cơn giận dữ dữ dội, vì mẹ đã để cô lại trong tay cha mình. Hai năm sau, cha Suzy tái hôn với một người phụ nữ đầy kiểm soát, luôn cố chứng tỏ rằng bà là người mẹ tốt hơn người mẹ đã khuất.
Suzy chia sẻ:
“Ý kiến của tôi không quan trọng. Bà ấy luôn ra lệnh và cho rằng mình là người có quyền quyết định. Tôi không thể nổi giận với bà ấy khi còn sống dưới mái nhà của cha, bởi ông coi bà như ân nhân, như một cơ hội làm lại từ đầu. Ông gần như giao phó hết vai trò làm cha cho bà ấy. Thế là tôi cứ âm ỉ giận dữ… với một bóng ma – người mẹ đã khuất – suốt nhiều năm trời. Mãi cho đến khi tôi bắt đầu trị liệu. Điều đó đã cứu rỗi cuộc đời tôi.”
3. Bị đem cho làm con nuôi
Dù quyết định này đôi khi bắt nguồn từ sự hy sinh hay hoàn cảnh bắt buộc, thì với nhiều người con gái, nó vẫn mang theo cảm giác bị từ chối, bị ruồng bỏ, đặc biệt là khi người mẹ nuôi lại không hề yêu thương, luôn giữ khoảng cách, hoặc lạnh lùng thờ ơ.
Tôi sẽ dành một bài viết riêng để nói về hành trình cảm xúc đầy phức tạp của những người con gái được nhận nuôi, bởi đây là một chủ đề vô cùng nhạy cảm và sâu sắc, không thể gói gọn trong vài dòng.
4. Bỏ rơi theo đúng nghĩa đen
Và rồi, có một điều rất thật, rất lớn lao, khó có thể né tránh: Khi một người mẹ tự mình bước ra khỏi cuộc đời của con. Tôi phải thú thật ngay từ đầu rằng tôi có những phản ứng rất mãnh liệt với những người phụ nữ một sáng thức dậy, chợt thấy cuộc sống này không phải điều họ mong muốn, và thế là họ bỏ lại đứa con hay những đứa con mà đi. Cá nhân tôi từng biết ba người phụ nữ như thế, giờ đây, cả ba đều đã nối lại liên lạc ở mức độ nào đó với những đứa con nay đã trưởng thành, nhưng tôi không cảm nổi chút đồng cảm nào dành cho họ. Thật lạ, giữa hàng ngàn từ tôi từng viết về những người mẹ, đây là lần đầu tiên tôi chạm đến đề tài này. Có những con búp bê matryoshka mà ta chỉ muốn lảng tránh, và có lẽ, đây chính là con búp bê của tôi.
Không rõ có bao nhiêu phụ nữ đã rời bỏ con mình. Tiếc thay, số liệu thống kê đáng tin cậy lại phụ thuộc vào câu hỏi được đặt ra, mà đây lại không phải là câu thường được hỏi; khảo sát thì chỉ chú trọng vào dữ kiện. Tại Mỹ, ta biết rằng trong năm 1968, 85% trẻ em sống với cả cha lẫn mẹ, bất kể họ có kết hôn hay không; nhưng đến năm 2020, con số ấy chỉ còn 70%. Năm 1968, chỉ có 11% trẻ sống với mẹ mà không có cha, nhưng đến 2020, tỷ lệ này đã tăng lên 21%.
Số trẻ sống chỉ với cha tuy vẫn còn ít, nhưng đã tăng gấp bốn lần trong 50 năm, từ 1% lên 4,5%. Tuy nhiên, ta không rõ vì sao những người cha này lại là người nuôi con; có thể người mẹ đã mất quyền nuôi, đã qua đời, hoặc đã bỏ đi. Số trẻ không sống với bất kỳ cha mẹ nào cũng tăng nhẹ, từ 3% lên 4% trong suốt nửa thế kỷ. Nhưng hơn một nửa trong số đó (55%) sống cùng ông bà.
Những con số này cho ta thấy rằng người làm mẹ đang phải chịu nhiều áp lực hơn bao giờ hết, và rằng một cuộc đối thoại sâu sắc về việc làm mẹ, về cả những thất bại lẫn thành công, cần được đặt lên hàng đầu.
Chuyện gì xảy ra khi người mẹ ra đi
Dựa trên những bản khảo sát mà độc giả gửi về, thì mọi điều tồi tệ đều xảy ra. Hoảng loạn. Nước mắt. Đau đớn tột cùng. Xấu hổ. Tội lỗi. Khi đọc những câu trả lời ấy, tôi có cảm giác như mình đang được mời bước vào một căn phòng tối, nơi một đứa trẻ bị bỏ mặc để vật lộn với cơn lũ cảm xúc, thường là trong đơn độc.
Sự xấu hổ bao trùm cả gia đình vang vọng trong từng lời kể. Người cha ở lại cùng ba đứa con, cố gắng gượng sống tiếp, nhưng tuyệt nhiên không hé môi về chuyện đã xảy ra; đây dường như là cách nhiều người cha chọn để đối mặt, và cũng là điều được nhắc đến trong hồi ký Mảnh Ghép Của Mẹ Tôi của Melissa Cistero. Có ông bố dọn dẹp sạch sẽ mọi dấu vết, xóa sạch hình ảnh người mẹ khỏi căn nhà bằng cách vứt đi mọi tấm ảnh. Có người bà nội khi nghe lũ trẻ bảo rằng chúng nhớ mẹ, thì lạnh lùng nói: “Người ta không thể nhớ điều mình chưa từng có.” Với một đứa trẻ, việc mẹ bỏ đi là biến cố làm thay đổi cả cuộc đời.
Gillian, giờ đã 40 tuổi, mới chỉ tám tuổi còn em trai mới lên năm khi mẹ cô bỏ đi:
“Mẹ đóng gói hành lý và lái xe đi lúc tôi đang ở trường, để mặc bố tự xoay xở và nghĩ ra lời giải thích với tụi tôi. Ông lắp bắp gì đó về chuyện mẹ cần tìm lại chính mình, rồi chấm dứt câu chuyện; ông từ chối nói thêm lời nào. Tôi hỏi liệu mẹ có quay về không, ông bảo không biết. Tôi hỏi mẹ bỏ đi có phải vì tôi không, ông bảo không, nhưng rồi lại nói điều gì đó như việc làm mẹ không giống như mẹ từng tưởng tượng. Tôi không nghĩ ông hiểu được câu đó đã chạm vào tôi thế nào, và suốt nhiều năm sau, tôi cứ dằn vặt bản thân, cố nhớ xem mình đã làm gì khiến mẹ phải ra đi. Tôi cảm thấy kinh khủng về chính mình.”
Vài tuần sau khi rời đi, mẹ cô gọi điện và bảo rằng Gillian là một cô bé mạnh mẽ, nên “đừng để chuyện này ảnh hưởng quá nhiều.” Bà nói bà sẽ chuyển đến Louisiana và sẽ nộp đơn ly hôn. Xin nhớ rằng, bà đang nói điều đó với một đứa bé tám tuổi.
Bà vẫn gửi bưu thiếp, thỉnh thoảng gọi điện, kể cho Gillian nghe những điều trong cuộc sống mới: bà có công việc tốt, có bạn bè mới, đã gặp một người đàn ông mà bà sẽ kết hôn sau khi ly dị hoàn tất. Rồi bà lại rời Louisiana, chuyển đến Vermont. Bà gửi quà sinh nhật, quà Giáng sinh, nhưng phải đến ba năm sau bà mới gặp lại các con; khi đó Gillian mười một tuổi, và mẹ cô đến đón cô cùng em trai để đi chơi vài ngày cùng người cha dượng mà cả hai chưa từng gặp mặt. Ký ức của Gillian khiến ta phải suy ngẫm:
“Điều khiến tôi choáng váng và cho đến nay vẫn vậy, là bà ấy hoàn toàn tin rằng mình có lý do chính đáng khi rời bỏ chúng tôi. Khi tôi chất vấn, bà chỉ đáp rằng đó không phải chuyện to tát gì, và rằng khi trưởng thành, tôi sẽ hiểu bà cần sống đúng với nhu cầu của chính mình. Hơn nữa, bà lúc nào cũng bảo rằng tôi đã ở trong tay người tốt là bố, và rằng cả hai chị em tôi đều lớn lên ổn cả. Nhưng tôi đã phải đi trị liệu tâm lý nhiều lần suốt hơn hai mươi năm nay, nên chuyện đó còn phải bàn. Em trai tôi thì gặp đủ vấn đề, đặc biệt là việc kiểm soát cơn giận, và chẳng hề là một người hạnh phúc. Giờ khi tôi đã làm mẹ, những gì bà đã làm với chúng tôi không hề bớt tàn nhẫn hay khó hiểu hơn so với ngày xưa. Tôi đặt ra ranh giới rất rõ ràng và giữ mối quan hệ giới hạn với bà vì tôi không muốn con mình gần gũi với một người như vậy. Bà không phải là người đáng tin. Và tin nổi không, bà lại còn than phiền rằng tôi lạnh nhạt với bà nữa chứ.”
Tác động sâu sắc nhưng thường bị lãng quên
Ít nhất là từ những câu chuyện được kể lại, người lớn, người còn ở lại để nuôi nấng đứa trẻ, thường cố gắng làm cho mọi chuyện có vẻ “bình thường” hơn, nhưng đáng buồn thay, điều đó lại vô tình làm giảm đi sức nặng cảm xúc của sự việc. Không một đứa trẻ nào trong số những người trưởng thành mà tôi từng phỏng vấn từng được đưa đến gặp chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tư vấn sau khi bị mẹ bỏ rơi. Là một xã hội, chúng ta dường như không biết cách đối diện với nỗi đau, đặc biệt là nỗi đau của một đứa trẻ. Trong bài tiếp theo, tôi sẽ đi sâu vào những ảnh hưởng cảm xúc của việc này.
Tác giả: Peg Streep
Nguồn: Unloved Daughters and the Pain of Maternal Abandonment | Psychology Today