Những người mẹ không yêu thương và quyền lực của sự bài trừ

nhung-nguoi-me-khong-yeu-thuong-va-quyen-luc-cua-su-bai-tru

Những công cụ mà họ sử dụng – cả hữu hình lẫn biểu tượng – để lại một di sản dai dẳng.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

  • Dù văn hóa vẫn rao giảng điều ngược lại, nhiều bậc cha mẹ thật sự có con cưng con ghét. Người mẹ yêu thương con sẽ cố gắng hết sức để tránh điều đó; người mẹ không yêu thương thì không bận tâm.
  • Việc phân biệt đối xử giữa các con, dù là vì lý do gì, đều gây tổn thương tinh thần và cảm xúc sâu sắc cho đứa trẻ.
  • Các bậc cha mẹ (cả cha lẫn mẹ) thường hay viện cớ, hợp lý hóa, thậm chí phủ nhận hành vi thiên vị, nhưng hậu quả tiêu cực với đứa trẻ thì lại rất rõ ràng.

Chúng ta thích nghĩ rằng cha mẹ yêu thương các con một cách công bằng, nhưng sự thật là việc “thiên vị” phổ biến đến mức các nhà tâm lý học còn đặt cho nó một cái tên trang trọng: Parental Differential Treatment (PDT) – Sự Đối Xử Khác Biệt Từ Phía Cha Mẹ. Một số nguyên nhân dẫn đến PDT có vẻ vô hại hơn những cái khác, ví dụ như cái gọi là “Sự phù hợp tự nhiên”. Khi tính cách hoặc đặc điểm giữa cha mẹ và con cái tương đồng, việc nuôi dạy sẽ suôn sẻ hơn. Ngược lại, nếu khác biệt nhiều, quá trình đó sẽ trở nên khó khăn.

Ví dụ mà tôi thường đưa ra là một người mẹ hướng nội, cần nhiều thời gian ở một mình và không giỏi kiểm soát cảm xúc. Đứa con đầu của bà cũng trầm lặng, nội tâm, nên việc chăm sóc không quá khó. Nhưng đứa con thứ lại hoạt bát, hiếu động, cần kỷ luật rõ ràng và một kiểu nuôi dạy năng động – điều này đi ngược lại bản năng của bà mẹ. Dù nguyên nhân cho sự thiên vị có thể hiểu được, nhưng điều đó không làm giảm đi mức độ tổn thương mà nó gây ra cho đứa trẻ. Vì vậy, một người mẹ có tình thương thực sự sẽ cố gắng dập tắt sự thiên vị từ trong trứng nước. Còn người mẹ không yêu thương thì mặc kệ.

Jenna, 53 tuổi, kể lại câu chuyện của mình:

“Trong gia đình tôi, em gái tôi nhỏ hơn tôi ba tuổi, là đứa con cưng. Lý do mẹ tôi đưa ra thay đổi theo năm tháng: lúc thì vì em là con út, lúc thì vì em cần được quan tâm nhiều hơn. Khi tôi khoảng 10 tuổi và bắt đầu phàn nàn, mẹ nói rằng tôi mạnh mẽ và độc lập nên không cần để ý. Nghe thì như lời khen – 'Jenna là đứa con mạnh mẽ', nhưng chẳng khiến tôi thấy khá hơn. Suốt thời thơ ấu, em tôi luôn được nhận những món quà, sự ưu tiên mà tôi thì không. Rồi khi trưởng thành, bố mẹ giúp đỡ em tôi đủ thứ còn tôi thì cứ loay hoay một mình. Điều đó đầu độc mối quan hệ giữa tôi và em gái, và thành thật mà nói, cũng khiến tình cảm giữa tôi với cả bố mẹ bị tổn hại nghiêm trọng.”

Đứa trẻ bị loại ra ngoài

Trong một số gia đình, sự thiên vị không chỉ là cảm giác mà còn trở thành một “quy tắc ngầm”, đứa trẻ được yêu mến trở thành “đứa con ngoan”, còn đứa bị ghét thì bị gán mác là “khó bảo”, “vấn đề” và dần dần bị gạt ra ngoài lề. Nhiều đứa trẻ còn trở thành vật tế thần – bị đổ lỗi cho mọi điều không ổn trong gia đình. Như nhà nghiên cứu Gary Gemmill từng chỉ ra, việc gán ai đó làm vật tế thần giúp cha mẹ tự huyễn hoặc rằng gia đình mình vốn rất ổn, chỉ vì có “Billy” hay “Suzy” mà mới rối ren như vậy thôi.

Gillian, nay đã 40 tuổi, từng là vật tế thần trong gia đình mình:

“Chị gái và anh trai tôi thì làm gì cũng đúng, còn tôi thì luôn sai. Trong mắt mẹ tôi, tôi là một ‘tai nạn’, người khiến bà không thể quay lại làm việc, khiến gia đình đã nghèo lại càng khốn đốn, khiến bà trở nên béo. Tôi là cái cớ cho mọi thất bại, là gánh nặng không ai muốn mang, và tôi đã tin như vậy suốt nhiều năm. Mãi đến khi cô giáo dạy Văn hỏi tại sao tôi học kém mà tôi vô tình buột miệng nói ra mọi chuyện. Cô đưa tôi đến gặp tư vấn viên. Cuộc sống ở nhà không khá hơn, nhưng tôi dần nhận ra cái cách mẹ nhìn tôi là một sự méo mó, không phải sự thật. Đại học giúp tôi tạo khoảng cách với gia đình. Tôi bắt đầu trị liệu, một phao cứu sinh đúng nghĩa. Bây giờ, mối liên hệ giữa tôi và gia đình chỉ còn là vài tin nhắn, đôi khi gọi điện, và rất nhiều khoảng cách.”

Câu chuyện Jenna được nghe, rằng cô độc lập đến mức không cần được quan tâm, thật ra lại là điều phổ biến trong các cuộc phỏng vấn mà tôi đã thực hiện cho Daughter Detox và cuốn sách sắp tới của tôi về bạo hành bằng lời nói. Không phải những người mẹ này thẳng thừng nói ra kiểu như “Mẹ không ưa con đâu”, mà thường họ sẽ khẳng định hành vi của mình là hợp lý: “Từ năm con năm tuổi là con đã chẳng cần mẹ chăm sóc nữa rồi”. Hoặc họ đổ lỗi ngược lại: “Từ nhỏ con đã không thích được ôm ấp nên mẹ không làm thế nữa”, hay “Mẹ buộc phải nghiêm khắc với con vì chỉ có cách đó mới khiến con nghe lời”. Có khi, họ đưa ra lý do tưởng chừng hợp lý cho cách cư xử của mình: “Nếu mẹ không phê bình, con sẽ trở nên tự cao tự đại”, hoặc “Con vốn lười biếng nên mẹ buộc phải đe dọa để con chịu làm việc”. Và còn nhiều biến tấu khác của cùng một thông điệp.

Sự thật buồn là kiểu tương tác này lại mang đến cho những người mẹ thiếu yêu thương ấy cảm giác về quyền lực và sự kiểm soát mà họ vốn không có được trong những lĩnh vực khác của cuộc sống. Điều này càng rõ nét ở những phụ nữ vốn bất an, dễ xung đột, có nhu cầu kiểm soát cao, hoặc mang nhiều đặc điểm ái kỷ.

Photograph by Shivko Minkov. Copyright free. Unsplash

Những hình thức bài trừ ngầm ẩn

Những cử chỉ biểu tượng tuy kín đáo hơn, lại phổ biến trong những gia đình mà sự phân biệt đối xử là điều mặc nhiên, không cần đến việc đổ lỗi hay công khai bài trừ. Sự ủng hộ dành cho một đứa con và sự phủ nhận dành cho đứa con còn lại, như trong câu chuyện của Jenna, diễn ra không hiếm. Nó có thể bộc lộ rõ nhất qua chuyện quà cáp: đứa con được cưng chiều thì nhận quà quý giá, còn đứa con bị ghẻ lạnh thì nhận được món quà phản ánh “giá trị thấp kém” của mình trong mắt cha mẹ.

Đôi khi, khi hành vi này kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, chính là lúc đứa con trưởng thành từng bị loại trừ bỗng “thức tỉnh”. Trường hợp của James, 50 tuổi, là một ví dụ như thế:

“Mẹ tôi lúc nào cũng có con cưng, mà chị gái tôi thì như công chúa vậy. Năm 18 tuổi, chị được tặng xe, còn tôi thì phải đi làm thêm và tự dành dụm. Cả hai bố mẹ đều nói con gái thì ít cơ hội, cần được chăm sóc hơn. Mà rồi cái người ‘yếu đuối’ đó sau này lại trở thành luật sư, cũng như tôi thôi. Quà tặng vẫn chẳng khác gì: chị tôi được bố mẹ cho tiền đặt cọc mua nhà, tôi thì nhận đôi tất. Được thôi, tôi cố cắn răng mà sống tiếp. Nhưng cú sốc thật sự đến vào dịp Giáng Sinh năm đó, khi con tôi lúc đó 5 và 7 tuổi, cùng tụ tập với con chị tôi, 6 và 8 tuổi, dưới gốc cây thông. Các cháu họ nhận được xe đạp xịn và quà lớn, còn con tôi thì mỗi đứa được một cái áo thun. Hết. Tôi phản đối thì bị nói là vô ơn và hỗn láo. Vợ tôi liền gom đồ, nắm tay tôi, gọi các con và cả nhà cùng rời đi. Mẹ tôi thì nghĩ rằng bà là nạn nhân của đứa con trai tham lam. Còn tôi thì nghĩ: bà sẽ không bao giờ được quyền làm các con tôi cảm thấy thua kém, như bà đã từng làm với tôi.”

“Cái tát từ nơi chín suối”

Đây là cụm từ tôi đặt ra sau khi nghe quá nhiều câu chuyện về những đứa con bị gạt ra ngoài lề sau khi cha mẹ qua đời. Nghe khó tin nhưng có thật, thường là con gái, đã tận tâm chăm sóc người mẹ ốm yếu lúc tuổi già, để rồi phát hiện mình bị gạch tên khỏi di chúc. Có cô con gái kia, cha mất trước, trong di chúc còn ghi rõ là ông muốn con gái được chia phần tài sản. Thế mà sau đó, người mẹ đã quyết định để lại tất cả cho đứa con còn lại.

Mẹ luôn nắm quyền lực với con cái, dù ta không muốn thừa nhận điều đó. Và ở đâu có quyền lực, ở đó luôn có khả năng lạm dụng.

Tác giả: Peg Streep

Nguồn:  Unloving Mothers and the Power of Exclusion | Psychology Today

menu
menu