Rèn luyện khả năng sáng tạo bằng 5 cách … Nhàm chán

ren-luyen-kha-nang-sang-tao-bang-5-cach-nham-chan

Về mặt định nghĩa, sáng tạo trái ngược hoàn toàn với nhàm chán. Một thứ được gọi là sáng tạo khi chưa từng xuất hiện trước đây và khiến chúng ta cảm thấy ngạc nhiên hay phấn khích.

Về mặt định nghĩa, sáng tạo trái ngược hoàn toàn với nhàm chán. Một thứ được gọi là sáng tạo khi chưa từng xuất hiện trước đây và khiến chúng ta cảm thấy ngạc nhiên hay phấn khích.

Có ý kiến cho rằng người làm sáng tạo cực kỳ thú vị và công việc sáng tạo luôn đầy ắp cái mới. Bí quyết để sáng tạo chắc chắn là không được nhàm chán. Nhận định này càng trở nên vững chắc nếu bạn nhìn vào các thiên tài của thế giới. Igor Stravinsky, một trong những nhà soạn nhạc có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, tin rằng mình chỉ có cảm hứng để viết nhạc khi làm động tác trồng cây chuối.

“Nhàm chán” là từ ít ai dùng để mô tả những bậc thầy sáng tạo trên thế giới. Tuy nhiên, lịch sử và khoa học đã chỉ ra rằng quá trình sáng tạo thực tế lại khá nhàm chán. Nó là sự lặp lại nên bất kỳ ai cũng có thể thực hành và trở nên sáng tạo hơn.

Sáng Tạo Là Gì?

Sáng tạo là sự pha trộn tinh tế giữa mới lạ và giá trị. Một thứ sáng tạo sẽ vừa mới mẻ vừa hữu ích theo cách nào đó. Bạn có thể nghĩ sáng tạo là làm ra thứ gì đó độc đáo, nhưng thực tế không phải vậy. Thứ chúng ta cho là "mới" đơn giản chỉ là những cái có sẵn được phối lại theo cách đột phá hơn.

Ví dụ, hợp âm bài hát "Canon in D" của nhà soạn nhạc thế kỷ 17 Johann Pachelbel đã được làm mới lại hàng trăm lần với các nhạc cụ hiện đại để tạo ra rất nhiều bài hát nổi tiếng trong vài thập kỷ qua.

Hầu hết các bộ phim hoặc sách đều dựa trên những cốt truyện cũ và thêm một số tình tiết mới. Ví dụ, một trong những lý do khiến bộ phim Breaking Bad (Mỹ) thành công là vì nó kể câu chuyện quen thuộc về việc buôn bán ma túy và thay thế nhân vật chính bằng một người da trắng thuộc tầng lớp trung lưu. Chỉ cần thay đổi một yếu tố đã khiến câu chuyện trở nên mới lạ.

Các nhà nghiên cứu gọi đây là “tư duy phân nhánh” (divergent thinking). Lối tư duy này hiệu quả khi phải sáng tạo, tìm lời giải cho một vấn đề mới (bao gồm cả vấn đề cũ nhưng ở trong hoàn cảnh mới). Hãy tự hỏi bản thân: "Làm thế nào để thay đổi một cái cũ và khiến nó mới hơn?"

Rất khó để tạo ra điều gì đó mới mà vẫn có giá trị. Nó đòi hỏi rất nhiều thử nghiệm và sai lầm, lắng nghe phản hồi, mài dũa và hoàn thiện qua nhiều năm. Nhưng đó lại là khởi nguồn của sự sáng tạo miệt mài. Đằng sau mỗi bản giao hưởng nổi tiếng hoặc thiết bị công nghệ hiện đại nhất có thể là hàng trăm ý tưởng thất bại. Để có một bản hit, người ca sĩ cũng phải thu âm và bỏ đi rất nhiều bài hát khác. Đối với mỗi bước đột phá khoa học, đã có hàng trăm lý thuyết được chứng minh là sai.

Sáng tạo là làm việc chăm chỉ. Giống như tất cả các công việc khác, sự sáng tạo tối ưu đòi hỏi một mức độ luyện tập thường xuyên, lặp lại và có thể trở nên nhàm chán. Đây là một kỹ năng và bạn có thể luyện tập để hoàn thiện. Dưới đây là 5 cách nhàm chán nhưng lại rất hiệu quả để rèn luyện kỹ năng này.

  1. Tập trung vào công việc thay vì những cảm hứng hào nhoáng

Lý thuyết chọn lọc tự nhiên của Charles Darwin đã ra đời từ hơn 160 năm trước và vẫn được coi là một trong những ý tưởng sáng tạo nhất trong lịch sử khoa học. Tuy nhiên, cách Darwin chứng minh được nó lại khá nhàm chán. Ông đã nghiên cứu hàng nghìn loài thực vật và động vật khác nhau trên nhiều lục địa trong vài thập kỷ. Darwin ghi chép, vẽ tranh, đi du lịch khắp nơi, nói chuyện với người dân địa phương và các nhà khoa học khác, sau đó viết nhật ký về những gì mình nhìn thấy.

Ông đã hoàn thiện lý thuyết chọn lọc tự nhiên sau nhiều năm âm thầm nghiên cứu. Ngay cả khi nó gần như đã hình thành, ông vẫn suy nghĩ thêm cho thấu đáo. Darwin đã trao đổi thư từ với các nhà khoa học khác để nhận phản hồi của họ. Sau đó, ông dành nhiều năm để hoàn thành và xuất bản nghiên cứu nổi tiếng nhất của mình mang tên “On the Origin of Species”. Tóm lại, Darwin đã dành hơn 20 năm cuộc đời để nghiên cứu chọn lọc tự nhiên.

Nhiều người cho rằng thành tựu này đến với ông một cách tình cờ trong khi Darwin phải nhấn mạnh rất nhiều lần về công sức mình bỏ ra để nghiên cứu. Thái độ “im lặng và tập trung làm việc” (shut up and get to work) dường như được áp dụng bởi hầu hết những người sáng tạo vĩ đại nhất. Bí quyết thành công của nhà văn Stephen King theo ông chỉ đơn giản là viết 3.000 từ mỗi ngày, sau đó xóa đi những đoạn chưa xuất sắc.

Ý tưởng sáng tạo từ trên trời rơi xuống như Isaac Newton là cực kỳ hiếm. Cảm hứng chỉ xảy ra trong quá trình làm việc, như nghệ sĩ vẽ chân dung nổi tiếng Chuck Close đã nói: “Cảm hứng dành cho những người nghiệp dư, trong khi những người khác cứ bắt tay vào làm việc. Mọi ý tưởng tuyệt vời mà tôi từng có đều bắt nguồn từ chính công việc".  

Những người sáng tạo không tìm thời gian để sáng tạo ‒ họ dành thời gian để sáng tạo. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các thiên tài có một điểm chung lớn nhất: làm việc nhiều và lâu hơn hầu hết mọi người.

- Mozart và Beethoven đã sáng tác hơn 600 bản nhạc (tính riêng mỗi người). Đa số những nhạc sĩ cùng thời sáng tác ít hơn 100 bản nhạc trong sự nghiệp.

- Picasso đã tạo ra rất nhiều tác phẩm mà các học giả nghệ thuật thậm chí không thể đếm hết. Một số người ước tính rằng ông đã tạo ra hơn 50.000 tác phẩm. Hầu hết các nghệ sĩ chuyên nghiệp khác chỉ sản xuất nhiều nhất là vài trăm đến vài nghìn.

- Mark Twain đã viết 22 tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, hàng chục cuốn sách phi hư cấu, hồi ký và châm biếm, một tập thơ và một cuốn tự truyện. Tổng cộng, ông đã xuất bản gần 80 cuốn sách trong vòng chưa đầy 50 năm, một con số đáng kinh ngạc đối với bất kỳ tác giả nào.

Lịch sử và bộ não con người có xu hướng ghi nhớ những gì vĩ đại và quên đi phần còn lại. Chúng ta hay giả định rằng người như Twain hay Picasso sẽ dễ dàng tạo ra một tác phẩm xuất sắc, trong khi thực tế là họ đã cố gắng suốt nhiều thập kỷ. Như Einstein từng nói: "Không phải tôi quá thông minh, tôi chỉ bỏ thời gian để suy nghĩ về các vấn đề lâu hơn".

  1. Làm những việc “bình thường”

Ernest Hemingway có lẽ là một trong những nhà văn Mỹ được yêu thích nhất. Phong cách viết của ông đã được rất nhiều người bắt chước. Mọi người yêu thích hình ảnh Hemingway đánh chữ trong một ngôi nhà gỗ tối tăm ở Cuba vào lúc nửa đêm bên cạnh chai rượu rum. Nhưng đó chỉ là việc nhà văn làm vào cuối đời, không phải phần lớn sự nghiệp viết lách của ông.

Hemingway từng là một phóng viên báo chí ở Kansas trước khi đến mặt trận Ý trong Thế chiến thứ Nhất để làm tài xế xe cứu thương. Sau chiến tranh, ông là phóng viên cho một số ấn phẩm tin tức và điều này đã hỗ trợ nhà văn rất nhiều trong việc viết các tác phẩm nổi tiếng nhất. Nói một cách khác: Hemingway có một công việc vào ban ngày trong phần lớn sự nghiệp văn chương của mình.

Internet khiến bạn tin rằng những công việc ổn định, nhàm chán sẽ giết chết sự sáng tạo. Nhưng trong nhiều trường hợp, những công việc đó mang lại nguồn thu nhập để người làm sáng tạo yên tâm theo đuổi ước mơ của mình.

  1. Kết bạn với sự buồn chán

Có thể bạn không tin, nhưng cách để bớt nhàm chán và trở nên sáng tạo hơn lại chính là… làm quen với sự nhàm chán đó. Nhà triết học Platon đã viết rằng sự buồn chán là nguồn gốc của mọi phát minh.

Khi cảm thấy nhàm chán và không còn việc gì khác để làm, bạn nhận ra mình có quyền quyết định cuộc sống trong thời điểm đó. Suy nghĩ này có thể rất đáng sợ và khiến bạn trở nên lo lắng. Nhưng trong một môi trường thích hợp, chính sự chán nản và lo lắng đó đã thúc đẩy bạn sáng tạo.

Hãy tưởng tượng bạn cần viết một quyển sách hoặc một đoạn quảng cáo. Môi trường nào sẽ hiệu quả hơn, nói có đầy đủ các thiết bị công nghệ dễ làm bạn sao lãng hay một căn phòng chỉ có giấy bút, laptop để bạn thật sự tập trung suy nghĩ?

  1. Học hỏi từ những người sáng tạo nhất trong lĩnh vực của mình

“Người nghệ sĩ giỏi sẽ sao chép, người nghệ sĩ tuyệt vời sẽ ăn cắp” (Picasso). Sẽ không có gì thật sự mới mẻ và những nghệ sĩ vĩ đại hiểu điều đó. Sáng tạo không phải là một phát minh, mà là sự tái tạo.

Quá trình sáng tạo bắt đầu bằng việc đắm mình trong lĩnh vực mà bạn quan tâm. Bạn phải nghiên cứu và hiểu những thứ nào có giá trị để bắt chước trước khi tạo nên điều gì đó mới lạ hơn. Nhạc sĩ học hỏi từ các bài hát của người khác. Nhà văn đọc sách của những nhà văn khác và cố gắng thực hành cách viết hay. Các doanh nhân sao chép một mô hình kinh doanh đã thành công và điều chỉnh nó cho phù hợp.

Điều này đặt nền tảng cho phần còn lại của quá trình sáng tạo: tạo ra tác phẩm mới khi đã có kiến ​​thức và kinh nghiệm. Lấy ví dụ Steve Jobs. Thực tế, ông không phát minh ra máy tính cá nhân, smartphones, tablets hay MP3 mà chỉ tối ưu để chúng trở nên vượt trội hơn.

Hãy tìm những người bạn muốn cạnh tranh và bắt chước họ. Bạn có thể nhận một công việc hoặc thực tập với người có nhiều kinh nghiệm hơn. Chúng ta học hỏi phong cách của người khác trước, sau đó chọn lọc và điều chỉnh để tạo nên dấu ấn riêng.

  1. Đầu tư vào ý tưởng: Mua đáy bán đỉnh 

Mặc dù sáng tạo và đầu tư không có nhiều liên quan nhưng quy tắc mua đáy bán đỉnh chắc chắn sẽ rất có ích cho bạn. Khi thực hiện bất kỳ hình thức đầu tư tài chính nào, mục tiêu của bạn là mua với giá thấp nhất có thể và bán với giá cao nhất nhằm bỏ túi phần chênh lệch.

Nghệ thuật có rất nhiều điểm tương đồng với cổ phiếu bị định giá thấp. Ban đầu, khi nghe đến một ý tưởng mới lạ, nhiều người sẽ cười và cho rằng nó lố bịch, kỳ quặc, không cần thiết hoặc đơn giản là ngu ngốc. Ở đây, nghệ sĩ “mua” ý tưởng với giá trị thấp, sau đó tìm cách tân trang và biến nó thành thứ được đánh giá cao hơn. Ví dụ, Bill Gates tạo ra phần mềm đơn giản và phổ biến để mọi người thấy máy tính cá nhân là thứ rất thiết thực.

5 cách trên đây hy vọng đã mang đến cái nhìn khác và có thể giúp bạn cải thiện khả năng sáng tạo.

 

Nguồn tham khảo:  

https://markmanson.net/boring-ways-to-become-more-creative

P/s: Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa.

https://www.facebook.com/diengia.trandangkhoa/photos/a.10158645740797733/10159071899732733

menu
menu